You are here

Đích đến vẫn là những tác phẩm có giá trị

Tác giả: 
Trần Hoàng Hoàng

Chủ trương xã hội hóa văn hóa nghệ thuật (VHNT) đã ra đời cách đây hơn 20 năm, góp phần thay đổi mạnh mẽ “bộ mặt” VHNT theo hướng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những hạn chế cần điều chỉnh để hoàn thành mục tiêu là có thêm nhiều tác phẩm đỉnh cao.

Trong một thời gian dài, hoạt động VHNT đều được “kế hoạch hóa” do Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương quản lý nội dung và tất nhiên chịu mọi chi phí. Cách làm này khiến VHNT rơi vào trì trệ, nghèo nàn, mất sức sống, nên Đảng đã xác định phải xã hội hóa VHNT trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996).

Tháng 8-1997, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa. Nghị quyết nêu rõ xã hội hóa hoạt động văn hóa hướng vào thu hút toàn xã hội, các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: “Sau hơn 20 năm nhìn lại, chủ trương xã hội hóa VHNT mà Đảng và Nhà nước đề ra rất đúng và trúng. Ưu điểm lớn nhất là huy động nguồn vốn của xã hội cho hoạt động văn học nghệ thuật, có thêm nhiều sản phẩm văn hóa để tăng mức hưởng thụ của người dân. Xã hội hóa không đồng nghĩa Nhà nước buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không đầu tư cho VHNT. Vấn đề là nhận thức của các bên liên quan và cách thức thực hiện chủ trương đôi khi chưa đúng nên nhất thiết cần có sự điều chỉnh góp phần tạo ra được nền tảng văn hóa, tránh suy thoái đạo đức xã hội”.

Mặt tích cực của xã hội hóa có lẽ không cần phải chứng minh vì chuyển biến VHNT hơn 20 năm qua là rõ nét về số lượng lẫn chất lượng. Nếu ngày trước, công chúng gặp khó khăn trong việc thưởng thức VHNT vì có ít “món ăn tinh thần” thì bây giờ, khó khăn sẽ là chọn tác phẩm đặc sắc giữa thời đại văn hóa giải trí, bùng nổ truyền thông…

Xã hội hóa VHNT cũng kéo theo những hệ lụy không mong muốn. Quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa đang không có sự thống nhất giữa các đơn vị và địa phương dẫn đến lúng túng, bất cập. Không ít trường hợp đánh đồng xã hội hóa với tư nhân hóa dẫn đến cá nhân, đơn vị đua nhau làm ra những tác phẩm thương mại hóa rẻ tiền, nghiệp dư. Nhiều đơn vị có bề dày truyền thống không chịu chuyển đổi cơ chế hoạt động dẫn đến hoạt động yếu kém và phải giải thể. Tâm lý thụ động, ỷ lại của những người làm VHNT vẫn khá phổ biến, ít chuyển biến trong tư duy sáng tạo. Thiếu đầu tư cho các nghệ thuật truyền thống, như: Tuồng, chèo, cải lương… dẫn đến nguy cơ mai một. Nếu có đầu tư thì đang có tình trạng đầu tư, đặt hàng tác phẩm theo kiểu “cào bằng” nên hiệu quả thấp. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh: “Xã hội hóa là việc cần phải làm, nhưng một nền VHNT lành mạnh, giàu sức sống phải có tác phẩm giá trị, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xã hội hóa mà tác phẩm hay thiếu vắng thì cần phải xem lại. Ví dụ, trong lĩnh vực văn học, chủ trương xã hội hóa làm ra cả nghìn câu lạc bộ thơ nhưng không có mấy bài thơ hay, sức sống lâu dài. Tóm lại, tác phẩm phải đi vào lòng người, đó mới là xã hội hóa hiệu quả nhất”.

Vở diễn “Mỵ” được xây dựng từ kinh phí xã hội hóa, kết hợp trình diễn nghệ thuật với tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội.

Một loạt chủ trương gần đây của Đảng và Nhà nước, như: Đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập… sẽ đặt ra nhiều vấn đề về mô hình, cách thức hoạt động đối với các đơn vị VHNT. Việc sáp nhập, giải thể những đơn vị yếu kém, hiệu quả không cao là không tránh khỏi, đòi hỏi những người hoạt động trong ngành văn hóa phải rũ bỏ tư duy bám vào “bầu sữa” ngân sách. Sớm hay muộn, ngân sách dành cho VHNT sẽ không còn phân chia dàn đều mà được đầu tư trọng điểm vào những dự án VHNT có chất lượng. Đơn vị nào muốn thực hiện dự án phải “đấu thầu”, đưa ra phương án thực hiện tối ưu nhất.

Từ những nhà quản lý đến văn nghệ sĩ cần xem tác phẩm VHNT là một loại hàng hóa; cho nên không thể loại trừ yếu tố thương mại. Thành công của Nhà hát Múa rối Thăng Long sáng đèn quanh năm khi biến tác phẩm nghệ thuật thành sản phẩm du lịch là mô hình cần nhân rộng. Đã đến lúc không thể xem những tác phẩm Nhà nước chi trả kinh phí lại chỉ để phục vụ trong khoảng thời gian ngắn rồi “đắp chiếu” im lìm không một tiếng vang. Chẳng hạn, Nhà nước đầu tư kinh phí làm phim, ngoài yêu cầu là phải đúng định hướng chính trị để tuyên truyền, nên chăng cũng phải ra rạp bán vé như bao bộ phim khác? Vẫn biết yêu cầu là khó thực hiện, nhưng nhìn vào một số bộ phim gần đây của điện ảnh nước ngoài vừa có chất lượng nghệ thuật vừa có doanh thu cao, hai nhiệm vụ đó vẫn có thể làm được, vấn đề là tài năng của những người làm điện ảnh.

Xã hội hóa là quy luật không thể đảo ngược, nhưng xã hội hóa mà không tầm thường hóa là việc khó, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, thay đổi cách nghĩ cách làm của những người làm VHNT. Mấu chốt vẫn nằm ở giá trị tác phẩm. Xét đến cùng, tác phẩm hay thì mới thu hút được công chúng và chính công chúng sẽ ủng hộ, nuôi dưỡng hoạt động VHNT phát triển.

(Nguồn: http://www.qdnd.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.