You are here

Trường cháu là trường mầm non

Tác giả: 
Phạm Hồng Tuyến

Từ nơi sơ tán, gia đình tôi được về ở ngay trong Đài TNVN, 58 Quán Sứ. Đó là một căn phòng nhỏ, vốn là phòng làm việc, nay biến thành nơi ở, oắt con tôi bé nhất xóm vì mới được gần 5 tuổi. Tuy nằm trong khuôn viên cơ quan nhưng cửa sổ nhà tôi lại quay ra phía phố Thợ Nhuộm, đoạn gần Cửa Nam (ngày nay nơi đó là một số đơn vị thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam như Trung tâm Đào tạo của VTV, sau này tôi cũng nhiều lần đến đây học tập).

Là một đứa bé vốn tò mò, nên tôi lân la đi khắp nơi tìm hiểu chỗ ở mới. Ngay trước nhà có một cây muỗm, và đây chính là “địa danh” nổi tiếng - nơi ghi hình, phát sóng những năm đầu của Truyền hình Việt Nam, trước khi chuyển về Giảng Võ. Ở đó có một trường quay đơn sơ để làm tất tần tật các thể loại chương trình từ Thời sự, Văn nghệ đến Thiếu nhi… Ngay bên cạnh là một xe truyền hình lưu động, xe của Tiệp Khắc hay Ba Lan gì đó tôi không nhớ rõ.

Cũng ngay gần chỗ nhà tôi ở là khu tập luyện của Đoàn ca nhạc Đài TNVN. Tôi nhớ nhất cảnh các cô trong tốp ca tập bài mới, tự đệm bằng đàn thập lục (đàn tranh), trông rất thú vị. Thế là tôi bèn về nhà, lấy cái gối dài mẹ may để ôm đi ngủ ra làm cây đàn của mình, rồi tưng tửng hát ầm lên, lúc ngẩng lên thấy cả lũ trẻ con ngoài phố đứng đầy ở cửa sổ xem màn “biểu diễn”, tôi tá hỏa, vội chạy ra khỏi phòng vì ngượng chết đi được…

Cũng vì cái vụ thuộc bài hát nhanh, nghe bố đánh mấy lần là thuộc nên tôi hay được các chú gọi đi thu thanh ở phòng thu M cạnh nhà. Bố tôi hồi ấy phát hiện ra tai nghe nhạc của con gái khá tốt thì mừng lắm, tôi bỗng trở thành “ca sĩ nhí” vì những lý do rất “tiện lợi”. Tôi nhớ đã hát nhiều bài như “Chú thợ sơn” của chú Lưu Cầu, “Đoàn tàu nhỏ” của chú Mộng Lân… và đặc biệt là bài “Trường cháu là trường Mầm non” của bố tôi.

Nhắc đến bài hát này là phải nói tới trường mẫu giáo mà tôi đi học năm 1973 - trường Mầm Non nằm trên phố Thợ Nhuộm, chẳng hiểu sao bọn tôi hay gọi là Mầm non Bông Nhuộm hay Mầm non Bông Thợ Nhuộm. Đây là trường mẫu giáo nổi tiếng nhất Hà Nội thời bấy giờ, trường đã từng được Bác Hồ tới thăm, ảnh Bác múa cùng các cháu vẫn là bức ảnh quý báu luôn được treo ở chỗ trang trọng nhất. Ngoài ra còn nhiều vị khách nổi tiếng trong và ngoài nước ghé thăm trường, vì thế mà đứa bé nào được học ở đây đều rất tự hào.

Ngày ấy trường Mầm non Bông Nhuộm có 2 cơ sở: một ở số 81 Thợ Nhuôm (nay là Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội), một ở số 88 Thợ Nhuộm (ngày nay vẫn là trường mẫu giáo). Tôi học ở 88 Thợ Nhuộm, ngay bên cạnh số nhà 90, di tích lịch sử gắn liền với Tổng bí thư đầu tiên Trần Phú. Đối với tôi, ngôi trường cùng khoảnh sân xinh xắn ấy không bao giờ có thể quên được. Tôi nhớ trước khi đi sơ tán đã từng được học ở đây trong một thời gian ngắn, nhưng ký ức sâu sắc thì chính là năm 1973, khi được quay lại trường. (Trường ở 88 Thợ Nhuộm về sau thành trường Mầm non A, một số cô giáo đã được điều sang 5 Phan Chu Trinh để thành lập trường Mầm non B).

Lúc đó hiệu trưởng của trường là bác Thục, tôi học lớp cô Ân (sau này cô Ân cũng trở thành hiệu trưởng và là một trong những cô hiệu trưởng được phụ huynh nhớ nhất), bên cạnh lớp tôi là lớp cô Chinh Lam. Cô Chinh Lam thời ấy trẻ măng, vốn là học sinh cũ của trường, được chụp ảnh với Bác Hồ, cô lại có năng khiếu múa hát nên phụ trách việc tập văn nghệ.

Nhà chuyển lên 58 Quán Sứ nên tôi đi học rất tiện vì gần, trường lại tốt nên bố mẹ tôi phấn khởi lắm. Tuy mới 5 tuổi nhưng tôi đã biết đọc, chẳng có ai dạy hết, chỉ vì thấy người lớn đọc báo nên hay lân la hỏi, ngồi xem các chị đánh tú lơ khơ nhiều tôi nhận hết mặt chữ cái của bộ bài, mỗi tội chữ A dứt khoát đọc là Át (vì nghe các chị gọi vậy). Khi đến trường tôi hay cầm theo sách để đọc, xong còn đọc cho các bạn khác nghe, quyển thơ "Góc sân và khoảng trời" của anh Trần Đăng Khoa tôi thuộc làu làu (hồi ấy anh Khoa là đối tượng nghiên cứu cho luận án của mẹ tôi có tên gọi “Đặc trưng tâm lý của trẻ em có năng khiếu thơ”). Ở trường có nhiều bạn đông vui, được cô dạy nhiều bài hát, về nhà là tôi líu lo hát lại. Có một bài của bác Văn Chung mà đứa nào cũng thuộc:

“Đã đến giờ rồi, bố mẹ đến đón về kia rồi

Xin phép cô, cháu ra về

Chào các cô ạ, chúng cháu chào cô ạ!”

Cái chữ “ạ” cuối cùng phải ngân dài ra, xong còn cúi rạp người chào nữa. Riêng vụ “biểu diễn” ấy tôi giống một chú khỉ con làm hề, cả nhà cười nghiêng ngả, bài hát ấy cũng lại được thu thanh nữa chứ.

Và thế rồi, vào một ngày đẹp trời, bác Thục hiệu trưởng, cô Ân trực tiếp dạy đã khẩn khoản nhờ bố tôi sáng tác một bài cho trường, dù gì có phụ huynh là nhạc sĩ ở Đài TNVN cũng rất oách! Bố tôi nhận được đề nghị thì khá ngại ngần, tuy ông đã có nhiều bài hát thiếu nhi, nhưng viết cho lứa tuổi mẫu giáo - cái bọn còn ngồi bô, mũi dãi lèm nhèm thì ông chưa trải nghiệm bao giờ. Thế nên ông cứ khất lần khất lữa vì chưa biết viết như thế nào. Trong khi đó tôi đi học thì các bác, các cô ở trường đều háo hức mong chờ, hỏi thăm bài hát. Và… một ngày tôi nước mắt ngắn, nước mắt dài, dỗi hờn với bố:

- Bố không viết bài hát là con ứ đi học nữa!

 “Thông điệp” của con bé 5 tuổi đưa ra làm ông bố bối rối, ông còn hay chiều cô út nữa cơ, chẳng lẽ không làm được. Đến lúc này thì mẹ tôi ra tay tiếp sức, chả gì mẹ cũng là giảng viên tâm lý học, còn là chuyên gia tâm lý lứa tuổi, thế nên mẹ giúp bố tìm hiểu tâm lý, sinh lý tuổi mẫu giáo (nôm na là tuổi này trẻ con thích gì, không thích gì, tầm cữ giọng hát như thế nào). Ngoài ra bố còn rất chú ý lắng nghe những câu chuyện mỗi ngày của tôi đi mẫu giáo về, chuyện vui đã đành, nhưng có cả những chuyện dở khóc dở cười nữa. Tỉ như tôi không ăn được thịt mỡ, mà bữa nào cũng có món đáng ghét ấy, nên khi ăn, tranh thủ lúc cô giáo không để ý, tôi tuồn ngay miếng thịt mỡ xuống dưới đất, coi như đánh rơi, thật là gian như chấy! Rồi có lần “dấm đài”, quần ướt thì phải mặc quần của đội văn nghệ để trong kho, cái quần sa tanh có đính sao, vụ này những đứa đi học mẫu giáo Bông Nhuộm đều trải nghiệm… Ông đã sáng tác ra một khúc ca trong trẻo và có ngay “ca sĩ” trong nhà thể hiện, để rồi tự tin mang bài hát đến cho các cô giáo.

Thật không thể ngờ là bài hát ngay lập tức được đón nhận và vang xa đến các trường khác, đến cả các tỉnh thành khác nữa. Gần như đứa bé nào đi học mẫu giáo cũng biết bài ấy. Mấy tháng sau thì tôi được thu thanh với phần đệm piano rất hay của chú Lê Hiệp. Ngày xưa các chú dù đệm cho bài trẻ con cũng trân trọng, đàn cẩn thận, trau chuốt, tôn hẳn phần hát của đứa bé vốn mộc mạc, có lẽ vì thế mà băng âm thanh đi được vào lòng người.

“Trường cháu là trường Mầm non”, chữ Mầm non ở đây là tên trường (chứ chưa phải là ngành học Mầm non), và chẳng biết tự bao giờ cứ học trường nào thì các cô giáo và các em bé tự động thay luôn tên trường mình vào: nào là trường cháu đây là trường Kim Liên, trường Hoa Cúc phường 13, rồi ngày nay cả tên Tây - Kid’s Smile cũng được hát lên (mà vào nhạc hát thành Kịt Mai, rất buồn cười).

Bài hát này đã để lại một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời sáng tác của bố khi bắt đầu quan tâm đến lứa tuổi nhỏ xíu, tạo cho trẻ thơ những bài hát ngay từ năm tháng đầu đời. Tôi cũng thật tự hào khi là em bé đầu tiên được hát, nói đúng hơn tôi chính là “tác nhân” để bài ca đó ra đời.

Trích sách HỒI ỨC TUỔI THƠ: BÀI HÁT LỚN LÊN CÙNG CON của Phạm Hồng Tuyến

Nghe bài hát qua tiếng hát Phạm Hồng Tuyến (con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên): https://youtu.be/kphD5YqfNIk

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.