You are here

Về những bài thơ phổ nhạc của Phạm Thiên Thư

Tác giả: 
Nguyễn Duyên

Một buổi sáng tháng 7, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Quốc Nam ở quận 8, đến quán cà phê Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư chơi (nằm trên đường Hồng Lĩnh - Quận 10 - TPHCM). Trước 1975 tôi đã mê những bài hát của Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư nghe rất nhẹ nhàng, thanh thoát, an nhiên như đưa ta vào cõi Phật…!

Cơ duyên nào đưa nhà thơ gặp được nhạc sĩ Phạm Duy?

Ông cho biết vào khoảng năm 1971, Phạm Duy trong một lần vào bệnh viện thăm người anh kết nghĩa đang nằm điều trị, tình cờ gặp ông  lúc đó là một nhà sư trẻ tên Tuệ Không, hai người trao đổi với nhau về đạo pháp “và chúng tôi đã yêu mến nhau ngay” (như lời Phạm Duy nói). Nhà thơ Phạm Thiên Thư lúc đó đã nổi tiếng với các bài thơ tình. Sự gặp gỡ nầy, thi sĩ cho rằng đó là cuộc gặp giữa ngọn núi và đám mây! Sau đó cả hai gần như gặp nhau hằng ngày để tâm sự. Thi sĩ đã trao cho Phạm Duy bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị và nhạc sĩ đã phổ ngay bài hát qua giọng ca Thái Thanh đã được giới trẻ đón nhận một cách nồng nhiệt:

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Anh theo Ngọ về
Gót giầy lặng lẽ đường quê…

Bài hát nói về một người bạn gái của Phạm Thiên Thư, một mối tình trong trắng lãng đãng ngày xưa ở một vùng quê nào đó trong kí ức tác giả, người con gái tên Hoàng Thị Ngọ.

Tiếp đó thi sĩ đưa thêm một bài thơ Em lễ chùa nầy mà Phạm Duy rất tâm đắc vì nói về một ngôi chùa cổ ở miền Bắc là nơi thời niên thiếu ông hay ra chơi nhìn những cặp tình nhân hẹn hò tâm sự:

Đầu mùa xuân cùng nhau đi lễ
Lễ chùa nầy vườn nắng tung bay
Và ngàn lau vàng mầu khép nép
Bãi sông bay một con bướm đẹp

Mùa hạ, mùa thu rồi mùa đông… cùng em đi lễ với lò hương làn trầm nghi ngút, với cảnh đẹp tựa trong tranh có nắng tung bay, có ngàn lau vàng màu khép nép. Nhưng than ôi em yêu đã chết, anh tiễn em trong áo quan này:

Mộ của em mộ vừa mới đắp
Có con chim nào hót trên cây
………………………………
Rồi từ đây vườn chùa thanh vắng
Đến thăm em ngày tháng qua mau
Một nụ mai vừa nở trong nắng
Hỡi em ơi mây đã qua cầu…

Sau đó Phạm Thiên Thư đưa cho nhạc sĩ một tập thơ mới xem như là một trường thi Đưa em tìm động hoa vàng gồm mấy trăm câu thơ, Phạm Duy đã rút ra một số câu để phổ thành bài hát rất hay mang tư tưởng thoát tục thanh thản cõi trần:

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Đưa nhau ra tới bên đồi Dạ lan
………………………………
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé cũng đành thế thôi…
Nhớ xưa em chửa theo chồng
Mùa đông may áo, áo hồng đào rơi
Mùa thu (em) mặc áo da trời
Sang đông lại khoác trên mình áo hoa

Lúc đó tình hình chiến tranh lên cao, Phạm Duy đã lớn tuổi cũng muốn tìm con đường an nhiên tĩnh tại nên yêu cầu nhà thơ làm những bài thơ về đạo pháp – do đó hai người cùng nhau hợp tác thực hiện mười bài Đạo ca - đổi phong cách sáng tác, một phong cách sáng tác mới gây sự chú ý cho mọi người thời đó – (cho đến nay tôi cũng chưa thấy ai sáng tác theo khuynh hướng kiểu nầy). Theo nhà thơ Đạo ở đây không có nghĩa là tôn giáo thuần tuý mà là con đường dẫn ta về sự thật, đi tìm chân lí. Đạo ca 1, tựa đề Pháp Thân là khởi cuộc đi tìm chân lí, vũ trụ được bày ra toàn thể, một tương duyên mật thiết không còn bờ vực hữu hạn:

Xưa em làm kiếp ao ưu tư mùa cuối hạ
Anh làm chim bói cá đậu soi mấy mùa trăng
Xưa em là chữ biếc nằm giữa lòng cuốn kinh
Anh là thiền sư buồn ngồi tụng dưới ánh trăng…

Đạo ca 3 Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng đưa ra một hình ảnh người dũng sĩ cưỡi ngựa vàng đi tìm người yêu muôn thuở (đi cho đến áo bào sờn rách mà vẫn không tìm ra người yêu lí tưởng. Thế rồi một ngày kia chàng mệt mỏi dừng chân lại bên cầu thì ngựa vàng bỗng hoá thành người đẹp mà dũng sĩ cất công đi tìm (ám chỉ sự thật trước mắt mà ta không biết). Đây là một đoạn rất hay trong bài hát:

Mùa đông rồi tới hoa bay trước đời
Rừng mai nở mãi trông như nét cười của ai.. ai ơi!
Ngoài sông gầm gió, trên sông bắc cầu
Cùng con ngựa quý qua sông lúc nào
Chợt con ngựa cũ thân yêu hoá thành người yêu…

Và hình ảnh người mẹ đau khổ tìm con trên đỉnh đồi lan trắng đậm nét Phật giáo trong bài Quán Thế âm (đạo ca 4). Trong đau khổ riêng ta đã nghe chung nỗi đau của nhân loại:

Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng
Có bà mẹ đi tìm con trong động hang lan vàng
Có bà mẹ đi tìm con bên bờ sông lam tím
Có bà mẹ đi tìm con trong thung lũng cỏ hoang…

Bài Tâm Xuân (đạo ca 10) là con đường trở về thiên nhiên, về nguồn cội, mùa hồi sinh của tạo vật, sự bừng sống mãnh liệt của tâm linh:

Mùa xuân có không? Hay là cõi Tâm?
Mùa xuân có không? Hay là cõi Không?
Về nguồn về cội! Về nguồn về cội!
Để rồi vươn tới với lòng mênh mông…

Những bài thơ hay của Phạm Thiên Thư thì không còn gì để bàn nữa đối với người yêu thơ. Nhưng đối với âm nhạc đó là sự hoà phối tuyệt diệu giữa thi ca và âm nhạc của hai tên tuổi lớn trong làng văn nghệ Sài Gòn vào thập niên 1970 và mãi sau nầy còn để lại lòng người yêu nhạc bao ngẩn ngơ…!?

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.