You are here

HBSO: chương trình dự kiến 2019

Tác giả: 
Lâm Hạnh

Tin vui trong các hoạt động của HBSO năm nay là bên cạnh việc trình làng vở nhạc kịch ‘thuần việt’ có tên "Dế mèn phiêu lưu ký", nhà hát còn đón NSND Đặng Thái Sơn về trình diễn trong chương trình "Giai điệu mùa thu".

Với nỗ lực của mình, HBSO đã có 3 buổi diễn định kỳ hàng tháng. Ngoài những chương trình đậm tính hàn lâm, nhà hát còn có những buổi diễn gần gũi, “dễ nghe” hơn với đa số khán giả như đêm Nhạc phim với các ca khúc trong các bộ phim nổi tiếng thế giới hoặc đêm gala kết hợp giữa giao hưởng và rock… đã được khán giả hưởng ứng nồng nhiệt.

NSƯT Trần Vương Thạch trong buổi gặp mặt báo chí ngày 26.2. Ảnh: Lâm Hạnh

Cùng với đó, năm nay HBSO còn phối hợp với khoa Kèn và khoa Piano của Nhạc viện TPHCM tổ chức những biểu diễn ngoài trời. Đó là những cố gắng để âm nhạc hàn lâm từng bước đến gần với khán giả.

Trong buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2019, Giám đốc HBSO, NSƯT Trần Vương Thạch, cho biết trong năm 2019, lịch diễn định kỳ sẽ vào các cuối tuần (bình quân 3 - 4 chương trình/tháng) thay vì ngày 9, 19, 29 như trước. Việc xếp lịch diễn vào cuối tuần cũng nằm trong mục tiêu hướng đến khán giả.

Giai điệu mùa thu chào đón Người chơi Chopin nổi tiếng thế giới

Một trong những chương trình được đông đảo khán giả đón chờ và đã góp phần tạo nên thương hiệu của HBSO là Giai điệu mùa thu (GĐMT) được tổ chức định kỳ mỗi 2 năm vào trung tuần tháng 8.

Nhà hát đã mời được nghệ sĩ dương cầm danh tiếng Đặng Thái Sơn tham gia GĐMT mùa này.

Ông Trần Vương Thạch cho biết, lần về nước lần này của NSND Đặng Thái Sơn để biểu diễn trong GĐMT là một sự kiện văn hoá lớn của TPHCM. Tuy ông có nhiều lần về nước trước đó nhưng đây chỉ là lần thứ 2 dàn nhạc TP.HCM được diễn cùng người chơi Chopin nổi tiếng thế giới.

Một nghệ sĩ tài năng khác của Việt Nam hiện đang sống tại Mỹ là tay violin Vũ Việt Chương cũng sẽ biểu diễn trong GĐMT lần này, cùng về với anh sẽ có đoàn nghệ sĩ đến từ Mỹ.

GĐMT là dịp quy tụ đông đảo nghệ sĩ Việt Nam tài năng đang làm việc tại nhiều nước trên thế giới về nước biểu diễn. Tuy nhiên, năm nay chỉ có 2 nghệ sĩ kể trên trở về. Theo ông Thạch, một phần vì kinh phí và một phần vì nhà hát có những định hướng khác trong các chương trình biểu diễn.

Phiên bản hoà nhạc "Dế mèn phiêu lưu ký" được đông đảo khán giả quan tâm. Ảnh: HBSO

Dế mèn phiêu lưu ký là vở nhạc kịch mang phong cách Musical Broadway được nhà hát chú trọng đầu tư.

Sau 2 lần biểu diễn phiên bản concert trong vở diễn chiếm được nhiều tình cảm của khán giả, vào ngày 23.6 sẽ diễn phiên bản trọn vẹn. Đây là một tác phẩm đầy tâm huyết của nhạc sĩ Việt Anh và nhạc trưởng Trần Nhật Minh.  

Hy vọng vở diễn thành công và mở đầu cho việc xây dựng thêm nhiều tác phẩm nhạc kịch đúng nghĩa, thuần Việt.

Theo nhạc trưởng Trần Nhật Minh – người chỉ huy đêm diễn – vở diễn hiện đang trong quá trình hoàn thiện: bổ sung thêm các ca khúc và tập trung cho phần diễn xuất, casting thêm nhân vật…

Dế mèn phiêu lưu ký gồm 2 phần: phần một dựa trên tác phẩm văn học, phần hai sẽ xuất hiện các nhân vật hư cầu và các tình tiết hiện đại.

Dự kiến một năm hoạt động sôi nổi

Ngoài ra, HBSO năm nay còn có những hoạt động đáng chú ý khác.

Lần đầu tiên, tác phẩm nổi tiếng của thời kỳ âm nhạc hậu lãng mạn Tổ khúc Vị thần cải trang của nhà soạn nhạc người Thuỵ Điển Lars-Erik Larsson được biểu diễn tại Việt Nam vào ngày 2.3. Nhạc trưởng người Thuỵ Điển Florian Benfer, người từng đoạt giải thưởng Johannes Norrby năm 2016 sẽ chỉ huy đêm diễn và dàn hợp xướng Thuỵ Điển Gustaf Sjökvist Chamber Choir cùng tham gia biểu diễn.

Vở múa đương đại Vệt Loang của 2 biên đạo Nguyễn Phúc Hùng và Nguyễn Phúc Hải, âm nhạc Nguyễn Mạnh Duy Linh cũng được ra mắt trong tháng 5 năm nay.

Vở nhạc kịch “ăn khách” Cây sáo thần phiên bản HBSO sẽ được tái diễn vào ngày 31.3. Ảnh: HBSO

Bên cạnh việc giới thiệu những tác phẩm mới, các tác phẩm quen thuộc với khán giả đã được diễn thành công như: nhạc kịch Cây sáo thần, vũ kịch Cô bé Lọ Lem, tổ khúc ballet Carmen, Đêm nhạc phim, Đêm nhạc Beethoven, Đêm nhạc Mozart, Những kiệt tác dành cho violin,… sẽ tiếp tục được biểu diễn trong năm nay.  

Dự kiến vào ngày 1.7, 33 nghệ sĩ của đoàn Giao hưởng sẽ sang Nhật biểu diễn trong chương trình Cộng hưởng châu Á theo lời mời của Japan Foundation.

Ông Trần Vương Thạch – Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM:  

"Nghệ thuật chính là con đường xây dựng đạo đức xã hội"

"Qua những khó khăn từ cuối năm ngoái, hiện nhà hát vẫn đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn như: cơ sở vật chất, tài chính, cắt ngân sách, có nguy cơ ngưng ký hợp đồng dài hạn với các nghệ sĩ ngoài biên chế v.v…

Để có một nhà hát hoàn chỉnh cần ít nhất 250 người, trong đó dàn nhạc 70 người, vũ kịch 40 người và nhạc kịch 5 người, số còn lại là ban quản lý và các phòng ban khác như marketing, kỹ thuật, hậu đài… Thế nhưng thực tế, HBSO chỉ được phép có 75 biên chế, tính cả các nghệ sĩ hợp đồng thì lên đến 140 người. Hoạt động của một nhà hát như HBSO có những đặc thù riêng, nghệ sĩ cần rất nhiều thời gian để tập và biểu diễn liên tục cùng nhau mới tạo ra được những đêm diễn chất lượng nên không thể làm theo kiểu có chương trình thì ký hợp đồng biểu diễn thêm với một số nghệ sĩ bên ngoài. Nghịch lý là hiện nay những người hợp đồng với nhà hát lại là những nghệ sĩ trẻ đẹp, tài năng – một thế hệ nghệ sĩ tương lai. Nếu chỉ vì chính sách biên chế không chừng chúng tôi đánh mất những gì đã xây dựng được trong nhiều năm qua.

HBSO đã có đoàn Giao hưởng, đoàn Nhạc kịch và đoàn Vũ kịch… nhưng chưa có nhà hát. Hiện nay, dự án xây dựng nhà hát vẫn còn nằm trên giấy. Tôi khẳng định, nhà hát vẫn cần. Nghệ thuật chính là con đường xây dựng đạo đức xã hội. Khi con người thường xuyên đến với nghệ thuật là thường xuyên đến với cái hay, cái đẹp, khi đó có thị hiếu thẩm mỹ cao và tự điều chỉnh mình. Vì sao chúng ta nói đạo đức xã hội đang xuống cấp? Là vì chúng ta chưa đủ quan tâm đến nghệ thuật."

(Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.