You are here

Opera Nga Những bước thăng trầm

Tác giả: 
Phan Thị Thu Lan

Nước Nga - một cường quốc châu âu rộng lớn, miền đất đầy tuyết trắng mênh mông với những dòng sông hiền hòa, mềm mại uốn quanh những hàng cây bạch dương thẳng tắp. Có lẽ, thiên nhiên ở đây đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên tâm hồn, tính cách Nga: Con người Nga hiền lành, dịu dàng, nhưng cũng đầy kiên cường, dũng cảm... Tâm hồn, văn hóa và tính cách Nga càng được biểu hiện rõ nét trong âm nhạc - những giai điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào, đằm thắm, nghe như những lời tâm tình, tự sự, khi nghe, ta cảm thấy lòng mình chùng xuống, thư thái, cảm thấy như mình đang nằm trong vòng tay âu yếm của mẹ với lời ru da diết, thắm đượm tình đất, tình người...

 “Chiều dần buông hoàng hôn
Vẳng bên sông lời hát êm đềm
Hòa với tiếng đàn ai
Dập dìu xa về phía chân trời...”

(Dưới cây thùy dương - Nhạc: E.Rôdưghin
Lời: M.Philipenco - Lời Việt: Trung Kiên)

Việt Nam đã trải qua nhiều biến động lịch sử, đã kiên cường chống cả quân xâm lược, giành chiến thắng, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong những năm kháng chiến oanh liệt, hào hùng ấy, và cho đến nay - Việt Nam đang hòa nhập với thế giới về mọi mặt, vẫn luôn luôn có người bạn Nga đồng hành, chia sẻ ngọt bùi, gắn bó với nhau như ruột thịt... Quan hệ Việt - Nga bền vững không chỉ là sự gắn bó về lý tưởng, cùng xóa bỏ áp bức, bất công... mà còn bởi tình cảm của hai dân tộc cùng có nền văn hóa mang đậm truyền thống nhân ái, thủy chung và yêu hòa bình. Như vậy, cũng không có gì là lạ khi âm nhạc Nga có sự tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn người Việt. Đặc biệt những hoạt động âm nhạc Nga đã trở thành những sự kiện đáng ghi nhớ, được nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam đón nhận. Tên tuổi của các nhạc sỹ nổi tiếng như: M.Glinka, P.I.Tchaikovsky, Rimsky - Korsakov, D.Shostakovich... và những giai điệu sâu lắng, nồng nàn, chan chứa cảm xúc: những bài ca yêu nước như “Cuộc sống ơi - ta mến yêu người”; “Đỉnh núi Lê Nin”; “Chiều hải cảng”; “Kachiusa”...

Những vở opera hoành tráng, đầy kịch tính như: “Rusland và Ludmila”; “Ivan Susanin”; “Evgeny Onegin”; “Con đầm Pich” ... các ca khúc nghệ thuật (Romance) như: “Ngôi sao Phương Bắc”; “Chim Vân Tước”; “Họa mi say đắm hoa hồng”; “Đừng nói lời nào hỡi bạn của tôi”; “Chúng tôi ngồi bên nhau”... đã in sâu vào ký ức không dễ phai mờ trong trái tim, tâm hồn người Việt.


Mùa thu tuyệt đẹp ở nước Nga

Thế kỷ XVIII, Peter I đã có xu hướng giới thiệu và để âm nhạc Nga tiếp xúc với âm nhạc phương tây. Triều đại tiếp theo của hoàng hậu Elizabeth và Katherine, triều đình Nga thu hút nhiều nghệ sỹ nổi tiếng từ Ý sang, họ mang theo truyền thống của opera Ý (loại hình kết hợp giữa âm nhạc và sân khấu, giai điệu gắn chặt với lời ca, có kỹ thuật thanh nhạc cao, với sự tham gia cộng hưởng của một tập thể diễn viên lớn, hợp xướng, dàn nhạc đệm, phục trang sân khấu, đôi khi kết hợp cả múa. Đây là loại nhạc kịch có tính năng đặc biệt mạnh mẽ không thua kém các thể loại âm nhạc khác, với khả năng phản ánh cụ thể, miêu tả chi tiết diễn biến cảm xúc và hành động con người trên sân khấu, tác động trực tiếp đến người thưởng thức) và nhạc cổ điển nói chung đến truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai của các nhà soạn nhạc Nga. Một số nhạc sỹ được gửi đi đào tạo tại Ý, đã sáng tác những tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc trong truyền thống cổ điển Ý. Các nhà soạn nhạc dân tộc không chỉ sáng tác những bản hợp xướng mà còn sáng tác những vở opera, các tác phẩm thính phòng và giao hưởng.

Trong khoảng cách gần 100 năm, nền âm nhạc Nga đã có những bước tiến đáng kể có thể sánh ngang với sự phát triển của các trường phái dân tộc trong những nước lớn của châu âu ."Qua chủ nghĩa lãng mạn đến chủ nghĩa hiện thực" - là sự khẳng định đường nét chung cho văn hóa Nga, trong đó có âm nhạc. Đó là cuộc đấu tranh vì nhân dân, vì nghệ thuật độc lập dân tộc, vì những tư tưởng tự do, vì sự độc lập của nhân cách con người... Đó là những tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử và dấu ấn thời đại, được thể hiện ở mọi góc cạnh, tập trung nhất vẫn là tình yêu tổ quốc, tình yêu con người, thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Nổi bật, xuyên suốt là tính anh hùng ca, chất trữ tình, lãng mạn...


Biểu diễn Opera ở Nga

Các nhà soạn nhạc thế kỷ XIX đã góp phần làm phong phú thêm cho đời sống âm nhạc của Nga. Kho tàng âm nhạc Nga ngày càng đa dạng về thể loại, luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, tâm tư tình cảm của con người. Cũng như nền âm nhạc của các dân tộc khác trên thế giới, âm nhạc Nga kết hợp nhiểu thể loại từ âm nhạc dân gian đến cổ điển và hiện đại. Dẫn dầu nhóm âm nhạc dân tộc của Nga theo phong cách cổ điển được sử dụng trong opera - là những vở đầu tiên sử dụng tiếng Nga, cũng như có những nét giai điệu đặc trưng của Nga với các chủ đề về đời sống người dân Nga. Nhạc sĩ khai thác truyền thống âm nhạc bản địa Nga vào lĩnh vực âm nhạc, cũng là người sáng tác ngôn ngữ kịch Nga đầu tiên là M.Glinka, trong 2 vở opera là “Ivan Susanin - Rusland”“Ludmila” được xem là những kiệt tác âm nhạc, nổi tiếng và được thế giới đánh giá cao.

Truyền thống Glinka được kế thừa bỏi các nhạc sĩ tài năng khác như M.Mussorgsky, Rimsky - Korsakov, Borodin... họ đã chuyển thể cuộc sống và văn hóa trong lịch sử nước Nga vào các tác phẩm như: “Borit Godunov” (M.Mussorgsky), “Hoàng tử Igor” (Borodin), “The Golden”, “Cockerel” (Rimsky - Korsakov), và những vở opera nổi tiếng nhất là “Evgeni Onegin”, “The Queen of Spades” của nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc Nga là P.I.Tchaikovsky.

Cách mạng Nga đã làm thay đổi diện mạo đời sống mọi mặt của Nga kể cả âm nhạc Nga cũng có sự thay đổi, là thời đại của thí nghiệm tiên phong, lấy cảm hứng từ "tinh thần cách mạng" với xu hướng mới (như âm nhạc dựa trên âm tổng hợp...) âm nhạc buộc phải được chứa trong ranh giới nhất định của nội dung và đổi mới. Cổ điển được khuyến khích và thử nghiệm. Các nhạc sĩ nổi tiếng của thời ký này là: S.Prokofiev, D.Shostakovich....


Nét đẹp người con gái Nga

Liên Xô sụp đổ, âm nhạc Nga chịu ảnh hưởng nhiều luồng âm nhạc của phương tây như jazz, pop, rock, rap... giới ca sĩ Nga xuất hiện rất nhiều gương mặt mới, nhưng hầu như không có ai nổi trội và nhiều ca sĩ nổi tiếng thời đó đã kết thúc sự nghiệp của mình một cách bi kịch.

Trong thời kỳ Xô Viết gần như tất cả mọi người dân Nga thuộc mọi tầng lớp thường xuyên đến nhà hát, phòng hòa nhạc. Tuy nhiên, âm nhạc Nga cũng như người biểu diễn, người thưởng thức đều không thoát khỏi khủng hoảng thời hậu Xô Viết, họ tìm kiếm sự cân bằng trong việc tôn vinh các tác phẩm kinh điển và thử nghiệm hướng nghệ thuật mới .

Người hâm mộ nhạc cổ điển Nga vẫn luôn hướng tới các tác phẩm nổi tiếng với tên tuổi của những nhac soạn nhạc lừng danh, và họ luôn tự hào về di sản văn hóa của mình. Mỗi khi âm thanh của nhà hát sân khấu opera vang lên, niềm tin và sự hào hứng đã gắn kết mọi người lại với nhau - những người yêu thích và am hiểu loại hình nghệ thuật thanh nhạc đẹp đẽ và kỳ diệu này.

Tên tuổi của những nghệ sĩ, nhạc sĩ đã cống hiến cho thế giới những tác phẩm bất hủ đi vào lịch sử, mở ra thời kỳ âm nhạc mới - thời kỳ âm nhạc Nga cũng như âm nhạc thế giới mong muốn đạt đến: Chân - Thiện - Mỹ.

Th.s Phan Thị Thu Lan
Trưởng khoa Thanh nhạc
Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam

(Nguồn: http://nghethuatbieudien.vn)

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.