You are here

Nghệ thuật hò sông Mã và sự phục sinh

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Thanh Hóa là một tỉnh giáp ranh giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam, phía Tây giáp Lào và phía Đông là biển. Nơi đây có những cảnh quan thiên nhiên rất kỳ thú và đa dạng về địa hình tự nhiên, đủ các vùng từ núi rừng, trung du, đến đồng bằng, sông biển. Nơi đây có đến bảy nhóm dân tộc khác nhau cùng chung sống: Việt, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ mú. Đây cũng là nơi còn lưu lại nhiều dấu tích của hơn bốn nghìn năm lịch sử: di tích thời đại đồ đá, thời đại đồng thau (với trống đồng là sản vật tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn), các đền miếu, đình chùa, thành quách... Nhờ vị thế đặc biệt như một cửa ngõ giao thông nên trong quá khứ xa xưa đã hai lần tỉnh Thanh được chọn làm kinh đô (đời Hồ thế kỷ XV và thời hậu Lê thế kỷ XVI). Bên cạnh các di tích lịch sử, mảnh đất này còn giữ lại được những truyền thống văn hóa phi vật thể lâu đời, và người dân xứ Thanh có thể tự hào với kho tàng âm nhạc dân gian đặc sắc của mình.

Thiên nhiên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thanh Hóa gắn liền với dòng sông Mã. Người ta cho rằng cái tên “Mã” của con sông được bắt nguồn từ chữ “ma” tiếng Mường - ma nghĩa là mẹ, sông Mẹ, mẹ của 89 sông con hợp thành trước khi đổ ra biển. Không chỉ nuôi sống cư dân tỉnh Thanh bằng nghề chài lưới, sông Mã còn là nguồn tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, là tuyến giao thông thuận lợi cho buôn bán nông sản, thủy sản, lâm sản, đồ thủ công (vải, gốm...). Buôn bán sầm uất thúc đẩy sự phát triển các nghề mang tính chuyên nghiệp gắn bó với con sông, đó là nghề đóng thuyền đinh (vì mạn thuyền được ghép vào khung thuyền bằng hàng ngàn chiếc đinh), nghề chủ đò dọc và buôn đò dọc (buôn chuyến dài ngày trên con thuyền đinh dọc theo sông).

Sông Mã có hai bờ cao thấp khác nhau, bên này bồi bên kia lở. Bãi sông bên bồi rộng và thoai thoải thuận lợi cho việc đóng thuyền và dựa theo nước thủy triều đưa thuyền xuống sông. Dọc theo bên lở là những bến đò đưa đón khách. Để cạnh tranh khách, các chủ đò đua nhau đóng đò đẹp, đò to, trọng tải từ 9 lên đến 15 tấn, có mui có buồm và nhiều khoang, như khoang lái, khoang bếp, khoang nghỉ ngơi... thuận tiện cho khách buôn xếp hàng hóa và sinh hoạt ăn ở trong nhiều ngày. Một chuyến đò dọc cần đến mười trai trẻ lực lưỡng, trong đó có một lái chính và một lái phụ, tám người còn lại chia thành hai tốp luân phiên chèo chống. Công việc vận hành đò vất vả, nhưng đi đến đâu các trai đò hát hò đến đó, vừa để hỗ trợ lao động tập thể khi cần đồng tâm hợp lực, vừa là cách giải khuây giãi bầy tâm tư. Từ lao động sông nước và đời sống sinh hoạt trên con đò đã sinh ra những câu hát điệu hò thích ứng với công việc và tâm trạng của người diễn xướng, hình thành một nghệ thuật âm nhạc dân gian mang đậm bản sắc địa phương: Hò sông Mã.

Đến giữa thế kỷ trước, những con đò dọc sông Mã bắt đầu thưa thớt dần rồi gần như vắng bóng do hoàn cảnh chiến tranh, và sau đó còn do đời sống xã hội biến đổi không ngừng theo đà tiến triển tất yếu của cơ giới hóa, kỹ thuật hóa, văn minh hóa. Được thay thế bằng ca nô, tàu sắt, thuyền xi măng gắn máy, con đò dọc bằng gỗ từ một phương tiện giao thông duy nhất đã mất đi vị trí độc tôn và dần dần không còn chỗ đứng hợp lý trong cuộc sống đương đại nữa. Cùng với sự vắng bóng con đò dân dã là sự quên lãng những câu ca điệu hò trên sông từng được coi như đặc sản không đâu có của người xứ Thanh. Nửa thế kỷ trôi qua, Hò sông Mã cũng như hình ảnh con đò dọc, chỉ còn lưu lại trong ký ức của thế hệ cao niên. Họ đang lần lượt ra đi mà chẳng kịp truyền lại cho đời sau những gì gần nhất với nguyên bản của Hò sông Mã.

Để cứu vãn một hình thức nghệ thuật dân gian không còn khả năng tồn tại trong đời sống sinh hoạt ngày nay, một số cơ quan nhà nước và địa phương cùng các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian đã tích cực sưu tầm các làn điệu Hò sông Mã, chủ yếu là thu thanh, ký âm bằng nốt nhạc trên năm dòng kẻ, xuất bản phần ký âm và các tài liệu chuyên khảo về thể loại hò sông nước độc đáo này. Đáng tiếc là giá trị nghệ thuật của Hò sông Mã không còn trọn vẹn khi bị tách ra khỏi môi trường sinh hoạt trên sông nước. Tỉnh Thanh Hóa đã cố gắng làm một việc cần thiết: dựng lại để quay hình môi trường diễn xướng của Hò sông Mã. Chỉ có điều trên con thuyền xi măng, những động tác chèo chống gắn bó hết sức tự nhiên với điệu hò năm xưa đã không thể tái tạo lại một cách chân thật nên chưa thu được một thành phẩm đủ tính thuyết phục về mặt nghệ thuật cũng như khoa học.

Thực hiện dự án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống tiểu vùng sông Mã” năm 1999, Viện Âm nhạc liên tiếp tổ chức các đợt điền dã, phỏng vấn các nghệ nhân, làm sống dậy những kỷ niệm xa xưa của người dân vùng sông Mã, chắp nối phục hiện những mảnh ký ức đang phai nhạt dần theo tháng năm. Thấy rõ vai trò của con đò dọc năm xưa trong việc tái tạo môi trường diễn xướng cho Hò sông Mã, dự án đã làm nên một “sự kiện lịch sử” cho mảnh đất từng là nơi cha truyền con nối nghề đóng đò dọc: đóng một con đò gỗ theo đúng quy trình trước đây, bắt đầu từ lễ Phạt mộc (cúng khởi công), làm đáy đò, làm mạn thuyền, rồi đóng ván tầng trên, giương cột buồm, làm mui, bánh lái, bai chèo... Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ bị “thất nghiệp”, các thợ đóng thuyền đinh còn sống sót nay lại có cơ hội cùng nhau hành nghề cũ theo phương thức thủ công: xẻ gỗ và bào gỗ bằng tay, khoan ván thuyền bằng tay, uốn cong mạn thuyền bằng cách đốt nóng... Vất vả nhất và cũng đáng tận mắt chứng kiến nhất là công đoạn đóng đinh đà: một người đóng vào đinh ở ngoài vỏ thuyền, một người đóng vào cái đà ở trong vỏ thuyền, dù không thấy nhau nhưng nghe tín hiệu là cùng gõ một lúc. Khoảng 20 ngày sau, quy trình tái tạo con đò dọc được kết thúc bằng lễ Hạ thủy (lao thuyền xuống sông) trong niềm vui chen nỗi xúc động rưng rưng của người dân xứ Thanh và những người tham gia dự án. Bao nhiêu năm rồi mới lại vang lên trên bãi sông tiếng hò đẩy thuyền:

Thuyền tôi vừa mới đóng xong
Chúc ông chính chủ buôn trăm bán nghìn

Trên dòng sông Mã lại xuất hiện một con đò gỗ, như đã từng quen thuộc từ hơn nửa thế kỷ trước. Con đò trở thành một “sàn diễn” nổi trôi trong không gian thiên nhiên sông nước mây trời, còn “nghệ sĩ biểu diễn” là các cụ ông từng làm trai đò năm xưa và các cụ bà từng là khách buôn năm xưa. Trở về với cảm xúc của tuổi mười tám đôi mươi,  họ sống lại cùng những câu ca điệu hò thuở nào được sinh ra được nuôi dưỡng bao đời trên con sông này.

Hành trình một chuyến đò dọc sông Mã được phục hiện lại qua các làn điệu được gọi tên theo từng chặng khác nhau từ lúc rời bến đến khi cập bến. Hệ thống Hò sông Mã giống như cuốn nhật ký ghi lại lịch trình con đò giúp ta có thể mường tượng ra một chuyến đi như sau:

Sau khi đón khách đông đủ, con thuyền phấn chấn khởi hành trong làn điệu Hò rời bến chắc khỏe, dứt khoát. Cũng như các điệu hò lao động ở nhiều vùng miền khác, đa số các làn điệu Hò sông Mã được hát theo lối xướng - xô, nghĩa là câu kể của một người bắt cái (thường là người cầm lái) được luân phiên với câu đồng thanh phụ họa của các trai đò.

Chặng đường cực nhọc nhất bắt đầu khi con thuyền bơi ngược dòng nước. Trong điệu Hò đò ngược, sau mỗi câu kể của người bắt cái như hiệu lệnh để cùng thống nhất động tác lấy đà, các trai đò vừa hùa nhau hát câu xô vừa chống sào đẩy thuyền tiến về phía trước. Khi thuyền chẳng may mắc vào những doi cát ngầm cần có người nhảy lên bờ dùng dây kéo thuyền, lúc gay cấn hơn trai đò còn phải lội xuống nước để đẩy hai bên mạn thuyền hoặc dùng vai vác thuyền qua khúc cạn. Dành cho những lúc gặp sự cố đó có các làn điệu Hò mắc cạn, Hò kéo thuyền, Hò vác thuyền... Tiếng xô ở đây thường rút ngắn, giản đơn và có thể không rõ cao độ (Hò vác thuyền). Chưa hết, con thuyền đôi khi còn phải đối đầu với thác gềnh nữa, cả câu xướng lẫn xô trong Hò vượt thác đều ngắn gọn, chắc nịch. Thuyền càng đi ngược lên phía thượng nguồn càng gặp nhiều vực sâu mô đá. Tới những nơi hiểm trở hoặc linh thiêng chủ đò thường cho dừng thuyền lại để trai đò và hành khách cúng bái cầu may cho chuyến đi. Gặp đền thờ, miếu mạo họ thường hát Hò làn văn, qua cảnh chùa chiền lại có Hò niệm Phật.

Khi thuyền thong dong trôi theo dòng nước êm ả, công việc không vất vả căng thẳng như lúc lên thác xuống ghềnh. Người giữ tay lái cất giọng hò các làn điệu Hò xuôi dòng, bốn trai đò chia ra hai bên mạn thuyền thong thả chèo vừa hòa giọng xô vừa nhịp nhàng giậm chân lên mặt ván. Ban ngày hò ít hơn đêm, tiếng hò văng vẳng trong đêm càng hay hơn. Khoảng nửa đêm đến sáng trong cảnh tĩnh lặng mênh mông, họ đưa khách vào giấc nồng bằng các điệu Hò ru ngủ. Trai đò còn “phục vụ” khách đò bằng Hò làn ai  dựa trên các tích chuyện éo le, cảnh đời sầu bi, tình yêu dang dở. Lúc thuận buồm xuôi gió thảnh thơi ngơi chèo cũng là lúc trai đò tha hồ tâm tình ngẫu hứng. Cùng chia sẻ buồn vui với các chàng trai đò, cùng đối đáp với họ trong những khúc giao duyên tình tứ còn có các nàng khách buôn trên thuyền và đôi khi cả các cô gái ở dọc bên bờ sông nữa. Có khi chẳng biết mặt biết người trên bờ, nhưng mê tiếng hát, phục tài đối đáp đến nỗi thuyền phải cắm lại để hò với nhau vài ba câu.

Thuyền anh thấp thoáng bên sông
Thấy cô ngồi bến đứng trông anh về...

Mỗi lần đến bến, trai đò thường hò dăm ba câu báo hiệu đánh thức khách. Con thuyền rộn ràng nhấn mạnh mái chèo theo tiếng xô ngắn gọn, dứt khoát của trai đò trong điệu Hò cập bến. Đây cũng có thể là làn điệu kết thúc cho chuyến đi sau nhiều ngày đêm gắn bó khách với đò.

Phong phú về làn điệu nên Hò sông Mã rất đa dạng về mặt thang âm điệu thức. Dường như hệ thống ngũ cung lâu đời của dân tộc Việt được vận dụng cả vào đây. Có thể thấy từ thang 3 âm, 4 âm đến 5 âm, thậm chí 6 âm nhờ sự kết hợp hai thang âm khác nhau, và gặp đủ mặt 4 thang âm ngũ cung đặc trưng của Việt Nam: Bắc, Nam, Xuân và Oán (xem bảng thí dụ sau).

3 âm

g-c-es

Sắng đò ngược

4 âm

g-a-c-d

g-b-c-d

g-c-d-e

Hò đường trường

Hò ru ngủ

Hò xuôi nhịp đôi, Hò cập bến

5 âm

g-a-c-d-e (Bắc)

g-b-c-d-f (Nam)

g-b-c-d-e (Oán)

Hò vượt thác, Xuống chèo, Hò ru ngủ hành khách

Hò cập bến, Hò niệm Phật, Điệu chèo sâu, Điệu chèo cạn

Hò xuôi dòng, Hò làn văn, Hò xuôi ru ngủ

6 âm (do kết hợp hai dạng thức 5 âm)

g-a-c-d-<e> (Bắc)
----------<f> (Xuân)

g-<b>-c-d-f (Nam)
---<a>------- (Xuân)

g-<a>-c-d-f (Xuân)
--<b>-------  (Nam)

Hò xuôi nhịp đôi một
 

Hò xuôi nhịp đôi hai
 

Hò kéo thuyền

Điểm độc đáo nhất của Hò sông Mã được làm nổi rõ trong những thước phim của dự án: giai điệu uyển chuyển luôn gắn liền với tiếng giậm chân rộn rã lên mặt ván thuyền theo một âm hình tiết tấu không đổi nghe như nền đệm của nhạc cụ gõ. Có thể hình dung động tác đôi chân trong một chu kỳ tiết tấu như sau: một chân bước lên giậm phách đầu kết hợp với động tác đưa toàn thân về phía trước đẩy chèo, chân kia giậm hai phách yếu rồi trụ lại ở phách mạnh trong lúc toàn thân ngả ra để kéo chèo về phía sau. Khi phát triển hạt nhân tiết tấu chỉ cần điểm thêm các phách yếu ở chân sau. Để tiện so sách, xin dẫn ra sau đây tiết tấu của đôi chân như một âm hình chủ đạo trong một số làn điệu (kèm theo câu xô cũng là một motif lặp lại):

1.Hò rời bến:

2.Hò lèo 2 (xuôi dòng):

3.Hò lèo 3 (xuôi dòng):

4.Hò niệm Phật:

5.Hò làn văn:

6.Hò làn ai:

7.Hò cập bến:

Những làn điệu trên sẽ trở nên vô hồn nếu tách giai điệu ra khỏi nhịp chân có một không hai này. Tính ngẫu hứng theo tâm trạng người hát luôn kết hợp với tính chuẩn mực trong động tác lao động. Tốc độ nhanh chậm của con đò gắn liền một khối cùng giai điệu Hò và tiết tấu đôi chân. Động tác gõ đơn giản hay phức tạp là tùy thuộc vào từng khúc sông khác nhau, thời điểm khác nhau: chẳng hạn lúc rời bến và cập bến thì khẩn trương dứt khoát theo tiết tấu chân phương, lúc xuôi dòng thảnh thơi hơn có thể giậm thêm vài “nhát” ở chân sau. Đôi lúc ngồi cầu khấn thần linh phù hộ cho chuyến đi, các trai đò cũng vỗ tay lên mặt ván thay nhịp đôi chân, để duy trì tiết tấu như duy trì một hạt nhân xuyên suốt hầu hết các làn điệu trong Hò sông Mã. Các trai đò vừa là người lao động, vừa là tác giả, vừa là người diễn xướng. Với động tác đôi chân, họ còn giữ thêm vai trò “nhạc công” và “múa minh họa”. Bởi vậy, Hò sông Mã chỉ để “nghe” chưa đủ mà phải “xem” mới thấy hết vẻ khác lạ của nó. Chẳng vô cớ khi động tác giậm chân lên ván cũng đi vào lời ca điệu hò:

...Anh tài đạp lái chúng tôi cầm chèo
Phách nhất chèo mở mái ra
Phách nhì chân giậm, phách ba reo hò
                        (Hò đường trường)

Xuống thuyền anh giậm nhịp ba
Anh giậm nhịp bảy nó ra nhịp mười
Anh chẳng giậm thời thuyền chẳng đi
Giậm ra, ván nát, thuyền thì long đanh...
                            (Điệu chèo cạn)

Hò sông Mã có hàng ngàn lời ca lấy từ kho tàng dân gian truyền miệng phản ánh sinh hoạt vật chất và đời sống tinh thần của người dân, đôi khi câu hò còn do trai đò tức hứng theo thể thơ lục bát để gửi gắm tình cảm riêng tư. Là những người lao động nghèo, không được học hành, nhưng trai đò có tài hát đối, khéo vận những chuyện tình cảm vào câu hò làm mê lòng khách, biết lựa theo tâm trạng gia cảnh của khách mà ngâm Kiều, Lục Vân Tiên, Tống Chân Cúc Hoa cùng nhiều tác phẩm vô danh hữu danh khác. Gặp nhau, mến nhau qua tiếng hát hò, mến rồi không gặp cũng nhớ - khách nhớ đò, đò nhớ khách.

Vắng cơm một bữa chẳng sao
Vắng em một bữa lao đao cả ngày
Vắng em chỉ một phiên đò
Trầu ăn chẳng có chuyện đò thì không.

...ở nhà cha mắng mẹ hò
Em đi đò dọc em không muốn về.

...Cô lấy thầy lý một năm
Không bằng cô ngủ một đêm dưới đò

Các nghệ nhân kể lại rằng có bà vợ quan huyện say trai đò bỏ cả cuộc sống sung túc nơi huyện đường để đi theo đò, lại có những người tu hành đi đò rồi mê mẩn bỏ cả chùa theo trai đò. Dù bị miệt thị và phải sống cuộc đời gian truân, nhưng bù lại các trai đò không những được khách đò yêu mến mà còn được chủ đò chiều chuộng. Nếu trai đò không vừa lòng bỏ sang đò khác thì chủ đò sẽ mất khách. Đò nào có trai đò hò hát hay đối đáp giỏi chắc chắn thu hút nhiều khách hơn đò khác. Sự cạnh tranh khách diễn ra giữa các đò khi đó không còn bằng mách lới vật chất, mà bằng nghệ thuật, bằng cái duyên cái tài của người nghệ sĩ dân gian.

Thật may mắn là nhờ dự án này mà Viện Âm nhạc đã kịp thời lưu lại nhiều câu chuyện, những làn điệu, cách diễn xướng của chính các nghệ nhân phần lớn đã quá tuổi 70 vào thời điểm đó, nay tuổi cao thêm chắc gì họ còn đủ sức hát hò nói chi đến vừa chèo đò vừa hát. Trên cơ sở các tư liệu âm thanh và hình ảnh ghi lại được từ dự án, năm 2002 Viện Âm nhạc đã phát hành một CD các làn điệu Hò sông Mã và một VCD có lời bình mang tính khoa học và phổ cập. Chỉ tiếc cho đến nay Viện Âm nhạc vẫn chưa có điều kiện làm phụ đề tiếng Anh cho băng hình này để mở rộng việc giới thiệu Hò sông Mã ra nước ngoài.

Nếu xét từ góc độ phát triển truyền thống, thì từ nhiều năm nay, Hò sông Mã vẫn được khôi phục như những làn điệu dân ca độc lập tách khỏi môi trường lao động để chuyển thành tiết mục nghệ thuật, thành chất liệu âm nhạc trong những sáng tác mới và được đưa vào chương trình giáo dục phổ cập. Còn xét theo góc độ bảo tồn truyền thống, thì trong số các công trình nghiên cứu sưu tầm đáng chú ý nhất là cuốn sách khá đồ sộ do Viện Âm nhạc xuất bản năm 2004 Hò trong dân ca người Việt  (Lư Nhất Vũ - Lê Anh Trung). Kèm theo hệ thống bài bản, cuốn sách đã miêu tả môi trường và cách thức diễn xướng, phân tích nội dung, thang âm điệu thức và cho thấy vị trí Hò sông Mã trong tổng thể chung của thể loại hò trên toàn cõi Việt Nam. Vấn đề cấp bách hiện nay trong kế hoạch phục hồi nghệ thuật dân gian này là làm sao để Hò sông Mã không chỉ được phát triển mà trước hết phải được bảo tồn, và không những được bảo tồn trong tài liệu sách vở mà còn được tái sinh trong đời sống thực?

Một ý tưởng mới, một cách nhìn mới đã được gợi mở từ dự án nói trên. Kết quả dự án không những đã giúp cho nhiều người biết đến, hiểu đúng và sâu hơn về Hò sông Mã, mà còn làm cho các tổ chức văn hóa và du lịch địa phương thấy rõ lợi ích của việc chuyển đổi chức năng sử dụng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của Hò sông Mã trong đời sống đương đại. Đưa Hò sông Mã trở về với con đò con sông của nó, trở về với môi trường diễn xướng đích thực của nó là một chương trình tuyệt vời cho văn hóa du lịch. Một chuyến du lịch trên con đò dọc dòng sông vừa ngắm cảnh quan thiên nhiên, vừa thưởng thức nghệ thuật hò “gin” của những người chèo đò nhất định sẽ đem lại ấn tượng khó quên, thu hút thêm nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến với miền đất truyền thống ngàn đời văn vật này.

Đây là mong ước chung của người dân địa phương cũng như của các nhà nghiên cứu âm nhạc và văn hóa dân gian. Song sự cố gắng chỉ từ phía các nhà chuyên môn và các tổ chức địa phương thôi có lẽ chưa đủ để làm nên chuyện. Mơ ước vẫn chỉ là ước mơ. Sông Mã vẫn vắng bóng những con đò và những tiếng hò. Chiếc thuyền đinh, kỷ niệm sống động của dự án, như con cá bị vớt lên bờ, hiện đang nằm phơi mình trên cạn, âm thầm khô nứt giữa khuôn viên của Bảo tàng Dân tộc tại Hà Nội. Còn các nghệ nhân già năm đó hào hứng kể, say sưa hò trong những thước phim tư liệu của dự án, giờ này ra sao, ai còn ai mất?

3/2005

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.