You are here

Tôi không biến mình thành cỗ máy

Tác giả: 
Hà Quang Minh 
AttachmentSize
Image icon duong-cam-nhac-si.png996.17 KB

Một nhạc sỹ trẻ, tài năng, bị coi là "viết nhạc khó hát" nhưng lại trở thành một gương mặt được chú ý nhất trong một game show âm nhạc gần đây. Và nếu lục tìm những sản phẩm mà anh đã viết, đã sản xuất, chúng ta sẽ nhận ra rằng Dương Cầm là một trường hợp thực sự thú vị.

- Chào Dương Cầm! 13 năm trước, từ một nhạc sỹ trẻ (19 tuổi) với màn ra mắt ấn tượng ở Bài hát Việt cùng ca khúc "Mong anh về" cho tới hôm nay, tự nhận xét có những khác biệt nào ở Dương Cầm hay không?

 + Thật không thể tin nổi đã 13 năm rồi. Ngày đấy nhận cúp còn lơ ngơ run rẩy không biết phát biểu câu gì, bây giờ thì nói nhiều hết phần người khác rồi. Về sáng tác thì chắc không thay đổi gì nhiều.Vẫn khó hát, khó nghe. Tôi vẫn giữ quan điểm sáng tác của mình theo thiên hướng là ca khúc nghệ thuật. Cái khó là già đi 13 tuổi mà làm sao giữ được cái hồn nhiên của tuổi mười tám, đôi mươi. Quan niệm tình yêu trong các sáng tác của tôi vẫn là tình yêu đẹp. Kể cả chia ly vẫn là một nỗi buồn thật đẹp.

- Khó hát, khó nghe ư? Cầm có khiêm tốn quá  không? Thực sự, "Mong anh về" hay  gần đây là "Lũ đêm" đều là những ca khúc có giai điệu đẹp và dễ nhớ mà. Phải chăng, vì sự chọn lựa của thị trường bây giờ khác xưa nhiều quá, dễ dàng quá mà Cầm cho rằng nhạc của mình khó?

 + Anh lựa chọn ra ví dụ 2 bài hát thật sự là rất khó hát. Hát cho đúng đã khó, hát cho hay lại càng khó hơn.

- Vậy Cầm có nghĩ là khó hát là do người ta không chịu mở lòng để cảm nó hay không?

+ Không hẳn thế. Do tôi có những đòi hỏi riêng. Trong một số những sáng tác của mình, tôi cũng có những yêu cầu nho nhỏ đối với người thể hiện cần có kĩ thuật về thanh nhạc, có khi còn là kĩ thuật tốt để có thể xử lý tác phẩm. Nghe có vẻ hơi ngông, nhưng đúng là tôi muốn tác phẩm của mình khi ai đó hát sẽ phải dồn tâm dồn sức và có sự đầu tư nghiêm túc.

- Dương Cầm có cho rằng ca sỹ hiện nay trên thị trường, tỷ lệ người dám dấn thân vào ca khó, dám đầu tư nghiêm túc, dám dồn tâm sức không nhiều?

 + Tôi cho là rất ít. Có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay.

- Cầm có buồn khi nghe ai đó không nằm trong số rất ít kể trên nhận xét về ca khúc của mình một cách tiêu cực, thiếu thiện cảm?

 + Không buồn một chút nào. Thực sự. Với người khác thì tôi không biết rõ, nhưng với tôi thì khác. Là một người sáng tác viết ra tác phẩm thì tôi sẽ yêu nó. Mà đã yêu rồi thì ai chê xấu mình vẫn yêu, mình cứ nghĩ đơn giản là họ không thể nhìn thấy được cái đẹp ở trong nó đi.

- Ở phương Tây, giải trí luôn muốn vươn mình để tiệm cận hoặc chinh phục để được ghi nhận là giá trị nghệ thuật. Trong khi đó, ở Việt Nam, giải trí lại có vẻ đang "hống hách" trước nghệ thuật. Chỉ vì sự thắng thế đại chúng của nó. Cầm thấy tình cảnh ấy thế nào?

 + Tôi thấy âm nhạc cũng như xã hội vậy, giai đoạn này rồi sẽ bị thay thế bởi giai đoạn sau. Âm nhạc lại thay đổi thôi. Thời thế thế thời, cái sự "hống hách" đấy rồi cũng sớm dừng lại. Những người theo đuổi trường phái âm nhạc vị nghệ thuật cũng giống người làm cách mạng, có thể giai đoạn này họ trông giống như những chú lính du kích, chờ thời cơ vùng lên.

- Vậy điều gì đã khiến một Dương Cầm bị coi là viết nhạc khó hát, khó nghe lại trở thành điểm thu hút trong các chương trình giải trí lẫn nghệ thuật, từ "Sao đại chiến" cho tới cuộc thi các ban nhạc gần đây?

 + Tôi thấy vui vì mình được làm "trái đắng".

- Vui cả khi có những bình luận trên mạng rất khiếm nhã rằng "lên google tìm cái tên Dương Cầm chỉ thấy mỗi hình cây piano"?

 + Cũng vẫn vui, vì câu nói đó quá… xuất sắc. Nhờ vậy mà nhiều người mới biết Dương Cầm chính là cây đàn Piano đó (cười lớn).

- Không phủ nhận, "trái đắng" mà Dương Cầm nói tới lại chính là điểm nhấn của chương trình ấy và biết đâu nó sẽ khiến Cầm đắt show hơn. Mà bước chân vào thế giới giải trí đó, Cầm có lo sẽ đánh mất mình, ít ra là sao nhãng đi việc đầu tư cho các tác phẩm nghệ thuật?

 + Thà làm ít mà chất lượng còn hơn làm qua quýt mà hổ thẹn với lương tâm. Đó là lí do Dương Cầm viết rất ít, nhận làm hoà âm phối khí và sản xuất rất ít. Nói thế không có nghĩa là Dương Cầm không làm giải trí. Show giải trí cũng có cái thú vị của nó, mình cũng được vui vẻ tung tẩy giống như một chuyến du lịch vậy. Nhưng quan trọng là vẫn phải chọn điểm du lịch đẹp và có bạn đồng hành thật chất.

- Và khi dấn thân vào giải trí nhiều hơn, Cầm nhận xét gì về tình trạng có rất nhiều "nhân vật giải trí" lại đang ngộ nhận mình  là "nghệ sĩ"?

 + Nhiều người theo nghệ thuật còn chẳng hiểu rõ giá trị của hai từ nghệ sĩ nữa là. Không có ý xúc phạm đến những nghệ sĩ thực sự của nghề sân khấu nhưng tôi thấy phần đông các "nhân vật giải trí" như anh nói, có thể họ nhận thấy mình cứ bước lên sân khấu là nghĩ mình na ná như diễn viên sân khấu nên ngộ nhận mình là "nghệ sĩ" chăng.

- Cái mập mờ ấy của thế giới showbiz ấy rõ ràng cũng tồn tại trong âm nhạc, và Cầm có cảm thấy mệt mỏi khi phải sống chung với nó hay không?

 + Tôi không quan tâm lắm, cũng chẳng tự tìm nghe hits Việt bao giờ. Tôi thích cuộn mình trong thế giới riêng, chọn nghe cái mình yêu mình thích. Nhìn lên để học hỏi và trưởng thành chứ nhìn xuống để làm gì.

- Cầm 32 tuổi, còn trẻ nhưng cũng đủ chín chắn trong nghề để coi là trưởng thành. Nếu được khuyên các nghệ sỹ trẻ tuổi hơn mình, Cầm sẽ khuyên gì?

+ Chẳng có trường lớp hay sách vở nào chỉ cho các bạn cách thành công 100%. Nghệ thuật cũng chẳng có thước đo nào là chuẩn. Bạn được gọi là nghệ sĩ khi bạn có sự sáng tạo, bạn chẳng cần giống ai và bạn vẫn sẽ được công nhận. Người làm nghệ thuật có cái tôi rất lớn và cái tôi đó cần phải đưa vào nghệ thuật.

 - Dương Cầm xác lập mình, và muốn được gọi là gì: nhạc sỹ Dương Cầm hay nhà sản xuất Dương Cầm?

 + Tôi không muốn biến mình thành một cỗ máy. Hãy cứ gọi tôi là nhạc sĩ, sáng tác âm nhạc vẫn là tình yêu lớn nhất trong tôi.

- Cảm ơn Dương Cầm về cuộc trò chuyện này.

Nguồn: http://vnca.cand.com.vn

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.