You are here

Sự tái sinh nghệ thuật của các nhà soạn nhạc Đen

Tác giả: 
Noah Sheidlower (Ngọc Anh lược dịch)

Các dàn nhạc Mỹ đang giới thiệu tác phẩm của các nhà soạn nhạc da đen, những người từng bị lịch sử lãng quên.

Vở opera Fire shut up in my bones của nhà soạn nhạc Jazz Terence Blanchard trên sân khấu Met. Nguồn: Met

Năm 2021, nghệ sĩ và nhà soạn nhạc Jazz Terence Blanchard chưa bao giờ nghĩ rằng vở opera Fire shut up in my bones [tạm dịch “Lửa vùi trong xác thân ta”] mà mình sáng tác sẽ được trình diễn trên sân khấu nhà hát Opera Metropolitan.Được chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên của Charles M. Blow, vở opera của Blanchard kể về một cậu bé da đen lớn lên ở vùng nông thôn Louisiana, nơi cậu phải đối mặt với nghèo đói và lạm dụng tình dục, rồi trở thành một nhà văn thành công. Vở opera chứa đầy những khoảnh khắc xáo trộn xen lẫn trữ tình, những nghịch âm nổi bật và hòa âm mang màu sắc ủy mị.

Bắt nguồn từ di sản người Mỹ da đen và được thấm nhuần những chất liệu âm nhạc từ phúc âm, R & B, blues và jazz, tác phẩm của Blanchard đã trở thành vở opera đầu tiên của một nhà soạn nhạc da đen được trình diễn tại Met. Sau sự kiện này, Blanchard nói với CNN: “Khi trao đổi với một số ca sĩ, tôi nhận ra rằng hầu hết bọn họ đều lớn lên trong nhà thờ, hát phúc âm, một số là ca sĩ nhạc blues, một số là ca sĩ nhạc jazz. Trong khi đó thế giới opera mà họ sẽ bước vào là một thế giới mà từ trước đến nay chưa từng áp dụng chất liệu của các thể loại âm nhạc này. Do vậy đối với họ, việc đem vào sân khấu opera một phần đời sống âm nhạc “ngoại lai” đó đã là một bước ngoặt”.

Ở góc nhìn cúa một nhà soạn nhạc, ông nói: “Chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi tiếp tục truyền thống đó, khi liên quan đến cộng đồng của chúng tôi, liên quan đến văn hóa mà chúng tôi xuất thân. Tôi cho rằng đem điều đó lên sân khấu Met là một việc rất mang tính giải phóng”.

Mặc dù Blanchard có thể là nhà soạn nhạc da đen đầu tiên giới thiệu tác phẩm của mình theo cách như vậy, nhưng ông không tin mình là người đầu tiên đủ trình độ. Sau khi nghe Highway 1, USA, một vở opera của nhà soạn nhạc da đen William Grant Still, ông đã bị thuyết phục hoàn toàn, khi cố tìm ra những thiếu sót nhưng không thể. Ông nói: “Ai có thể nghe vở này rồi bảo rằng nó không xứng đáng được đứng trên sân khấu đó? Thật đau lòng khi nghĩ rằng những nhà soạn nhạc này cực kỳ đủ trình độ sáng tác nhưng lại liên tục bị từ chối quyền làm điều mà họ thực lòng yêu thích”.

Trong năm qua, nhiều dàn nhạc và nhà hát opera lớn đã cố gắng sửa đổi điều này khi biểu diễn tác phẩm của các nhà soạn nhạc da đen hoặc có ý nghĩa quan trọng đối với khán giả da đen. Dàn nhạc Philadelphia vừa phát hành bản thu âm hai giao hưởng của Florence Price và sẽ giới thiệu các sáng tác của Wynton Marsalis, Anthony Davis và Valerie Coleman. Dàn nhạc giao hưởng Chicago đã tổ chức các buổi hòa nhạc giới thiệu nhà soạn nhạc lưu trú Jessie Montgomery, Elijah Daniel Smith và Adolphus Hailstork. Và dàn nhạc Atlanta Symphony sẽ chơi nhạc phim Black Panther và nhạc của nghệ sĩ bass Xavier Foley.

Valerie Coleman, nghệ sĩ flute từng được đề cử giải Grammy và sáng lập viên nhóm ngũ tấu Imani Winds, nói với CNN rằng các dàn nhạc đã lên tiếng về các vấn đề liên quan đến sự đa dạng và tính đại diện trong nhiều năm, nhưng việc xét đến tính chủng tộc vào mùa hè năm ngoái đã đẩy nhanh những nỗ lực này. Ngoài việc cố gắng chỉnh đốn lại những sai lầm trong lịch sử âm nhạc cổ điển, cô cũng lưu ý cách các dàn nhạc đang củng cố thêm vị thế cũng như doanh thu phòng vé của họ. Cô nói: “Tôi thực sự đặc biệt vui mừng khi các dàn nhạc trên thế giới hiện nay đang thực sự xem xét những giọng nói mới và khám phá nhiều hơn vì họ nhận ra rằng cách lên chương trình của mình phải phát triển theo khi công nhận các nhà soạn nhạc BIPOC (1) gần đây và cả trong tương lai”.

Khi được bổ nhiệm là nhà soạn nhạc lưu trú (2) của Dàn nhạc giao hưởng Chicago, Jessie Montgomery - nhà soạn nhạc nữ da đen duy nhất được dàn nhạc biểu diễn âm nhạc, biết ngay rằng mình sẽ giới thiệu các nhà soạn nhạc đa dạng và hiếm khi được nghe đến. Montgomery thấy cơ hội tạo cho khán giả mối quan tâm mới về những nghệ sĩ đang lên, những người phản ánh di sản của mình thông qua âm nhạc.

Tác phẩm tốt nghiệp Trường Juilliard bao gồm bản ngũ tấu kèn hơi Seen của nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ flute người Mỹ gốc Haiti Nathalie Joachim và màn ra mắt thế giới tác phẩm Scions of an Atlas của Elijah Daniel Smith trong buổi hòa nhạc đầu tiên của chuỗi MusicNOW của CSO. Mặc dù Montgomery từ lâu đã là một tiếng nói ủng hộ sự thay đổi trong âm nhạc cổ điển, nhưng cô coi việc thúc đẩy gần đây để bổ sung nhiều nhà soạn nhạc da đen vào vốn tiết mục là một phản ứng trực tiếp cho phong trào Black Lives Matter (3). Cô nói với CNN: “Hy vọng là theo thời gian, mọi người sẽ bắt đầu kết nối với mong muốn thực sự của mình để nghe những giọng nói đó và sự tò mò thực sự của họ về nghệ thuật của những người không phải da trắng sẽ tiếp tục đẩy mọi thứ theo hướng mà chúng ta thấy một cộng đồng mang tính đại diện hơn và đa dạng hơn trong âm nhạc cổ điển”.

Sự nổi lên của Florence Price

Một cái tên xuất hiện trên các chương trình trên toàn quốc là Florence Price – nhà soạn nhạc và nghệ sĩ organ là người phụ nữ da đen đầu tiên có sáng tác được một dàn nhạc lớn biểu diễn. Price đã được ca ngợi ở tầm quốc gia nhờ bản Giao hưởng giọng Mi thứ của mình, được CSO trình diễn lần đầu năm 1933. Price đã sáng tác bốn giao hưởng, bốn concerto, cùng hàng chục tác phẩm cho hợp xướng và dàn nhạc mang ảnh hưởng của dân ca tôn giáo và âm nhạc nhà thờ của người Mỹ gốc Phi.

Nhưng sau cái chết của bà vào năm 1953, các tác phẩm này hiếm khi được biểu diễn. Trong khi một số tác phẩm bị thất lạc thì những tác phẩm khác bị lu mờ bởi các sáng tác mới hơn. Mãi cho đến đầu những năm 2000, người ta mới phát hành các album tác phẩm của bà và vào năm 2009, một bộ sưu tập đáng kể các tác phẩm của bà đã được phát hiện trong một ngôi nhà bỏ hoang ở Illinois. Nhiều bản thảo và thư từ của bà không được công bố rộng rãi cho đến năm 2015. Khi hãng G. Schirmer có được độc quyền trên toàn thế giới đối với danh mục trọn bộ tác phẩm của bà vào năm 2018, các tác phẩm của bà đã được in ấn và phân phối nhiều hơn bao giờ hết. Ông Matías Tarnopolsky, chủ tịch và giám đốc điều hành của Dàn nhạc Philadelphia, nói với CNN rằng Price có “vị trí ngang bằng trên sân khấu Dàn nhạc Philadelphia như các bản giao hưởng của Beethoven hay Brahms”. Sau khi giúp chỉ đạo một dự án thu âm lớn cho các giao hưởng thứ nhất và thứ ba của bà, Tarnopolsky tự hỏi tại sao khán giả đã không nghe thứ nhạc này trong nhiều thập kỷ.

Douglas Shadle, trưởng khoa dân tộc học tại Trường Âm nhạc Blair của Đại học Vanderbilt, cho biết Price đã lấy các phong cảnh âm thanh của âm nhạc trong cuộc sống hàng ngày của mình và biến chúng thành một phong cảnh âm thanh của dàn nhạc. Shadle, người hiện đang viết chung tiểu sử Price, nói với CNN, âm nhạc đó có sức hấp dẫn đối với con người và khá dễ dàng để mọi người tiếp nhận, ngay cả khi họ không phải là người nghe nhạc cổ điển giàu kinh nghiệm.

Shadle, người viết ghi chú chương trình cho các dàn nhạc biểu diễn nhạc của Price, cho biết: “Những gì bạn nghe thấy không phải là thế giới trừu tượng hoàn toàn mà bạn có thể thấy trong bản giao hưởng Brahms. [Khán giả] có thể thốt lên khi nghe tác phẩm này, ‘ồ, có cái gì đó của nó dường như thuộc về thế giới của tôi và thật kỳ diệu là nó lại được 100 người đang cùng nhau biểu diễn trong khán phòng tuyệt đẹp này”.

Các dàn nhạc hướng tới đa dạng hóa

Khi các dàn nhạc Mỹ cam kết đưa nhiều tác giả hơn vào vốn tiết mục của mình, họ đang suy nghĩ cẩn thận về cách lên chương trình, bối cảnh và việc mang đến nhiều cơ hội hơn cho các nghệ sĩ trẻ hơn. Giám đốc điều hành Jennifer Barlament cho biết ngoài việc giới thiệu 23 tác phẩm của nhà soạn nhạc nữ và da màu trong mùa diễn hiện tại –  “đa dạng nhất cho đến nay” – Dàn nhạc giao hưởng Atlanta sẽ tiếp tục Chương trình phát triển tài năng, hoạt động đem lại một năm đào tạo âm nhạc cho 25 nghệ sĩ da đen và Latinh trẻ tuổi.

Hiệp hội dàn nhạc giao hưởng Chicago đã tiến hành những nỗ lực hơn nữa để ghép tác phẩm của các nhà soạn nhạc như Beethoven với tác phẩm của các nhà soạn nhạc da đen. Jeff Alexander, chủ tịch của hiệp hội, thừa nhận rằng một số người đã hỏi “Điều gì khiến ông mất nhiều thời gian vậy?" khi nói đến việc đưa nhiều nhà soạn nhạc da đen vào chương trình, đồng thời lưu ý rằng dàn nhạc vẫn cam kết đa dạng hóa vốn tiết mục của mình theo cách cân bằng. Alexander nói: “Chúng tôi có kế hoạch duy trì điều này chừng nào chúng tôi đi đúng cách và đảm bảo rằng các chương trình có ý nghĩa và là thứ mà khán giả của chúng tôi mong muốn và vui sướng được nghe. “Chúng ta chỉ cần phải cẩn thận để không đi sang một thái cực khác và chỉ lên chương trình âm nhạc đương đại hay âm nhạc đa dạng, điều mà tôi nghĩ là không ai muốn hoặc không ai làm.”

Dàn nhạc Philadelphia đã ra mắt “Our City, Your Orchestra” [“Thành phố của chúng ta, Dàn nhạc của bạn”], một loạt hòa nhạc trực tuyến miễn phí do các nhóm nhỏ biểu diễn tại các địa điểm văn hóa và kinh doanh thuộc sở hữu của người da đen.

Trong khi đó, “Seven O’Clock Shout” của Valerie Coleman đã trở thành nhạc hiệu của dàn nhạc trong mùa diễn này. Coleman – người thoạt tiên nhận thấy nhiều “cánh cửa không có ý để tôi đi vào” khi còn học đại học – sử dụng nền tảng của mình để đưa thính giả đi qua lịch sử da đen đồng thời thể hiện những triết lý đa dạng của các nhà soạn nhạc da đen thông qua âm nhạc và hoạt động của chính cô. Cô nói với CNN: “Việc là nhà soạn nhạc da đen không nhất thiết và tự động có nghĩa là bạn viết về lịch sử da đen. Với tư cách nhà soạn nhạc da đen, tôi thích viết về lịch sử của người da đen vì tôi cảm thấy rằng thật tốt khi nhận trách nhiệm là người viết ra lịch sử và truyền thống, nhưng với tư cách người sáng tạo, tất cả các nhà soạn nhạc da đen đều muốn tự do viết những gì. Họ sẽ viết”.

Shadle coi mùa diễn này là một “sự tái sinh nghệ thuật” và là việc kéo dài sự đa dạng hóa từ các mùa diễn. Nhưng Shadle cũng nhận xét rằng các dàn nhạc trên toàn quốc hầu hết đang chơi cùng một vài nhà soạn nhạc da đen như Price hoặc Still. Ông nói rằng hiện tượng này phần nào là do khả năng tiếp cận âm nhạc của họ.

Có nhiều nhà soạn nhạc da đen với các sáng tác vẫn nằm trong kho lưu trữ mà các dàn nhạc đơn giản là không thể tiếp cận - Coleman nhấn mạnh rằng vẫn cần phải đưa những sáng tác đã thất lạc đó ra ánh sáng. Nhưng cô cũng lưu ý, những nỗ lực gần đây trong việc cung cấp cho các nhà soạn nhạc da đen trẻ nền tảng tốt hơn “thật phi thường”. Coleman nói: “Chúng ta đang bắt đầu thấy các chương trình nhà soạn nhạc, các chương trình nghệ sĩ trẻ trong đó tác phẩm của những người mới 14 tuổi có thể được đọc hoặc họ được trải nghiệm học cách viết cho dàn nhạc giao hưởng hay học cách sáng tác cũng như cách mà âm nhạc được chơi bởi các dàn nhạc hàng đầu.

Và với Blanchard, tương lai thật tươi sáng đối với các nhà soạn nhạc và nghệ sĩ da đen trẻ tuổi – miễn là dàn nhạc cung cấp đủ không gian hỗ trợ cho những giọng nói mới vào nghề.

Blanchard nói: “Bạn sẽ không thức dậy vào một ngày nào đó và trở thành nhà soạn nhạc opera, đó là một quá trình học hỏi theo thời gian. Nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường này, tương lai sẽ rất thành công khi có những giọng nói khác nhau kể những câu chuyện có thể rất hấp dẫn và thú vị để tất cả chúng ta trải nghiệm, chứ không chỉ hiến mình cho những tác phẩm kinh điển”.

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

-------

1. BIPOC là viết tắt của “Black, Indigenous, and people of color”. Thuật ngữ được dùng ở Hoa Kỳ để chỉ người da đen, người Mỹ bản địa và những người không coi mình là người da trắng.

2. Các chương trình nghệ sĩ lưu trú, nhà soạn nhạc lưu trú của một tổ chức âm nhạc được tiến hành để mời các nghệ sĩ, nhà soạn nhạc, cố vấn nghệ thuật đến làm việc với tổ chức âm nhạc đó trong một khoảng thời gian nhất định.

3.  “Black Lives Matter”, mang hàm ý “người da màu đáng được sống” và xuất hiện như một từ khóa nóng trên mạng xã hội Twitter, là một phong trào phản đối sự phân biệt đối xử của cảnh sát với người da màu.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.