You are here

Thông cáo về cuộc phục dựng trình thức hát cửa đình người Việt lần thứ II

Tác giả: 
Bùi Trọng Hiền

KẾT QUẢ KHÓA TẬP HUẤN NHẠC Ả ĐÀO CỔ ĐIỂN THEO PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN MỚI

Kính thưa bà con!

Bắt đầu từ tháng 9/2014, với tư cách cá nhân, tôi đã dành toàn lực tiến hành dự án nghiên cứu âm luật nhạc Ả đào cùng cụ Nguyễn Phú Đẹ- kép đàn nhà nghề cuối cùng của thế kỷ XX, nghệ nhân duy nhất còn lại từng tham gia trình diễn nhạc Ả đào ở cả 2 không gian: cửa đình và ca quán. Ngay trong cuộc điền dã đầu tiên, khi phát hiện ra ông còn nhớ được các bài bản Ả đào thuộc không gian Hát cửa đình cổ xưa, tôi đã nhanh chóng kết nối với NSƯT Đỗ Quyên để CLB Ca trù Hải Phòng tiến hành gấp rút một dự án truyền dạy cùng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Sau 4 tháng miệt mài học tập, đến ngày 14/1/2015, lần đầu tiên sau 60 năm vắng bóng mai một, trình thức Hát cửa đình của nhạc Ả đào cổ điển bước đầu đã chính thức sống dậy trong một cuộc chuyển giao thế hệ đầy cảm xúc!

Sau đó, tôi lại tiếp tục tiến hành các nghiên cứu cơ bản về âm luật Ả đào. Thú thực thời gian này, tôi làm việc như điên bất kể ngày đêm cùng các nguồn tư liệu vang sưu tầm, cái thì được bạn bè, người thân trao tặng, cái thì bỏ tiền mua. Trong đó rất nhiều tư liệu vô cùng quý hiếm được tôi dày công phục chế từ những cuốn băng cassette cũ nát... Lúc đó, mục tiêu duy nhất đề ra là phải làm càng nhanh càng tốt khi mà Nguyễn Phú Đẹ- cây đại thụ cuối cùng của Ả đào còn đủ minh mẫn/ sức khỏe. Mỗi khi phục chế, sưu tầm được bài bản nào, ký âm phân tích xong, tôi lại về ngay Tứ Kỳ- Hải Dương để nhờ cụ thẩm định... Điều mừng vui khôn xiết là tìm được tư liệu vang những thể cách tưởng chừng như đã thất truyền; hay phát hiện thêm ra những thể cách mà chưa từng có tài liệu nào nhắc đến... Liên tục bồi đắp kho tàng tri thức, cuối cùng bức màn sương mù bí ẩn của quá khứ thẳm sâu cũng dần được sáng tỏ dưới ánh sáng khoa học... Tới đầu năm 2016, vừa khi tôi hoàn thành các nghiên cứu cơ bản của công trình thì nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ không may lâm bệnh trọng với cơn tai biến buổi xế chiều. Cảm giác thật choáng váng!!! Thương thầy, bản thân cũng đã kiệt sức sau 2 năm ròng rã miệt mài với Ả đào.., mọi việc đành tạm ngưng!!!

Đến cuối năm 2016, biết được tính chất hệ trọng của công trình tôi tiến hành mấy năm qua, quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khi đó là PGS.TS Từ Thị Loan đã khẩn thiết yêu cầu tôi xây dựng một dự án bảo tồn Ca trù ở địa bàn Hà Nội. Và, tôi quyết định tiến hành một đề án với mục tiêu tập huấn nhạc Ả đào cổ điển theo phương pháp tiếp cận mới.

Từ cuối tháng 2/2017, lấy nhóm Ả đào Phú Thị làm đối tượng, tôi dùng chính hệ thống lý thuyết mới nghiên cứu tiến hành thử nghiệm việc học nhạc đi kèm với việc học âm luật. Xưa kia, đào kép các giáo phường thường chỉ học bài bản qua việc truyền ngón nghề, truyền khẩu theo phương pháp tại chỗ. Còn bây giờ, tất cả mọi chi tiết, thành tố nghệ thuật âm nhạc từ toàn bộ đến từng phần đều được đúc kết/ lý thuyết hóa để giúp đào kép hình thành sự cảm nhận với ý thức chủ động. Mặt khác, căn cứ trên hệ thống lý thuyết đã đúc kết, chuẩn mực nghệ thuật cổ điển của Ả đào hy vọng sẽ được lưu truyền vững chắc với việc xác định rõ các khái niệm cơ bản như: khổ đàn, khổ phách, âm điệu, cấu trúc bài bản các loại...

Đến tháng 8/2017, vào cuối giai đoạn tập huấn, nhóm đào kép học viên bắt đầu thực thi một nhiệm vụ trọng đại- họ tiếp tục phục dựng các thể cách Hát cửa đình cổ điển lần thứ II. Ở đây, bên cạnh vốn bài bản học từ thầy Nguyễn Phú Đẹ, chúng tôi căn cứ vào tư liệu phục chế của các đào nương Nguyễn Thị Cúc, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa và kép đàn Đinh Khắc Ban. Họ là những bậc tài danh của một gia đình/ dòng họ Ả đào nổi tiếng ở giáo phường thuộc Vĩnh Phúc xưa kia. Trong đó, đã xác định được những thể cách rất độc đáo, thậm chí khác hẳn với một số bài bản giáo phường Hải Dương mà cụ Đẹ đã truyền dạy. Kết hợp 2 nguồn tư liệu, cuối cùng các đào kép của dự án đã hoàn thành việc chuyển giao thế hệ với Album “Hát cửa đình”, bao gồm một số bài bản đại diện có tính hệ thống cổ điển. Trong đó, có những thể cách lần đầu tiên sống dậy sau hàng chục năm “ngủ yên” trong mấy cuốn băng cũ nát:

1 - Giáo nhạc- Hát giai- giáo hương

2 - Thét nhạc

3 - Phú Kiều

4 - Hát lót

5 - Hãm cửa đình

6 - Dựng huỳnh- Nói huỳnh

7 - Hát bỏ bộ

Bên cạnh lớp đào kép, từ cuối tháng 8/2017, chúng tôi cũng chính thức đào tạo một lớp quan viên Ả đào theo đúng chuẩn mực cổ điển của thời hoàng kim lịch sử. Nhưng khác với lối học cổ truyền, tương tự như đào kép, các quan viên khóa tập huấn cũng học đánh trống chầu theo phương pháp tiếp cận mới. Có nghĩa họ được học lý thuyết cơ bản về các loại khổ đàn, khổ phách, cấu trúc bài bản... Từ đó nhanh chóng “đốt cháy giai đoạn”, nắm bắt các sơ đồ khuôn thước cổ điển để có thể điểm chầu một cách mẫu mực.

Tiếc của, xót ruột di cảo của cha ông thì cố sống cố chết mà làm! Dự án coi như bước tiếp theo của công cuộc khảo cổ/ chắt chiu “chút hương hỏa của tổ tiên” từ quá khứ thẳm sâu. Sau 8 tháng lao động cật lực, cuối cùng chúng ta tiếp tục “gặt hái” thành công “đợt quả ngọt chín tới” với những đào kép, quan viên theo đúng chuẩn mực Ả đào cổ điển. Lễ báo cáo sẽ diễn ra vào hồi 14g ngày 14/11/2017 tại hội trường tầng 2 Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (32 Hào Nam- Hà Nội) dưới sự chủ trì của lãnh đạo Viện. Chương trình gồm các phần chính như sau:

*Phát biểu của lãnh đạo Viện.

*Chiếu phim tài liệu khoa học “Chút hương hỏa từ quá khứ thẳm sâu”- nội dung mô tả quá trình thực hiện dự án và tiếng nói người trong cuộc.

*Chủ nhiệm dự án giới thiệu đôi lời.

*Phần trình diễn các thể cách Hát cửa đình phục dựng của nhóm Ả đào Phú Thị cùng các quan viên của dự án.

Xin trân trọng kính cáo cùng cộng đồng những người yêu thương văn hóa nghệ thuật dân tộc cổ truyền, sự có mặt của quý vị sẽ là nguồn động viên lớn lao với anh em chúng tôi!

Chương trình nằm trong khuổn khổ dự án“Bảo tồn và phát huy di sản Ca trù tại thành phố Hà Nội”của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Chủ nhiệm dự án

Bùi Trọng Hiền

(Nguồn: https://www.facebook.com)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.