You are here

Chương II và III bản hòa tấu cho Piano và Violon

Tác giả: 
Nguyễn Đình Phúc
Thông tin thêm về Tác giả: 

 

NGUYỄN ĐÌNH PHÚC

 

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc còn có bút danh là Nguyễn Thơ. Sinh năm 1919, nguyên quán huyện Thanh Oai, Hà Tây (cũ), tham gia sáng tác âm nhạc từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 chủ yếu bằng con đường tự học. Ông là thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957). Ông đã tu nghiệp về sáng tác tại Bulgarie. Ông còn là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III.

Thời trẻ, ông theo học hội họa. Khi bước vào con đường âm nhạc, ông có một thời theo học đàn nhạc sĩ Nga Sibirev lưu vong tại Hà Nội, sau đó tham gia nhiều đoàn biểu diễn, lưu diễn khắp nơi trong nước, là nhạc công trong dàn nhạc chơi nhiều bản nhạc châu Âu để kiếm sống, ông đã tự bổ túc cho mình vốn hiểu biết, kỹ năng sáng tác để cho ra đời những ca khúc đầu tay theo phương pháp sáng tác châu Âu, giàu sức rung động như: Lời du tử và Cô lái đò (trích thơ Nguyễn Bính) mang phong cách lãng mạn được phổ biến rộng rãi. Ông là một trong những nghệ sĩ tên tuổi trong nền Tân nhạc ở nước ta.

Sau Cách mạng Tháng Tám và thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, ông viết Quân Tiên Phong (bài hát chính thức của Đại đoàn Quân Tiên Phong), Chiến sĩ Sông Lô, Bình Ca. Ở đây ông đã bộc lộ tài năng sáng tạo của một nhạc sĩ - chiến sĩ giàu lòng yêu nước, sử dụng kỹ thuật sáng tác châu Âu, nhưng cũng rất giàu màu sắc dân tộc.

Trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết nhiều, trong đó nổi lên Tiếng đàn bầu (thơ Lữ Giang),Nhớ anh Giải phóng quân (bút danh Nguyễn Thơ), Gửi anh đi đầu quân (Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, 1964)...

Ông cũng có nhiều thành công trong lĩnh vực khí nhạc: nhạc cho phim truyện đầu tiên của Việt Nam Chung một dòng sông, phim tài liệu nghệ thuật đầu tiên Nước về Bắc Hưng Hải (Giải thưởng quốc tế) phim hoạt hình búp bê Nàng Ngà (Giải Bông Sen Vàng của Liên hoan Phim Viêt Nam), tổ khúc giao hưởng sáu chương Việt Nam đang nở hoa, Giao hưởng số 1, Giao hưởng số 2 cho dàn nhạc dân tộc Không có gì quý hơn Độc Lập tự do và một số tác phẩm nhạc thính phòng. Trong lĩnh vực nhạc không lời, ông đã thể hiện một tâm hồn phong phú, nhiều suy tư sâu sắc và một bút pháp điêu luyện.

Ngoài sáng tác âm nhạc ông còn viết sách, như các cuốn sổ tay văn nghệ (Nxb. Văn hóa), Vài nét về văn nghệ truyền thống Campuchia - Ca, Múa, Nhạc (Nxb.Khoa học xã hội). Đặc biệt, về hội họa, ông cũng có nhiều tranh được chú ý và được tuyển chọn tại các cuộc triển lãm toàn quốc.

Ông đã xuất bản: Tuyển tập ca khúc Nguyễn Đình Phúc và Album Audio tác giả.

Ông đã được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001, cùng nhiều huân chương, huy chương cao quý.

Thể hiện: 
Trần Văn Tân - Hoàng My
Thông tin thêm: 

 

HOÀNG MY (PIANO)

 

Tên khai sinh của ông là Nguyễn Hoàng My, sinh ngày 3 tháng 12 năm 1941, nguyên quán Hà Nội. Ông đã qua đời năm 1990.

Ông nguyên công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, là người đã được đào tạo chơi Piano từ nhỏ, kỹ thuật điêu luyện, thông minh và có bản sắc.

Là nghệ sĩ độc tấu đàn Piano, ông đã biểu diễn thành công trên sân khấu trong và ngoài nước nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của thế giới và Việt Nam. Ông là người đệm đàn xuất sắc cho nhiều tác phẩm đơn ca, độc tấu nhạc cụ, có nhiều sáng tạo trong viết phần đệm cho đàn Piano.

Ông cũng đã viết một số tác phẩm cho đàn Piano, dàn dựng và chỉ đạo một số chương trình biểu diễn âm nhạc. Ông mất đột ngột vì một tai nạn trong một chuyến lưu diễn cùng Đoàn Nghệ thuật Việt Nam trên sân khấu Bình Nhưỡng – Triều Tiên. Được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984.

 

TRẦN VĂN TÂN (VIOLON)

 

Ban biên tập Website Hội nhạc sĩ Việt Nam (hoinhacsi.vn) đang tiếp tục cập nhật thông tin nghệ sĩ Violon Trần Văn Tân tới quý vị khán thính giả.

Thể loại: 
ca khúc: 
Bản nhạc (dạng ảnh): 
Chương II và III bản hòa tấu cho Piano và Violon

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.
1 + 10 =