You are here

Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2017): Chương trình nghệ thuật “60 năm đồng hành cùng dân tộc” tại Cần Thơ

Tác giả: 
Thanh  Nhã

Tối 24 tháng 11 năm 2011, tại Đoàn Văn công Quân khu 9, thành phố Cần Thơ, đã diễn ra Chương trình nghệ thuật “60 năm đồng hành cùng dân tộc” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc thành phố Cần Thơ, Đoàn Văn công Quân khu 9, phối hợp tổ chức. Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2017), được Truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang.

Đến dự có: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luân, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; TS Trần Việt Trường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Cần Thơ; Đại tá, NSƯT Nguyễn Thanh Bá – Trưởng Đoàn Văn công Quân khu 9; ông Thái Hoàng Hinh - Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang; cùng trên 200 đại biểu là học viên của lớp Tập huấn, bồi dưỡng, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2017 đại diện cho 35 tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ đang diễn ra tại TP. Cần Thơ; khán giả thành phố Cần Thơ, đại diện các cơ quan báo, bài trung ương và địa phương.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Lê Nghiệp - Ủy viên Ban Chấp hành Hội, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Cần Thơ; các nhạc sĩ, nghệ sĩ của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Cần Thơ…

Một chương trình nghệ thuật đặc sắc, do các ca sĩ, nghệ sĩ của Đoàn Văn công Quân khu 9 thực hiện. Trong không gian âm nhạc trang trọng, khán giả đã được nhìn lại những bước trưởng thành của Hội Nhạc sĩ Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua với tiền thân của Hội là Đoàn nhạc sĩ, thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập từ năm 1948. Đến nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội với nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ. Chương trình đã đem đến cho người yêu nhạc các tác phẩm âm nhạc cách mạng sống mãi với thời gian, những bài ca đi cùng năm tháng, do các nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc nước nhà sáng tác, ngợi ca anh bộ đội Cụ Hồ, quê hương đất nước con người Việt Nam cùng những cảm xúc dạt dào qua những ca khúc về người miền Tây hào sảng... như: Ca múa “Giọng hò người lính”, sáng tác: Nguyễn Đức - Diệp Minh Tuyền, biên đạo múa: NSND Hữu Từ, biểu diễn: tập thể nam, nữ hát múa; “Việt Nam quê hương tôi”, Sáng tác: Đỗ Nhuận, biểu diễn: ca sĩ Hoàng Nghiệp, Thanh Tâm, Phi Long;  “Xuân Chiến khu”, sáng tác: Xuân Hồng, do tốp ca nữ trình bày; “Chiến sĩ trẻ miền Tây”, Sáng tác: Ngọc Hùng, soạn Accapella: Trần Mạnh Hùng, do tốp ca nam trình bày; “Cô gái vót chông”, sáng tác: Hoàng Hiệp, biểu diễn: ca sĩ Diễm Phúc; Ca múa “Đồng bằng yêu thương”, sáng tác: Thế Long; biên đạo múa: Lê Hoàng Công, biểu diễn: Tập thể nam, nữ hát múa; “Người Cần Thơ”, sáng tác: Lê Nghiệp, biểu diễn: ca sĩ Hoàng Nghiệp; Múa “Mùa cá Linh”, âm nhạc: NSƯT Thanh Hải, biên đạo múa: NSND Hữu Từ, biểu diễn: Tập thể nam, nữ múa; Hòa tấu dàn nhạc “Sắc màu Cửu Long”, sáng tác: Đức Trịnh, dàn dựng: Nguyễn Đức, biểu diễn: Solo trống dân tộc Ngọc Quyền và Dàn nhạc tân, dàn nhạc cổ; Ca múa “Asean - Mặt trời phương Đông” sáng tác: Đức Trịnh, lời: Phan Huyền Thư, biên đạo múa: Lê Hoàng Công, biểu diễn: Tập thể nam nữ diễn viên toàn Đoàn...


NS Đỗ Hồng Quần và PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ lên chúc mừng thành công đêm nghệ thuật

Tại Lễ khai mạc, PGS.TS.Nhạc sĩ  Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã có bài phát biểu:  

“Cách đây 60 năm, ngày 30 tháng 12 năm 1957 Hội Nhạc sĩ Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 750, 751 của Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Tiền thân của Hội là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, nằm trong Hội Văn Nghệ Việt Nam (thành lập từ tháng 7 năm 1948) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. 

Lần giở lại những trang tư liệu về ngày đầu thành lập Hội, khi đó chỉ với hơn 50 nhạc sĩ – nghệ sĩ từ chiến khu về và trong lòng Hà Nội đã tập hợp dưới mái nhà chung, mở ra con đường sáng tạo của âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam. Chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn các nhạc sĩ đã có công gây dựng “Ngôi nhà âm nhạc”, như các vị: Nguyễn Xuân Khoát (Chủ tịch khóa I, II); Đỗ Nhuận (Tổng thư ký khóa I, II); Lưu Hữu Phước (Phó Tổng thư ký khóa I, II); Huy Du (Tổng thư ký khóa III); Ca Lê Thuần (Tổng thư ký khóa IV); Trọng Bằng (Tổng thư ký khóa V, VI) và các nhạc sĩ tham gia Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Hội đồng Nghệ thuật trong suốt 9 nhiệm kỳ. Chúng ta cũng không khỏi bùi ngùi xúc động tưởng nhớ tới các nhạc sĩ - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ, tài năng và nhiệt tình đang bừng phát như: nhạc sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hoàng Việt; Nhạc sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ tranh nhân dân Vĩnh Bảo; Nhạc sĩ Văn Cận. Trong ngày vui hôm nay chúng ta vô cùng thương tiếc các anh – những tài năng trẻ tuổi đã anh dũng hy sinh để lại cho dân tộc những tác phẩm âm nhạc bất hủ, sống mãi với thời gian.

60 năm qua là sự trưởng thành, phát triển không ngừng về chất và sự lớn mạnh về tổ chức, đội ngũ. Tiêu biểu cho sự phát triển này là những thành tích xuất sắc mà Hội đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao Vàng; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những nhạc sĩ tiêu biểu được trao tặng những Danh hiệu cao quý: Từ đợt I (năm 1995) với 5 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, đến nay đã có 21 nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 121 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước và 51 Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, hơn 200 Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Ưu tú. Hội Nhạc sĩ đã phát triển tới trên 1.500 hội viên, gồm 4 chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận, Biểu diễn và Đào tạo, phạm vi hoạt động rộng khắp trên 51 chi hội trong cả nước.

Bước tiếp những chặng đường vẻ vang 60 năm qua, giới âm nhạc Việt Nam tiếp tục xây dựng một nền âm nhạc tiên tiến, chuyên nghiệp, phấn đấu có những tác phẩm đỉnh cao thuộc các thể loại nhạc kịch, vũ kịch, giao hưởng, hợp xướng, chú trọng tới lĩnh vực ca khúc, thế mạnh truyền thống của nền âm nhạc nước nhà, khuyến khích nhạc sĩ trẻ thể nghiệm tìm tòi sáng tạo trong các thể loại âm nhạc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của công chúng, hội nhập với thị trường âm nhạc thế giới.

Nhìn lại chặng đường 60 qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tự hào là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, xứng đáng với lòng tin của Đảng, của Nhân dân. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ  nghĩa, để lại một di sản âm nhạc đồ sộ, vô cùng giá trị góp vào kho tàng văn hoá của nước nhà.

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi xin cảm ơn Hội Âm nhạc thành phố Cần Thơ, Đoàn Văn Công Quân khu 9, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, các ca sĩ, nghệ sĩ đã nhiệt tình xây dựng một chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa – thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam”.


NS Đỗ Hồng Quân phát biểu khai mạc

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.