You are here

Biểu diễn âm nhạc đương đại tại Đà Nẵng - Khởi sắc và nên định hướng

Tác giả: 
Văn Thu Bích

Tiết mục Thieu nhi tại Liên hoan Âm nhạc miền Trung - Tây Nguyên 2017

Tiết mục Tình yêu Đà Nẵng của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa tại sân khấu pháo hoa 2018 

Thực trạng

Trong những năm qua, hoạt động biểu diễn âm nhạc (thanh nhạc và khí nhạc) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho mọi tầng lớp công chúng, các buổi biểu diễn âm nhạc dù có chủ đề hoặc đan xen các loại hình nghệ thuật khác thì vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội - nhất là đối với thế hệ trẻ. Các hoạt động âm nhạc đã làm khởi sắc diện mạo thành phố Đà Nẵng ngày càng năng động và đa sắc hơn.

Cũng như các lĩnh vực khác, cơ chế thị trường và việc xã hội hóa tổ chức biểu diễn âm nhạc đã tác động mạnh mẽ đến các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Những sản phẩm âm nhạc nước ngoài, âm nhạc hải ngoại không còn độc chiếm thị trường. Trong bối cảnh chung của đất nước thời hội nhập, thời gian gần đây thị trường âm nhạc Việt Nam khá đa dạng với các chương trình truyền hình hấp dẫn, các sản phẩm băng đĩa nhạc sản xuất tại Việt Nam đã dần thay thế những ca khúc có nội dung ủy mị, bi lụy hoặc kích động, xâm nhập từ nước ngoài. Các chương trình biểu diễn âm nhạc được chăm chút đầu tư, dàn dựng công phu luôn thu hút đông đảo người xem.

Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như không chuyên trong và ngoài nước đã đem đến cho công chúng thành phố những hình thức nghệ thuật đa dạng và ấn tượng. Đặc biệt trong tiến trình 10 năm qua, người dân Đà Nẵng đã trở nên quen thuộc với các tiết mục âm nhạc có chất lượng nghệ thuật cao xuất hiện trong các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế. Các đội pháo hoa đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đầu tư phần nhạc nền khá phong phú và ấn tượng. Vai trò thẩm định của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc Đà Nẵng được đánh giá cao với sự góp mặt của Phó giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa (Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng) trong Hội đồng nghệ thuật qua nhiều kỳ lễ hội pháo hoa.

Mặc dù chưa thật sôi động như hoạt động âm nhạc ở hai thành phố lớn Hà Nội, Hồ Chí Minh, nhưng chí ít, các chương trình này đã thể hiện định hướng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tính nghiêm túc, ý thức trách nhiệm cao của người tổ chức và tập thể nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn đã được ghi nhận trong ký ức nghệ thuật của người dân Đà Nẵng.

Lĩnh vực biểu diễn âm nhạc trên địa bàn Đà Nẵng đã khởi sắc, nhiều tụ điểm hoạt động ca nhạc đã sáng đèn hàng đêm để tiếp đón những công chúng mến mộ. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương cùng với sự nỗ lực của Sở Văn hóa –Thể thao và Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng như lòng yêu nghề của đông đảo nhạc sĩ, ca sĩ, sân khấu Nhà hát Trưng Vương thường xuyên có các chương trình ca nhạc mới mẻ khi phối hợp với các đơn vị trong và ngoài thành phố tổ chức, Nhà hát Tuồng Nguyễn hiển Dĩnh vẫn duy trì Show diễn có ca nhạc phục vụ khách du lịch 3 suất mỗi tuần. Ngoài ra còn có nhiều chương trình âm nhạc khá quy mô đã được tổ chức định kỳ tại sân khấu ngoài trời Bảo Nguyên Food, sân khấu Nhà Văn hóa lao động Đà Nẵng do công ty Sao Hoàng Nguyên với show diễn Đà Nẵng quyến rũ (Charming Da Nang) phục vụ thường xuyên đông đảo khách du lịch Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nếu trước đây nhiều đơn vị nghệ thuật tư nhân được hình thành theo kiểu tự phát kịp thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức ca nhạc của Đà Nẵng, như công ty tổ chức sự kiện Minh Nhật, Vũ đoàn Hoàn Vũ, nhóm múa Sắc Việt, nhóm ca nhạc dân tộc Tre Xanh... chỉ tham gia một vài tiết mục ca, trình tấu nhạc cụ tại các sự kiện văn hóa lớn nhỏ, thì hiện nay một vài công ty tư nhân Việt Nam và Hàn Quốc đã đến đóng đô tại Đà Nẵng, đầu tư kinh phí dồi dào theo phương thức trực tiếp mời đạo diễn nổi tiếng dàn dựng chương trình, tuyển ca sĩ, diễn viên, nhạc công trả lương cao, thuê sân khấu diễn hằng ngày. Bước đầu hoạt động này đã tạo được sự quan tâm của công chúng thành phố và thu hút đáng kể số lượng lớn du khách đến Đà Nẵng.

Lĩnh vực biểu diễn ca nhạc chuyên nghiệp phục vụ công tác đối ngoại đã phát triển tốt. Nhiều nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật nổi tiếng thế giới đã đến biểu diễn giao lưu cũng thường kỳ, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho các tầng lớp công chúng như Đoàn ca nhạc Hải quân Mỹ biểu diễn định kỳ hằng năm vào mùa hè, Đoàn nghệ thuật Lào, Ấn Độ, Hàn quốc, Úc, Pháp..., các nhóm guitare, nhóm trình tấu khí nhạc Việt Nam và nước ngoài thi thoảng cũng trình diễn các tiết mục âm nhạc truyền thống lẫn hiện đại đặc sắc trong các sự kiện văn hóa lớn của thành phố.

Những thành quả đạt được nêu trên là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc thì vẫn còn rất nhiều điều đáng để các nhà hoạt động văn hóa và quản lý hoạt động âm nhạc tại Đà Nẵng phải trăn trở.

Hạn chế

Điều dễ dàng nhận thấy là trình độ chuyên môn của nhiều ca sĩ, nhạc công trong các đoàn nghệ thuật chưa cao, chưa tương xứng với thành phố đô thị loại 1. Các chương trình ca múa nhạc của các đơn vị nghệ thuật chưa có tính chuyên nghiệp cao, chưa thực sự hấp dẫn người xem và không được các giới nghệ thuật đánh giá cao. Hiện nay, Đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng cũng từng bước vươn lên song hành cùng các đoàn nghệ thuật trong cả nước. Có thể nói trong suốt dặm dài trên dải đất miền Trung nhiều năm qua, cũng hiếm thấy đơn vị nghệ thuật nào nổi bật như Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng tỉnh Khánh Hòa trong thập niên 90 thế kỷ trước.

Những mặt hạn chế này đều xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng trọng tâm nhất là các lý do như thị hiếu khán giả đã thay đổi và bị chi phối bởi sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn với công nghệ hiện đại. Tiếp đến là cơ chế, chính sách đãi ngộ của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống để thu hút các ca sĩ, nhạc công có chuyên môn cao hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc chuyên nghiệp trong các đoàn nghệ thuật. Bên cạnh đó là vấn đề tiếp cận, kế thừa giữa các thế hệ nghệ sĩ đã không được chú trọng, thiếu các tác giả, đạo diễn đủ tài năng để dàn dựng những chương trình âm nhạc mới có chất lượng nghệ thuật cao. Hầu như các chương trình có quy mô lớn đều mời các Công ty tổ chức sự kiện từ TP HCM và Hà Nội thực hiện, với sự tham gia của các nhạc sĩ tên tuổi như Quốc Bảo, Vy Nhật Tảo, Đức Trịnh, Đức Trung, Lê Minh Sơn..., các đạo diễn kỳ cựu như Đinh Anh Dũng, Việt Tú, Lê Quý Dương..., các biên đạo múa giàu kinh nghiệm như Tất My Loan, Ly Ly...

Tuy có nhiều chương trình đã đạt được những thành công nhất định, song thực tế khác là đội ngũ chuyên nghiệp gần như không đủ lực và số lượng để thực hiện các chương trình lớn. Hầu hết trong những chương trình nghệ thuật quy mô được tổ chức tại Đà Nẵng, các nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp của thành phố thường chỉ có vai trò là “cộng tác viên tại chỗ” hoặc tham gia nhưng không phải là thành phần chốt và không có vai trò chính của chương trình. Có chăng cũng chỉ một vài ca sĩ là người con Đà Nẵng đang sinh sống, lập nghiệp tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trở về tham gia biểu diễn tại quê hương nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước hoặc lễ hội tại địa phương. Mặc dù vậy song thật sự lại có một số ca sĩ đến từ hai đầu đất nước cũng chưa hẳn có chuyên môn và năng lực vượt trội so với các nghệ sĩ Đà Nẵng song họ sử dụng công nghệ PA để quảng bá tên tuổi mình. Thực tế này cho thấy việc thưởng thức âm nhạc cũng như các loại hình nghệ thuật khác là luôn luôn cần có sự đổi mới dù điều mới không hẳn đã hơn cái cũ......

Mặc dù các hoạt động biểu diễn ca nhạc trong thời gian qua bước đầu đã góp phần không nhỏ cho sức hấp dẫn của Đà Nẵng trong mấy năm qua. Tuy nhiên, điều đó không phải là cơ sở để tất cả các nhà quản lý và hoạt động nghệ thuật dựa vào để tự mãn với chính mình. Nhằm theo đuổi kịp sự phát triển chung của các lĩnh vực cũng như các địa phương khác, mỗi nhà quản lý và hoạt động âm nhạc cần nỗ lực hơn nữa, cần có sự quan tâm đúng mức và đồng bộ của các cấp, các ngành, kể cả các nghệ sĩ.  

Trong thời gian những năm gần đây, rất tiếc trên sóng truyền hình Trung ương và địa phương, các chương trình ca nhạc Việt Nam, trong đó có ca nhạc Đà Nẵng thưa thớt dần, do thời lượng dành cho các cuộc thi ca hát đình đám, nhà đài mời các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng, thậm chí cả diễn viên hài không thuộc ngành âm nhạc tham gia huấn luyện kiêm nhiệm hội đồng nghệ thuật. Ngoài ra các chương trình truyền hình thực tế đã lấn chiếm ngày càng nhiều trên màn ảnh nhỏ. Có lẽ do các chuyên mục này thu hút đông đảo người xem, từ đó giá trị quảng cáo cũng tăng lên, lợi nhuận hấp dẫn hoàn toàn chi phối các nhà đài. Hậu quả là các giọng ca Đà Nẵng thi thoảng mới vang ngân trong số ít ỏi các chuyên mục giới thiệu tác phẩm âm nhạc mới trên màn ảnh nhỏ.

Cùng cách nhìn nhận này, nhiều nhà hoạt động nghệ thuật cho rằng: ca sĩ, nghệ sĩ Đà Nẵng hiếm khi xuất hiện trước công chúng, trừ vài dịp lễ hội, một số chỉ âm thầm biểu diễn một tuần vài suất ở các nhà hàng tiệc cưới hoặc tại các phòng trà như: Tiếng Dương Cầm, Hợp Phố, Memory  Lounge, Thanh Trà...

Trước đây, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng (nay là VTV8), Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DRT) thường phát sóng chương trình ca nhạc có ca sĩ Đà Nẵng tham gia. Bây giờ thì thi thoảng vào các dịp hội hè và các sự kiện quan trọng mới phát đôi ba chương trình. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đưa tác phẩm của mình lên Face book, Zalo, YouTube... để tương tác với khán giả. Các tiết mục tác giả tác phẩm về nhạc sĩ – ca sĩ ĐN thưa vắng, phai nhạt dần.

Ngay cả tại các tụ điểm ca nhạc, khi đưa vào chương trình vài tiết mục có giọng ca Đà Nẵng thì phần lớn công chúng lại thờ ơ không đón nhận nhiệt tình so với các ca sĩ nổi tiếng đến từ vùng đất khác. Nhất là với khán giả trẻ tuổi, thường không mặn mà với ca sĩ Đà Nẵng. Phải chăng bụt nhà không thiêng. Các đêm diễn nếu thiếu ngôi sao đến từ hai miền đất nước thì vắng bóng người xem. Điều này đúng với thực trạng đời sống âm nhạc hiện nay không chỉ với thành phố bên bờ sông Hàn.

Đà Nẵng từng là quê hương của nhiều ca sĩ nổi tiếng như: Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Lê Cát Trọng Lý..., các giọng ca Vietnam idol kids như: Hồng Minh (2015), Dương Gia Kiệt (2017) khó tìm đất dụng võ tại Đà Nẵng mà luôn hướng vào TP HCM - nơi có thị trường âm nhạc sôi động nhất nước để tìm cơ hội cho tài năng lan tản đi xa, nhiều giọng ca dù được phát hiện sớm song không đủ điều kiện vào Nam lập nghiệp cũng đành lặng lẽ nơi quê nhà. 

Một số định hướng

Hoạt động nghệ thuật ca nhạc đương đại nên được chú trọng dàn dựng mới mẻ, không để mãi ngủ yên trong khuôn khổ mái vòm nhà hát, phục vụ cho số ít khán giả mà cần thiết khích lệ giới thiệu những tiết mục mới từ các liên hoan - hội diễn chuyên và không chuyên, tăng cường đưa ra khỏi sân khấu nhà hát đến gần với công chúng thường xuyên, tạo điều kiện cho số đông công chúng được hưởng thụ, không chỉ vào các dịp lễ tết mà cần nên thường kỳ, ban đầu là hàng quý, dần dần là hàng tháng, hàng tuần. Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc giao lưu nghệ thuật có nội dung phong phú với các đơn vị trong và ngoài nước nhằm làm phong phú thêm diện mạo âm nhạc.

Biểu diễn âm nhạc đương đại là một dạng hoạt động dễ thu hút đông đảo người xem, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần trong đời sống xã hội của con người Đà Nẵng. Muốn cho nghệ thuật biểu diễn âm nhạc đương đại nói riêng phục vụ xã hội một cách hiệu quả, phát huy được hết tác dụng của mình thì trong công tác quản lý phải đảm bảo điều kiện cần thiết cho lĩnh vực này vừa hoạt động đúng tính chất, vừa đảm bảo nâng cao khả năng cảm thụ, thưởng thức nghệ thuật của công chúng; đồng thời đi đôi với một số giải pháp cụ thể, thích hợp với từng thời kỳ và điều kiện của địa phương với việc tổ chức nhiều hơn các chương trình giao lưu trong nước và quốc tế, các tụ điểm biểu diễn thường kỳ, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách lẫn người dân Đà Nẵng...

Nhìn chung, đời sống âm nhạc của Đà Nẵng trong thời gian qua khá sinh động và chất lượng thẩm mỹ của các loại hình nghệ thuật đã được các cấp quan tâm đầu tư cao hơn hẳn so với trước đây. Tuy nhiên, cần đầu tư hơn nữa các hoạt động biểu diễn âm nhạc đương đại song hành cùng các sân khấu biểu diễn truyền thống Hô hát bài chòi, Đưa tuồng xuống phố....nhằm góp phần làm cho diện mạo văn hóa Đà Nẵng ngày càng đổi mới theo hướng đi lên, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và du khách khi đến với vùng đất đang khởi sắc từng ngày.                                                                                    

Các ngành, các cấp liên quan nên chú trọng hơn trong quản lý hoạt động biểu diễn và đào tạo âm nhạc, cần nâng cao nguồn nhân lực âm nhạc để đáp ứng nhu cầu của công chúng là yêu cầu cấp thiết đối với hoạt động âm nhạc của thành phố. Nhiều tụ điểm ca nhạc cần phải thường xuyên được thẩm định về chất lượng hoạt động. Nếu chú trọng thị hiếu khán giả, nâng cao vai trò quản lý nhà nước và vai trò của hội đồng nghệ thuật chuyên ngành thì sẽ góp phần không nhỏ đến sự phát triển bền vững của hoạt động biểu diễn âm nhạc đương đại tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới./.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.