You are here

Cây đàn cello cứu vớt cuộc đời

Tác giả: 
Thanh Nhàn dịch

Nghệ sỹ cello Anita Lasker-Wallfisch đã bị đưa đến Auschwitz và sau đó là Bergen-Belsen, những trại tập trung khắc nghiệt nhất của Đức quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ hai. Bằng cây đàn của mình, bà đã sống sót một cách kỳ diệu và trở thành một trong những nhân chứng tố cáo tội ác của chính quyền Đức quốc xã.

Anita Lasker-Wallfisch học chơi đàn cello trước khi vào trại tập trung.

Tại buổi nói chuyện nhân Ngày tưởng niệm các nạn nhân Holocaust (Holocaust Memorial Day) ở Quốc hội Đức vào ngày 31/1/2018, bà đã kể về những điều diễn ra trong cuộc đời mình. Anita Lasker-Wallfisch nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, những gì đang diễn ra trên thế giới cho chúng ta thấy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn chưa diệt vong, nhưng thật may mắn là chúng ta vẫn có thể cùng với nhau chống lại nó.Không ai trong chúng ta đến với thế giới này đã là những “siêu nhân” hay “người nắm quyền lực” cả. Chúng ta chỉ là những người tạo nên những tên gọi đó”.

Câu nói này phản ánh sự chuyển biến trong con người Anita Lasker-Wallfisch. Bà chỉ trở thành người bảo vệ những giá trị nhân văn và kêu gọi sự khoan dung của con người vào giai đoạn cuối cuộc đời mình. Trong nhiều thập kỷ trước, bà đã từ chối nói về thời thơ ấu của mình ở Đức hay những năm tháng kinh hoàng trong hai trại tập trung Auschwitz và Bergen-Belsen, ngay cả với con cháu bà. Sau đó, vào đầu thập lỷ 1990, bà viết một cuốn tự truyện “Inherit the Truth” (tạm dịch “Kế thừa sự thật”) và bắt đầu tới Đức, quốc gia mà từ lâu bà từ chối đặt chân đến, để kể câu chuyện của mình với các em học sinh phổ thông.

Đó là câu chuyện về việc bị giam cầm, lao động cưỡng bức, biểu diễn âm nhạc trong những hoàn cảnh trớ trêu và nỗ lực nhất, di cư và cuối cùng là một sự nghiệp âm nhạc thực sự…

Cảnh giam cầm “may mắn”

Anita Lasker sinh ra trong một gia đình Đức gốc Do thái năm 1925 ở Breslau (ngày nay là Wroclaw, Ba Lan). Cha bà là một luật sư và mẹ là một nghệ sỹ violin. Khi Đức Quốc xã nắm quyền ở Đức, gia đình bà chỉ kịp đưa được Marianne, chị gái của Anita an toàn tới Anh vào cuối năm 1939. Cha mẹ bà sau đó bị trục xuất khỏi Đức vào năm 1942 và Anita, lúc đó đã 16 tuổi, không bao giờ gặp lại họ nữa.

Không may mắn như chị gái của mình, Anita và cô em gái Renate bị buộc phải vào trại trẻ mồ côi và bị bứt làm việc ở một nhà máy giấy và do đó chưa bị trục xuất. Tại đây, hai chị em đã làm giấy tờ giả để sang Pháp. “Tôi không bao giờ chấp nhận được việc mình có thể bị giết chỉ vì mình là người Do thái, và không bao giờ tạo cơ hội cho người Đức giết mình”, Lasker-Wallfisch sau đó đã kể lại.

Khi hai chị em tìm cách trốn sang Pháp với hộ chiếu giả vào tháng 6/1943, họ đã bị bắt ở một sân ga và bị tống giam. Năm tháng sau, Anita, khi đó đã 18 tuổi, và em gái bị tách ra và đưa vào Auschwitz. Việc ở tù hóa ra lại là một điều may mắn với Anita bởi bà bị đưa đi bằng một chuyến tàu với các phạm nhân, không cùng chuyến với những người Do thái khác tới thẳng phòng hơi ngạt.

Nhiều năm sau tại chính Bergen-Belsen – một trong hai trại tập trung, Lasker-Wallfisch nói: “Chúng tôi vẫn còn may mắn khi tới đó với tư cách tù nhân chứ không phải một người Do thái”.

Tấm vé sống sót

Sau khi cho biết là mình có thể chơi cello, Anita đã được đưa vào một dàn nhạc mang tên Mädchenorchester von Auschwitz (Dàn nhạc nữ Auschwitz) với sự tham gia của các nữ tù nhân do Alma Rose, cháu gái của nhà soạn nhạc Gustav Mahler dẫn dắt. “Cây đàn cello đã cứu mạng tôi," bà kể lại. Dàn nhạc chơi các hành khúc khi các tù nhân rời trại tập trung đi lao động mỗi sáng và khi trở về vào buổi chiều. Vào chủ nhật hàng tuần, các nữ nhạc công trình diễn cho các sỹ quan SS nghe.

Đây là một dàn nhạc đặc biệt, được thành lập vào mùa xuân năm 1943 theo “sáng kiến” của một sỹ quan SS cao cấp, Maria Mandel. Ban đầu, dàn nhạc do Zofia Czajkowska, một cô giáo Ba Lan chỉ huy nhưng sau do Rose chuyển tới, nữ nghệ sỹ violin nổi tiếng này đảm trách vai trò dẫn dắt do trong thời kỳ sống ở Áo trước chiến tranh đã từng chỉ huy một dàn nhạc nữ. Dàn nhạc nữ Auschwitz quy tụ hầu hết các nghệ sỹ nghiệp dư, với các bè violin, cello và một số cây đàn accordion, mandolin, sáo và cả một vài giọng ca.  

Trong thời gian ở trại tập trung, dàn nhạc biểu diễn nhiều buổi hòa nhạc với tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc Đức nổi tiếng. Thậm chí, dưới sự hướng dẫn của cô, các nữ nghệ sỹ nghiệp dư đã bí mật tập cả một số tác phẩm của các nhà soạn nhạc bị SS cấm biểu diễn. Rose đã chuyển soạn cả Etude số 3 Op.10 giọng Mi trưởng của Chopin cho dàn nhạc và đặt lời cho phần chuyển soạn này.

Là một trong số ít những nghệ sỹ chuyên nghiệp của dàn nhạc này, Anita đã từng biểu diễn cả Treumerei (Mộng mơ) của nhà soạn nhạc Đức Robert Schumann cho TS. Josef Mengele, người có biệt danh là Thiên thần của cái chết, nghe.

Vào tháng 11/1944, khi quân đội Soviet áp sát Auschwitz, Anita và em gái đã được chuyển đến Bergen-Belsen. "Không ai trong chúng tôi tin là mình cuối cùng đã rời Auschwitz theo cách khác, không phải qua ống khói”, bà kể lại những nỗi ám ánh đeo bám hai chị em ở địa ngục trần gian này vì thông thường, tù nhân chỉ có thể rời khỏi đây để đến phòng hơi ngạt và lò thiêu.

Đó là khoảnh khắc của sự sống sót ở Auschwitz: “Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi không biết là liệu ngày tiếp theo chúng tôi có còn sống sót hay không. Mọi người ‘biến mất’ mọi lúc. Ngay cả 10 phút trước khi ngồi trên chuyến xe tới Bergen-Belsen, không ai trong số chúng tôi biết là liệu có phải mình có thể sẽ ngồi trên đó không."

Tuy nhiên bà và em gái cũng vô cùng may mắn. Nhiều nghệ sỹ trong dàn nhạc đã qua đời trước đó, ví dụ như Alma Rose đã qua đời đột ngột vài tháng trước.

Di cư sang Anh

Lasker-Wallfisch hướng dẫn một nghệ sỹ trẻ của Aldeburg Young Musicians

Trong điều kiện khốn khổ ở Bergen-Belsen, nhiều người chết vì suy dinh dưỡng. “Auschwitz là nơi mọi người chết hàng loạt, còn ở Bergen-Belsen, họ đơn giản là chết", Lasker-Wallfisch sau đó đã kể lại trong cuốn tự truyện. Dẫu sao ở đó, âm nhạc tiếp tục vang lên: Anita chơi trong một nhóm nghệ sỹ 11 người còn sót lại trong dàn nhạc ở Auschwitz.

Sau khi quân đội Anh giải phóng  vào 15/4/1945, Lasker-Wallfisch trở thành nhân chứng của vụ án Bergen-Belsen trial. Bà chuyển tới Bỉ và sau đó tới Anh. Ở London, bà thành lập dàn nhạc thính phòng English Chamber Orchestra và chơi cello, bắt đầu sự nghiệp âm nhạc thực thụ với những buổi lưu diễn và thu âm.

Lasker cưới nghệ sỹ piano Peter Wallfisch, người sau đó trở thành giáo sư trường Âm nhạc Hoàng gia Anh tại London. Bà có hai con, một trong số này khi lớn lên cũng là nghệ sỹ cello nổi tiếng – Raphael Wallfisch với nhiều album với EMI, Naxos… 

Sự lạc quan kỳ lạ

Chỉ sau khi xuất bản cuốn “Inherit in Trust” năm 1996, Lasker-Wallfisch mới quay trở lại Đức để kể lại cuộc đời mình và cuộc đời những nạn nhân chiến tranh khác dưới thời Đức quốc xã và bị thảm sát trong Holocaust.

“Phải mất tới 50 năm, tôi mới có thể bình tĩnh nói về nó," Lasker-Wallfisch nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Bavaria. “Nhưng đây không phải là điều duy nhất tôi nghĩ đến”.

Lasker-Wallfisch là một trong số những người sống sót  của Bergen-Belsen được nữ hoàng Anh Elizabeth II mời vào tháng 6/2015. Chiếc áo len đỏ bà mặc đã được đưa vào Bảo tàng Chiến tranh ở London nhiều thập kỷ trước. Năm 2016, bảo tàng Do thái ở Berlin đã trao cho bà giải thưởng Thấu hiểu và khoan dung.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội Đức kỷ niệm 73 năm ngày giải phóng Auschwitz, Lasker-Wallfisch đã cảnh báo sự trỗi dậy của mầm mống bài Do thái ở Đức hiện nay. Nhưng trong thông điệp của bà vẫn ẩn chứa sự lạc quan: "Còn sống, còn hy vọng. Tôi đã nói chuyện với hàng ngàn sinh viên [về nguy cơ này]. Chỉ cần 10 người trong số họ hành xử đúng thì tôi cũng an lòng".

Trong các bài nói chuyện của mình, bà lặp đi lặp lại một lời khuyên: "Hãy trò chuyện với nhau trước khi có ý định làm hại người khác, hãy cùng uống một cốc cà phê với nhau".

Trong dịp Lasker-Wallfisch phát biểu trước Quốc hội Đức, con trai bà – nghệ sỹ cello Raphael Wallfisch biểu diễn bài "Nguyện cầu", một phần trong tác phẩm "From Jewish Life" (tạm dịch Từ cuộc đời Do thái) của nhà soạn nhạc Ernest Bloch. 

(Nguồn: http://www.dw.com/en/the-cello-saved-her-life-anita-lasker-wallfisch/a-4...)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.