You are here

Cùng một người nhớ một người

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Huy Du

Với tôi, ông giống một ông chú trong gia đình chứ không xa cách như một vị lãnh đạo thuộc hàng VIP của giới nhạc. Khi chúng tôi bắt đầu cuộc đời sinh viên ở Moskva, ông cũng có chuyến công tác dài kỳ bên đó. Tụi học trò chúng tôi đến thăm ông cứ như đến chơi với người thân trong họ hàng cho vợi bớt nỗi nhớ nhà. Gặp ông luôn thấy ấm áp, vui vẻ. Trên đường phố ngập tuyết, bọn nhóc chúng tôi túm tay áo ông cho khỏi ngã vì trơn và vì cười mỗi khi ông pha trò bằng những câu dí dỏm. Giờ nhớ lại tôi mới nhận thấy lúc đó (đầu thập niên 80) ông - nhạc sĩ Huy Du - đang là Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Tôi biết ông trước tiên là từ tình cảm như thế, rồi sau mới tới công việc. Bài viết đầu tiên của tôi về ông có tiêu đề Lão thành mà không thành lão với nội dung nhấn mạnh sự trẻ trung bền lâu trong nhạc cũng như trong đời ở một bậc cao niên. Tiêu đề đó bị Ban biên tập báo Âm nhạc chê thiếu nghiêm túc và họ đặt tên khác hoành tráng cho xứng với một cây đa cây đề như ông. Sau đó ông trách tôi: “Sao cháu lại đổi tên bài, chú thích như cũ hơn”.

Có một chuyện làm tôi còn áy náy hơn thế, áy náy mãi đến giờ. Đó là lần tổ chức chương trình tác giả tác phẩm cho ông tại Viện Âm nhạc. Hai chú cháu bàn bạc cả buổi sáng hôm trước, ông đọc hồi ký, hát hò, tâm sự... Chưa có cuộc trao đổi với tác giả nào mà tôi bị cuốn hút như thế. Tôi tin chắc vào thành công của buổi sáng hôm sau.

Quả nhiên mọi người thích cuộc nói chuyện thân thiện, không chút màu mè của nhạc sĩ Huy Du, và không ai biết nó có thể hay hơn nhiều. Chỉ vì cả đêm trước ông không ngủ được, do dư âm của việc ôn lại quá khứ cộng thêm sự lo lắng hồi hộp. Tin được không, một sĩ quan, một thủ trưởng, một ông “quan văn nghệ” mà lo lắng đến mất ngủ trước buổi chuyện trò giữa các đồng nghiệp! Sáng ra mệt mỏi, căng thẳng, ông quên cả máy trợ thính, thành ra tôi ngồi cạnh cố “nhắc vở” nhiều lần mà ông cứ lờ đi, thậm chí người ta hỏi thế này ông lại trả lời thế nọ.

Tôi cứ tiếc mình nghèo quá chẳng có lấy cái máy quay để ghi lại những phút xuất thần, rất tự nhiên, rất hào hứng của ông trong cuộc trò chuyện đầy ngẫu hứng chỉ có mình tôi làm khán giả. Thế là tôi đã để tuột mất tư liệu quý giá chẳng bao giờ lấy lại được nữa.

***

Mười năm trôi qua…

Người già thêm già. Người trẻ thêm chín. Con nít lớn lên. Cháu gái yêu chưa biết nói được ông viết tặng bài hát tươi vui trong những ngày đau đớn trên giường bệnh “để sau này cháu nhớ đến ông” giờ đã lên 10. Cháu gái thứ hai 5 tuổi không được biết mặt ông cũng đã bắt đầu học đàn, bổ sung vào danh sách thế hệ âm nhạc thứ ba của gia đình ông.

Cuộc sống quá nhiều đổi thay, riêng ông vẫn thế, vẫn cười tươi trong bức chân dung tự họa. Vẫn nguyên đó những bức vẽ của ông treo kín tường phòng khách. Và ông vẫn bình dị, chân tình, nhân hậu, yêu đời trong câu chuyện của tôi với nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung - “một nửa còn lại” của ông.

Mỗi lần tôi đến chơi, cuộc chuyện trò giữa hai cô cháu chúng tôi không thể thiếu ông, có khi còn dành phần lớn thời gian để nhắc đến ông. Ký ức đi ngược thời gian về những năm 40 thế kỷ trước…

Họ biết nhau từ khi bà còn ở tuổi… nhi đồng. Cô bé 9-10 tuổi chẳng ngờ chàng thanh niên cùng phố, bạn học của mấy ông anh ruột, sau này lại trở thành “định mệnh” cuộc đời mình.

Chàng trai ba mươi ngỏ lời với cô gái đôi mươi trước ngày lên đường du học Trung Quốc. Một năm sau họ làm đám cưới vào dịp chàng trai về phép - bắt đầu cuộc sống vợ chồng toàn phải xa nhau, như lời bà nói: “Cái số mỗi người một nơi”.

Bà cũng giống ông bắt đầu sự nghiệp âm nhạc bằng cây đàn violon. Tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam khi mang bầu đứa con đầu lòng, bà đã chơi tác phẩm của ông Miền Nam quê hương ta ơi. Sau đó, cũng như ông, bà tiếp tục hành trình âm nhạc của mình trong lĩnh vực sáng tác.

Có lẽ họ là cặp vợ chồng duy nhất của giới sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp. Tuyệt đối tôn trọng tự do sáng tạo cá nhân, họ không hề “can thiệp” vào tác phẩm của nhau. Sự hợp tác duy nhất là những “đơn đặt hàng” vào thập niên 70. Đời sống khó khăn, lại có thêm con trai, họ phải bán tài sản quý nhất là hai cây đàn violon để mua giường mua tủ. Cần tiền, ông liên tiếp nhận viết nhạc cho điện ảnh và kịch nói. Thế mạnh của ông là đường nét giai điệu đẹp, trữ tình, giàu chất hát. Ông cứ bay bổng theo giai điệu, để rồi đến đêm khi đã xong hết công việc của một thành viên ban lãnh đạo Trường Âm nhạc và nghĩa vụ của một “nội tướng” trong gia đình bốn thành viên, thì bà lại cặm cụi phối khí cho giai điệu của ông.

“Mà sao em xa anh, đời vẫn xanh rời rợi”…

Cũng như nhiều cặp vợ chồng cùng thế hệ, cuộc sống của họ có rất nhiều ngày xa cách đợi chờ. Họ luân phiên ở nhà nuôi con để người kia đi học: ông học ở Trung Quốc, bà học ở Bulgarie và vài năm sau trở lại Bulgarie bảo vệ luận án tiến sĩ. Bà còn là hậu phương cho ông lên đường Chưa hết giặc ta chưa về. Lúc ông vào Đường 9 Khe Sanh, bà ở nơi sơ tán tình cờ nghe đài phát bài Chào quê hương lên đường của Huy Cầm, bà lập tức đoán ra tác giả là ông, không chỉ nhờ bút danh mượn tên con gái đầu lòng, mà còn vì bà nhận ngay ra ông trong âm nhạc.

Đó cũng là những năm tháng ra đời những tác phẩm làm nên tên tuổi của họ trong nền âm nhạc chuyên nghiệp. Ông có những đứa con tinh thần để đời: Miền Nam quê hương ta ơi cho violon và dàn nhạc, trio Kể chuyện sông Hồng, Mộc miên hoa, Anh vẫn hành quân, Bế Văn Đàn sống mãi, Tình em, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Nổi lửa lên em, Đường chúng ta đi, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát… Còn bà được biết đến không chỉ như một nhà lý luận, nhà sư phạm, mà còn là tác giả nữ có nhiều tác phẩm khí nhạc nhất: prelude cho piano Đau thương và phẫn nộ, thơ giao hưởng Nữ anh hùng miền Nam, tổ khúc giao hưởng Khúc sớm mai, serenade cho violon và piano Chiều quê hương, giao hưởng thơ Khát vọng, ballade Huyền thoại Mẹ...

Suốt cả đời tận tụy với chồng với con, hết lòng lo cho sự nghiệp của chồng của con, cho đến giờ, sau chừng ấy năm vắng bóng ông, bà vẫn chỉ tất bật lo tổ chức những đêm nhạc của ông, những chương trình tưởng niệm ông mà không hề nghĩ đến chuyện làm đêm tác giả cho chính mình.

-Cô chả cần gì nữa đâu, đời cho cô thế là đủ rồi. 

23-05-2017

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.