You are here

Chỉ một sát na (ЕСТЬ ТОЛЬКО МИГ)

Tác giả: 
Nam Nguyen
AttachmentSize
Image icon 2.jpg132.68 KB

(Dành cho người yêu nhạc và đọc chậm)

Những ai từng sống những năm 70 ở miền Bắc có lẽ còn nhớ bộ phim Liên Xô “Lục địa Xannhicôp”. Tôi xem lúc còn bé quá, quả là chả hiểu gì về nội dung, chỉ nhớ một nét nhạc kèn rất phóng khoáng dễ nhớ, còn thì chỉ nhớ hình ảnh một con tàu, băng tuyết, thổ dân, động đất, núi lửa... Sau này tôi còn xem lại bộ phim ấy nhiều lần mới dần hiểu ra đó là một tác phẩm điện ảnh vĩ đại, đậm tích anh hùng ca và triết lý cuộc đời.

Nội dung phim: mấy kẻ liều lĩnh nhất đi trên một chiếc tàu đến vùng bắc cực để tìm mảnh đất chứa đầy vàng “Xannhicôp”. Họ tìm ra đất thiêng đó thật nhưng gặp một bộ lạc thổ dân, vì xung đột văn hóa và lợi ích nên gây ra mất cân bằng trong tự nhiên, xảy ra động đất. Tất cả chết hết, mỗi người chết một kiểu, có cái chết lãng nhách, có cái chết anh hùng... chỉ một người duy nhất quay lại được đất mẹ chính là người đề xướng đi tìm lục địa bí hiểm này.
Clip trong phim: https://www.youtube.com/watch?v=jt7r8tRVoXI

Phim được quay năm 1973 với dàn diễn viên “ngôi sao” thời bấy giờ. Diễn viên điện ảnh Xô Viết có một nét chung có thể gọi là truyền thống: họ đi lên từ sân khấu, và thường coi đó mới là công việc chính của mình, tức là diễn xuất của họ được rèn giũa hàng ngày. Ngoài ra những “ngôi sao” thì giỏi rất nhiều mặt: họ hát, nhảy, chơi đàn, sáng tác, dàn dựng... đều giỏi cả! (Ngoài tài năng ra thì có lẽ cuộc sống thời Xô Viết cũng bắt nghệ sĩ phải “năng động” theo cách đó...). Tiêu biểu nhất là Vladimir Vysotsky – anh là diễn viên điện ảnh và sân khấu xuất sắc của thế hệ mình, hơn nữa anh lại là nhà thơ rất tài năng, và cuối cùng thì anh trình diễn những bài hát tự viết từ những bài thơ của mình không ai hơn được! Anh quá nổi tiếng và tài năng, để dù có “chống đối” thì chính quyền vẫn phải cho anh xuất ngoại, cho lấy vợ Pháp, cho đi xe Mercedes, cho đi hát khắp nơi... Và anh với vợ rất thích kịch bản bộ phim “Lục địa Xannhicôp” này, muốn tham gia và anh đã viết 3 bài hát cũng rất hay dành cho bộ phim. Đến mức nhạc sĩ nổi tiếng lúc đó là Zatsepin không muốn viết nhạc cho phim, vì sợ “đụng hàng” – nhưng rồi tai họa rơi xuống đầu vợ chồng Vysotsky – anh trả lời phỏng vấn đài phát thanh Tây Đức thế nào mà các lãnh đạo cao nhất trong ngành văn hóa cũng phải “nóng mặt”, thế là không được nhận vai diễn trong bộ phim này nữa. Lúc đó Zatsepin mới nhận lời viết nhạc, trong đó có bài hát “Chỉ một chớp mắt” đã có sẵn, anh nhờ nhà thơ nổi tiếng Derbeniev viết lại lời cho hợp với bộ phim. Và hát nó thì tất nhiên theo dự định sẽ là diễn viên đóng vai chính – người được chọn để thay Vysotsky là Oleg Dal – một nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh cũng rất tài năng và được rất nhiều khán gỉa mến mộ (có lẽ anh chỉ thua Vysotsky ở chỗ không tự viết thơ và nhạc, chứ hát cũng rất hay!). Nhưng Dal từ lâu đã nổi tiếng là tính khí thất thường, và nghiện rượu – thế rồi đúng hôm phải thu âm bài hát thì Dal đến nhưng say lử khử! Các đạo diễn đành tìm gấp người hát thế, đó là Oleg Anofriev – anh là nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, sau này còn làm đạo diễn, làm thơ, dẫn chương trình truyền hình... Anh hơn tuổi cả Vysotsky và Dal nhiều, cũng rất tài năng nhưng thuộc loại nghệ sĩ “lành” và không nổi tiếng bằng hai “ngôi sao” kia. Anh thực ra chả muốn hát thay diễn viên khác, nhưng bị đưa vào thế đã rồi, vẫn lịch sự điện thoại xin phép Dal cho hát bài hát đáng nhẽ dành cho anh ta. Và thế là trong phim Dal diễn nhưng giọng hát của Anofriev:
https://www.youtube.com/watch?v=jt7r8tRVoXI&t=145s

Bài hát lập tức trở nên nổi tiếng, nó có cuộc sống riêng không phụ thuộc vào bộ phim nữa, đến mức báo chí phải vào cuộc “đánh” bài hát này, là ủy mị tiểu tư sản, làm hỏng lớp trẻ... Nhưng khán giả mới là người trọng tài công minh nhất, “Chỉ một chớp mắt” được coi là bài hát của toàn dân, tức là người ta nghe và hát nó khắp nơi, sau bàn nhậu hay trong nhà hàng, trước kia cũng vậy và bây giờ càng như thế!

Thế rồi người ta cũng cho Oleg Dal hát được bài này trong một bộ phim khác, sau đó 6 năm, từ đó người Nga cho đến nay vẫn tranh luận xem Dal hát hay hơn hay Anofriev:
https://www.youtube.com/watch?v=4W2jYVROQQ8&

Như các nhà thơ Nga thiên tài khác, Vysotsky cũng chết rất trẻ, năm 42 tuổi. Đám tang anh là đám tang lớn nhất trong lịch sử Matxcơva. Tuy Dal trẻ hơn và không phải là bạn bè thân hay cạnh tranh gì với Vysotsky nhưng anh có linh cảm là mình cũng sẽ chết sớm lắm, anh sẽ “là người kế tiếp” – và cứ thế nói gở với mọi người. Đúng vậy, chỉ một năm sau anh chết, sau một cốc rượu đêm, anh cũng mất đi trong niềm nuối tiếc của toàn dân...

Nhưng bài hát này sẽ bất tử, vì nhạc thì khá hay, còn lời là bài thơ “Chỉ một chớp mắt” là một tác phẩm thiên tài. Năm 2015 trong một cuộc trưng cầu dân ý đối với dân Nga, trong danh sách 100 bài thơ hay nhất mọi dân tộc, mọi thời đại thì nó xếp thứ 14!

Bởi nó là một bài hát có phần lời đậm chất triết học nên tôi xin phổ lời với tên bài “Chỉ một sát na” – lời Việt này có thể hát luôn với nhạc của bài hát!

Есть только миг

Призрачно все в этом мире бушующем, 
Есть только миг, за него и держись. 
Есть только миг между прошлым и будущим, 
Именно он называется жизнь.

Вечный покой сердце, вряд ли, обрадует, 
Вечный покой для седых пирамид. 
А для звезды, что сорвалась и падает, 
Есть только миг, ослепительный миг.

Пусть этот мир вдаль летит сквозь столетия, 
Но не всегда по дороге мне с ним. 
Чем дорожу, чем рискую на свете я, 
Мигом одним, только мигом одним.

Счастье дано, повстречать иль беду еще, 
Есть только миг, за него и держись. 
Есть только миг между прошлым и будущим, 
Именно он называется жизнь.

CHỈ MỘT SÁT NA

Cuộc đời hỗn mang với bao điều chẳng rõ chẳng hay
Chỉ một sát na, chớ bao giờ buông lơi nhé!
Có mỗi sát na giữa tương lai và quá khứ của ta
Hãy nhớ không quên đó mới là cuộc sống ta

Bình lặng ấm êm đã chắc gì con tim được vui
Tồn tại mãi ư cũng chỉ là kim tự tháp
Nhưng có ngôi sao trước khi từ giã rớt xuống đất
Cháy sáng trong đêm như chưa bao giờ được cháy
Nhưng có ngôi sao trước khi từ giã rớt xuống đất
Lóe sáng trong đêm dẫu chỉ bằng một sát na

Cuộc đời cứ trôi sẽ trăm nghìn năm nữa vẫn thế
Cuộc đời của tôi bao thăng trầm đâu biết trước
Có gắng bao nhiêu, mất hay còn thì cũng vẫn là sống
Dẫu thắng hay thua cũng chỉ như một chớp
Có gắng bao nhiêu, mất hay còn thì cũng vẫn là sống
Dẫu thắng hay thua cũng chỉ trong một sát na

Phận đời chúng ta đón phước hạnh hay lãnh khổ đau
Chỉ một sát na, chớ bao giờ buông lơi nhé!
Có mỗi sát na giữa tương lai và quá khứ của ta
Hãy nhớ không quên đó mới chính là cuộc sống! 
Có mỗi sát na giữa tương lai và quá khứ của ta
Hãy chớ buông lơi dẫu chỉ là một sát na!

Rất nhiều ca sĩ thử sức với bài hát được coi là “Bài ca cuộc sống” này. Nam ca sĩ Dyatlov hát hay hơn những Liube, Krutoy, Lev Leshenko nhiều:
https://www.youtube.com/watch?v=xrpLVuFQRfw

Nữ rất khó hát bài này, hay nhất do Tamara Gverdtsiteli (Тамара Гвердцители) biểu diễn:
https://www.youtube.com/watch?v=5ptpsddwR1o

Có thể tham khảo lời tiếng Anh ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=deP8hCywiTk

Cuộc đời cũng như một chớp mắt vậy, không biết đâu mà lường, nhất là cuộc đời nghệ sĩ... Nghệ sĩ đã hát bài này trong phim là Anofriev có lẽ vẫn là người hát bài hát này hay nhất – ông mới mất trong năm 2018 này. Hãy nghe ông hát live mấy năm trước, với 6 stent đặt trong tim:
https://www.youtube.com/watch?v=txkUyhqXgWI

Ghi chú: bài thơ Nga tuyệt vời nói trên vẫn chờ một dịch giả chuyển sang tiếng Việt, cũng như bài hát có thể có những bản phổ lời Việt khác nữa, nếu không thì sẽ quá phí!

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.