You are here

Gian nan nghề quản lý biểu diễn

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Vị thế của người biểu diễn

Biểu diễn là nghề thổi hồn dựng vía cho tác phẩm. Nghệ sĩ là người sáng tạo thứ hai sau tác giả. Nhiều bài hát gắn với tên tuổi của ca sĩ chứ không phải nhạc sĩ. Thù lao cho ca sĩ siêu sao cao ngất ngưởng trong khi tác giả thường bị bỏ qua.

Đó, chỉ sơ sơ vài câu cũng thấy được sự nổi bật và tính quyết định của người biểu diễn, đặc biệt là biểu diễn ca nhạc giải trí - cái phần chiếm thế thượng phong trong đời sống âm nhạc hiện nay.

Ngó thêm chút nữa vào mảng ca nhạc giải trí này càng thấy rõ nhân vật làm tốn giấy tốn mực trên các mặt báo, nói đúng hơn là tốn nhiều lời ca ngợi cũng như ca thán và được trưng hình ảnh nhiều hơn cả luôn là người biểu diễn.

Vẫn biết xưa nay tác giả không nắm được số phận đứa con tinh thần của mình. Lại thêm sự chao đảo mọi chuẩn mực trong con lốc thị trường, tính quyết định sức sống của tác phẩm lẽ ra trước hết phải là chất lượng của chính nó thì nay gần như hoàn toàn phụ thuộc vào tiếng tăm người hát. Bài hát xoàng xoàng được ca sĩ ăn khách đỡ đầu dễ được công chúng chú ý hơn một tác phẩm hay mà chỉ được trình bày bởi giọng ca chưa được xếp hạng. Và cô ấy anh ấy hát gì, hát thế nào không quan trọng bằng cô ấy anh ấy trông thế nào, phát ngôn tùy tiện những gì, kèm thêm nhiều chi tiết ngoài lề chả liên quan gì đến nghệ thuật biểu diễn.

Một khi câu khách trở thành mục tiêu của showbiz, thì dưới lớp váng màu mè bắt mắt có bao nhiêu là sạn. Liên tiếp những hình ảnh phản cảm trên sàn diễn. Xôn xao những câu chuyện hậu trường vô bổ và những tình tiết đời tư “người của công chúng” trên mặt báo. Nhộn nhạo những chương trình đang kéo xuống thấp hơn thị hiếu đại chúng vốn rất ít được cải thiện về thẩm mỹ. Tác động của truyền thông thật ghê gớm. Ca sĩ này diện đồ xuyên thấu, mỏng hơn cánh chuồn, hở trên lộ dưới…; ca sĩ nọ mê váy hở ngực, mặc quần như không… La liệt bài giật tít úp mở như vậy trên nhiều đầu báo khác nhau đã phần nào lý giải: vì sao ăn mặc phản cảm lại trở thành “thương hiệu của sao”, vì sao ca sĩ trẻ chẳng buồn ganh nhau giọng hát mà chỉ đua nhau diện đồ gây “sốc”.

Không may, người biểu diễn nhạc hàn lâm và ca nhạc chính thống lại không được chú ý và săn đón như vậy, mặc dù chính họ mới là người quảng bá những giá trị về lâu về dài, là đại diện xứng đáng cho nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam trên sân khấu quốc tế. Những nỗ lực của họ, đặc biệt tiềm năng của các nghệ sĩ trẻ không nhỏ, song họ có làm cho bộ mặt tương lai của ngành biểu diễn sáng láng hay không, điều này còn phụ thuộc vào cái tài cái tâm của người quản lý.

Cái khó của người quản lý biểu diễn

Vị thế của người biểu diễn càng cao trong thời buổi nhiễu loạn giá trị thật giả thì người quản lý biểu diễn càng vất vả. Đời sống âm nhạc càng đa dạng nhiều chiều, sinh hoạt ca nhạc càng lắm biến động, kiểu như “nhạc sang ra đường, nhạc sến vào chỗ sang”, thì việc quản lý càng nhọc nhằn.

Cái khó của nhà quản lý trước hết là điều chỉnh sự thiếu cân bằng trong đời sống âm nhạc, đó là tình trạng lệch hẳn về mảng ca nhạc giải trí, lệch đến mức phần lớn công chúng vẫn lầm tưởng ca khúc đại chúng là toàn bộ nền âm nhạc nước nhà.

Tin tốt là các dàn nhạc giao hưởng tính phòng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Huế đang dần dần nhuận sắc về số lượng cũng như chất lượng. Các chương trình hòa nhạc cổ điển đang trên đà tăng lên và phong phú hơn. Các nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng sẵn lòng rời tháp ngà, rời không gian sang trọng của các phòng hòa nhạc để xuống đường đưa tinh hoa muôn đời của nhân loại đến với dân chúng bất kể giàu nghèo. Khởi đầu ở TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm trước, đầu năm nay dấy lên ở Huế và cuối năm là Hà Nội, việc trình diễn nhạc cổ điển nơi công cộng có thể từng chút một mời gọi công chúng đến gần hơn với nghệ thuật đỉnh cao vốn chỉ dành cho số ít.

Tin không tốt là trong số ít biết thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao đó vẫn chẳng mấy ai có khả năng thường xuyên mua vé tới phòng hòa nhạc bằng đồng lương trí thức trong thời buổi chất xám rẻ hơn bèo. Sự phi lý này cũng là bài toán khó giải liên quan tới nhiều tổ chức quản lý nhà nước, trong đó có Cục Biểu diễn.

Trạng thái lệch cân còn thấy rõ giữa nhạc chính thống và nhạc thị trường. Ca khúc nghệ thuật có phần đệm piano, tác phẩm đoạt giải hàng năm của Hội Nhạc sĩ và các hội chuyên ngành chật vật mãi vẫn không tìm ra một chỗ đứng nhỏ nhoi trong sinh hoạt ca nhạc, trong khi thị trường âm nhạc vẫn cứ ồn ã các kiểu hàng chợ: nhạc nhái, nhạc chế, nhạc teen, nhạc té ghế, thảm họa Vpop…

Trước tác hại của những sản phẩm phi nghệ thuật, sự cấm đoán không phải là cách hữu hiệu, càng bị cấm càng tò mò, nhất là giới trẻ. Cách loại bỏ cái dở hiệu quả nhất là cung cấp kịp thời cái hay hơn, hấp dẫn và ý nghĩa hơn. Khuyến khích sự ra đời tác phẩm ý nghĩa thì có thể, nhưng cực khó để có tác phẩm hay. Năm nào cũng có vài cuộc phát động sáng tác ca khúc. Song chỉ đôi ba chủ đề thu hút người tham dự như Vì nạn nhân chất độc da cam, Đây biển Việt Nam… Còn đa số cuộc thi bị ế với số lượng bài hát quá ít, chất lượng càng khó có gì để nói. Rõ ràng là kiểu đơn đặt hàng đại trà này có thể tác động đến sự ra đời những tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn, chứ khó mà đảm bảo được tính hấp dẫn. Tác phẩm mang tính nghệ thuật cao cần được đầu tư mạnh bạo, xứng đáng từ nhà quản lý bản lĩnh và minh bạch.

Đầu tư sáng tác chỉ là điểm khởi đầu, vai trò bà đỡ của người quản lý và tổ chức biểu diễn thực sự đáng kể khi đưa được tác phẩm có giá trị vào đời và gây dựng được nhiều chương trình hay để kéo khán giả trở lại với nhà hát. Bao nhiêu năm nay người xem quá buồn tẻ và lãnh đạm với các chương trình chính thống, nhất là chương trình lễ lạt hay còn gọi là “cúng cụ”. Cách tổ chức luộm thuộm, khô cứng không thể địch nổi các live show giải trí được đầu tư mạnh tay vào dàn dựng và quảng cáo với mục tiêu đáp ứng thị hiếu số đông. Đáng tiếc, những chương trình ca nhạc nổi đình nổi đám như thế hoàn toàn không thích hợp với khán giả nhẹ túi hoặc đòi hỏi cao về thẩm mỹ. Khổ nỗi, phần lớn đối tượng hội tụ đủ cả hai thứ “khó” đó - khó khăn về kinh tế và khó tính trong thưởng thức - lại rơi vào giới trí thức!

Trở lại với với cái khó của nhà quản lý. Gần đây mấy vụ việc liên quan đến trang phục, bản quyền, hát nhép, cấp phép đã đẩy cơ quan quản lý các cấp vào thế bị động và chữa cháy bằng những giải pháp tình thế, bằng những quyết định cấm đoán hoặc cho phép khi sự đã rồi.

Phải giải quyết thế nào đây trong các vụ việc tương tự? Không lẽ lại đưa ra những quy định nực cười váy áo “ngắn cỡ nào, mỏng mức nào, hở đến đâu” thì được phép? Vài triệu đồng phạt hở-mỏng-ngắn ăn nhằm gì, người bị phạt nhờ thế càng có tiếng tăm và đắt show hơn thì bù lại chẳng mấy hồi!

Chống “hát nhép” hẳn nhiên là vì tôn trọng khán giả, nhưng cũng vì tôn trọng khán giả mà đôi khi các nhà tổ chức vẫn phải sử dụng playback để giảm thiểu sự cố trong truyền hình trực tiếp hoặc liveshow lớn. Không lẽ cứ ra luật cấm tiệt lipsync một cách cực đoan, rồi khi cần lại cho phép phạm luật?

Còn tình trạng “Sở nói có, Bộ bảo không”, nay cấp phép mai hủy phép thì sao đây, không lẽ cứ lờ đi những kẽ hở quản lý và nguy cơ lách luật, mặc kệ giới biểu diễn và công chúng chẳng biết đằng nào mà lần?

Tìm đâu ra giải pháp hợp lý?

Bàn về nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn, lâu nay ta vẫn luôn nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp trong mọi mặt: sáng tác và biểu diễn, đào tạo người làm nhạc và giáo dục người nghe nhạc…, nhưng hình như tránh nhắc đến lĩnh vực quản lý. Đúng ra ta cần sự chuyên nghiệp đồng bộ, kể cả khâu tổ chức và quản lý biểu diễn - một nghề ở ta vẫn chỉ dựa trên kinh nghiệm thực tế chứ không được đào tạo một cách bài bản.

Với sự cạnh tranh khốc liệt mang tính toàn cầu, ông bầu của một nghệ sĩ cũng cần có nghề nữa là một tổ chức quản lý biểu diễn mang tầm quốc gia.  Quản lý có nghề có hạng phải là người điều hành chứ không phải người dọn dẹp. Các tổ chức quản lý biểu diễn cần có tầm nhìn xa trông rộng, chứ không thể mơ hồ, cảm tính trong quy chế và kiểm duyệt.

Lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn xưa nay phần lớn là nghệ sĩ giàu kinh nghiệm biểu diễn cộng thêm vài ba năm thực hành vai trò quản lý. Vì thế rất cần đến những cố vấn chuyên ngành pháp luật, lý luận và kinh tế. Chính họ là người đảm bảo tính chuyên nghiệp và khả thi cho từng giải pháp cụ thể:

-Để có những văn bản kín nhẽ, không hở sườn, thì người soạn thảo và chấp bút các quy chế tốt nhất phải là luật sư.

-Để ra các quyết định mang tính thuyết phục cao về mặt chuyên môn, cũng như thẩm định chất lượng nghệ thuật của tác phẩm hoặc chương trình biểu diễn, không thể bỏ qua ý kiến tham góp của các nhà lý luận chuyên ngành.

-Để ra quy định các mức đầu tư hoặc xử phạt hợp lý không thể thiếu tư vấn của các chuyên viên kinh tế tài chính.

Còn một điều không thể bỏ qua, đó là xã hội hóa hoạt động của Cục, chẳng hạn như luôn cập nhật các quy chế, quy định trên trang thông tin điện tử cucnghethuatbieudien.gov.vn, càng hay nếu có sự trao đổi phản hồi trực tiếp trên website này. Và quan trọng là các thủ tục hành chính được giải quyết với tinh thần thân thiện chứ không phải “hành là chính” theo cơ chế "xin - cho".

Hoạt động biểu diễn là tổng hợp nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nên việc nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn không chỉ liên quan đến nỗ lực từng người từng nhóm, mà đòi hỏi sự chấn chỉnh từ cơ quan quản lý biểu diễn cao nhất là Cục biểu diễn. Nói cách khác, điều kiện cần và đủ cho dàn nhạc hay là tập hợp được nhạc công giỏi và ăn ý nhau dưới cây đũa chỉ huy của một nhạc trưởng tài ba. Và điều mong mỏi cho ngành biểu diễn: Cục Biểu diễn sẽ là một nhạc trưởng như thế!

12-2011

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.