You are here

Đêm nhạc “Tình yêu Hà Nội” lần thứ 10

Tác giả: 
Thanh Nhã

Đêm nhạc “Tình yêu Hà Nội” lần thứ 10 năm 2017 được Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 7 tháng 10, một đêm nhạc nhiều màu sắc và ấn tượng tôn vinh 5 nhạc sĩ có những đóng góp quan trọng cho âm nhạc nước nhà, vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật: Nguyễn Đình Bảng, Đinh Quang Hợp, Đức Minh, Lê Tịnh, Cát Vận.

Đến dự có: bà Nguyễn Lan Hương – Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; nhà thơ Bằng Việt – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; các nhạc sĩ lão thành: GS Chu Minh; tiến sĩ Doãn Nho; nhạc sĩ Văn Dung; cùng đông đảo các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ và khán giả Hà Nội....

Đêm nhạc đã vang lên những ca khúc gắn liền với tên tuổi của các nhạc sĩ và đi cùng năm tháng, với sự thể hiện của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: NSƯT Đăng Dương, NSƯT Thanh Bình, các ca sĩ: Nguyễn Ngọc Anh, Vũ Thắng Lợi, Phương Thanh, Hồng Ngọc, Bích Ngọc, Viết Danh, Ngọc Linh... Chỉ đạo nghệ thuật: nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh; tổng đạo diễn: nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn; kịch bản và đạo diễn hình ảnh: nhạc sĩ Nguyễn Thanh Nghĩa; chỉ huy biểu diễn: nhạc sĩ An Hiếu; các nhạc sĩ phối khí: Xuân Phương, Mai Kiên, Đỗ Bảo, Đức Nghĩa, Đức Tân, Xuân Dũng...

Mỗi nhạc sĩ được khắc họa chân dung qua các ca khúc và phóng sự, góp phần tái hiện một phần con đường âm nhạc và tình yêu Hà Nội của họ.

Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp với các tác phẩm: “Tiếng hát sông Lam” do ca sĩ Phương Thanh trình bày; “Trường ca biển trời đất Việt” do ca sĩ Viết Danh trình bày; “Ta hát tiếp bài ca thời đại” do ca sĩ Vũ Thắng Lợi, tốp nam nữ và Vũ đoàn Phương Đông trình diễn...

Nhạc sĩ Đức Minh với “Trên biển quê hương” do NSƯT Đăng Dương trình bày; “Mùa hoa tôi yêu” do ca sĩ Ngọc Linh trình bày, violon: Anh Duy; “Em là hoa Pơ Lang” do ca sĩ Bích Ngọc trình bày; “Màu xanh của biển” do tốp nữ trình bày.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng với “Du thuyền sông Lam” do ca sĩ Phương Thanh và tốp nam trình bày; “Đôi mắt em” do ca sĩ Vũ Thắng Lợi trình bày; “Thời hoa đỏ” (thơ: Thanh Tùng) do ca sĩ Ngọc Anh trình bày, violin: Anh Duy.

Nhạc sĩ Lê Tịnh với tổ khúc “Hương trầm tháng Chạp” do Dàn hợp xướng Hanoi Harmony trình bày, chỉ huy: PGS.TS. nhạc sĩ Lân Cường; “Ngồi hát mùa đông” do ca sĩ Hồng Ngọc trình bày; “Huyền thoại ngựa phi” do NSƯT Thanh Bình trình bày.

Nhạc sĩ Cát Vận với “Hà Nội bài ca năm tháng” do NSƯT Đăng Dương và tốp nữ trình bày; “Mùa hè gọi” do tam ca Sao Mai: Hồng Ngọc, Bích Ngọc, Hồng Duyên trình bày; “Khúc quân hành trên bán đảo” do tốp ca nam trình bày; “Đi dọc Việt Nam” do ca sĩ Tuấn Phi và tốp nữ trình bày...

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đã phát biểu tại Lễ khai mạc: “Hôm nay chúng ta lại ngồi bên nhau để đón xem một chương trình nghệ thuật với tình cảm, với tấm lòng, biết bao kỷ niệm khó quên đối với mỗi người - Đó chính là chương trình nghệ thuật “Tình yêu Hà Nội”. Cho tới hôm nay “Tình yêu Hà Nội” của chúng ta vừa tròn 10 chương trình. Các tác phẩm trong 10 chương trình đó là chọn lọc, là gan ruột của các nhạc sĩ đã dành cho Thủ đô yêu quí, cứ lặng thầm như thế, gom góp chút công lao cho Hà Nội ngày càng đẹp, càng giầu như hôm nay. Nhà nước đã ghi nhận công lao của các nhạc sĩ bằng các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Hội Âm nhạc Hà Nội chúng ta ghi nhận công lao của các tác giả bằng những chương trình nghệ thuật có chất lượng, nghiêm túc, các bài ca về Hà Nội, về quê hương đất nước của các nhạc sĩ sẽ mãi mãi ngân vang...”.

* Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp năm nay đã 82 tuổi, là người con của vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình, thế nhưng không ít người lại ngỡ ông là người con của quê hương miền Trung bởi ca khúc “Tiếng hát sông Lam” đã như là “tình ca của Nghệ An” vậy. Trong suốt một thời kỳ dài, từ các công trường xây dựng, đến những công trình thủy lợi, từ những sân khấu chuyên nghiệp, đến những hội thi tiếng hát quần chúng chẳng mấy khi thiếu vắng ca khúc “Tiếng hát sông Lam” của ông. Hoạt động cả trong hai lĩnh vực sáng tác và đào tạo âm nhạc. Ông từng là giảng viên chuyên ngành Sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp thường nói rằng, mỗi tác phẩm được viết ra là một câu chuyện thấm đượm những kỷ niệm đẹp đẽ, những dấu ấn, bởi vậy các tác phẩm của ông luôn gần gũi với âm hưởng dân gian, dân tộc, dễ đi vào lòng người, giai điệu mộc mạc. Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp không chỉ viết ca khúc, ông cũng dành thời gian cho các tác phẩm lớn về đề tài quê hương, đất nước. Ông có nhiều tác phẩm ở các thể loại ca khúc, giao hưởng, thanh xướng kịch, mà nổi bật là bản hợp xướng với dàn nhạc giao hưởng “Việt Nam tình non nước” và thanh xướng kịch “Ngàn năm nhớ về thuở ấy” - được viết vào dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Âm nhạc của ông vừa mang nét hiện đại vừa đậm đà bản sắc, lời ca chất chứa ý nghĩa nhân văn. Tuy chương trình chưa thể giới thiệu được mảng khí nhạc, nhưng những ca khúc như “Tiếng hát sông Lam”, “Ta hát tiếp bài ca thời đại”, “Trường ca biển trời đất Việt”... cũng đủ cho thấy tài năng của ông.

Với những đóng góp cho lĩnh vực sáng tác và đào tạo âm nhạc, nhạc sĩ Đinh Quang Hợp đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng 3; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang;  Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huân chương Vì sự nghiệp Văn hóa; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

* Nhạc sĩ Lê Tịnh sinh năm 1937, quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa, nguyên là sĩ quan Đoàn Văn công Quân chủng Không quân. Ông đã tốt nghiệp Khoa Sáng tác hệ Đại học chính qui tại Nhạc viện Hà Nội. 17 tuổi vào Thanh niên xung phong; đã nhiều năm phục vụ trong quân đội: Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc, Đoàn Văn công Quân chủng Không quân, và đã từng có mặt trên nhiều chiến trường. Trưởng thành từ môi trường quân đội, do hoạt động chủ yếu ở khu vực Tây Bắc nên các sáng tác của nhạc sĩ Lê Tịnh khá độc đáo, mang âm hưởng dân tộc miền núi. 35 năm ở quân khu Tây Bắc, với nhiều trăn trở, ông đi khắp những vùng xa xôi hẻo lánh, để rồi những thành quả đọng lại sau những năm tháng đó là một chất dân gian, dân tộc vừa quen thuộc lại vừa nồng nàn mới lạ qua cách ông lựa chọn khai thác và sử dụng trong các tác phẩm làm nên nét riêng biệt của một Lê Tịnh. Gần đây, khi về Hà Nội sinh sống, ông tiếp tục sáng tác và có những ca khúc được giới trẻ yêu thích như “Ngồi hát mùa đông”. Với gia tài đồ sộ gồm giao hưởng, hợp xướng, nhiều ca khúc thính phòng, hợp xướng... Nhạc sĩ Lê Tịnh đã nhận được nhiều giải thưởng của Bộ Quốc phòng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhiều giải thưởng của các ngành các đoàn thể ở Trung ương và địa phương.

Nhạc sĩ Lê Tịnh đã được Nhà nước trao tặng: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng. Năm 2012, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

* Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng sinh năm 1942, có một khoảng thời gian dài là nhạc công của Đoàn Chèo Trung ương, tham gia biểu diễn phục vụ ở Trường Sơn, trên các sân khấu trong và ngoài nước. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, ông về làm biên tập tại Nhà Xuất bản Âm nhạc. Âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng mang đậm chất liệu dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sau thành công của ca khúc “Cơn mưa em bớt chợt” được ra mắt công chúng vào năm 1987. Từ đó ông liên tục có những tác phẩm đáng chú ý như: “Thời hoa đỏ” (thơ Thanh Tùng), “Hai nửa vầng trăng” (phỏng thơ Hoàng Hữu), “Mùa xuân về”, “Khỏa trần Trường Sơn”, “Du thuyền Sông Lam”... những tác phẩm này đã góp phần tạo nên một chân dung âm nhạc Nguyễn Đình Bảng, vừa lãng mạn nên thơ, vừa chỉn chu linh hoạt vận dụng những sáng tạo, vận dụng chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống vào nhịp thở thời đại.

Âm nhạc của Nguyễn Đình Bảng mang nét lãng mạn, phóng khoáng và dễ đi vào lòng người. Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng, khán giả yêu âm nhạc không thể không nhắc đến ca khúc “Thời hoa đỏ” – có một thời và bây giờ cũng vậy – người ta hát “Thời hoa đỏ” như bản tình ca hay nhất của âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Chỉ trong vòng thời gian trên dưới hai thập niên, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng đã có được những tác phẩm chất lượng cao đi vào đời sống tinh thần công chúng, những tác phẩm có màu sắc thể hiện đa dạng, phong phú chất liệu dân gian dân tộc, đã đạt nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt II năm 2007.

* Nhạc sĩ Đức Minh (1941-2017), vốn là một nghệ sĩ guitar tài hoa. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dòng âm nhạc kháng chiến rộn ràng với những âm hưởng thôi thúc lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương, nhạc sĩ Đức Minh – người con của quê hương Lạc Thủy, Hòa Bình cũng hòa chung vào cuộc kháng chiến đóng góp hai ca khúc “Trên biển quê hương” và “Em là hoa Pơ lang” với âm hưởng dân gian tinh tế, nhuần nhuyễn, giai điệu trữ tình da diết... đã bộc lộ những ưu điểm riêng trong dòng chảy âm nhạc kháng chiến.

Cái chất trữ tình của âm nhạc kháng chiến còn thể hiện rõ trong những sáng tác sau này của ông, âm nhạc của nhạc sĩ Đức Minh còn thăng hoa cùng với những cung bậc thanh âm sâu rộng hơn với những tác phẩm khí nhạc và nhạc kịch sân khấu được giới nghệ thuật đánh giá cao, trong đó có những tác phẩm đã giành được nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhạc sĩ Đức Minh đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

* Nhạc sĩ Cát Vận sinh năm 1940, quê ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội,  nguyên Trưởng Đoàn Ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Biên tập Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí “Âm nhạc và Thời đại” Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với hơn 30 năm làm công tác biên tập âm nhạc, nhạc sĩ Cát Vận đã tích cực trong việc chọn lựa để giới thiệu các tác phẩm âm nhạc hay đến với khán, thính giả cả nước; là một nhạc sĩ – nhà báo, nhạc sĩ Cát Vận đã viết nhiều bài báo về đời sống âm nhạc Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần định hướng cho các nghệ sĩ trẻ trong phát triển âm nhạc. Trong sáng tác, ông viết nhiều, đề tài đa dạng, trong đó những ca khúc như “Mùa hè gọi”, “Hãy đến với rừng”, “Nghĩa tình Quan họ”, “Lời ru tháng ba”, “Mơ thanh bình sóng biển Việt Nam”, “Đi dọc Việt Nam”, “Hà Nội - bài ca năm tháng”... thể hiện tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước. Ông còn viết nhiều ca khúc, hợp xướng và nhạc không lời, nhạc phim, sân khấu... được nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đài phát thanh và Truyền hình... Với những đóng góp cho âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Cát Vận vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

*
*       *

Đêm nhạc “Tình yêu Hà Nội” được Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức thường niên vào mỗi mùa thu, với mục đích tôn vinh các tác giả âm nhạc đã có đóng góp quan trọng cho âm nhạc nước nhà trong công trong cuộc bảo vệ về xây dựng đất nước, được công chúng ghi nhận, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Trải qua 10 năm được tổ chức, chương trình “Tình yêu Hà Nội” đã mang đến âm hưởng riêng, tạo nên một dư vị đẹp, ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Trong chương trình lần thứ 10 đã giới thiệu với khán giả một số ca khúc viết về Hà Nội, về tình yêu quê hương đất nước của 5 nhạc sĩ là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Rất tiếc là nhạc sĩ Đức Minh – một trong năm nhạc sĩ được vinh danh trong đêm nhạc này vừa qua đời vào ngày 26 tháng 9 vừa qua. Chương trình đã dành một phút tưởng nhớ đến nhạc sĩ Đức Minh và cảm ơn về những đóng góp của ông dành cho âm nhạc nước nhà. Khán giả đã cùng nhìn lại những hình ảnh của nhạc sĩ Đức Minh mà Ban tổ chức đã chuẩn bị cho chương trình và cùng lắng nghe những ca khúc đã làm nên tên tuổi của ông.

Xem ảnh tại đây: http://www.hoinhacsi.vn/chum-anh-chuong-trinh-tinh-yeu-ha-noi-lan-thu-10

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.