You are here

Hồi ký Berlioz (11)

Tác giả: 
Berlioz (Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh) 
AttachmentSize
Image icon 123.jpg128.24 KB

(Tiếp theo)
Chương 11
Quay lại Paris - Tôi dạy nhạc - Tôi vào lớp của thầy Reicha tại Nhạc viện - Những bữa tối trên cầu Pont Neuf - Cha lại cắt trợ cấp của tôi - Sự phản đối nghiệt ngã - Humbert Ferrand - R. Kreutzer.

     Vừa mới quay về Paris và ngay khi trở lại lớp của thầy Lesueur là tôi đã bận rộn lo trả Pons khoản tiền anh cho mượn. Món nợ này khiến tôi day dứt. Tôi không thể nào thu xếp được với khoản trợ cấp hàng tháng 120 franc của mình. Tôi may mắn tìm được nhiều học trò học xướng âm, sáo flûte và guitare; và nhờ số tiền kiếm được từ các buổi dạy cùng với việc tằn tiện chi tiêu cá nhân chỉ trong vài tháng tôi đã để dành được khoản 600 franc mà tôi vội vàng mang đến cho người chủ nợ dễ tính của mình. Người ta có thể thắc mắc tôi có thể tằn tiện kiểu gì với mức thu nhập còm cõi đó. Đây là cách của tôi:

     Tôi thuê một căn phòng nhỏ xíu trên tầng năm với giá rẻ ở đảo Île de la Cité  nơi góc phố Harley và đường kè Orfèvres. Và thay vì đi ăn tại nhà hàng như trước đây thì tôi áp dụng một chế độ ăn uống kiểu thầy tu mà giá mỗi bữa giảm xuống chỉ còn bảy hay tám xu là nhiều nhất. Thường thì chỉ có bánh mì, nho khô, mận hay chà là.

     Vì lúc ấy đang là mùa hè, mua xong mấy thức thanh cảnh tại cửa hàng đồ khô gần đó là tôi thường tới ngồi trên chiếc bệ nhỏ ở cầu Pont Neuf, dưới chân tượng Henri IV. Tại đây, không nghĩ về món gà hầm mà vị vua nhân từ đã mơ ước mọi nông dân của mình đều có vào bữa ăn ngày chủ nhật, tôi vừa ăn bữa tối đạm bạc vừa ngắm mặt trời lặn xuống sau đồi Valérien, nheo mắt mê mẩn dõi theo ánh phản chiếu lấp lánh trên những gợn sóng sông Seine đang lặng lẽ lan xa trước mặt và trí tưởng tượng ắp đầy những hình ảnh lộng lẫy trong những câu thơ của Thomas Moore mà tôi vừa tìm được một bản dịch tiếng Pháp rồi đọc với xúc cảm của mối tình đầu. Nhưng Pons, chắc chắn là lo lắng về những thiếu thốn của tôi do tự mình phải trả nợ cho anh, những thiếu thốn mà việc thường xuyên qua lại giữa chúng tôi khiến tôi không thể nào giấu anh được, có lẽ chính anh cũng ngại nhưng muốn được trả hết nợ nên đã viết thư cho cha tôi, kể với ông mọi chuyện và đòi 600 franc còn thiếu. Sự thẳng thắn này thật tai hại. Cha tôi đã hết sức ân hận về sự hạ cố của mình; tôi đã ở Paris được năm tháng mà vị thế chẳng có gì thay đổi cũng như chẳng có tiến bộ nào trong sự nghiệp âm nhạc sẽ trở nên đỏng đảnh. Có lẽ ông đã tưởng tượng rằng chỉ trong một thời gian ngắn tôi sẽ được ghi nhận tại kỳ thi của Học viện, tôi sẽ giành được giải thưởng lớn , tôi sẽ viết một vở opéra ba màn mà sẽ được biểu diễn với thành công rực rỡ, tôi sẽ được thưởng huân chương bắc đẩu bội tinh và hưởng lương từ chính phủ... Thay vào đó, ông lại nhận được thông báo về món nợ mà tôi đã vay mà một nửa trong số đó vẫn còn chưa trả. Đòn giáng thật mạnh và tôi cảm thấy ngay hậu quả nặng nề. Ông trả cho Pons 600 franc, thông báo với tôi một cách cương quyết rằng nếu tôi không từ bỏ ảo tưởng âm nhạc của mình thì ông không muốn giúp tôi ở lại Paris thêm nữa và vì vậy tôi phải tự nuôi thân. Tôi đã có vài học trò, tôi đã quen với cuộc sống đạm bạc, tôi không còn món nợ phải trả Pons, thế nên tôi chẳng hề do dự. Tôi ở lại. Thực tế là lúc đó tôi rất tích cực và bận rộn với âm nhạc. Cherubini, người mà ý thức trình tự biểu hiện ở khắp mọi nơi, biết rằng tôi đã không theo một con đường thông thường ở Nhạc viện để vào lớp sáng tác của thầy Lesueur, đã nhận tôi vào lớp đối âm và phức điệu của thầy Reicha mà theo thứ bậc chương trình thì phải học trước lớp sáng tác. Thế là tôi đồng thời theo học cả hai lớp và hai thầy. Ngoài ra tôi cũng vừa mới kết giao với một chàng trai trẻ nhiệt tình và tài trí tên là Humbert Ferrand, người mà tôi rất sung sướng coi là bạn thân nhất của mình. Anh viết cho tôi phần ca từ vở grand opéra Những thẩm phán tự do  và tôi đã soạn phần âm nhạc với một nhiệt tình vô song. Libretto này về sau bị ủy ban của Viện hàn lâm âm nhạc hoàng gia từ chối còn phần âm nhạc tôi viết thì bị chỉ trích là tối tăm và vì thế không bao giờ được ra mắt. Chỉ có khúc ouverture của nó có thể được xuất bản. Tôi đã sử dụng ở đây đó những ý tưởng tốt nhất từ vở opéra này bằng cách phát triển chúng trong các tác phẩm về sau của mình, phần còn lại có thể chịu chung số phận nếu có cơ hội hoặc sẽ bị thiêu hủy. Ferrand cũng đã viết một hoạt cảnh anh hùng ca với hợp xướng mà đề tài Cách mạng Hy Lạp của nó đã chiếm trọn tâm trí chúng tôi lúc ấy. Tôi đã tạm dừng việc soạn vở Những thẩm phán tự do trong một thời gian ngắn để soạn nhạc cho hoạt cảnh đó. Tác phẩm mà trên mỗi trang người ta có thể cảm thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ phong cách Spontini này là nguyên nhân tạo ra cú sốc đầu tiên của tôi trước tính ích kỉ mà tôi không ngờ là có ở phần lớn những bậc thầy danh tiếng và khiến tôi cảm nhận được mối ác cảm thường thấy của họ đối với các nhà soạn nhạc trẻ, ngay cả với những người vô danh nhất.

     Rodolphe Kreutzer  là tổng giám đốc âm nhạc tại Nhà hát Opéra nơi các buổi hòa nhạc tâm linh của tuần lễ thánh sắp sửa diễn ra. Việc biểu diễn hoạt cảnh tôi viết phụ thuộc vào ông nên tôi đã đến hỏi. Tuy nhiên chuyến thăm của tôi đã được chuẩn bị trước bằng một lá thư mà ngài tổng giám sát mỹ thuật Rochefoucauld viết để giới thiệu tôi theo sự gửi gắm khẩn thiết của một trong các thư ký của mình, anh bạn Ferrand. Hơn nữa, thầy Lesueur đã có lời ủng hộ tôi nhiệt liệt với đồng nghiệp của mình. Sự trông đợi cũng là hợp lý. Ảo tưởng của tôi thật ngắn ngủi. Kreutzer, người nghệ sĩ lớn là tác giả của Cái chết của Abel  (tác phẩm tuyệt hay mà vài tháng trước tôi đã viết cho ông những lời tán dương thật lòng và nồng nhiệt) và Kreutzer, người mà tôi tưởng là tốt bụng và niềm nở như thầy tôi vì tôi ngưỡng mộ ông, đã tiếp đón tôi theo cách khinh thường và bất lịch sự nhất. Tôi vừa mới chào là ông đã không thèm nhìn mà ném qua vai cho tôi những lời này: “Anh bạn tốt ơi (ông ấy chưa từng biết tôi), chúng tôi không thể biểu diễn các tác phẩm mới trong các buổi hòa nhạc tâm linh. Chúng tôi không có thời gian tập. Lesueur biết rõ điều này”. Trái tim tôi thắt lại. Vào chủ nhật sau đó, Kreutzer có lời giải thích với thầy Lesueur tại nhà thờ hoàng gia, nơi ông chỉ đơn giản là nghệ sĩ vĩ cầm. Bị thầy tôi dồn đến cùng, ông đã chấm dứt tranh cãi mà không che giấu tâm trạng bực bội: “Này! Chính thế đấy! Chúng ta sẽ ra sao nếu giúp đỡ bọn trẻ ranh?..”. Ít ra thì ông ta cũng thẳng thắn.

(Còn nữa)

Berlioz - Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.