You are here

Càng bảo tồn, càng… mất?

Tác giả: 
Tuệ Minh

Gần 100 thí sinh dự Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016. Chỉ là liên hoan của một địa phương mà số đoàn, lẫn số người tham dự có thể coi là kỷ lục, khiến nhiều người ngạc nhiên.


Ca nương Vũ Thị Thùy Linh (CLB Phú Thị). Ảnh: TUYẾT LOAN

Tuy nhiên, cảm giác bất ngờ sẽ trôi qua mau thôi, nếu nhìn vào danh sách Nghệ nhân ưu tú, cũng trên địa bàn Hà Nội. Năm 2015, lần đầu tiên Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội có gần 20 Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực ca trù, chiếm gần “nửa mâm” Nghệ nhân ưu tú nói chung. Với số lượng hùng hậu như thế, ai dám bảo ca trù đang có nguy cơ mai một?

Nhưng chỉ nhìn từ Liên hoan Tài năng trẻ này, cũng có thể thấy nhiều câu chuyện thú vị. Thành phần Ban Giám khảo, có ít nhất hơn một người không chuyên nghiên cứu ca trù. Những người sành ca trù nhất, ngoài các nhà nghiên cứu, là những nghệ nhân tài hoa. Vậy mà trong Ban Giám khảo chỉ có một người xuất thân là kép đàn. Còn về các đoàn tham dự, một trong những đoàn được xem là mạnh nhất, “đội hình đẹp” nhất, thì người đứng đầu đoàn ấy chính là người đưa đàn tranh vào biểu diễn… ca trù. Có thể lý luận rằng, ca trù là một dòng chảy, nó biến đổi cùng với thời gian. Nhưng “chưa thạo bò đã lo học chạy” như thế, thì sự biến đổi dễ dẫn đến nguy cơ thành thảm họa. Khi nói về bảo tồn chiếc áo dài để tránh thảm họa, có người đề xuất đề ra tiêu chí bắt buộc là: phải có tà áo dài, và phải… có quần. Mới nghe thấy hài hước như đùa. Song, thực tế, nếu không có “quy chuẩn”, chuyện ca trù được đưa thêm đàn bầu, đàn tỳ bà hay vi-ô-lông… là chuyện không quá ngạc nhiên. Bởi gần đây, đã xuất hiện thêm hình thức hát ca trù tập thể, chơi đàn, gõ phách tập thể, theo phong cách của… dàn nhạc giao hưởng.

Và rồi sẽ lại tiếp tục liên hoan, tiếp tục lấp lánh những bộ huy chương, tiếp tục những danh hiệu nghệ nhân... Nhưng với ca trù, sự phát triển về “lượng” có song hành về “chất” hay không, những người trong cuộc là người rõ hơn cả.

Càng gần đến Ngày Di sản Việt Nam 23-11, hai chữ “bảo tồn” càng được nói nhiều. Nhưng hình như, càng kêu gọi, di sản ngày càng mai một. Vụ cháy chùa Sải (Tĩnh Lâu Tự, quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa diễn ra. Rất nhiều người than thở. Nhưng sự tiếc nuối sẽ giảm khá nhiều nếu người ta biết phần lớn cấu kiện gỗ bị cháy ở nhà Tổ là… đồ mới. Phần lớn các cấu kiện gỗ này được làm vào đợt trùng tu từ năm 2003. Cái giá trị nhất ở những phần bị cháy, là giá trị của hàng chục, hàng trăm mét khối gỗ loại tứ thiết được lựa chọn khá cẩn thận khi tu bổ chùa. Bây giờ nếu cứ vài năm không đi lễ ở một di tích nào đó, ắt khi đến người ta sẽ rơi vào trạng thái ngác ngơ. Chùa Bà Đá ngay bên hồ Hoàn Kiếm chưa bao giờ bị “tai tiếng” về công tác tu bổ. Ấy thế mà ngắm những cây cột trong chùa, người ta có cảm giác như đứng trước một… anh chàng mặc quần cộc. Các cụ xưa đã chạm khắc những câu đối với tỷ lệ hài hòa với chiều cao cây cột. Song khi trùng tu, những cây cột cũ bị loại bỏ hoàn toàn, thay bằng những cây cột mới “cao đẹp hơn”. Câu đối cũ giờ treo lên những cái cột mới trở thành một sự kệch cỡm vô duyên. Và nếu ngắm kỹ các công trình đã, đang được tu bổ, thì tinh thần không giữ lại những gì thuộc về quá khứ dường như là tinh thần xuyên suốt cả quá trình! Đấy là ở công trình được cho là “nghiêm túc”. Hẳn không khó hình dung tình hình ở những công trình “tai tiếng”. Đến nỗi nhiều nhà nghiên cứu phải kêu rằng, cách tốt nhất để bảo tồn di sản là… dừng không nên làm gì.

Cũng những ngày này, câu chuyện hội cướp phết ở Hiền Quan, lễ cầu trâu ở các xã Xuân Quang, Hương Nha (đều thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) “nóng” trên mặt báo, khi hội thảo về những lễ hội này được tổ chức. Nghi lễ “cầu trâu” vì sao lại bị gần như cả xã hội ác cảm, lên án như thế? Từ góc độ văn minh, các nghi lễ hiến tế động vật là điều không nên làm. Nhưng cũng cần nhớ, nghi lễ này vốn là một dạng tục hèm, một loại “mật lễ”, chỉ tổ chức phạm vi hẹp trong chính cộng đồng dân cư địa phương ấy. Điều tương tự cũng xảy ra với nghi thức “chém lợn” ở Bắc Ninh. Sở dĩ rất nhiều người lên án là “man rợ”, là “dã man”… cũng bởi từ một dạng “mật lễ”, nghi lễ này được tung hê lên đủ loại phương tiện truyền thông đi kèm với nhiều lời lẽ kích động. Ngay khi tung lên các phương tiện truyền thông kèm với từ “man rợ”, “dã man”, những người đưa tin cũng đã thiếu tôn trọng cộng đồng dân cư địa phương. Di sản văn hóa đòi hỏi sự công bằng. Không thể áp đặt cái nhìn của cộng đồng này lên cộng đồng khác.

Nếu thực sự suy nghĩ vì di sản văn hóa, và vì sự tiến bộ, hướng đến văn minh, thay vì tìm cách câu view bằng những cái tít giật gân, người ta sẽ tìm cách thuyết phục cộng đồng dân cư ấy một cách có lý, có tình. Có lẽ, đó là câu trả lời xác đáng cho vấn nạn chung hiện tại. Di sản càng bảo tồn, thì càng có nguy cơ mất đi.

(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.