You are here

Tam tấu "Kính tặng Nguyễn Văn Trỗi"

Tác giả: 
Đôn Truyền
Thông tin thêm về Tác giả: 

 

ĐÔN TRUYỀN

 

Tên khai sinh của ông là Đỗ Đôn Truyền. Ông sinh năm 1934 tại Vĩnh Phúc, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, công tác tại Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị. Ông đã nghỉ hưu, quân hàm Đại tá.

Từ năm 1954, ông ở Đội Văn công Sư đoàn 304, chơi violon. Năm 1957, ông chuyển về Văn công Quân khu Hữu Ngạn (sau là Quân khu 3) sáng tác và chỉ huy dàn nhạc. Năm 1968, sau khi đi chiến dịch Khe Sanh, ông chuyển về Đội Sáng tác Nghệ thuật Đoàn Ca Múa Quân đội, Tổng cục Chính trị.

Nhiều bài hát của Đôn Truyền đã được sử dụng và được nhiều người biết đến: Hạt thóc hậu phương, Pháo dậy Khe Sanh, Cây lúa Hàm Rồng, Hành khúc bảo vệ Tổ quốc, Bên hàng dương tôi hát…, hợp xướng Âm vang cuộc đời Bác. Đôn Truyền đã viết một số tác phẩm khí nhạc, viết gần 100 tác phẩm nhạc cho múa, nhạc cho chèo, nhạc cho kịch nói. Đã được nhiều giải thưởng trong và ngoài quân đội và giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đôn Truyền còn viết một số bài báo, viết lý luận về nghệ thuật Chèo đăng trên các báo. Đôn Truyền có thiên hướng mạnh về các thể tài âm nhạc mang tính sân khấu, ông ưa tìm tòi cái đẹp trong âm nhạc dân gian.

Ông đã xuất bản Tuyển tập ca khúc Đôn Truyền kèm theo băng nhạc Những miền quê sum họp, 1995.

Nhạc sĩ Đôn Truyền đã được Nhà nước tặng: Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2006; Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu và Bộ Quốc Phòng tặng nhiều giải thưởng về âm nhạc.

Thể hiện: 
Tuyết Minh - Doãn Tiến - Châu Sơn
Thông tin thêm: 

 

TUYẾT MINH (PIANO)

 

NSƯT Tuyết Minh là giảng viên khoa Piano, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nay đã nghỉ hưu. 

 

SỰ NGHIỆP

 

Được sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của bà, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đã trưởng thành và trở thành những nghệ sĩ biểu diễn Piano nổi tiếng của Việt Nam. Nhiều người trong số họ nối nghiệp bà làm giảng viên dạy Piano tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội...
Ngoài vai trò là giảng viên, nổi tiếng với tiếng đàn ngọt ngào và đầy cảm xúc, NSƯT Tuyết Minh đã được rất nhiều các nhạc sĩ sáng tác tin tưởng mời thu thanh, thu hình và biểu diễn các tác phẩm của họ. Với những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp biểu diễn Piano của Việt Nam, bà đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

 

CHÂU SƠN (VIOLON)

 

NSƯT Châu Sơn (Violon) tên đầy đủ là Nguyễn Châu Sơn. Hiện ông là cộng tác viên Khoa đàn Dây - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

 

DOÃN TIẾN (CELLO)

 

Nghệ sĩ Doãn Hùng Tiến (bút danh: Doãn Tiến) sinh ngày 30 tháng 5 năm 1951 tại Nam Định, hiện sống tại Hà Nội. Đã nghỉ hưu.

Ông tốt nghiệp Đại học Âm nhạc chuyên ngành Violoncelle tại Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Năm 1982, học Chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Ông đã tham gia chỉ huy, dàn dựng nhiều tác phẩm khí nhạc, dàn nhạc dân tộc, độc tấu nhạc cụ, đoạt nhiều giải thưởng, Huy chương Vàng, Bạc trong các cuộc thi, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.

Ông còn sáng tác nhiều tác phẩm hòa tấu dàn nhạc, độc tấu, tốp tấu các nhạc cụ dân tộc, ca khúc, nhạc múa, nhạc sân khấu… Nhiều tác phẩm trong số đó đã đoạt giải như: Âm vang cao nguyên (t’rưng), Lời ru bên suối (sáo Mèo), Bầu trời lời ru (nhạc múa – Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc); Giải thưởng Hoa Phượng Đỏ với ca khúc Biển chiều; Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt nam với Hội xuân (hòa tấu dàn nhạc dân tộc); 2 Giải Ba Hội Nhạc sĩ Việt Nam với các tác phẩm: Khát vọng phương Nam, Chiều quê; Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với tác phẩm Tung cánh bay hỡi chim prô-tóc; chỉ huy giao hưởng thơ Hội nghị Diên Hồng (sáng tác: Hoàng Đạm) đạt Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc; và nhiều ca khúc khác như: Dịu dàng, Biển chiều, Âm vang sông Lam, Đêm mưa Quan họ, Trong hội chùa Hương, Lời biển hát, Nếu một ngày không còn em, Mưa Hà Nội, Hà Giang câu hát yêu thương.

Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2012, ông được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

Thể loại: 
ca khúc: 
Bản nhạc (dạng ảnh): 
Tam tấu "Kính tặng Nguyễn Văn Trỗi"

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
2 + 0 =