You are here

Hồi ký Berlioz (15)

Tác giả: 
H.Berlioz (Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh) 
AttachmentSize
Image icon 2.jpg19.23 KB

(Tiếp theo)
Chương 15
Những buổi tối tại Nhà hát Opéra - Nhiệt tình truyền giáo của tôi - Những vụ bê bối - Những cảnh tượng cuồng nhiệt - Tính nhạy cảm của nhà toán học

        Phần lớn những buổi biểu diễn tại Nhà hát Opéra là các buổi lễ long trọng mà tôi tự chuẩn bị bằng cách đọc tổng phổ và trầm tư về tác phẩm sắp được biểu diễn. Lòng ngưỡng mộ đến cuồng tín, mà tôi và vài khán giả quen mặt ở khu sàn gỗ bày tỏ công khai, dành cho các tác giả yêu thích của chúng tôi chỉ có thể so sánh với lòng căm thù sâu sắc mà chúng tôi dành cho các tác giả khác. Thần Jupiter trên đỉnh Olympe của chúng tôi là Gluck, và sự tôn thờ mà chúng tôi dành cho ông là thứ mà người hâm mộ cuồng nhiệt nhất thời nay cũng không thể nào sánh được. Nhưng nếu như vài người bạn tôi cũng là tín đồ trung thành của thứ tôn giáo âm nhạc này thì tôi có thể nói một cách không hề kiêu căng rằng tôi chính là giáo chủ. Khi thấy nhiệt tình của họ giảm sút tôi bèn hâm nóng lại bằng những bài thuyết giảng đáng mặt môn đệ của Saint-Simon . Tôi dẫn họ đến Nhà hát Opéra thường xuyên dù họ có muốn hay không bằng cách cho họ những tấm vé mua bằng tiền túi của tôi tại quầy vé mà tôi giả vờ rằng mình được một người trong ban quản lý tặng. Ngay sau khi dùng mẹo này kéo được mấy người bạn tới buổi biểu diễn kiệt tác của Gluck, tôi vừa xếp họ ngồi trên một chiếc ghế băng ở khu sàn gỗ vừa dặn dò kỹ lưỡng rằng không được đổi chỗ vì không phải mọi vị trí đều có chất lượng âm thanh ngang bằng và rằng chẳng có vị trí nào mà tôi chưa nghiên cứu những ưu và nhược điểm của nó. Ở chỗ này ta quá gần bè kèn cors, ở chỗ kia ta lại chẳng nghe thấy; ở bên phải âm thanh của kèn trombone quá lấn át; ở bên trái, do âm thanh bị dội lại từ các lô tầng trệt nên đã tạo ra một hiệu ứng khó chịu; ở phía dưới, do quá gần dàn nhạc nên giọng hát bị chìm khuất; ở phía trên do xa sân khấu nên khó nghe rõ lời và nhìn rõ biểu hiện nét mặt của diễn viên; phần khí nhạc của tác phẩm này nên được nghe từ chỗ này, phần hợp xướng của tác phẩm kia nên được nghe từ chỗ kia; ở màn này khi trang trí sân khấu thể hiện một khu rừng thiêng, khung cảnh rất rộng và âm thanh bị phân tán vào mọi ngóc ngách nhà hát thì phải tiến đến gần hơn; ngược lại ở màn kia, diễn ra trong một cung điện, trang trí sân khấu là thứ mà thợ bày phông cảnh gọi là một phòng kín, uy lực giọng hát được tăng lên gấp đôi do tình huống rõ ràng là rất không quan trọng này, thì cần phải lùi xuống một chút trong khu sàn gỗ để âm thanh dàn nhạc và giọng hát kém cân bằng nghe có vẻ thống nhất và hài hòa hơn về tổng thể.   

        Một khi đã đưa ra các chỉ dẫn này, tôi hỏi các tân tín đồ của mình xem họ có biết rõ về tác phẩm sắp nghe không. Nếu họ chưa đọc phần lời thì tôi sẽ rút từ túi ra một cuốn kịch bản và tận dụng thời gian còn lại trước khi mở màn để họ đọc trong lúc thêm vào các đoạn quan trọng tất cả những nhận xét mà tôi cho là thích hợp để họ dễ dàng hiểu được tư tưởng của nhà soạn nhạc; bởi vì chúng tôi luôn đến từ rất sớm để có thể lựa chọn chỗ ngồi và không bị bỏ lỡ những nốt nhạc đầu tiên của khúc mở màn cũng như nhấm nháp sự quyến rũ đặc biệt của việc chờ đợi trước một niềm vui lớn mà ta tin chắc là sẽ được hưởng. Ngoài ra chúng tôi cũng rất vui khi ngắm nhìn hố nhạc, thoạt tiên trống vắng và trông như một cây piano không dây, dần dần có đầy các bản nhạc và các nhạc công. Anh chàng giúp việc dàn nhạc bước vào đầu tiên để đặt các phân phổ lên các giá nhạc. Với chúng tôi đây luôn là thời khắc lo âu khắc khoải. Kể từ lúc chúng tôi đến, một vài bất trắc có thể bỗng nhiên xảy ra; người ta có thể đổi vở diễn và thay thế tác phẩm đồ sộ của Gluck bằng Chim sơn ca nào đó, Cặp đôi đã đính hôn nào đó, một Đoàn lữ hành từ Ai Cập, một Panurge, một Thầy bói làng quê, một Lasthénie,  toàn những vở diễn ít nhiều nhạt nhẽo và nghèo nàn, ít nhiều phẳng lặng và giả tạo mà chúng tôi tuyên bố là một đám hết sức đáng khinh. Tên của vở, được in bằng chữ lớn trên các phân phổ của bè contrebasse có vị trí gần với khu sàn gỗ nhất, sẽ làm yên lòng chúng tôi hoặc chứng thực nỗi lo sợ của chúng tôi. Trong trường hợp thứ hai, chúng tôi sẽ vừa vội vã ra khỏi khán phòng vừa nguyền rủa như những tên giặc cướp chỉ tìm thấy nước lã trong những thùng tưởng là rượu trắng đã lấy được, và lẫn lộn trong những lời nguyền rủa của chúng tôi là tên tác giả vở diễn thay thế, tên ông đạo diễn được công bố và tên người quản lý đã cho phép biểu diễn nó. Tội nghiệp Rousseau, người đã coi trọng phần âm nhạc của vở Thầy bói làng quê ngang với các kiệt tác hùng biện đã làm tên ông thành bất tử, người đã tin tưởng chắc chắn rằng mình đã làm lu mờ toàn bộ tác phẩm của Rameau, kể cả khúc trio các vị thần số mệnh , bằng các khúc chanson nho nhỏ, các khúc flon-flon  nho nhỏ, các khúc rondeau nho nhỏ, các khúc solo nho nhỏ, các khúc đồng quê nho nhỏ, các khúc nhạc buồn cười đủ mọi loại đã tạo nên vở opéra một màn tệ hại của mình; người đã bị hành hạ đến thế; người đã bị phái Holbach  đố kị đến thế vì tác phẩm âm nhạc của mình; người bị người ta cáo buộc là đạo nhạc; người mà âm nhạc được hát trên toàn nước Pháp, từ Jélyotte và cô đào Fel  cho đến vua Louis 15, người đã hát đi hát lại không chán“Tôi đã mất đi người nô bộc”  bằng cái giọng lạc điệu nhất vương quốc của mình; người mà cuối cùng tác phẩm tâm đắc khi ra mắt đã đạt được đủ mọi loại thành công. Tội nghiệp Rousseau! Ông sẽ nói gì nếu nghe được những lời lẽ xúc phạm của chúng tôi? Và liệu ông có thể thấy trước rằng vở opéra yêu quý của mình, tác phẩm đã làm dậy lên nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng đến thế, một ngày kia lại ngã gục vĩnh viễn dưới cú đòn từ một bộ tóc giả kếch xù rắc phấn, bị ném dưới chân Colette trước một lời chế nhạo xấc láo? Tôi đã tham dự một cách bất thường buổi diễn cuối cùng  của vở Thầy bói làng quê; hậu quả là rất nhiều người đã đổ cho tôi cái tội dàn cảnh bộ tóc giả; nhưng tôi cam đoan là mình vô can. Ngay cả tôi cũng còn thấy phẫn nộ biết bao trước trò tiêu khiển bằng kiểu báng bổ lố lăng này, kiểu mà tôi tin chắc rằng mình không thể làm nổi. Nhưng hãy hình dung rằng Gluck, phải, chính Gluck vào khoảng 50 năm trước buổi biểu diễn Thầy bói đáng buồn này, đã đẩy sự trớ trêu đi xa hơn nữa và đã dám viết và xuất bản, trong một lá thư nghiêm túc nhất thế giới gửi hoàng hậu Marie-Antoinette, rằng “theo báo cáo thì nước Pháp không mấy ưa chuộng âm nhạc nhưng có một vài tác phẩm đáng chú ý trong đó phải kể đến Thầy bói làng quê của ngài Rousseau?” Có ai từng nhận thấy rằng Gluck có thể cũng có tính hài hước? Chỉ riêng cú đòn này của một người Đức cũng đủ tước đi của người Ý danh hiệu quán quân đùa hiểm.

        Tôi xin trở lại chuyện đang kể. Khi nhan đề vở diễn in trên các bản phân phổ báo cho chúng tôi biết chẳng có thay đổi nào trong chương trình thì tôi sẽ tiếp tục bài thuyết giáo của mình, hát các đoạn nổi bật, giải thích các cách thức phối khí tạo ra các hiệu quả quan trọng, cho tới khi lời tôi nói gây được một trạng thái cuồng nhiệt nơi các thành viên trong câu lạc bộ nhỏ của chúng tôi. Sự náo nức này khiến các khán giả ngồi gần ở khu sàn gỗ rất nhạc nhiên, họ phần đông là người tỉnh lẻ và trong lúc nghe tôi nói dông dài về những điều kỳ diệu trong tổng phổ sắp được biểu diễn thì họ chờ đợi trong sự thờ ơ và nói chung cảm thấy buồn chán hơn là vui thích. Tiếp theo đó tôi không quên chỉ mặt gọi tên từng nhạc công đang bước vào dàn nhạc, thêm một vài bình luận về thói quen và tài năng của người này.

-    Đấy là Baillot! Ông ấy không như các nghệ sĩ độc tấu violon khác, ông ấy không chỉ chuyên biểu diễn trong ballet; ông ấy chẳng hề thấy hổ thẹn khi đệm đàn trong một vở opéra của Gluck. Chốc nữa các cậu sẽ nghe ông ấy chơi một đoạn trên dây xon, ta sẽ thấy nó nổi bật trên cả dàn nhạc.

-    Ôi chao! Cái ông mặt đỏ kia kìa! Là lão Chénié bè trưởng bè contre-basse; một người mạnh mẽ vui tính bất chấp tuổi tác; một mình ông ấy đáng giá bằng bốn tay contre-basse bình thường; ta có thể chắn chắn rằng bè của ông ấy sẽ biểu diễn chính xác như tác giả đã viết, ông ấy không thuộc trường phái đơn giản hóa đâu.

-    Người chỉ huy dàn nhạc nên để mắt tới ông Guillou, cây flûte thứ nhất, người lúc này đang bước vào. Ông ấy đặc biệt tùy tiện với nhạc của Gluck. Tỉ dụ như với bản hành khúc tôn giáo trong vở Alceste, tác giả đã viết bè flûte ở quãng thấp, chỉ để đạt được hiệu quả đặc biệt tại các âm trầm của nhạc cụ này. Nhưng ông Guillou không vừa lòng với một quy định như vậy cho bè mình; ông ấy phải nổi trội cơ; ông ấy phải được người ta nghe thấy cơ và để được như thế thì ông ấy dịch đoạn nhạc cho flûte này lên một quãng tám, nên phá vỡ hiệu quả mà tác giả đã dự tính và biến một ý tưởng tài tình thành một thứ trẻ con và tầm thường.  

           Ba tiếng gõ lớn báo hiệu buổi biểu diễn sắp bắt đầu bất thần cắt ngang bài khảo sát nghiêm ngặt về các danh sĩ trong dàn nhạc này. Chúng tôi im lặng ngay lập tức và cùng với trái tim đang đập hồi hộp chờ đợi tín hiệu bắt nhịp từ cây đũa chỉ huy của Kreutzer hay của Valentino. Khi Ouverture đã bắt đầu nếu chỉ một trong các khán giả ngồi gần chúng tôi dám nói năng, hát lầm rầm hay gõ nhịp thì chúng tôi sẽ dùng lối nói rất phổ biến của người yêu nhạc trong trường hợp tương tự: “Các nhạc công trời đánh này, họ tước đi của tôi niềm vui được nghe ngài!”.

        Nếu người biểu diễn có bất cứ thay đổi gì thì thật bất cẩn vì tôi biết tường tận tổng phổ và thà bị giết chết còn hơn bỏ qua chút xuề xòa nhỏ nhất so với nguyên tác người ta làm với các bậc thầy vĩ đại mà không phản kháng lại. Tôi sẽ không chờ để phản kháng một cách lạnh lùng bằng văn bản đối với tội xem nhẹ thiên tài này. Ồ không đâu, phải ở trước mặt công chúng, bằng giọng to và dõng dạc mà nói cộc lốc với những tên tội phạm. Và tôi có thể đảm bảo rằng không một nhà phê bình nào ra đòn như thế cả. Chẳng hạn như một hôm, có vấn đề nảy sinh trong vở Iphigénie en Tauride khi tôi nhận thấy ở đêm diễn trước đó người ta đã thêm các tiếng cymbale vào vũ điệu thứ nhất của người Scythe giọng Xi thứ nơi mà Gluck chỉ sử dụng bè đàn dây còn trong đoạn récitatif lớn của Oreste ở màn ba, bè trombone được viết trong tổng phổ và hết sức thích hợp với cảnh huống thì lại không được biểu diễn. Tôi đã quyết định nếu các lỗi tương tự còn lặp lại thì mình sẽ chỉ ra. Vậy là khi phần ballet của người Scythe bắt đầu tôi chờ các tiếng cymbale trong đoạn nhạc và chúng lại được nghe thấy như lần trước trong vũ điệu mà tôi đã nhắc đến. Dù giận sôi sùng sục nhưng tôi kìm lại cho tới cuối đoạn nhạc và lợi dụng ngay khoảng im lặng ngắn ngủi phân tách với đoạn tiếp theo, tôi ráng hết sức thét lên:

-    Không có cymbale trong đoạn đó; ai mà dám sửa Gluck thế? 
Hãy tưởng tưởng tiếng xì xào lúc ấy! Công chúng, những người không biết rõ lắm về mọi vấn đề nghệ thuật này và khá thờ ơ với chuyện người ta có thay đổi hay không bản phối khí của tác giả, chẳng hiểu anh chàng điên rồ ở khu sàn gỗ giận dữ vì lẽ gì. Nhưng đến màn ba thì còn tệ hơn nhiều, việc gạt bỏ bè kèn trombone khỏi đoạn độc thoại của Oreste như tôi lo ngại đã xảy ra, giọng nói khi nãy cất lên những lời này:

-    Không nghe thấy tiếng trombone! Thật không thể chịu nổi!

        Sự sửng sốt của cả dàn nhạc và khán phòng chỉ có thể sánh với cơn phẫn nộ (rất tự nhiên thôi, tôi thừa nhận) của Valentino, người chỉ huy dàn nhạc tối hôm đó. Sau đó tôi được cho biết rằng các nhạc công trombone kém may mắn đó chỉ tuân thủ một mệnh lệnh rõ ràng  là không chơi trong đoạn đó; bởi vì bản sao các phân phổ hoàn toàn đúng như trong tổng phổ.   

        Về các tiếng cymbale mà Gluck đã sắp đặt thích hợp đến thế trong đoạn hợp xướng thứ nhất của người Scythe, tôi không biết ai đã dám đưa cả vào trong đoạn vũ khúc, nên làm sai lệch màu sắc và quấy nhiễu khoảng im lặng rùng rợn ở đoạn ballet lạ lùng này. Nhưng tôi biết rõ rằng ở các đêm diễn tiếp theo, tất cả trở lại trong trật tự, cymbale im bặt, bè trombone được chơi và tôi bằng lòng mà lẩm nhẩm qua kẽ răng: “A! Hạnh phúc thay!”.

        Không lâu sau đó, de Pons, người ít nhất cũng cuống tín bằng tôi, khi thấy việc người ta cho vào màn thứ nhất vở Œdipe à Colone các vũ điệu khác với vũ điệu của Sacchini là không phù hợp, đã đến đề nghị tôi chỉnh đốn lại các đoạn solo liên miên của kèn cor và cello mà người ta đã đánh tráo. Tôi có thể nào không trợ giúp một ý định đáng khen như thế? Phương pháp đã áp dụng với Iphigénie cũng thành công khi chúng tôi làm với Œdipe; và sau vài lời mà chỉ hai chúng tôi gào lên từ khu sàn gỗ một tối nọ, các vũ điệu mới đã biết mất mãi mãi.

        Chỉ có một lần duy nhất chúng tôi lôi kéo được công chúng. Người ta đã thông báo trên áp phích rằng bè violon solo trong phần ballet của vở Nina sẽ được Baillot đảm nhiệm nhưng một sự khó ở của nghệ sĩ bậc thầy này hay lý do nào đó đã khiến ông không thể biểu diễn. Ban quản lý tưởng rằng công bố điều đó bằng một dải băng giấy khó nhận ra dán trên áp phích ở cửa nhà hát nơi chả ai ngó tới là đã đủ rồi. Vậy là số đông khán giả vẫn chờ nghe nghệ sĩ violon nổi tiếng biểu diễn.
Thế nhưng tới khoảnh khắc nàng Nina, trong vòng tay của cha và người yêu, tỉnh táo trở lại, điệu bộ rất cảm động của cô đào Bigottini cũng chẳng thể làm chúng tôi mủi lòng đến độ quên mất Baillot. Tác phẩm sắp sửa kết thúc. Tôi nói đủ lớn để người ta nghe thấy:
-    Chờ chút! Chờ chút! Còn đoạn violon solo thì sao?
-    Phải rồi, một khán giả lên tiếng, có vẻ như họ muốn bỏ qua nó.
-    Baillot! Baillot! Violon solo!

        Lúc này, khán giả khu sàn gỗ nổi giận đùng đùng và điều chưa từng thấy ở Nhà hát Opéra, cả khán phòng lớn tiếng kêu gào đòi thực hiện lời hứa hẹn trên áp phích. Màn sân khấu hạ xuống giữa lúc om sòm này. Tiếng ồn ào tăng gấp đôi. Thấy sự giận dữ của khán giả khu sàn gỗ, các nhạc công hấp tấp rời vị trí. Thế là mọi người giận dữ nhảy vào giữa dàn nhạc, người ta ném tứ tung những chiếc ghế; người ta lật nhào các giá nhạc; người ta làm rách toạc mặt da chiếc trống định âm. Tôi kêu lên mà chả ăn thua: “Các ngài, các ngài, các ngài đang làm gì vậy! Đập phá nhạc cụ thì thật man rợ! Thế các ngài không thấy đó là cây contre-basse của lão Chénié, một nhạc cụ tuyệt diệu có âm thanh cự phách hay sao?”. Người ta chẳng thèm nghe tôi nữa và những kẻ nổi loạn chỉ rút lui sau khi đã lật nhào toàn bộ dàn nhạc và đập vỡ không biết là bao nhiêu là ghế băng và nhạc cụ.

        Đó là mặt tối của việc phê bình bằng hành động mà chúng tôi thực hiện một cách rất chuyên chế ở Nhà hát Opéra; còn mặt tích cực là sự nồng nhiệt của chúng tôi khi mọi sự diễn ra tốt đẹp.

        Khi ấy cần phải thấy là chúng tôi đã vỗ tay tán thưởng cuồng nhiệt đến thế nào sau các đoạn nhạc mà chẳng ai trong khán phòng chú ý đến, các đoạn nhạc có một bè trầm đẹp, một nét ngân nga mĩ mãn, một chỗ nhấn chuẩn xác trong một đoạn récitatif, một nốt đầy biểu cảm của kèn hautbois... Công chúng coi chúng tôi là bọn vỗ tay thuê đang khao khát được nhận vào làm chính thức trong khi ông đội trưởng đội vỗ tay thuê biết rõ là không phải thế. Và thỉnh thoảng khi sự cổ vũ không đúng lúc của chúng tôi làm xáo trộn những trù tính khôn khéo thì ông ta lại ném cho chúng tôi một cái nhìn đáng mặt thần Neptune khi ra lệnh cấm quo ego . Rồi trong những khoảnh khắc tuyệt đẹp của cô đào Branchu thì đấy là những tiếng reo hò, những tiếng giậm chân mà ngày nay người ta chẳng còn biết tới ngay cả tại Nhạc viện, nơi duy nhất ở Pháp mà lòng cuồng nhiệt thực sự dành cho âm nhạc vẫn thi thoảng được biểu lộ.
Cảnh tượng lạ lùng nhất thuộc dạng này mà tôi vẫn còn nhớ là cảnh tiếp theo đây khi vở Oedipus đang được biểu diễn. Dù được xếp rất xa sau Gluck theo đánh giá của chúng tôi nhưng Sacchini là người mà chúng tôi ngưỡng mộ chân thành. Tối hôm ấy tôi kéo đến Nhà hát Opéra một anh bạn  sinh viên hoàn toàn lạ lẫm với mọi môn nghệ thuật khác nghệ thuật đánh trúng đôi  nhưng là người mà tôi muốn dùng tất cả sức lực biến thành một tín đồ mới của âm nhạc. Song nỗi đau đớn của Antigone và của cha nàng đã không thể khiến cậu ta mủi lòng. Sau màn đầu tiên, chả còn trông mong gì nên tôi bỏ cậu ta ở phía sau còn tôi lên ngồi ở một chiếc ghế băng phía trước để khỏi phải thấy sắc mặt thản nhiên của cậu ta. Như để làm nổi bật hơn nữa sự an nhiên tĩnh tại của cậu ta, sự tình cờ đã đặt ở bên phải cậu ta một khán giả có độ nhạy cảm ngang với độ kém nhạy cảm của cậu ta. Tôi đã sớm nhận ra điều này. Dérivis vừa có một động tác tuyệt đẹp trong đoạn récitatif nổi tiếng của anh:
-    Con ta! Con không còn là con ta nữa!
Hãy đi đi! Nỗi căm thù của ta quá lớn!

        Dù bị cuốn hút hoàn toàn trước diễn xuất đẹp tự nhiên và cảm giác cổ xưa của cảnh này nhưng tôi không thể không nghe thấy cuộc đối thoại diễn ra phía sau, giữa anh bạn tôi đang bóc một trái cam và người lạ đứng cạnh đang trải qua cơn xúc động mãnh liệt nhất:
-    Chúa ơi! Ngài hãy bình tĩnh lại.
-    Không! Không thể cưỡng lại được! Thật trĩu nặng và chí tử!
-    Nhưng thưa ngài, ngài thật sai lầm khi để mình xúc động đến thế. Ngài sẽ ốm mất. 
-    Không, hãy mặc tôi... Ôi!
-    Ngài hãy can đảm lên! Rốt cuộc thì đấy chỉ là kịch thôi... Tôi có thể mời ngài một múi cam này không?
-    A! Thật là cao cả!
-    Cam trồng ở đảo Malte đấy!
-    Thật là nghệ thuật thần thánh!
-    Xin đừng từ chối.
-    A! Thưa ngài, âm nhạc tuyệt sao!
-    Phải, thật là đẹp.

        Trong lúc cuộc đối thoại không ăn nhập này diễn ra, vở opéra đã đi qua cảnh hòa giải đến khúc trio tuyệt đẹp “Ôi khoảnh khắc dịu êm!” . Đến lượt tôi bị sự dịu dàng thấm thía của giai điệu giản dị này xâm chiếm; tôi giấu mặt vào hai bàn tay và bắt đầu khóc như một người đang ở vực thẳm khổ đau. Ngay khi khúc trio kết thúc, hai cánh tay vạm vỡ nâng bổng tôi lên khỏi chiếc ghế băng và siết chặt tôi đến suýt gãy xương xườn. Đó chính là đôi tay của người lạ mặt, người đã không thể kiềm chế cảm xúc của mình hơn nữa và đã nhận ra rằng trong tất cả những khán giả quanh mình thì tôi là người duy nhất tỏ ra chia sẻ, vừa siết chặt tôi một cách cuồng nhiệt vừa kêu lên bằng giọng thổn thức:
-    Ôi chúa thiêng liêng! Đẹp làm sao!
Chẳng hề ngạc nhiên chút nào và với gương mặt nhòe nhoẹt nước mắt, tôi trả lời ông bằng cách hỏi lại:
-    Ngài là nhạc sĩ chăng?
-    Không, nhưng tôi cảm nhận âm nhạc sâu sắc chẳng kém ai tối nay. 
-    Quả vậy, dù sao cũng xin đưa tay cho tôi; chính thế, thưa ngài, ngài là một người dũng cảm!
     Ngay sau đó, hoàn toàn thản nhiên trước những nụ cười khẩy của đám khán giả vây quanh mình, cũng như trước vẻ sửng sốt của tân tín đồ đang ăn cam của tôi, chúng tôi thì thầm trao đổi vài lời, tôi cho ông biết tên tôi, ông cho tôi biết tên  và nghề nghiệp của ông. Đấy là một kỹ sư! Một nhà nhà toán học!!! Tính nhạy cảm chọn đúng chỗ ở thật!

(Còn nữa)

Ký hiệu ở các chú thích: 
HB - chú thích của tác giả Hector Berlioz.
DC - chú thích của David Cairms, dịch giả bản tiếng Anh.
Ngoài ra, chú thích nào không có ký hiệu HB hay DC là chú thích của NA9 - người dịch sang tiếng Việt.
Các tên người, địa danh và một số thuật ngữ âm nhạc trong bản dịch tiếng Việt được để nguyên tiếng Pháp, ngôn ngữ mà Berlioz dùng để viết hồi ký.

Tác giả:  Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.