You are here

Người khơi nguồn "cảm hứng dân tộc" cho nước Mỹ

Tác giả: 
Ngọc Anh

Nhà soạn nhạc dân tộc Czech - Dvorak đã chứng minh cho các nhà soạn nhạc người Mỹ thấy rằng họ có một gia tài ca khúc dân gian đích thực của chính đất nước họ. Gia tài này có thể được sử dụng để xây dựng nên một trường phái dân tộc.

Bản nhạc: CHƯƠNG II, Tứ tấu "MỸ" 
Tác giả: Antonin Dvorak
Thể hiện: Nhóm tứ tấu Stamitz
***

Năm 1892, nhà soạn nhạc dân tộc Czech Antonin Dvorak (1841 - 1904) tới Hoa Kỳ để đảm nhiệm vị trí giám đốc Nhạc viện thành phố New York mới được thành lập. Ông lưu lại đây trong vòng ba năm và đạt được danh tiếng lẫy lừng ở các vai trò nhạc sư, nhà soạn nhạc và nhà chỉ huy.

Trong những năm tha hương này, nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất của Dvorak đã ra đời như Giao hưởng Từ thế giới mới; Cello Concerto; Tứ tấu "Mỹ"… Ông nói: "Tôi sẽ chẳng bao giờ viết những tác phẩm này được như thế nếu tôi không đến Mỹ."

 
Nguồn: wordpress.com

Bản tứ tấu đàn dây giọng Pha trưởng Op. 96 còn được gọi là Tứ tấu "Mỹ" của Dvorak là một trong những kiệt tác của thể loại tứ tấu nói riêng và âm nhạc thính phòng thế giới nói chung. Dvorak viết tác phẩm này chỉ trong vòng 3 ngày khi đi nghỉ tại một khu kiều dân nơi có cộng đồng người Czech nhập cư sinh sống.

Vây quanh Dvorak đang khắc khoải nỗi nhớ quê hương lúc đó là những người nông dân vui vẻ, những vị linh mục thân thiện và những bà nội trợ hồn hậu. Điều này phần nào lý giải cho tính chất giản dị của tác phẩm.

Kì nghỉ xa nhà đã khiến Dvorak tạm quên đi những xung đột giữa truyền thống Áo-Phổ đang thống lĩnh và chủ nghĩa dân tộc Bohemia mà ông đang cố gắng tạo dựng trong âm nhạc. Tứ tấu "Mỹ" là một tác phẩm thuần túy mang phong cách của chính Dvorak chứ không thuộc về bất cứ trường phái nào.

Thể loại tứ tấu đàn dây dường như tỏ ra ít triển vọng đối với các nhà soạn nhạc thế kỷ 19 vốn bận tâm với các ý đồ quy mô lớn như giao hưởng và thơ giao hưởng. Tuy nhiên nó vẫn thu hút được sự chú ý của Dvorak và một số nhà soạn nhạc theo khuynh hướng dân tộc, những người đã đưa các giai điệu dân gian của dân tộc mình vào sáng tác tứ tấu.

 
Một góc nhà lưu niệm Dvorak ở Prague - Nguồn: nytimes

Tính đến năm 1893, Dvorak đã không sáng tác thể loại tứ tấu trong 12 năm. Với tiến độ sáng tác mau chóng, Tứ tấu "Mỹ" làm tác giả của nó hài lòng đến nỗi ông đã nguệch ngoạc viết một câu cảm tạ Chúa Trời ở cuối bản thảo ban đầu.

Tác phẩm được công diễn lần đầu vào ngày 1 tháng 1 năm 1894 tại Boston trong một buổi hòa nhạc của nhóm tứ tấu Kneisel (gồm các nghệ sĩ F. Kneisel, O. Rott, L. Svècenski, Al. Schroeder). Và chẳng bao lâu sau nó đạt được vị trí vững chắc trong vốn tiết mục biểu diễn thể loại tứ tấu.

Trong Tứ tấu "Mỹ", người nghe nhận thấy một phong cách phối màu tươi mới hơn so với bút pháp tứ tấu thông lệ của Dvorak. Tác giả đã thu nhận phong cách biểu đạt của thể loại ca khúc dân gian của của người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Phi rồi tái hiện chúng trong các giai điệu do chính ông sáng tạo. Vì thế bản tứ tấu này không chỉ "Mỹ" ở tên gọi và địa danh sáng tác.

Dvorak đã chứng minh cho các nhà soạn nhạc người Mỹ thấy rằng họ có một gia tài ca khúc dân gian đích thực của chính đất nước họ. Gia tài này có thể được sử dụng để xây dựng nên một trường phái dân tộc. Tứ tấu "Mỹ" là một cách để nhà dân tộc chủ nghĩa vĩ đại người Czech khơi nguồn cảm hứng dân tộc trong các nhà soạn nhạc người Mỹ.

(Nguồnhttp://tuanvietnam.vietnamnet.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.