You are here

Dấu tích Ngọa Vân

Tác giả: 
Trịnh Công Lộc - Thế Phùng
AttachmentSize
Image icon ngoa-van-thanh-dia-truc-lam-4.jpg123.4 KB

Đức vua Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sau khi nhường ngôi xuất gia tu hành khổ hạnh lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, xưng là Trúc Lâm Đại sĩ. Cuối đời ông tu và hóa tại Ngọa Vân Am.

Theo bài viết "Ngọa Vân - Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm" của Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh - Ủy viên Ban TTTT T.Ư GHPGVN thì Am Ngọa Vân được xây là kiến trúc được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX. Kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, tường gạch, mái uốn vòm, hồi phía Nam mở 1 cửa, trên đề ba chữ Hán Ngọa Vân Am (卧 雲 庵, tức là Am Ngọa Vân).

Các sách: Đại Nam Nhất thống chí; Đông Triều huyện chí; Đông Triều huyện phong thổ ký cho biết am Ngọa Vân thờ tượng Trần Nhân Tông nằm theo thế sử tử nằm. Đặc biệt, trong phần kê khai thần tích làng Đốc Trại do Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội tiến hành điều tra năm 1938, Lý trưởng làng Đốc Trại là Thang Thành Trương cho biết “Nhân Tông hoàng đế thì ngài xuất gia đi tu đạo tại chùa Yên Tử, khi ngài về tới núi Ngọa Vân thuộc làng tôi thì Ngài hóa tại chốn Thạch Bàn (bàn đá). Đời trước đã làm chùa để thờ Ngài ở đây, nhưng sau giặc giã đốt phá, chùa bị đổ nát cả, chỉ còn một pho tượng đồng, đã bị cháy một đám ở chân,….Pho tượng ấy tạc hình Ngài nằm ghé trên một tấm đá, tay phải chống lên má, tay trái cầm quyển sách, ở chỗ đùi có khóm trúc mọc, hiện nay vẫn thờ trong cái am nhỏ”.

Qua các tài liệu kể trên có thể thấy, am Ngọa Vân là kiến trúc được xây lại sau khi kiến trúc trước đó đã bị sập đổ, trong am có thờ tượng Phật Hoàng nhập Niết bàn, bức tượng đó nay không còn, người ta đã làm pho tượng mới để thay thế pho tượng cũ đã mất.

- Tháp Phật Hoàng: Cũng tại đây, ngoài dấu tích am Ngọa Vân hiện còn lại hai tòa tháp bằng đá, tháp thứ nhất là Phật Hoàng tháp và tháp thứ hai là Đoan Nghiêm tháp. Phật Hoàng tháp có mặt bằng hình vuông, một bệ, hai tầng, tầng 1 giống như một khám thờ, mở 1 cửa ở phía Nam, trong lòng đặt bài vị bằng đá xanh, bài vị ghi “Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế Điều ngự vương Phật -  Nam mô a di đà Phật. Bài vị thờ Điều ngự vương Phật Đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng, tổ  thứ nhất  phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần Hoàng đế Nhân Tông” Ngoài ra, trước mặt tháp còn có tấm bia đá dựng năm Minh Mệnh thứ 21, trên bia ghi “Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng, Trần triều Nhân Tông hoàng đế lăng sắc tạo”. Nghĩa là: ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), phụng sắc tạo (bia) lăng hoàng đế Trần Nhân Tông”. Năm 1840, vua Minh Mệnh đã có một sắc chỉ yêu cầu các địa phương có lăng tẩm của các triều trước phải dựng bia để ghi nhớ vị trí, đồng thời cấp đất và giao cho dân làng trông coi và thờ phụng lăng tẩm. Lăng tẩm các vua nhà Trần ở An Sinh đều được dựng bia giống như ở Phật Hoàng tháp.

Sách Toàn thư và Tam tổ cho biết, sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, các đệ tử của ông cho hỏa thiêu ngay tại am Ngọa Vân, một phần xá lỵ được giữ tại Ngọa Vân, số xá lỵ còn lại và ngọc cốt rước xuống thuyền vua đưa về kinh đô Thăng Long, sau đó ngọc cốt đưa về an trí tại lăng Quy Đức (còn gọi là Đức lăng) phủ Long Hưng, nay là thôn Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Sau đây chúng ta cùng nghe ca khúc Dấu tích Ngọa Vân, lời thơ Trịnh Công Lộc, âm nhạc Thế Phùng do ca sĩ Anh Thơ trình bày.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe!

(Nguồn: Tác phẩm mới - VOV3)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.