You are here

Hồng Đăng

Hồng Đăng
Chuyên ngành: 
Bút danh: 
Hồng Đăng
Năm sinh: 
1936
Chức danh: 
Hội viên
Địa chỉ: 
Sinh hoạt tại: 

Hồng Đăng - Chuyên ngành sáng tác

Ông là Phan Hồng Đăng, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1936. Quê tại Yên Thành, Nghệ An. Nguyên là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 4, khóa 5, khóa 6 (1989-2005), nguyên Tổng biên tập Tạp chí “Âm nhạc” và “Thế giới âm nhạc”, nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc gia Thập kỷ phát triển văn hóa quốc tế. Ông còn là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Giao lưu Văn hóa Việt - Nhật.

Ông sáng tác từ những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước, thời kỳ còn là học sinh kháng chiến ở Khu IV (ca khúc Nắng về Tây Bắc , Nhớ ơn Cụ Hồ , Đời học sinh ). Sau hòa bình lập lại, về Hà Nội, ông học lớp Sáng tác đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông viết nhiều ca khúc nổi tiếng: Đường đi có nắng mặt trời , Quà tháng năm (lời viết cùng Thế Bảo), Giữa mùa sa nhân , Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn (lời viết cùng Nguyễn Liệu)... cùng với một số tác phẩm khí nhạc. Ông đã viết nhiều tác phẩm quy mô từ rất sớm. Năm 1960, ông viết hợp xướng Lửa rực cháy (phỏng thơ Tố Hữu). Năm 1964, viết thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm reo hát (kịch bản Dương Viết Á, Đoàn Ca Múa Hà Nội trình diễn năm 1964, chỉ huy Nguyễn Hữu Hiếu). Năm 1968, viết hợp xướng Trận địa gang thép . Năm 1972, viết hợp xướng 5 chương Đêm lửa Trường Sơn , hợp xướng Câu chuyện Việt Nam (Đài Tiếng nói Việt Nam, 1976)... Nhiều nhạc phẩm nhạc không lời của ông đã được biểu diễn và phát trên làn sóng phát thanh như: tứ tấu đàn dây Nắng quê hương (1960), violoncelle và piano Ước mơ tuổi trẻ (1958), concerto piano Rừng Tây Nguyên (1960)...

Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực và đều để lại những dấu ấn không nhỏ trong mỗi lĩnh vực ông đã tham gia. Ông vừa giảng dạy nhiều học sinh thanh đạt xuất sắc, vừa sáng tác thanh nhạc, vừa sáng tác khí nhạc,vừa viết sách, vừa làm báo, vừa tham gia làm phim... Không những thế, ông còn làm Tổng biên tập tạp chí “Âm nhạc” từ năm 1989, sau đó là tạp chí “Thế giới âm nhạc” năm 1996. Đặc biệt trong hơn 70 tác phẩm âm nhạc viết cho phim (ông là một trong những nhạc sĩ đầu tiên được mời gia nhập Hội Điện ảnh Việt Nam), có nhiều bài hát ông viết trong phim sau này trở thành những ca khúc độc lập nổi tiếng: Hoa sữa , Người mẹ và thành phố biển , Lênh đênh , Biển hát chiều nay , Không gian xanh , Nỗi nhớ đêm đại dương , Đảo xa , Biển và cô gái tôi chưa quen ... cùng đồng hành mấy chục năm trời cùng với Đường về hoàng hôn , Kỷ niệm thành phố tuổi thơ , Người sông Hương , Ký ức đêm ... Ông có khoảng hơn một ngàn ca khúc và hơn mười cuốn sách, trong đó có 4 cuốn sách giáo khoa âm nhạc: 70 bài xướng âm (Nxb. Âm nhạc, 1962), Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng (Nxb. Âm nhạc, 1968, tái bản năm 1978, lấy tên là Các nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng ), 200 bài xướng âm cơ bản (DIHAVINA, 1973).

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc và nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế và địa phương về âm nhạc. Ông được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt I (2001), với cụm tác phẩm: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng 5, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, hợp xướng Lửa rực chỏy.