You are here

Trại sáng tác ca khúc phát triển dân ca Nghệ Tĩnh

Tác giả: 
Thanh Nhã

Từ ngày 5 đến 30 tháng 12 năm 2016, tại thành phố Hà Tĩnh, Hội nhạc sĩ Việt Nam; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh; Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Hà Tĩnh; Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh; Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức “Trại sáng tác Âm nhạc, ca khúc phát triển dân ca Nghệ tĩnh và dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”. Trại sáng tác là hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh – Di sản vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tới dự Lễ khai mạc và giao lưu nghệ thuật có lãnh đạo các cơ quan ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh: ông Đặng Quốc Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; ông Hoàng Trung Dũng - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tình; ông Bùi Xuân Thập – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh; ông Phan Trung Hiếu – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh; nhạc sĩ Ngọc Thịnh – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Hà Tĩnh; nhà văn Đức Ban – Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân của Nghệ An và Hà Tĩnh…

Về phía Hội nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam – Chủ tịch Hội nhạc sĩ VN; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội, các nhạc sĩ nổi tiếng, nhà văn, nhà thơ từ Hà Nội vào tham dự.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã phát biểu tại Lễ khai mạc và có những chia sẻ sâu sắc: “Rất vinh dự cho Hội nhạc sĩ Việt Nam hôm nay, đã có những lãnh đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành của Hội, cùng các nhạc sĩ nổi tiếng của đất nước đã về đây tham dự Trại sáng tác ca khúc phát triển trên chất liệu của dân ca Nghệ tĩnh và chất liệu của Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đây là một hoạt động nghệ thuật mang ý nghĩa quan trọng trong khi nền văn học nghệ thuật của chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới và hưởng ứng những chủ trương của Đảng của Nhà nước về phát triển Văn học nghệ thuật bền vững, hưởng ứng thiết thực Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trong giai đoạn mới.

Đến với trại sáng tác lần này, chúng ta được hiểu rằng, đây không chỉ là sinh hoạt có tính chất nghề nghiệp của các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ… mà đây thực sự là tấm lòng, là sự đồng cảm, sự quyết tâm, trăn trở của các văn nghệ sĩ ở trong đời sống văn hóa hiện nay để làm sao có được cái đích cuối cùng là có được nhiều tác phẩm tốt, hay, mang tính đổi mới, sáng tạo, đồng thời có sức sống lâu bền trong lòng công chúng và sống mãi với thời gian. Đòi hỏi sự lao động tìm tòi và sự sáng tạo không ngừng, ngọn nguồn của những tác phẩm sống mãi với thời gian là sự thấm đẫm những giai điệu dân ca, thấm đẫm nguồn văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy việc chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, cùng với các ban ngành để phát động một đợt sáng tác, mở một trại sáng tác với chủ trương phát triển dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Ví, Giặm Hà Tĩnh là rất kịp thời. Trong giai đoạn hiện nay chúng ta đứng trước rất nhiều những thử thách khó khăn, trước sự lựa chọn con đường phát triển để xây dựng một nền văn hóa thực sự dân tộc đậm đà bản sắc tiên tiến sánh kịp thời đại và hội nhập cao, chúng ta không chỉ nói đến sự phát triển cục bộ, dựa trên những di sản của cha ông mà làm nên những giá trị văn hóa chất lượng mang tính toàn cầu, vượt ra khỏi biên giới của một địa phương, của một quốc gia, đến với đông đảo công chúng. Để có được điều đó, điều đầu tiên phải ghi nhận sức sáng tạo của những cá thể, ở đây là những nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ…

Ca khúc phát triển trên dân ca ở đây cái tinh thần cốt lõi của phát triển hiểu được đó là sự thấm đẫm giá trị cốt lõi mà cha ông để lại, nó nằm trong văn từ, câu chữ, trong ý tưởng, thậm chí trong những tính triết học của những câu ca, câu hò tưởng như nôm na mà các cụ đã truyền dạy cho chúng ta đến ngày nay và khi những giá văn hóa âm nhạc thấm đẫm vào từng cá nhân thì chúng ta sẽ nhận thức được và trở thành hành trang để có thể sáng tạo nên các tác phẩm mới. Con đường đi để phát triển ở đây chúng ta được thấu hiểu là đòi hỏi phải thấm đẫm được giá trị tinh thần, giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn của nền âm nhạc cha ông để lại mà không phải một cách vô cớ mà UNESCO đã công nhận dân ca Ví, Giặm của Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trại sáng tác lần này, mỗi nhạc sĩ sẽ phấn đấu để trong thời gian ngắn nhất có được những tác phẩm mới, cần có những chủ đề mới, cách sáng tạo, cách nhìn mới… mà ở đó có sự đòi hỏi rất lớn là phản ứng của nhân dân, của công chúng, để làm sao tác phẩm đó khi hát lên, khi giai điệu vang lên được công nhận là bài hát tâm huyết, được công chúng ghi nhận và hơn nữa tác phẩm đó được vượt qua “biên giới” của quê hương, trở thành bài Việt Nam ca, quốc tế ca… đó là ước vọng, là mục đích của chúng ta. Hy vọng, các nhạc sĩ của trại sáng tác sẽ có được những tác phẩm mới về quê hương Hà Tĩnh, về quê hương đất nước… góp phần bồi đắp nâng cao tư tưởng, tâm hồn, đời sống văn hóa công chúng”.

Tại đây, các nhạc sĩ có tên tuổi và kinh nghiệm nghề nghiệp cũng có những ý kiến đóng góp thiết thực. nhạc sĩ Nguyễn Cường với nội dung “Âm nhạc dân gian phát triển trong xu hướng phát triển chung của thế giới”. Nhạc sĩ cho rằng, dân ca sáng tác trên chất liệu dân gian không có nghĩa là phát triển dân ca, chúng ta chỉ lấy chất liệu dân ca để sáng tạo nên các tác phẩm mới. dân ca của chúng ta có thế mạnh so với thế giới, chúng ta tự hào có dân ca để chúng ta “nói chuyện” với thế giới. Dân tộc chúng ta có rất nhiều vùng dân ca độc đáo, thú vị… từ dân ca đồng bằng Bắc bộ, Chèo, dân ca Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, rồi Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long… Dân ca Nghệ Tĩnh có sự đằm thắm, tinh tế… Để tác phẩm có sự sống động, người sáng tác dân ca phải hiểu rằng đó không phải là sự mô phỏng các ý kiến, đường lối mà rất tự nhiên, một tác phẩm chỉ được coi là tác phẩm khi nó mang mầu sắc Việt Nam, mang màu sắc dân ca, mầu sắc Việt Nam và vượt qua “biên giới”. NSND Phạm Ngọc Khôi nhận định: “Hà Tĩnh là mảnh đất hội tụ rất nhiều anh tài, rất nhiều những nhà văn hóa lớn, nơi hội tụ của văn chương và âm nhạc. Trại sáng tác lần này có rất nhiều những gương mặt tiêu biểu như: nhạc sĩ Nguyễn Cường, Lê Mây, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Ngọc Thịnh, Trần Mạnh Chiến, Vũ Thiết, Vũ Duy Cương, Doãn Nguyên, Mạnh Cường… Mong muốn chúng ta ngoài sáng tác những tác phẩm ca khúc về quê hương đất nước, chúng ta sẽ có một biên độ rộng hơn về các thể loại âm nhạc, với sự trang bị đầy đủ, với tình yêu và khát vọng, đòi hỏi của công chúng, của bản thân chúng ta nữa, thì chúng ta sẽ cho ra đời những tác phẩm tốt, có tầm cao hơn”. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phát biểu: “Nói đến Nghệ Tĩnh là nói đến một vùng văn hóa, dân ca Nghệ Tĩnh có tính thống nhất, dân ca Ví, Giặm mang tính đặc trưng của một vùng địa lý, một vùng văn hóa, có nhiều thể loại rất độc đáo”.

Ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2016, Trại sáng tác đã có những chuyến đi thâm nhập thực tế và giao lưu văn nghệ, thăm quan các di tích lịch sử: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Mai Hắc Đế… các khu du lịch, khu kinh tế… tại huyện Nghi Xuân; Lộc Hà; Ngã Ba Đồng Lộc tại huyện Can Lộc, Kỳ Anh… Thời gian đi thực tế và viết bài của các nhạc sĩ, nghệ sĩ sẽ tiếp tục đến ngày 20/12, Hội đồng nghệ thuật sẽ bổ sung sửa đổi về chuyên môn nâng cao tính chuyên nghiệp trong các tác phẩm đến ngày 25/12. Lễ bế mạc trại sáng tác dự kiến vào ngày 30/12/2016 tại Khách sạn Ngân Hà, thành phố Hà Tĩnh.

Yêu cầu đối với các tác phẩm: nhạc múa, ca khúc, lời ca khúc, dân ca Ví, Giặm, tổ khúc dân ca, phải là tác phẩm kế thừa các giá trị di sản dân ca Ví, Giặm, đậm đà phong vị dân gian; có bản sắc riêng, nội dung trong sáng lành mạnh, có tác dụng cổ vũ động viên nhân dân lao động sáng tạo xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Tác phẩm phong phú đa dạng như: đơn ca, song ca, tốp ca…, viết về các miền quê thuộc vùng núi, đồng bằng và vùng biển trong tỉnh Hà Tĩnh, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa…

Trại viên là những nhạc sĩ chuyên nghiệp, là hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam có năng lực chuyên môn, có tâm huyết, có nhiều tác phẩm được công chúng yêu mến, có sự tìm tòi sáng tạo trong sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca Ví, Giặm; trại viên là nhà viết kịch, viết kịch bản dân ca, hoặc hoạt cảnh dân ca. Tác phẩm kịch bản, ca khúc, hoạt cảnh dân ca Ví, Giặm phải giữ được nguyên tắc: Truyền thống - Hiện đại, Kế thừa, Phát huy có chọn lọc. Tác phẩm phải bảo đảm các yếu tố cần và đủ để phù hợp với không gian diễn xướng thực hành lao động và sân khấu trong nhà, ngoài trời giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Qua trại sáng tác âm nhạc, ca khúc phát triển dân ca Nghệ Tĩnh lần này, Ban tổ chức hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm có chất lượng về nội dung, nghệ thuật để Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh dàn dựng chương trình biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ đời sống văn hóa của người dân tỉnh nhà, đồng thời để giao lưu quảng bá tới công chúng cả nước và bạn bè quốc tế. 30 tác phẩm có chất lượng tốt sẽ được tuyển chọn để dàn dựng, xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn rộng rãi giới thiệu tới công chúng.

Xem ảnh tại đây: Chùm ảnh Trại sáng tác Hà Tĩnh 2016

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.