You are here

Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên kể những câu chuyện âm nhạc về cha

Tác giả: 
Tuyết Loan

Nhân kỷ niệm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà báo Phạm Hồng Tuyến, con gái út của ông, đã gửi gắm tất cả những niềm yêu thương trìu mến nhất vào tập sách nhỏ xinh “Bài hát lớn lên cùng con”, với những ký ức tuổi thơ từ những ca khúc dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ.

Nhà báo Tạ Bích Loan, nhà báo Phạm Hồng Tuyến và MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng tại buổi lễ ra mắt sách.

Trong lời tựa cuốn sách, nhà báo Phạm Hồng Tuyến viết: “Mỗi bài hát là nỗi nhớ, là tình thương, là niềm vui, là niềm tự hào… Và chính đó là Hồi ức tuổi thơ, những mảnh ghép quý giá trong quá khứ đã theo tôi mãi mãi suốt cuộc đời”. Là những kỷ niệm, ký ức cá nhân của nhà báo, nhưng những bài hát ấy cũng chính là những trang sử ghi lại một chặng đường, một giai đoạn của đất nước, và gắn liền với tuổi thơ, với ký ức của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Buổi lễ ra mắt sách được gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà báo Phạm Hồng Tuyến tổ chức nhỏ gọn tại trụ sở Nhà xuất bản Kim Đồng, nhưng bạn bè, người thân, các bạn văn nghệ, những độc giả quan tâm và yêu mến nhạc sĩ Phạm Tuyên, cùng đông đảo độc giả đã có tuổi thơ gắn bó với những ca khúc của ông, đã đến dự chật cả hội trường.

Tham dự buổi lễ ra mắt sách với cả vai trò khách mời chia sẻ và dẫn dắt chương trình là hai đồng nghiệp của tác giả Phạm Hồng Tuyến: hai nhà báo, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng và Tạ Bích Loan. Nhà báo Tạ Bích Loan cũng là bạn học PTTH của tác giả thời học chung lóp chuyên Nga của trường PTTH Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Buổi ra mắt sách được MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng nhận xét là “chưa thấy một lễ ra mắt sách nào vui như vậy”, bởi vì không chỉ là chuyện về cuốn sách, mà còn là cuộc gặp gỡ, trò chuyện đầy thân tình, ôn lại những kỷ niệm của những tháng năm đầy gian khó, khi đất nước còn chiến tranh, và sau khi hòa bình lập lại của các diễn giả, tác giả, và cả khán giả bên dưới.

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến, qua những câu chuyện của mình, đã cho độc giả thấy được rằng, cô con gái út đã là nguồn cảm hứng vô bờ để nhạc sĩ viết nên những ca khúc mà ngày nay đã trở thành “mầm non ca”, “lớp 1 ca”, “tiểu học ca”…

“Trường của cháu đây là trường Mầm non” - câu hát mà bao thế hệ trẻ mầm non thuộc nằm lòng, nhưng không phải ai cũng biết được, ca khúc “Trường cháu là trường Mầm Non” xuất phát từ lời “đặt hàng” của cô hiệu trưởng trường Mầm Non Bông Nhuộm, nơi nhà báo Hồng Tuyến học khi còn nhỏ. Sự giận hờn của cô con gái út và những chia sẻ về tâm lý lứa tuổi của vợ nhạc sĩ (PGS, TS Nguyễn Ánh Tuyết) đã giúp cho nhạc sĩ Phạm Tuyên viết nên một bài hát với ca từ vô cùng giản dị, giai điệu dễ thương, dễ thuộc. Có lẽ bản thân nhạc sĩ cũng không ngờ được sau này hầu hết các trường mầm non đều lấy bài hát làm ca khúc của trường, chỉ thay tên trường vào câu cuối “Trường của cháu đây là trường…”.

Những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ cũng là quãng thời gian để lại nhiều kỷ niệm nhất trong cuộc đời những người từng trải qua. Nhà báo Phạm Hồng Tuyến cũng không ngoại lệ. Ký ức tuổi thơ của chị còn là những chuyến đi sơ tán khỏi Hà Nội để tránh bom đạn, là căn nhà bị ngôi nhà khác đè sập, vỡ nát cây đàn piano của Hội Nhạc sĩ cho mượn.

Đó cũng là khoảng thời gian nhạc sĩ Phạm Tuyên viết nên bài hát “Bé bé bằng bông”, với những lời ca vô cùng chân thực nhưng cũng đầy lạc quan “Bao giờ chiến thắng cho bé về phố đông”.

“Bé bé bằng bông” không chỉ được các em bé “thời chiến” thuộc nằm lòng, mà sau này, thế hệ 7x, 8x sinh ra sau chiến tranh cũng vẫn hát và yêu thích bài hát như một dấu ấn về cuộc chiến chưa xa.

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến bên cha mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Không chỉ viết nhạc theo từ nguồn cảm hứng là các con, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn theo sát, lắng nghe từng câu chuyện nhỏ của hai cô con gái, và ông cũng viết ra những bài hát dựa trên tâm tư, tình cảm của các con.

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến kể, hồi học lớp 4, chiến tranh biên giới nổ ra, thầy giáo dạy lớp chị lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc. Cả lớp rất xúc động khi nghe tin chuẩn bị chia tay thầy.

Nhạc sĩ nghe con gái út kể chuyện và đã viết ngay bài hát “Ngày mai thầy ra trận”, với lời ca giản dị, trong sáng, đi vào lòng người.

Bài hát là một trong những ca khúc được yêu thích nhất, và cũng là ca khúc thiếu nhi duy nhất trong chùm ca khúc về cuộc chiến bảo vệ biên cương phía bắc năm 1979.

Ca khúc "Tiễn thầy giáo đi bộ đội" do nhạc sĩ sáng tác từ câu chuyện của con gái.

Không chỉ viết ca khúc cho thiếu nhi, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn là người chuyển lời Việt cho rất nhiều ca khúc thiếu nhi Nga, mà hai cô con gái là cầu nối. Chị gái của nhà báo Phạm Hồng Tuyến là chị Nguyễn Thanh Tuyền, năm đó đi du học ở Nga, cũng là người dịch gốc bài hát “Ở trường cô dạy em thế”. Còn cô út Hồng Tuyến là người dịch lời và đặt hàng bố “làm lại” bài hát “Theo cánh đu bay” mà bản gốc chị dịch nghĩa đen là “Chiếc đu có cánh”.

Những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ, từ nhà giáo Vũ Thế Khôi, nhà văn Lê Phương Liên, nhà nghiên cứu giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho đến trẻ nhỏ hôm nay.

Nhà giáo Vũ Thế Khôi là một trong những học sinh từ lứa Thiếu sinh quân đầu tiên, cũng là thế hệ đầu từng hát vang những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong chiến tranh, mà ông mô tả là có thể thấy được thiếu sinh quân đã sống như thế nào qua các bài hát. “Tôi tự hào mà nói rằng, chúng tôi là ngọn nguồn của những bài hát mà các bạn thấy hôm nay” - nhà giáo Vũ Thế Khôi nói.

Còn nhà văn Lê Phương Liên kể lại kỷ niệm hát vang bài “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong dịp Tết Trung Thu sau khi Hà Nội được giải phóng. Nhà văn cũng nhắc đến ca khúc “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” - 1 trong 4 bài hát chính thức của Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, mà một trong số các đại biểu tham dự chính là nhà báo Tạ Bích Loan.

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Thụy Anh lại có những chia sẻ rất cảm động về các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Chị nhắc lại câu tục ngữ “Cơm nuôi xác, hát nuôi hồn” và chia sẻ: “Với chúng tôi, ở cái thời mà “cơm” không đủ thì “hát” - những tác phẩm văn chương, âm nhạc, trong đó có các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên - có thể nói là yếu tố quan trọng nhất để chúng tôi được nuôi dưỡng đủ đầy về tâm hồn”.

Những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên không chỉ gói gọn trong phạm vi dành cho hai cô con gái yêu dấu, hay chỉ dành cho một thế hệ trẻ nhỏ, mà đã gắn liền với số phận, với một giai đoạn lịch sử của đất nước. Như MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng nói, các bài hát xuất phát từ rung cảm của nhạc sĩ, mà những rung cảm này có được khi nhạc sĩ đi cùng dân tộc, sống trong lòng dân tộc và cùng chung những rung cảm của dân tộc. Và như nhà báo Tạ Bích Loan đã dùng hai câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật để nói về nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Nở hoa vàng bên suối để ong bay”.

(Nguồn: https://nhandan.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.