You are here

Lá đỏ - từ thơ ca đến opéra

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Vở opera "Lá đỏ" của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

 

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường…
                    (Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi)

Bài thơ đã được giai điệu chắp cánh bay vào đời sống âm nhạc để trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Lời ca ấy, giai điệu ấy lại trở thành nhân tố khởi nguồn trong loại hình nghệ thuật đỉnh cao của âm nhạc chuyên nghiệp - nơi kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ khí nhạc, thanh nhạc và nghệ thuật biểu diễn sân khấu - để có thêm một opéra Lá đỏ cho nền nhạc kịch nước nhà[1].

“Em” - nhân vật chính, và “lá đỏ” - biểu tượng khát vọng tình yêu xuyên suốt kịch bản văn học được nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát khéo lồng vào sự kiện có thật trên tuyến đường 20, một con đường bí mật xẻ dọc dãy Trường Sơn đưa người và vũ khí vào chiến trường miền Nam được khởi công cách đây tròn 50 năm (1966).

Chuyện kể rằng có một hang đá giữa rừng Trường Sơn được dùng làm binh trạm, vừa là nhà, là nơi che chắn mưa nắng đạn bom cho tám cô thanh niên xung phong. Trạm giao liên vẫn giữ nguyên quân số “tám cô” sau mỗi đợt luân chuyển người, vì thế mà từ lúc nào không hay đã xuất hiện cái tên: Hang Tám Cô.

Một trận bom hủy diệt năm 1972 đã lấp kín cửa hang bởi khối đá trên ngàn tấn. Mọi cố gắng của đồng đội bên ngoài hang vẫn không phá nổi tảng đá khủng lồ. Tiếng kêu cứu vọng ra cứ yếu dần… và âm thanh cuối cùng còn được nghe thấy là tiếng gọi: “Mẹ ơi!”. Sau tám ngày tuyệt vọng, Hang Tám Cô trở thành ngôi mộ đá của tám cô gái chàng trai tuổi đôi mươi mười tám.

Con số 8 định mệnh đã đi vào lịch sử đường mòn Trường Sơn. Con số 8 oan nghiệt nhiều năm sau vẫn ám ảnh trong những tình tiết thực hư lưu truyền nơi đây: cây chuối rừng trước cửa hang trổ buồng đúng tám nải cứ xanh mãi không chín như những người đã khuất trong tuổi xuân; cặp tắc kè sống lâu năm trong hang bỗng đẻ tám trứng dính chặt tường gian thờ cho đến lúc nở đủ tám con; cũng đôi tắc kè già ấy ngẫu nhiên kêu lên đúng tám tiếng đáp lại lời tưởng niệm tám liệt sĩ trong lễ kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn... Hang Tám Cô trở thành một huyền thoại, một địa danh tâm linh quanh năm suốt tháng ngào ngạt khói hương của người đời sau đến viếng thăm. 

Trung thành với cái tên “Tám Cô” gắn với yếu tố tâm linh, nhà thơ Hồng Ngát đã để tám liệt sĩ trong kịch bản đều là con gái. Càng xoáy mạnh hơn ấn tượng về cái đẹp và chất thơ, về sự phi lý và nghiệt ngã của chiến tranh. Càng tương phản hơn những hình ảnh giữa đời thực phũ phàng với thế giới siêu thực huyền ảo:

Tám thanh nữ hồn nhiên, tinh nghịch, mơ mộng giữa rừng đại ngàn.
Tám nữ chiến sĩ quả cảm, dẻo dai, quên mình dưới bão lửa.
Tám tiên nữ thánh thiện, linh thiêng, bất tử trong cõi vĩnh hằng.

Lấy cảm hứng từ bài thơ của Nguyễn Đình Thi, kịch bản văn học còn sử dụng một số trích đoạn thơ về Trường Sơn thời chống Mỹ của Phạm Tiến Duật và Nguyễn Thị Hồng Ngát. Rồi từ lời thơ thành lời ca, từ kịch bản văn học thành kịch bản opéra (libretto), Lá đỏ còn trải qua một quá trình sáng tạo khác dựa trên kinh nghiệm phổ thơ của nhạc sĩ.

Giữ nguyên các nhân vật và tuyến kịch, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã chỉnh sửa, rút tỉa sao cho ca từ “ăn” với giai điệu và phù hợp với cấu trúc âm nhạc, mà âm nhạc, đặc biệt khí nhạc là yếu tố quyết định thành công của opéra, nó đòi hỏi nhà soạn nhạc trước hết biết làm chủ dàn nhạc, nắm vững các thủ pháp phối khí cũng như nghệ thuật thanh nhạc.

Dàn nhạc khẳng định thể loại, nó cho thấy sự khác biệt giữa nhạc kịch (opéra) với kịch hát. Trong lịch sử hơn nửa thế kỷ nhạc kịch Việt Nam tính từ Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1965), số vở opéra vẫn chỉ đếm được trên một bàn tay. Không thể xếp vào số lượng hiếm hoi này hàng loạt vở kịch hát thập niên 80-90 và kịch hát trong hơn thập niên gần đây vẫn được báo chí dán nhãn “nhạc kịch kiểu Broadway”.

Tư duy theo ngôn ngữ giao hưởng của opéra khác với tư duy ca khúc ở kịch hát. Không đơn thuần chỉ đệm bài hát, không đơn giản chỉ kết nối các ca khúc như trong kịch hát, dàn nhạc opéra đóng vai trò lớn hơn nhiều. Dàn nhạc giao hưởng hai quản của vở Lá đỏ vừa miêu tả ngoại cảnh trong không gian và thời gian câu chuyện, vừa diễn tả trạng thái nội tâm của các nhân vật, vừa tạo sự tương phản để đẩy các xung đột lên cao trào mà vẫn đảm bảo tính thống nhất cho tác phẩm.

Âm nhạc mở ra không gian và thời gian câu chuyện

Không gian thăm thẳm của rừng núi Trường Sơn mấy nghìn năm tuổi hé mở từ tiếng rì rầm như hơi thở của đất trên âm hình quãng 2 đi xuống ở bè trầm (ostinato). Nổi trên âm nền trì tục đó là một nét nhạc ngắn lặp lại ở các cao độ và âm sắc khác nhau  (lần lượt vang lên ở các nhạc cụ: gỗ - dây - đồng) [thí dụ 1, N1 - Ouverture].

Thí dụ 1

 

Ẩn hiện ngay từ nhịp 3 của Ouverture, motif bốn âm đi xuống liền bậc sau đó được nhấn mạnh ở bè trầm, và bước chân định mệnh ấy lập tức được đáp lại bằng tiếng kêu gọi hiệu triệu (fanfar) ở bè cao [thí dụ 2, N1 - Ouverture].

Thí dụ 2

Đất trời dần dần rộng mở trong những âm thanh đặc tả tiếng gió, tiếng suối, tiếng lá rơi, tiếng cây xào xạc, tiếng vọng giữa núi rừng... Lung linh như trong giấc mơ - ấy là cảnh các cô gái tắm suối: nước bắn tung lên, gió cuốn lá bay, những bước chân nhún nhảy giữa dòng suối… Cái đẹp được tạo bởi sự tinh khôi thanh bình của thiên nhiên hòa cùng nét duyên dáng trong trẻo của những cô gái thanh tân [thí dụ 3, N11 - Nhạc múa].

Thí dụ 3

Trong khung cảnh kỳ vĩ của rừng già, hình ảnh lá đỏ không chỉ miêu tả thiên nhiên, mà còn thấm đẫm tình người. Lá đỏ trở thành biểu tượng tình đôi lứa, tình quê hương. Những chiếc lá mang màu của chia ly, màu của hi sinh, nhưng cũng là màu của khát vọng về hạnh phúc: “Những chiếc lá nhuộm màu máu đỏ/ Những chiếc lá màu mận chín quê mình/ Bạn thấy không lá mang màu tình yêu/ Chiếc lá hồng tươi màu hạnh phúc” [thí dụ 4, N4 - Những cô gái hát về chiếc lá đỏ].

Thí dụ 4

 

Âm nhạc vẽ ra không gian, âm nhạc định vị địa điểm. Câu chuyện gắn với mảnh đất miền Trung trong âm điệu dân ca vùng đất này. Tiếng “hò dô, hò khoan, dô khoan, dô huầy…” luân phiên với những câu hát mở đường làm sống dậy bầu không khí xướng - xô trong hò sông Mã của xứ Thanh, quê hương của tám liệt sĩ [thí dụ 5, N9 - Hò đắp đường].

Thí dụ 5

 

Thời gian cũng được đánh dấu bằng âm nhạc qua thủ pháp “tái sử dụng” ca khúc thời chống Mỹ. Câu hát “ơi cô gái Trường Sơn” từ bài Đường Trường Sơn xe anh qua của Văn Dung tô đậm thêm hình tượng chung cho các nữ thanh niên xung phong trên tuyến lửa [thí dụ 6, N39 - Cảnh phục hiện]:

Thí dụ 6

 

Riêng ca khúc Lá đỏ gây ấn tượng mạnh trong cả hai lần xuất hiện. Lần thứ nhất, giai điệu bài hát của Hoàng Hiệp nổi lên ở dàn nhạc, và trên âm nền trầm hùng ấy bay bổng một tuyến giai điệu hoàn toàn mới. Sự sáng tạo này của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân được thể hiện bằng kỹ thuật vocal của nhân vật nữ chính [thí dụ 7, N7 - Hát về tuổi xuân. Vocalise “Lá đỏ” của Hương].

Thí dụ 7

 

Lần thứ hai, đoạn đầu ca khúc Lá đỏ được hát lại đầy xúc động qua giọng hát của nhân vật chính khi cô đã trở thành bất tử: những cô gái mãi mãi ở lại rừng Trường Sơn, mãi mãi còn đứng đó - “đứng ở bên đường như quê hương” [thí dụ 8, N43 - Duo gặp lại trong mộng].

Thí dụ 8

Âm nhạc diễn tả thế giới nội tâm của nhân vật

Tuyến chính của vở diễn là tám cô gái với trung tâm là Hương. Có thể thấy được qua âm nhạc những chuyển biến tâm lý của họ. Giữa rừng núi âm u hiểm trở bất ngờ xuất hiện một tốp “gái mười tám đôi mươi đẹp xinh như trăng rằm, thích cười, thích hát ca/ Lại hay khóc nhớ nhà”. Họ là hiện thân của sức sống trong âm điệu ngũ cung bình dị, hồn nhiên, nhí nhảnh [thí dụ 9a, N3 - Tốp nữ TNXP], trong vẻ tinh nghịch và đậm đà chất miền Trung [thí dụ 9b, N5 - Sơn đón các cô TNXP], trong những nét lướt bồng bềnh ước mơ tuổi xuân [thí dụ 9c, N7 - Hát về tuổi xuân], trong những câu “hò khoan dô khoan, ớ huầy dô” khỏe khoắn lạc quan [xem lại thí dụ 5, N9 - Hò đắp đường].

Thí dụ 9a

Thí dụ 9b

 

Thí dụ 9c

 

Linh hồn của “cộng đồng” nhỏ bé ấy là Hương - “cô gái chim sơn ca của núi rừng” với các trạng thái tình cảm khác nhau: trong sáng, mơ mộng với mong ước sau chiến tranh trở về học nhạc để trở thành ca sĩ; đằm thắm, thiết tha, khắc khoải trong tình yêu với anh lính công binh [thí dụ 10, N24 - Duo].

Thí dụ 10

 

Vẫn là cô, một đội trưởng thanh niên xung phong linh hoạt, cương quyết, táo bạo trên mặt đường; tỉnh táo, bình tĩnh, cứng cáp trước hiểm nguy và luôn là điểm tựa tinh thần vững vàng cho các bạn [thí dụ 11, N28 - Trong hang].

Thí dụ 11

 

Tới đỉnh điểm cao trào kịch tính, con chim đầu đàn ấy đã thực sự hoang mang, hoảng loạn, đau đớn và tuyệt vọng khi chứng kiến các bạn lịm dần và chính cô đang đối mặt với cái chết tức tưởi [thí dụ 12, N38 - Recitative].

Thí dụ 12

 

Sau cao trào tâm lý dữ dội đó, âm nhạc như có một sự tái hiện trả lại cho các cô gái nét duyên dáng, yêu đời như thuở ban đầu [thí dụ 13a N39 - Cảnh phục hiện]. Và với cái vẻ dễ thương nhí nhảnh ấy, lời cuối cùng trước khi rời cõi đời là dành cho mẹ [thí dụ 13b, N39].

Thí dụ 13a

Thí dụ 13b

 

Không còn khắc khoải với mọi nỗi đau trần thế nữa, tám cô gái đã thoát xác rời khỏi bóng tối tử thần, nhẹ nhàng cất cánh bay lên cõi thiêng [thí dụ 14, N42 - Tiên nữ bay lên].

Thí dụ 14

 

Bên cạnh Hương - cô gái mở đường hát hay, là Sơn - anh công binh làm thơ hay, đại diện cho cánh lính tráng Trường Sơn. Được coi là tác giả bài Tiểu đội xe không kính, nhân vật chàng sinh viên sư phạm văn xếp bút nghiên ra trận này dường như được lấy từ nguyên mẫu là nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Cũng như các cô gái, đường nét giai điệu ban đầu của Sơn bình dị, khỏe khoắn trong màu sắc ngũ cung rất gần với dân ca (N8 aria Lửa đèn).

Trong tình yêu, Sơn trở nên dịu dàng, trìu mến và tràn đầy niềm tin vào tương lai. Niềm tin yêu lạc quan vẫn tỏa sáng trong Duo cuối Hồi I, song âm nhạc đã ẩn chứa sự bất an như dự cảm về sự chia lìa. Hồi I không có xung đột kịch tính, chỉ mở dần ra thực tế trần trụi của cuộc chiến, tựa như dòng chảy một chiều tiềm ẩn những bất trắc dẫn đến sự cố sập cửa hang với tiếng nổ lớn kết thúc Hồi I.

Diễn biến tâm lý của Sơn ở Hồi II biến đổi mạnh mẽ. Tiếng vọng ma mị của núi rừng qua hợp xướng nữ, những nét trémolo và bốn âm đi xuống liền bậc (phát triển từ motif định mệnh của Ouverture) ở dàn nhạc càng đẩy mạnh thêm trạng thái căng thẳng, rối bời của Sơn [thí dụ 15, N27 - Sơn tự sự].

Thí dụ 15

 

Nỗi đau đớn bi thương tăng dần tới đỉnh điểm trong aria quan trọng nhất của Sơn với những nét nhạc phát triển từ các motif đã có: “Cũng bởi chiến tranh” (a- e1-c1-h) là một sự sắp đặt lại thứ tự của nét nhạc đầu tiên (c1-h-e1-a) từ Ouverture [xem lại thí dụ 1], âm nền của dàn nhạc cũng tái sử dụng chất liệu của Ouverture [thí dụ 16, N31 - Aria của Sơn].

Thí dụ 16

 

Một nhân vật đặc biệt đại diện cho Trường Sơn huyền bí, đó là Thần núi. Vừa uy nghi, bi hùng, vừa suy tư, bất an, nhân vật dẫn chuyện này không đơn thuần chỉ kể chuyện như người đứng ngoài cuộc, mà còn tham gia vào tình tiết câu chuyện. Từ sự ngỡ ngàng chứng kiến những cô gái chàng trai sống ngay giữa túi bom vẫn hát ca nô đùa ở Hồi I, tới Hồi II vị thần cai quản Trường Sơn đã nhập cuộc, tìm mọi cách để phục sinh các cô gái trong hình hài tiên nữ. Chất tự sự, trầm tư, sâu lắng lúc ban đầu ẩn chứa những nét nhạc bán âm (chromatique) bất ổn. Dần dần chính ông thần của rừng già cũng rơi vào trạng thái lo lắng, thoảng thốt với đường nét giai điệu xuất hiện nhiều hơn những  biến âm và các quãng tăng - giảm [thí dụ 17a, N26 - Arioso Thần núi]. Cuối cùng, ông lại trở về không gian thần bí để luyện đan trên nền khấn “nam mô a di đà Phật” của hợp xướng để gắng tìm ra cái kết hậu cho câu chuyện đau lòng này [thí dụ 17b, N41 - Thần núi cầu Phật].

Thí dụ 17a

Thí dụ 17b

 

Ba nhân vật chính kể trên được bao bọc, gắn kết, đan chen, đối đáp cùng các cô gái mở đường, các chàng trai phá bom, lính lái xe và dàn hợp xướng tiếng vọng núi rừng, tất cả hợp thành khối nhân vật chính diện. Còn phe phản diện chỉ thoáng qua trong sự xuất hiện ngắn ngủi của tốp thám báo với đường nét giai điệu gần như hát nói, với tiết tấu nhiều nghịch phách tạo sự bí hiểm pha chút hài hước [thí dụ 18, N22 - Tốp thám báo].

Thí dụ 18

Nếu như kẻ thù không lộ mặt, không hiện diện qua hình hài cụ thể thì có lẽ còn hiệu quả hơn chăng? Sau hơn 40 năm chiến tranh kết thúc, nỗi đau còn đó nhưng đã đến lúc người Việt cần hướng tới tương lai tốt đẹp hơn trong sự hòa giải dân tộc. Kẻ thù thực sự của dân tộc Việt Nam, kẻ thù đáng sợ hơn cả, tàn bạo hơn cả nên chăng phải là một hình tượng khái quát: chiến tranh!

 

Âm nhạc là nhân tố phát triển tuyến kịch

Hai yếu tố quan trọng ở đây là tính đa dạng và tính thống nhất. Cả hai đều được nhấn mạnh bằng ngôn ngữ giao hưởng, cho thấy vai trò của dàn nhạc là rất lớn. Dàn nhạc hài hòa với phần hát, tôn thêm vẻ đẹp cho giọng ca. Dàn nhạc còn báo trước tình huống, đối thoại với giọng hát, đẩy nhân vật vào nội tâm giằng xé. Cũng dàn nhạc giữ vai trò kết nối các tình tiết và dẫn dắt câu chuyện theo bố cục đã định trước.

Để tạo nên tính kịch thì trước hết âm nhạc phải đa dạng, phải có sự tương phản tính cách. Tính đa dạng có thể thấy trong bối cảnh câu chuyện và nội tâm nhân vật qua phân tích trên. Tính đa dạng còn thể hiện trong ngôn ngữ âm nhạc vừa mang màu sắc cổ truyền, vừa mang hơi thở thời đại.

Không bắt gặp một làn điệu dân ca nào ở đây, song có thể nhận ra hơi hướng của hò lao động như đã dẫn trên, và cả vẻ mộc mạc mặn mà của ví dặm Nghệ Tĩnh [thí dụ 19, N5 - Sơn đón các cô TNXP].

Thí dụ 19

 

Thế mạnh của âm nhạc còn ở tính học thuật trong cách vận dụng linh hoạt các hình thức âm nhạc của loại hình opéra hàn lâm (aria, arioso, duo, recitative, hợp xướng bốn bè), đặc biệt trong phối khí với các thủ pháp phát triển bằng phức điệu và hòa thanh.

Hòa thanh đa sắc là một biểu hiện hướng tới tính thời đại với các âm điệu khác nhau: ngũ cung, toàn cung (quãng ba toàn cung triton hoặc chuỗi âm quãng 6 toàn cung trong N28 nhịp 38-39, N35 nhịp 29-31), không điệu tính (dấu hiệu atonal trong N28)…

Hai đoạn “tái hiện” giai điệu ca khúc Lá đỏ với cách phối âm khác nhau cũng là một trong những dẫn chứng cho tính đa dạng. Không “ăn sẵn” phần đệm quen thuộc của ca khúc nổi tiếng, lần “trích dẫn” đầu tiên được làm mới không những vì được lồng thêm bè vocalise của Hương, mà còn nhờ giai điệu bè trầm đầy chất bi hùng mà hòa thanh được xác định bởi chính bè trầm này, như một sự chuẩn bị cho người nghe dấn sâu vào câu chuyện đầy tính kịch (N7, nhịp 35-53). Lần hai, với tiếng hát dịu dàng của Hương, hòa thanh bớt đi tính căng thẳng, bất an và tăng thêm vẻ trữ tình, lãng mạn cho phần kết nửa thực nửa hư (N43, nhịp 39-46).

Ngôn ngữ phối khí đầy đặn hơn còn bởi tính phức điệu. Có thể nhận thấy ngay từ mở màn, chủ đề chính của Ouverture được trình bày theo hình thức fugue để vẽ nên khung cảnh trùng trùng điệp điệp của núi đồi Trường Sơn [xem lại thí dụ 1].

Một trong những đoạn nhạc đặc tả vẻ đáng yêu của các cô gái là Cảnh phục hiện được xây dựng trên kỹ thuật đảo vị trí bè: hai chủ đề “có anh công binh đẹp trai” và “mẹ hậu phương đừng lo cho chúng con” (N39 nhịp 43-50) được hoán đổi chiều dọc (nhịp 67-74), lúc này giai điệu “anh công binh” vang lên ở dàn nhạc để chỉ còn nghe thấy lời nhắn nhủ trước cái chết tới “mẹ hậu phương” của các cô [xem lại thí dụ 13b].

Nói đến sự phong phú của ngôn ngữ giao hưởng không thể bỏ qua âm sắc nhạc cụ với vai trò linh hoạt của bộ dây và bộ gỗ, hiệu quả gây kịch tính của bộ đồng và đặc biệt là bộ gõ trong các âm hình tiết tấu khác nhau ở các đoạn gay cấn.

Tính đa dạng và tính thống nhất không phải là hai yếu tố đối nghịch. Đa dạng mà vẫn đảm bảo được tính nhất quán của vở diễn, đó là nhờ thủ pháp phát triển các đường nét giai điệu chủ đạo và âm hình tiết tấu chủ đạo. Những motif khởi nguồn từ Ouverture đóng vai trò hạt nhân phát triển chủ yếu ở dàn nhạc, xuyên suốt vở diễn qua các aria, arioso, duo cho đến phần kết, đặc biệt ở những đoạn kịch tính nhất, tâm trạng nhất.

Sau đây là một số nét nhạc của Ouverture đóng vai trò hạt nhân (leitmotif) được đặt số theo thứ tự xuất hiện trong dàn nhạc:

 

Motif 1

Mô tả

Vị trí

Trình bày

Quãng 2 đi xuống

N1 Ouverture, nhịp 1 [thí dụ 1]

Dàn nhạc

Một số biến thể

f-e f-e…

a1-g1 es1-d1

e-d d-c/ f2-e2 e2-d2

a-g g-f…

N26 Ariozo nhịp 1-9

N27 Sơn tự sự, nhịp 14

N31 Aria của Sơn, nhịp 10-11, nhịp 37

N44 Kết, nhịp 5-8

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Dàn nhạc

 

Motif 2

Mô tả

Vị trí

Trình bày

c1-h-e1-a

N1 Ouverture, nhịp 2 [thí dụ 1]

Dàn nhạc

Một số biến thể

c1-a-f1-e1

g2-fis2-h2-fis2-e2…

d2-h1-e2-d2
 

a1-e1-c2-h1

N1 Ouverture, nhịp11 [thí dụ 1]

N11 Nhạc múa, nhịp 9,11

N24 Duo, nhịp 18-19 [thí dụ 10]
 

N31 Aria, nhịp17 [thí dụ 16]

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Hương: “Em sợ nói ra”, “em sợ mất anh”

Sơn: “Cũng bởi chiến tranh”

 

Motif 3

Mô tả

Vị trí

Trình bày

Ba âm lướt lên liền bậc: f-g-a

N1 Ouverture, nhịp 10-16 [thí dụ 1]

Dàn nhạc

Một số biến thể

e2-f2-g2

f1-g1-as1

d1-e1-f1

d1-e1-f1

d1-e1-f1

a-h-c

N16 Đếm bom, nhịp 15-16… 

N18 Hương gặp nữ lái xe, nhịp 2-3…

N21 Thần núi, nhịp16

N26 Ariozo Thần núi nhịp 21 [thí dụ 17a]

N31 Aria của Sơn, nhịp14-17 [thí dụ 16]

N32 Thần núi luyện đan, nhịp12-18

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Dàn nhạc

 

Motif 4

Mô tả

Vị trí

Trình bày

Bốn âm đi xuống liền bậc:
a-g-f-e

N1 Ouverture, nhịp 19-20 [thí dụ 2]

Dàn nhạc

 

Một số biến thể

a-g-f-e

a-g-f-e/ b2-a2-g2-f2

a-g-f-e

d2-c2-h2-a2/ a-g-f-es

cis-h-a-gis

b-a-g-f

b-as-g-f…

N12 Thần núi, nhịp 23-25

N27 Sơn tự sự, nhịp 19-20

N31 Aria của Sơn, nhịp 40-41

N35 Ngoài hang, nhịp29, 32

N40 Không cứu nổi các cô, nhịp 42, 44

N41 Thần núi cầu Phật, nhịp 20

N44 Kết, nhịp14-15

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Dàn nhạc

Bốn motif trên của Ouverture còn sinh ra các motif khác. Chẳng hạn đường nét giai điệu và tính cách âm nhạc của motif 2 kết hợp nối tiếp với motif 3 (ba âm lướt lên liền bậc) tạo thành nét nhạc trữ tình, da diết trong cao trào tình yêu của Sơn dành cho Hương:

Motif 5

Mô tả

Vị trí

Trình bày

e2-fis2-cis2-d2-e2

N31 Aria của Sơn, nhịp 53, 56

Dàn nhạc

Một số biến thể

d2-e2-h2-c2-d2
 

e2-fis2-cis2-d2-e2

N42 Tiên nữ bay lên, nhịp 14-16, 30-32 [thí dụ 14]

N43 Duo, nhịp 56, 69

Tốp nữ: “tiên nữ Trường Sơn”, “tiên nữ rừng xanh”

Hợp xướng: “Ơi dãy Trường Sơn”

Ngoài ra có thể kể thêm motif “chromatique đi xuống” đầy bất an ở N2 Thần núi (nhịp 20-21), sau còn xuất hiện ở N28 Trong hang các cô gái hoang mang lo sợ (nhịp 11-12), N32 Thần núi luyện đan (nhịp 2-10) và N38 Recitative của Hương trong tuyệt vọng (nhịp 25).

Tính học thuật trong ngôn ngữ âm nhạc, tính quy mô của loại hình nghệ thuật kinh điển, lại là đề tài chiến tranh - tất cả đã tạo nên độ dày, độ nặng, độ căng của tác phẩm. Đó cũng là những yếu tố dẫn đến độ khó: khó về dàn dựng, khó về kinh phí, khó để ăn khách. Opéra Lá đỏ ra đời vào thời điểm này, khi mà nhạc giải trí và ca khúc đại chúng trong nhiều năm vẫn đang chiếm lĩnh đời sống âm nhạc, quả là một cố gắng phi thường của người sáng tác, của các nghệ sĩ và đơn vị tổ chức biểu diễn. Sự kiện này đã mang lại niềm vui cho giới nhạc chuyên nghiệp, khơi dậy hi vọng vào tiềm năng của đội ngũ sáng tác và biểu diễn âm nhạc hàn lâm hiện nay. Nếu vở diễn tiếp tục có điều kiện đi vào đời sống xã hội thì hiệu quả hẳn không nhỏ, vì bên cạnh cố gắng đưa nghệ thuật âm nhạc hàn lâm đến với công chúng còn là mong muốn cho giới trẻ hôm nay hiểu hơn về tuổi trẻ năm xưa trong chiến tranh, để từ đó biết trân trọng yêu quý những gì đang có hôm nay trong hòa bình.

Với opéra Lá đỏ, một lần nữa âm nhạc đã làm sống lại quá khứ với hình ảnh những nam thanh nữ tú mãi mãi tuổi hai mươi. Tám chiến sĩ thanh niên xung phong trẻ măng ngã xuống để tiếp tục sống trong huyền thoại, trong nghệ thuật, trong âm nhạc. Họ không hề bị lãng quên, như câu nói đã tạc vào bia đá của nhà thơ Nga Berggolts:

“Không một ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng”.

09-09-2016

 

[1] Opéra Lá đỏ chính thức ra mắt vào Ngày Âm nhạc Việt Nam 2016 qua sự thể hiện của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam dưới cây đũa chỉ huy của chính tác giả Đỗ Hồng Quân.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.