You are here

Nghề phê bình âm nhạc: Tích cóp từ chuyên ngành nghiên cứu (Phần 4)

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Phần 1: https://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-tich-cop-tu-chuyen-nganh-nghien-cuu-phan-1

Phần 2: https://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-tich-cop-tu-chuyen-nganh-nghien-cuu-phan-2

Phần 3: http://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-tich-cop-tu-chuyen-nganh-nghien-cuu-phan-3

Chuẩn bị

Chế biến

(Tiếp theo)

Tôi không định nhắc lại kỹ năng viết thân bài như bạn đã học trong môn tập làm văn từ thời con nít. Chỉ muốn chia sẻ rằng có lúc ta cũng vẫn tắc tị như hồi bé, nhưng tiếc là chẳng còn bé thực sự nên kiểu gì bạn cũng không thể ngồi cắn bút cho đến hạn nộp bài. Chẳng còn cách nào khác là cứ đi theo trình tự dàn bài, tạm lướt qua chỗ bí để sau khi dựng tạm hình hài thân bài rồi sẽ quay lại bồi đắp dần vào những khúc mắc mớ. Thực tế dạy tôi là nghĩ tới đâu cứ xả ra bằng hết, chưa cần cân nhắc tiểu tiết, câu chữ làm gì vội. Nếu tắc quá, tạm ngừng viết. Đọc đi đọc lại phần đã viết biết đâu lại nảy thêm ý mới.

Đặc biệt khó khăn là việc trình bày một cách khoa học những nhận xét chuyên môn. Tôi không bỏ qua sự hỗ trợ của các bảng biểu được lập trong quá trình phân tích tác phẩm, vì không cách nào biểu thị kết quả thống kê, tổng hợp, phân loại, đặc biệt là đối chiếu so sánh lại rõ ràng hơn thấy bằng mắt, nó bớt cho bạn những lời giải thích dông dài, tẻ nhạt và khó hiểu.

Lần đầu tiên dùng bảng biểu trong một số chân dung nhạc sĩ để làm nổi bật những đặc điểm riêng của họ, tôi nhận được góp ý từ đồng nghiệp tiền bối: “Xóa ngay mấy cái bảng đi!”. Các bảng dẫn chứng về hình thức tác phẩm và motif tiêu biểu xem chừng dễ gây dị ứng cho “giới nghệ”. Kệ! Tôi không lung lay trước định kiến đó, vì tin đây là một cách trình bày khoa học, và sao lại buộc phải chối bỏ một biểu hiện cho đầu óc khoa học cần thiết cho nghề nghiên cứu mà nhà phê bình có thể vận dụng cơ chứ!

Xin dẫn một trong nhiều bảng biểu từ các chân dung âm nhạc của tôi có thể thay thế cả chùm thí dụ chiếm nhiều chỗ mà không phải đối tượng nào cũng đọc được nốt nhạc. Về một motif được ưa thích đặc biệt ở Trịnh Công Sơn (kết hợp các quãng 3, 5 và 4 giữa âm đầu với các âm kế tiếp), tôi chưa tìm được cách nào dễ hiểu, ngắn gọn mà đầy đủ hơn là biểu thị bằng bảng thông kê sau:

Motif

Tên bài

Lời ca

a1-c2-e2-d2

 

 

 

Hạ trắng

 

Bến sông

Ru em từng ngón xuân nồng

Diễm xưa

Dấu chân địa đàng

Hành hương trên đồi cao

 Ca dao mẹ

đường xa áo bay
đời xin có nhau
dài cho mãi sau

mà nhìn cánh sao

giận hờn sẽ quên

làm sao có nhau

nửa đêm tiếng ca
vào trong đá xưa

về đồi núi xa

mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh
mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương (từng cặp từ trùng cao độ)

Chân dung âm nhạc không thể thiếu phân tích tác phẩm, mà phân tích tác phẩm lại không thể thiếu thí dụ nốt nhạc, nên khá nhiều nhà nghiên cứu lạm dụng điều này. Tôi luôn tự nhắc mình chỉ nên trích vài nhịp thật “đắt” liên quan trực tiếp đến điều cần chứng minh. Tối kị photocopy nguyên cả một bài hát hoặc cả trang tổng phổ. Tốt nhất là chuyển sang dạng tổng phổ rút gọn hai dòng cho piano, cùng lắm dẫn ba-bốn dòng nhạc cụ theo kiểu tổng phổ hòa tấu thính phòng. Dù tôi cố nói thêm gì nữa về tầm quan trọng của việc này, thì hẳn bạn vẫn bỏ ngoài tai nếu như bạn không biết rút gọn tổng phổ, hoặc cho rằng tội gì mất công thế, rồi cố tình bệ nguyên xi tổng phổ dàn nhạc để tính số trang cho nhiều tăng thêm tiền nhuận bút.

Rút gọn tổng phổ trên hai dòng piano không quá đáng sợ với các sinh viên bắt buộc phải luyện chơi piano các trích đoạn tổng phổ dàn nhạc và bị giao hàng loạt bài tập phối khí chuyển soạn tác phẩm giao hưởng sang piano. Tôi đã trải qua mấy món khó nhằn đó với một thầy giáo môn phối khí người Nga cực kỳ khó tính. Ngày ấy hậm hực vì bị hành lên bờ xuống ruộng bao nhiêu thì sau này nhớ ơn thầy bấy nhiêu.

Nhân đây cũng phải kể tới lợi thế của khả năng chơi piano. Tôi rất ngưỡng mộ tài chơi đàn không chỉ của thầy giáo, mà cả các sinh viên Nga khoa lý luận - sáng tác. Nhiều bạn lớp tôi là pianist thực sự: được phép chọn một trong hai chuyên ngành đại học, các bạn ấy đã chia tay với sự nghiệp biểu diễn piano để chuyên tâm vào lý luận hoặc sáng tác. Họ đã cho thấy nhạc sĩ sáng tác và nghiên cứu âm nhạc có lợi thế mức nào với ngón đàn ngang ngửa dân piano chuyên nghiệp.

Thân bài là nơi cần cân bằng tính khoa học với yếu tố nghệ thuật trong cách trình bày và văn phong. Mỗi đoạn văn (paragraph) của các nhà nghiên cứu thường dài hơi, trong khi các nhà báo rất “chăm” xuống dòng. Tùy bạn chủ động độ dài một đoạn văn sao cho hợp với tính chất bài viết và nơi đăng tải. Một đoạn quá dài có thể làm mệt người đọc, nên cũng chẳng cần chồng chất câu chữ dăm bảy chục dòng vào một đoạn văn.

Việc kết nối các đoạn là tùy người. Có người cố tình không liên kết các đoạn với nhau để khi cần đảo trật tự các đoạn hoặc cắt bớt đoạn nào cũng không ảnh hưởng nhiều. Còn tôi vẫn hết sức coi trọng vai trò kết nối liền mạch trong bài viết, giữa nhan đề với nhập đề (như đã nói trên), giữa mở với kết bài và giữa một số đoạn văn trong thân bài để chuyển ý sao cho êm cho mượt. Đúng là mua việc vào thân, khi cần cắt xén tôi luôn đề nghị người biên tập các báo hãy để tôi tự gánh lấy thao tác tháo gỡ chắp nối mất thì giờ này.

Xin dành vài lời cho việc sử dụng trích dẫn vốn được các nhà nghiên cứu ưa dùng.

Một câu danh ngôn đúng chỗ dễ tăng sức hấp dẫn người đọc và diễn tả một cách cô đọng điều bạn muốn. Hồi nhỏ tôi rất phục những ai luôn trích dẫn triết gia này nói thế nọ, nhà soạn nhạc nọ nói thế kia. Họ đọc nhiều thế, nhớ tài thế! Đến giờ, kẻ vốn kém môn học thuộc lòng là tôi vẫn thấy quá nể, sao họ có thể nhồi vào đầu nhiều câu hay thế. Song tôi không ước mình được như họ. Từ lúc nào chẳng rõ tôi bắt đầu cảm thấy bớt thích bớt phục khi đọc hoặc nghe lời phát biểu đầy ắp những danh ngôn thật kêu thật cao siêu. Liên tục mượn lời người khác chỉ sớm tạo cho bạn hình ảnh người lòe kiến thức bằng những thứ không phải của mình mà thôi.

Mượn lời người khác đòi hỏi không những cần có chừng mực, mà còn phải ghi chú đàng hoàng lấy từ đâu, nếu không bài viết dễ bị quy tội đạo văn. Trích dẫn câu nói hoặc đoạn văn của người khác thiếu chính xác hoặc quên chú thích nguồn là bạn vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người nghiên cứu rồi. Tôi đã đọc không ít luận văn vô tư copy - past, còn đọc nhiều hơn thế những bài báo, bài tường thuật họp báo hoặc hội thảo cứ nối tiếp hết lời phát biểu này sang ý kiến nọ, toàn mượn lời người khác lại còn nhập nhằng làm như ý của mình. Lên mạng xã hội càng dễ bắt gặp hiện tượng “đạo” đủ thứ. Việc sao chép bài, lấy statut của người khác làm của mình và lờ luôn trích dẫn nguồn không còn là hiện tượng lẻ tẻ nữa, mà đã trở thành một xu hướng xã hội.

Phần kết cũng đóng vai trò không nhỏ. Một cái kết hay góp phần tạo nên sự hoàn thiện của bài viết. Đôi khi vì dư âm của phần kết mà tôi phải nhìn lại tên tác giả, có thể nói phần kết độc đáo cũng làm nên “thương hiệu” cho người cầm bút. Vậy là dành thời gian vào một mở đầu gây ấn tượng chưa đủ, còn phải làm thế nào để có một cái kết khó quên đây?

Hồi nhỏ, tôi nhớ đã học được cái mẹo thi môn tập làm văn là: tập trung “nặn” ngay ra mở bài và kết bài, tức là lo hoàn thiện cái kết trước cả thân bài. Mối quan hệ giữa mở với kết cũng là cách tạo nên tính thống nhất cho bài viết. Đây, vài thí dụ để thấy duy trì sự kết nối xuyên suốt bài viết luôn có ý nghĩa với tôi, đặc biệt mối liên kết hai khúc đầu và đuôi:

Nhan đề Lại đây cùng “lý với nhau” được nối tiếp bằng câu dẫn mượn từ Lý giao duyên:

Lý mấy câu để sầu trong dạ
Ta với mình trước lạ sau quen.

Và đây là đoạn kết cố tình trở lại với motif dân gian “lý mấy câu” đó: “Mỗi người đọc có lẽ tìm thấy cho mình còn hơn thế nữa nếu cũng như tôi tạm gác mọi sự đời qua một bên để tới đây cùng ‘lý mấy câu”[1].

“Không thể có tương lai tươi sáng cho một nền khí nhạc nếu thiếu sự kế tiếp tre già măng mọc” - đó là một câu trong phần mở đầu bài Đi tìm gương mặt trẻ của khí nhạc chuyên nghiệp để chuẩn bị cho hình ảnh dân gian được dùng làm kết bài:

“Chọn hướng đi nào, viết theo cách nào còn tùy ở ‘tạng’ người viết khí nhạc. Có nhiều cách làm khác nhau là điều đáng mừng chứ không phải đáng lo. Lo chăng ở chỗ làm sao để các nhà khí nhạc trẻ tuổi được hưởng nhiều hơn hạnh phúc của người sáng tạo và bớt đi cảm giác lạc lõng khi chọn nhạc không lời làm sự nghiệp một đời. Có thế khí nhạc chuyên nghiệp mới sớm vượt qua nỗi buồn ‘tre già măng... thưa thớt!”[2].

Motif kết nối đầu - đuôi có khi chỉ cần có một từ, như từ “xuân” trong bài tôi được “đặt hàng” cho báo xuân. Tựa như motif hạt nhân, “từ khóa” này xuất hiện chẳng những ngay từ nhan đề và mở bài, mà còn được đay đi đay lại trong câu cuối bài. Câu kết bài Mùa xuân trong ca khúc Việt có lẽ đáng được xếp đầu bảng về tần suất lặp lại một từ:

“Gửi tới các ca khúc gia tuổi đang xuân cũng như tuổi hồi xuân còn có lời chúc xuân nào hơn là cầu cho những người vẽ xuân bằng nhạc sẽ tạo nên nhiều Mùa xuân vĩnh cửu trong ca khúc Việt Nam”[3].

 Thật tốt nếu như bạn biết sẽ đi đến cái kết nào ngay từ lúc viết phần mở đầu, thậm chí bạn còn cố tình “ém” lại chút gì đó hay ho cho khúc kết. Không ít người cố tình để dành ý “đắt” nhất, sâu nhất thâm nhất cho câu chót. Tuy nhiên cũng phải tập cho quen với lưỡi dao biên tập của các tòa soạn để đừng quá phiền lòng nếu như “phần thưởng cuối cùng” cho người đọc (nói theo lời của dân báo chí) lại bị biên tập viên vứt đi, vì chuyện đó không phải là hiếm. 

Tôi đã chọn cho bài Cuộc phỏng vấn không chính thức cái kết như thế này:

“Niềm vui lấp lánh mỗi khi Trà nhắc đến đám trò nhỏ biết đặt ra những câu hỏi đấu lý với cô và những buổi học cả cô lẫn trò ‘nói nhiều hơn đàn’. Bỗng một chút băn khoăn gợn lên trong ánh mắt: em rất mong có dịp truyền lại cho học trò ‘nhà mình’ những gì đã thu lượm khắp đó đây, nhưng chỉ một lần được Nhạc viện TP Hồ Chí Minh mời rồi thôi, chắc không thấy cần!

Trời đất ơi, chúng ta không cần thật sao???”[4].

Và câu hỏi để lại dư âm đáng suy ngẫm đã bị biên tập viên cắt béng đi, biến cái kết thành cụt lủn chẳng ra sao. Tôi tự an ủi rằng đôi khi báo chí ta thà đăng một bài nhàn nhạt nhưng an toàn, còn hơn để sót một câu có thể đụng chạm, dù sự thật đó không đụng chạm riêng cá nhân nào.

Nói thêm, bài viết trên khi xuất hiện trên tạp chí Âm nhạc đã làm tác giả của nó choáng còn vì cách “giật tít” nữa. Tên bài được đổi thành: Tám với nghệ sĩ Bích Trà. Lập tức có vài cú điện thoại thăm hỏi không tình cờ chút nào, kể cả Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng thắc mắc: “Tám nghĩa là gì? Sao Châu lại đặt tên bài đặc giọng vỉa hè thế?”.

Hồi đó từ “tám” chỉ được xài ở phương Nam, chưa kịp lây lan ra phía Bắc, mà ban biên tập tạp chí Âm nhạc lại “đóng” ở TP Hồ Chí Minh. Người biên tập muốn có một nhan đề câu khách và chẳng hề mảy may để ý rằng nhan đề có liên quan trực tiếp đến mở bài nói tới tình huống phỏng vấn không hề giống một cuộc phỏng vấn.

Bạn vừa cùng tôi đi hết các phần của một bài viết: tên bài - mở bài - thân bài - kết bài. Giờ tới công đoạn chỉnh sửa là lúc cần bộc lộ rõ nhất cá tính riêng và sức sáng tạo. Không gì bằng được dành nhiều thời gian để cân nhắc câu này từ nọ, cố thay thế những từ học thuật, khô cứng hoặc trùng lặp bằng những từ tương đương, đơn giản, dễ hiểu, có hình ảnh. Ở khúc “tự sướng” này tôi luôn tự nhắc mình những điều tưởng như rất sơ đẳng, chẳng hạn: dùng câu ngắn, sáng sủa, nếu câu phức phải rõ ý; kị nhất dùng từ sáo rỗng, cầu kỳ, quá kêu mà vô nghĩa; tránh cách diễn đạt đao to búa lớn, trầm trọng hóa vấn đề. Còn bao nhiêu thủ pháp học từ thời phổ thông nữa, chẳng tội gì mà không trưng dụng: nào là nhân hóa, so sánh, ẩn dụ…; nào là láy vần, láy từ, điệp từ…

Về “giọng điệu”, vài bạn trẻ hỏi tôi nên chọn cách nào: nghiên cứu hay báo chí, đời thường hay văn vẻ. Tôi chẳng khuyên bạn tự hạn chế mình chỉ đi theo một lối, một tiêu chí hàn lâm hoặc dân dã, an toàn hoặc ăn khách. Tùy theo nơi đặt hàng mà bạn viết theo cách thức nghiên cứu (học thuật, khúc chiết, khoa học), hoặc theo văn phong báo chí (sắc sảo, ngắn gọn, nhạy bén), hoặc theo phong cách văn chương (giàu cảm xúc, hình ảnh, cá tính).

Riêng tôi, như đã nói trên, luôn đánh giá cao giọng văn truyền cảm và dí dỏm, nên tôi không ngừng ước sao có thể diễn tả được điều mình cần nói theo cách đó. Tôi rất ngưỡng mộ chất liệu dân gian và thực sự thích thú mỗi khi vớ được câu ca dao, tục ngữ, dân ca, thành ngữ thích hợp với bài viết. Tại sao không, nếu như nói một cách khiêm nhường thì có thể coi đó là biểu hiện góp chút phần nhỏ nhoi vào sự duy trì nét đặc trưng của văn hóa dân gian, còn nói cho có vẻ to tát, đó cũng là một cách tôn vinh màu sắc dân tộc đấy chứ! Bạn có quyền mượn vẻ thâm thúy của những câu dân dã cô đọng tinh hoa ngàn đời, kiếm chút hấp dẫn từ những chi tiết điển hình hoặc các tích trong văn học nghệ thuật nhân loại, tạo vẻ tự nhiên trong cách nói đời thường, những câu thoại, câu hỏi, câu thán...

Vẫn cùng một nội dung thông tin, nếu tìm ra cách biểu hiện độc đáo trong hình thức và văn phong thì bài viết dễ gây ấn tượng hơn và biết đâu ngày nào đó bạn may mắn tạo nên “thương hiệu” cho mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự cố gắng của bạn cũng được đánh giá cao. Bạn hình dung thế này: nhận đơn đặt hàng rồi mà chán không muốn viết, cho tới khi tìm ra hình thức là lạ nào đó để chuyển tải những thông tin khô khan kia, bạn mới bắt đầu thấy hào hứng cộng thêm một mối lo thực sự, vì đơn đặt hàng không còn là đơn đặt hàng nữa, mà trở thành thách thức - mình tự thách mình. Tôi đã có cảm giác đúng như thế khi một mình diễn hai vai trong cuộc phỏng vấn giả tưởng với Một bà hoàng thiếu kẻ tri âm[5]. Chưa kịp tận hưởng sự khoái trá sau khi vượt qua áp lực, thì nơi đặt hàng là báo Nhân dân dội ngay gáo nước lạnh với yêu cầu viết lại toàn bộ ở hình thức nghiêm túc. Tôi đã từ chối, không sửa và không đăng bài nữa. Nhiều năm sau tôi lại tiếp tục cuộc đối thoại tự phân thân trong các bài: Phỏng vấn dân ca (một cuộc trao đổi với “cụ” Dân Ca) và Trò chuyện với nhà lý luận âm nhạc (một cuộc đối thoại giữa nàng phóng viên báo chí với chàng lý luận âm nhạc)[6].

Bài viết nhiều khi còn bị đặt hàng với số chữ nhất định, bạn nên hỏi rõ điều đó trước khi “cày”. Sau vài cú bị biên tập oan uổng, tôi luôn xung phong nhận tự cắt cúp cho vừa theo số từ đặt hàng. Việc này dễ dàng hơn nhiều từ khi có vi tính: máy đếm số lượng chữ hộ bạn, máy cho phép tính toán và cắt gọt sao cho nhồi được nhiều thông tin nhất vào một khuôn khổ cho trước.

Nói đến ngắn dài là ta lại đề cập đến liều lượng. Liều lượng ít nhiều thế nào, gia giảm đậm nhạt ra sao cũng là một nghệ thuật. Không ai luôn biết thế nào là vừa là đủ, nhưng đừng vì thế mà hoang mang, trước hết cứ có ý thức về điều đó, rồi dần dần bạn cũng tìm ra mức độ vừa phải cho từng trường hợp cụ thể.

Sự vừa đủ đó cũng tựa như cái “đủ” trong câu chuyện tôi đọc đâu đó trên mạng, rằng giáo sư đã giải thích thắc mắc của sinh viên về độ dài một bài viết: “Như cái váy phụ nữ, đủ dài để che cái cần che, đồng thời cũng phải đủ ngắn để mà thu hút được sự chú ý”.

Bày biện

Gán với việc tỉa tót và sắp đặt món ăn lên đĩa cho ra vẻ giọng bà nội trợ vậy thôi, chứ đây đơn giản là hậu kỳ, là lúc ngắm nghía tổng thể, đồng thời rà soát tiểu tiết lần cuối trước khi trình sản phẩm của bạn.

Không bị thời gian câu thúc, thành phẩm càng được chau chuốt tỉ mỉ. Thường thì công đoạn này ít khi được ngâm lâu nếu là đơn đặt hàng mà bạn lại không may nhiễm bệnh nước đến chân mới nhảy. Có khi gửi bài rồi lại thấy tiếc hùi hụi: giá như thêm thắt được ý này chi tiết nọ, giá như sửa đổi được từ này câu kia…

Bước 1 của hậu kỳ thực ra vẫn nối tiếp việc chỉnh sửa. Chỉ khác lúc “tự sướng” thì tôi ngắm nghía đứa con tinh thần của mình bằng con mắt “phụ mẫu”, còn khi tạm gọi là xong, có thể đem nộp bài được rồi, vẫn cần xem xét lại nhiều lần nhưng không trong vai trò tác giả nữa, mà bằng con mắt độc giả và người biên tập.

Với tôi nếu không bị hạn nộp bài thúc ép, việc biên tập có thể kéo không hạn định, thậm chí in ấn rồi mà phát hiện lỗi vẫn cứ lôi bản lưu trong máy ra sửa cho riêng mình. Bản thảo cuốn Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội... đã được cả tôi và người biên tập đọc tái đọc hồi mà không phát hiện ra một lỗi tày trời. Lật cuốn sách vừa ra lò tôi mới nhìn lại hai dòng cuối đã ghi thế này:

Hà Nội, 7/2008
Còn lại 450 ngày trước “ngày N” - 10/10/2010

Không ai mất công tính toán tỉ mẩn số ngày còn lại trước “ngày N” (tức sinh nhật 1000 tuổi của Hà Nội) để phát hiện thời điểm hoàn thành lẽ ra phải ghi năm 2009 chứ không phải 2008. Thế mà cho đến giờ mỗi khi nhìn thấy cuốn sách tôi vẫn còn nguyên cảm giác áy náy, ngượng ngùng đến là khó chịu.

Việc đọc lại không chỉ trên màn hình vi tính, mà cần cả trên giấy nữa, nhất là trong những bài dài. Đọc trên giấy dễ phát hiện những đoạn những câu trùng ý. Đọc thành tiếng cũng có lợi là cảm nhận rõ hơn ngữ điệu và các lỗi lặp lại từ. Trước đây, tôi có hai độc giả tuyệt vời mà tình cờ qua lời họ kể tôi mới biết họ đôi khi cũng đọc to bài viết của tôi. Một người vì công việc bắt buộc: chị Minh Nguyệt, người biên tập mà tôi tin tưởng nhất và đã gánh việc này với hầu hết sách của tôi in từ năm 2009 trở về trước. Người kia hoàn toàn tự nguyện: giáo sư Trần Văn Khê. Có những câu tôi cố tình nhấn vào các từ cùng vần hoặc đối nghĩa, và tưởng những tiểu tiết như thế chỉ mình tôi biết, chỉ mình tôi cảm thấy thích thú với trò chơi chữ nghĩa, vậy mà cụ Khê cũng phát hiện ra, vị độc giả đáng kính còn đánh dấu bên lề những khúc ưng ý bằng mấy ngôi sao như kiểu xếp hạng khách sạn.

Không như nhiều người tưởng tôi viết như chơi như đùa, hai vị “độc giả tuyệt vời” kể trên của tôi biết rõ tôi làm việc rất vất vả và cầu toàn, viết xong vẫn vật vã chọn chữ, đảo từ, xoay ngược xuôi câu cú… Nhờ có được những “độc giả ruột” như thế mà tôi càng có trách nhiệm với câu chữ của mình hơn, càng không thể bỏ qua những bước hậu kỳ tưởng như không mấy quan trọng này.

Bước 2 trong hậu kỳ là kiểm tra phản hồi của đối tượng được viết và tiếp tục điều chỉnh bổ sung chi tiết cho chuẩn xác.

Tôi thấy mình như học trò trả bài phân tích tác phẩm để nhạc sĩ kiểm tra độ chính xác về học thuật cũng như độ “chém gió” đừng quá đà so với thực chất tác phẩm, nhất là với nhạc không lời. Tôi chỉ thực sự yên lòng khi nghe đối tượng của mình thú nhận chưa từng được ai viết về họ như vậy và họ thấy hài lòng, thậm chí chấp nhận cả những chỗ người trong nghề sẽ hiểu đó không phải là lời khen.

Hậu kỳ bài viết cũng là kết thúc câu chuyện nghề không lấy gì làm nhẹ nhàng cho lắm.

Với những trang viết giãi bày chuyện nghề chuyện đời, tôi hoàn toàn không có ý dạy dỗ gì ngoài mong muốn chia sẻ với những ai quan tâm đến nghề phê bình âm nhạc chút trải nghiệm để tham khảo từ một người làm nghề nghiên cứu. Rút cục mỗi người đều tìm ra cho mình cách làm riêng. Tôi không định lấy cách của mình làm mẫu cho ai, kể cả các bạn trẻ cũng như những người tự coi là đệ tử của tôi.

Cho dù lĩnh vực lý luận thật xám xịt, công việc phê bình âm nhạc thật khó nhằn, cho dù nghiên cứu âm nhạc hiện vẫn là thứ lao động chất xám có thù lao thấp khó tin, thì lời nhắn nhủ nếu tôi cần phải gửi tới ai lỡ gắn đời mình vào cái nghiệp cày chữ trong âm nhạc vẫn là:

Viết và… viết!

Lược trích bản thảo sách chưa xuất bản Phê bình âm nhạc - đạo và đời (2011-2022).


[1] Nguyễn Thị Minh Châu: Sách Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? Viện Âm nhạc, 2009. Trang 349.

[2] Nguyễn Thị Minh Châu: Sách Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? Viện Âm nhạc, 2009. Trang 477.

[3] Nguyễn Thị Minh Châu: Sách Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? Viện Âm nhạc, 2009. Trang 372.

[4] Nguyễn Thị Minh Châu: Với nghệ sĩ piano Bích Trà: Cuộc phỏng vấn không chính thức. Báo SGGP chủ nhật 6/9/2009.

[5] Nguyễn Thị Minh Châu: sách Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? Viện Âm nhạc, 2009. Trang 410.

[6]  Nguyễn Thị Minh Châu: sách Âm nhạc Việt Nam - nhìn lại để suy ngẫm. Viện Âm nhạc, 2020. Các trang 381 và 393.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.