You are here

Gặp các nhạc sĩ "Hát cho đồng bào tôi nghe" tại chiến khu miền đông

Tác giả: 
Trần Mùi

NSND Tô Lan Phương và nghệ sĩ Trần Mùi tại chiến khu miền Đông Nam bộ 1967 (ảnh: cố NSND Nguyễn Hồng Sến)

Đôi khi những kỷ niệm của quá khứ ập về cho dù chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng vẫn luôn đọng lại trong đáy lòng cho riêng mình…

Tôi lại nhớ đến rừng ở miền Đông, nhớ đến những cánh rừng chồi với những cây mai vàng nở rộ sắc vàng tươi như báo hiệu một mùa xuân mới đã trở về, và cũng tại nơi ấy, tôi đã gặp những người bạn.

Gặp nhau để rồi chia tay nhau trong niềm lưu luyến khi ánh bình minh vừa ló dạng góc chân trời.

Chúng tôi gặp nhau vào đúng mùa xuân năm ấy tại vùng giải phóng - xóm cây Xoài - ráp ranh với Bình Dương nhân đợt tập huấn chính trị do Khu uỷ Sài Gòn, Gia Định tổ chức cho các cán bộ và chiến sĩ hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn.

Xóm cây Xoài ở miền Đông Nam bộ, tuy là đồng bằng nhưng đôi lúc có những khoảnh rừng “chồi” và ở cách xa khu dân cư.

Xóm cây Xoài bình dị như bao làng mạc khác ở vùng nông thôn Nam bộ, dân không đông và hầu hết sinh sống bằng nghề trồng lúa hay làm rẫy bên một con sông nhỏ khi mùa khô đến, nước sấp sỉ gần như cạn đáy.

Thời gian này, trên khắp các chiến trường miền Nam, những thắng lợi giòn giã từ khắp nơi đưa về làm nức lòng mọi người. Chúng tôi cũng có thể hiểu rằng thời điểm cuối cùng cho thắng lợi cũng đã gần kề.

Lớp tập huấn được mở ra trong khu rừng chồi, không giống như những cuộc tập huấn khác ở trong khu trước đây, cuộc tập huấn lần này phải được đảm bảo bí mật tuyệt đối cho từng con người tham dự, vì vậy mỗi một người được bố trí ngồi trong một diện tích nhỏ, hoàn toàn biệt lập và được quây kín bằng những tấm ni lông dầy.

Khi ra ngoài tiếp xúc hay gặp gỡ phải che kín khuôn mặt, chỉ để lộ con mắt, giữa người nghe và diễn giả hoàn toàn không thể biết mặt của nhau thông qua hệ thống loa phóng thanh vừa đủ nghe, khi nói chuyện hay trao đổi phải dùng giọng “giả”, nghĩa là dùng âm thanh khác với giọng thật, làm sao cho người tiếp xúc không thể nhận ra được, đó là một quy định nghiêm ngặt trong hoạt động nội thành để đề phòng những trường hợp bất trắc xảy ra.

Chúng tôi (Trần Mùi - Tô Lan Phương) đã gặp nhóm “Hát cho dân tôi nghe” trong phong trào học sinh sinh viên đấu tranh cho dân chủ và hoà bình (thực chất là hoạt động cách mạng) vừa từ Sài Gòn ra trong đó có: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Trương Quốc Khánh, Lê Công Giầu, Phạm Chánh Trực, Lê Duy Hạnh… Trong đợt tập huấn chính trị ấy với sự đồng ý và tạo điều kiện của chú Năm Xuân (Mai Chí Thọ) khi ấy là Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn Gia Định, chúng tôi đại diện cho anh chị em Văn công Giải phóng đang hoạt động trong R, những người đang hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật kháng chiến gặp gỡ các anh em nhạc sĩ trong phong trào đô thị tại Sài Gòn để trao đổi và phối hợp với nhau trên mặt trận văn hoá văn nghệ trong thời kỳ mới.

Tuy chưa một lần gặp nhau nhưng tôi biết Tôn Thất Lập và anh em nhạc sĩ trong phong trào học sinh sinh viên từ những ngày còn ở trong khu qua những báo cáo từ Sài Gòn và đặc biệt là tập bài hát do Tổng hội Sinh viên Sài Gòn xuất bản với đề tựa “Hát cho dân tôi nghe” từ nội thành chuyển ra cho Ban Tuyên huấn TW Cục miền Nam.

Cầm tập bài hát này trên tay mà trong lòng chúng tôi trân trọng và xúc động vô cùng. Tập bài hát được in ấn đẹp, công phu với những bài ca đấu tranh như: Hát cho dân tôi nghe, Đồng lúa reo, Người đợi người (Tôn Thất Lập), Người mẹ Bàn Cờ, Đi về nơi có hoa lục bình (Trần Long Ẩn), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Tin tưởng ca (Nguyễn Tuấn Kiệt), Dậy mà đi (Nguyễn Xuân Tân), Tình nghĩa Bắc Nam (Nguyễn Văn Sanh), Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn)…

Những bài hát đầy sức sống và khát vọng của tuổi trẻ, như một ngọn lửa đấu tranh được thắp sáng trong lòng đô thị Sài Gòn ngày ấy đã khích lệ và cổ vũ những nghệ sĩ hoạt động tại chiến trường Nam bộ góp sức trên trận tuyến văn hoá văn nghệ giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

Hát cho dân tôi nghe được được các nghệ sĩ đoàn Văn công Giải phóng dàn dựng, biểu diễn hợp ca và đơn ca phục vụ cho các chiến sĩ ngoài mặt trận cũng như các cơ quan trong chiến khu.

Chúng tôi đã gặp các anh trong khu rừng chồi vào một buổi chiều mùa xuân khi những cơn gió lạnh bắt đầu thổi về trong chiến khu vùng ven Sài Gòn. Cảm giác ban đầu ấy sao đầm ấm và thân quen vậy, có lẽ những linh cảm của người nghệ sĩ đã làm cho những giây phút ban đầu không bỡ ngỡ xa lạ mà trái lại: ấm áp chân tình như gặp người thân…

Tôn Thất Lập nhỏ nhắn nói giọng Huế đậm đà nhỏ nhẹ, Trần Long Ẩn người đen gầy nhẹ nhàng chất Nam bộ, Trương Quốc Khánh dáng vóc thư sinh với cặp kính cận dầy cộm, Nguyễn Văn Sanh cứng cỏi giọng Nam pha Trung bộ…

Bên đống lửa hồng bập bùng như muốn xua tan cái lạnh về đêm, chúng tôi chuyện trò thật rôm rả: chuyện Sài Gòn, chuyện miền Bắc, chuyện chiến khu và lẽ tất nhiên cả chuyện về nghệ thuật. Với cây đàn guitare, các anh say sưa hát Hát cho đông bào tôi nghe, Bà mẹ Bàn Cờ, Dậy mà đi… như đã từng hát tại các giảng đường, trong các buổi hội thảo mít tinh ở Sài Gòn, còn chúng tôi: Xuân chiến khu, Tình Bác sáng đời ta, Sài Gòn quật khởi, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Giải phóng miền Nam…, và độc tấu violon các tác phẩm cổ điển nổi tiếng thế giới như: Chiều tà, Trở về mái nhà xưa, Nhạc buồn

Nội dung có khác nhau, nhiệm vụ cũng khác nhau, mỗi người ở một mặt trận riêng, nhưng tất cả chúng tôi - những nghệ sĩ kháng chiến đem lời ca tiếng hát của mình trực tiếp phục vụ chiến trường, cùng các anh - những nhạc sĩ của phong trào đô thị đem lời ca tiếng hát dũng cảm đấu tranh ngay trong lòng địch, cả hai gắn chặt, hoà quyện với nhau cùng một mục đích và lý tưởng cao đẹp nhất.

Chúng tôi đàn và hát không biết mệt cho đến hừng đông bên đống lửa hồng bập bùng cháy bằng tất cả tình cảm, bằng những con tim nhiệt huyết của tuổi trẻ để rồi chia tay tạm biệt nhau mà lòng quyến luyến, bịn rịn, không biết khi nào còn được gặp lại nhau và ai còn ai mất?

Chia tay nhau ra tận cuối con đường mòn vùng căn cứ mà vẫn bịn rịn và hát vang:

“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng

Nếu là hoa, tôi sẽ là một đoá hướng dương

Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm

Là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”

Bình minh vừa ló dạng phía chân trời.

Một mùa Xuân nữa lại đến…

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.