You are here

Tọa đàm “Vai trò của nhạc sĩ với công cuộc chống Covid”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 7 tháng 4 năm 2022, tại Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ và Sáng tác âm nhạc, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Vai trò của nhạc sĩ với công cuộc chống Covid”.

Tham gia Tọa đàm có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ trong Ban thường vụ và Ban Chấp hành; các nhạc sĩ đến từ các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hải Phòng và Hà Nội và đoàn nhạc sĩ Hải Dương, Hương Yên...

Tại buổi tọa đàm, các nhạc sĩ đã được nghe và phân tích một số ca khúc sáng tác rất kịp thời trong thời điểm Covid-19 với giai điệu hào sảng mang tính tự hào, kêu gọi như: “Những bông hoa nở giữa mùa dịch” của Tô Văn (Lai Châu); “Vững một niềm tin” của Đức Trịnh, thơ: Lê Cảnh Nhạc; “Mẹ ơi, con sẽ về”, “Cùng Sài Gòn san sẻ yêu thương”, nhạc và lời: Đỗ Hồng Quân; “Nhà báo chống dịch” của Nguyễn Trung (Bắc Ninh); “Chống dịch Covid” của Thế Phùng (Quảng Ninh); “Hành khúc người chiến sĩ áo trắng” của Nguyễn Kiên Quyết (Bắc Giang); “Mai anh sẽ về” của Dương Đức (Hưng Yên); Nơi tuyến đầu chống dịch”, nhạc và lời: Tuấn Khương (Bắc Giang); “Thế giới bên nhau” của Kấn Tùng Lâm (Phú Thọ)… Các ca khúc được đánh giá có chất lượng tốt, khai thác đúng chủ đề, nội tâm nhân vật, độc đáo…

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, chủ trì tọa đàm, đã có những ý kiến chỉ đạo:

Đối với người nghệ sĩ điều quan trọng nhất là được tự do sáng tạo, trong văn kiện của Đảng đã ghi Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ để phát huy được tài năng, sức lao động sáng tạo; nhấn mạnh văn học nghệ thuật là một lĩnh vực tinh túy của văn hóa, mà văn hóa là nền tảng của xã hội, trong đó vai trò của văn nghệ sĩ rất lớn. Người nhạc sĩ cần có ý thức công dân, trách nhiệm, như Bác Hồ căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Trách nhiệm của người nhạc sĩ trong hơn 2 năm (2020 – 2022) chống dịch Covid vừa qua, các nhạc sĩ bằng tài năng của mình và ý thức công dân đã sáng tác các tác phẩm về đề tài Covid, xác định trách nhiệm rõ ràng trước xã hội, trước nhân dân, chúng ta đã sử dụng âm nhạc như một phương tiện nghệ thuật sức mạnh hiệu quả, thể hiện khát vọng, chứa đựng tình cảm, tâm lý, sự gửi gắm của nhân dân, của những nguời trực tiếp chống dịch trong nội dung tác phẩm. Giai đoạn đầu mang tính chất kêu gọi cùng nhau lên đường chống dich, ca ngợi người chiễn sĩ áo trắng, cổ động tinh thần các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch… càng về sau các bài hát càng đi vào tâm lý, nhu cầu của nhân dân trong vùng dịch, đi vào lòng người, thuyết phục, chia sẻ, cảm thông. Đặc biệt, từ tháng 4/2021, với những đoàn xe chở nhân viên tình nguyện và nhu yếu phẩm chi viện cho miền Nam, âm nhạc trở thành tiếng nói san sẻ và chính điều đó tạo thành niềm tin trong sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, âm nhạc trở lên trữ tình hơn.

Chủ đề cuộc tọa đàm “Vai trò của nhạc sĩ với công cuộc chống Covid” là một đề tài đang được giới âm nhạc và xã hội quan tâm, để có sự lan tỏa, thống nhất về chủ trương cho từng giai đoạn, cần đổi mới trong sáng tạo tác phẩm về tư duy sáng tác. Cuộc chiến chống Covid rất cam go, mặc dù cuộc sống đã đang bình thường mới, nhưng còn nhiều vấn đề hậu Covid làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Vai trò của người nhạc sĩ, vai trò của âm nhạc hay tác dụng của âm nhạc đối với cuộc chiến chống Covid-19 là vấn đề cần nắm bắt kịp thời trong giai đoạn hiện nay.

Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đã có những ý kiến thiết thực:

Âm nhạc luôn đồng hành trong mọi sự kiện lịch sử như một vũ khí tinh thần khích lệ con người. Điều này được chứng minh trong các cuộc kháng chiến ở thế kỷ 20. Sang thế kỷ 21, âm nhạc lần nữa chứng tỏ sức mạnh tuyên truyền cổ động trong giai đoạn covid. Chưa bao giờ có nhiều bài hát cùng đề tài như vậy, chưa bao giờ ngành y được tôn vinh nhiều đến thế.

Cuộc tọa đàm này chúng ta ghi nhận những gì đã làm, với mong muốn không dừng ở mức báo cáo thành tích, mà quan trọng hơn là rút ra được điều gì.

Về âm nhạc: chỉ có thể loại bài hát quần chúng - hành khúc, ca khúc trữ tình, ca khúc thiếu nhi; vẫn thiếu “hài khúc” và những thể loại lớn hơn ca khúc (hợp xướng), hoàn toàn không có khí nhạc. Ngoài ra rất nhiều nhạc chế: đặt lời mới cho giai điệu cũ - dân ca, bài hát quen thuộc. Về lời ca: tự hào Việt Nam, cổ động tinh thần quyết tâm, đồng lòng; hô hào phòng tránh dịch; ít khai thác thế giới nội tâm. Số lượng nhiều, còn chất lượng? Đã đến lúc cần để tâm đến sự bền lâu của tác phẩm. Khi “sứ mạng lịch sử” qua đi, bài hát thời sự không còn phù hợp nội dung nếu giá trị nghệ thuật không cao, kể cả một số bài thời chiến giai điệu hay cũng khó sử dụng, chỉ hát trong chương trình kỷ niệm. Với đại dịch cũng vậy, có nhất thiết cứ phải có từ “covid”? Viết thế nào để tác phẩm vẫn sống sau mùa dịch? Nên chăng tìm tòi cách biểu hiện độc đáo và khái quát hơn, khai thác những khía cạnh những nét đẹp phù hợp với mọi thời? Một tác phẩm có giá trị bền lâu đòi hỏi tính nghệ thuật trong cả nhạc và lời: giai điệu truyền cảm, lời ca giàu hình ảnh, chất thơ, không mắc lỗi dấu giọng.

Tham luận của nhạc sĩ Nguyễn Trung (Bắc Ninh) về hoạt động sáng tác âm nhạc của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là trong thời gian 2 năm vừa qua cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ cả nước sáng tác về đề tài phòng, chống dịch Covid. Trong những ngày tỉnh Bắc Ninh thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, các nhạc sĩ Bắc Ninh đã tích cực sáng tác nhiều ca khúc có giá trị về mặt tư tưởng, nội dung, tuyên truyền cổ vũ tình thần các y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang trên tuyến đầu chống dịch, tiêu biểu như các ca khúc: “Côrôna mày ở đây” của Bá Quang, “Những chiến binh trên tuyến đầu chống dịch” của Ngọc Lường, “Bài ca thanh niên tình nguyện chống dịch” của Quý Thăng, “Đại dịch này cần lắm áo trắng ơi” của Kim Oanh, “Vững tin Việt Nam ơi” của Ngọc Bích, “Covid-19 không làm gì được ta” của Đỗ Anh Quân. Ca khúc “Nhà báo đi chống dịch” của Nguyễn Trung được sáng tác rất nhanh theo thể loại tuyên truyền, ngắn, dễ thuộc, dễ hiểu; với sự đồng cảm dành cho các đồng nghiệp, cùng với ca khúc “Nỗi đau xin đừng ché giấu” (in trong tập ca khúc “Niềm tin” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ca khúc “Nhà báo có lệnh là đi” đã giúp người dân có thêm một cái nhìn sâu sắc về các nhà báo, phóng viên - lực lượng đang ngày đêm vất vả trên tuyến đầu chống dịch để có những tin, bài chân thực nhất.

Nhạc sĩ Cao Hồng Phương (Phú Thọ): Lần này đến Quảng Ninh, chúng ta đã có một Trung tâm bề thế, để đào tạo những lớp nhạc sĩ kế cận. Mong muốn Trung tâm ngày càng phát triển, cho các thế hệ nhạc sĩ tài năng của chúng ta tới đây tiếp tục sáng tác, lên lớp truyền đạt lại các kiến thức cho đội ngũ kế cận. Vai trò của nhạc sĩ đối với công cuộc chống Covid, đây là một đề tài quan trọng, mà Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tô chức các đợt sáng tác liên tục từ khi dịch Covid bùng phát, tổ chức được một lực lượng sáng tác đông đảo sáng hàng nghìn ca khúc, tổ chức dàn dựng, biểu diễn trực tuyến, Góp phần vào công tác chống dịch hiệu quả.

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ trong thời gian vừa qua đã tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài phòng chống Covid, được Ban Tuyên giáo tỉnh ủy hoan nghênh ủng hộ. Đã có 400 tác phẩm tham dự, trong đó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Thọ đã tham gia sáng tác 30 tác phẩm âm nhạc về đề tài này. Ở đây thấy rằng vai trò của người nhạc sĩ không chỉ tham gia sáng tác mà còn dàn dựng, chỉ huy, lý luận… phối hợp với các Đoàn nghệ thuật của tỉnh dàn dựng, biểu diễn các tác phẩm, phối hợp với Đài truyền hình Phú Thọ để quảng bá tác phẩm của mình, quảng bá trên các diễn đàn, biểu diễn vào các dịp đặc biệt tại địa phương...  Tạp chí Văn học nghệ thuật “Đất Tổ” cũng mở riêng một chuyên mục về sáng tác văn học nghệ thuật phòng chống Covid; biên soạn sách “Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ chung tay chống dịch Covid-19” … Trong thời gian tới cần nâng cao bút pháp sáng tác, chất lượng tác phẩm và quy mô tổ chức các chương trình nâng cao hơn nữa, để đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Nhạc sĩ Xuân Nhật (Quảng Ninh): Với nội dung vai trò của nhạc sĩ trong công cuộc phòng chống dịch Covid, chúng ta đã đi được một chặng đường dài mà đến nay vẫn còn tiếp tục, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Quang đã tham gia sáng tác và phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật, Công an tỉnh, Sở Y tế làm các chương trình như: ca nhạc – thơ, biểu diễn các tác phẩm về đề tài Covid. Các nhạc sĩ của chi hội đã sáng tác, dàn dựng và thu âm… để quảng bá, cổ động trên mạng xã hội, và Chi hội đã phối hợp với công ty truyền thông xây dựng được một MV ca nhạc “Quảng Ninh tự tin chiến thắng”… Thời gian tới, Chi hội cần nâng cao sáng tác, đi sâu vào đề tài, nội dung hơn nữa để đạt được hiệu quả trong sáng tác.

Nhạc sĩ Đào Minh Hoàng (Vĩnh Phúc): Được tham gia vào sáng tác về đề tài phòng chống Covid cùng toàn Đảng, toàn dân là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm công dân của mỗi người nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh (Bắc Ninh): Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch ra tập sách và chương trình ca nhạc chuyên đề, tập hợp và giới thiệu các ca khúc của các nhạc sĩ trong tỉnh sáng tác về đề tài Covid. Nhận xét về đề tài nhạc sĩ nhận thấy các tác phẩm về đề tài phòng chống dịch Covid, ban đầu mang tính kêu gọi, cổ động, nhưng về sau ngày càng sâu lắng, sâu sắc, đặc biệt có sự hỗ trợ của các nhà thơ.

Nhạc sĩ Mai Đoan (Hải Dương) rất vui mừng, tự hào được tham gia sáng tác các tác phẩm về đề tài Covid, đặc biệt là tự sáng tác lời và nhạc.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh đã có những nhận xét tổng kết:

Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhạc sĩ tham dự về các nội dung hoạt động sáng tác, chất lượng tác phẩm về đề tài phòng, chống dịch Covid-19; được nghe một số ca khúc tiêu biểu của các nhạc sĩ sáng tác về đề tài này. Đặc biệt là ý kiến của nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, với quan điểm là chúng ta nên có các sáng tác mang tầm vóc lớn hơn, như tình yêu con người, quê hương đất nước, làm sao để tác phẩm có đời sống lâu bền…

Nhìn lại chặng đường hoạt động âm nhạc hơn 2 năm vừa qua (2020 – 2022), trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng và gây hậu quả nặng nề đến nền kinh tế đất nước và các mặt của đời sống xã hội. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngày 30/3/2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động đợt sáng tác bài hát để kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Chỉ sau hơn một tuần, đã có trên 100 ca khúc của các tác giả từ Lai Châu, Điện Biên, đến Cần Thơ, Cà Mau, Đăk Lăk, Gia Lai, Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội… gửi về Hội. Trong tuần đầu của tháng 4 năm 2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam gấp rút tổ chức biên soạn, in ấn Tuyển tập ca khúc mang tên “Niềm tin”. Hội đã kịp thời gửi đến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các Ban, ngành, các đơn vị… như quà tặng cổ vũ tinh thần.

Tiếp theo đó, thực hiện Chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tiếp tục phát huy thành quả của các tác phẩm Văn học nghệ thuật sáng tác về đề tài “Chung tay cùng toàn dân phòng chống dịch Covid-19”, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội xây dựng chương trình âm nhạc trực tuyến tại 3 điểm cầu là Hà Nội - Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Niềm tin - Chúng ta là người chiến thắng”, có thời lượng 120 phút, ngày 29 tháng 4 năm 2020, có số lượng truy cập lên đến 30.000 người.

Kể từ đầu năm 2021, khi làn sóng dịch lần thứ 4 lan tràn, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/7/2021, và các Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách về phòng chống Covid-19, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc hưởng ứng và để đóng góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là các lực lượng trên mặt trận tuyến đầu chống dịch. Chỉ hơn một tuần từ cuối tháng 7 năm 2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được trên 400 ca khúc của các nhạc sĩ hội viên và các tác giả trong cả nước gửi về. Hội đã tuyển chọn, dàn dựng thu âm, thu hình dựng thành một Clip, với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu I, Nhà hát ca múa nhạc Quân đội và các nghệ sĩ như: NSND Quốc Hưng, NSƯT Đức Long, ca sĩ Lan Anh, Tùng Dương, Viết Danh, Đào Tố Loan… để kịp thời giới thiệu ra mắt 20 ca khúc mới để gửi tới đồng báo chiến sĩ và đặc biệt các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch trong trung tuần tháng 8 năm 2021.

Tiếp theo, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu nơi tuyến đầu”, được phát động từ ngày 17 tháng 8 năm 2021 đến ngày 2 tháng 10 năm 2021, đã thành công tốt đẹp với gần 1.300 tác phẩm của 935 tác giả và đồng tác giả từ 63 tỉnh, thành trên toàn quốc gửi tham dự, đã khẳng định tiềm năng, nhiệt tình, ý thức trách nhiệm và sự sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác âm nhạc chuyên và không chuyên trong cả nước, đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã tới dự Lễ tổng kết trao giải thưởng.

Nhìn chung, các tác phẩm sáng tác về đề tài Covid của các nhạc sĩ, tác giả trong thời gian vừa qua, đa dạng về chủ đề, thể loại, phong cách và chất liệu âm nhạc. Phần lớn đã khai thác đúng chủ đề là góp thêm tiếng nói san sẻ, cảm thông và ngợi ca những con người trên tuyến đầu chống dịch, thắp sáng niềm tin vào công cuộc phòng, chống dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và ngành Y, động viên mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng chung sức vì công cuộc đại sự quốc gia, hành động có hiệu quả trước nguy cơ sinh tồn của dân tộc.

Một số hình ảnh tại cuộc Tọa đàm:

Chi hội Bắc Giang cùng lãnh đạo Hội

Đoàn nhạc sĩ Hưng Yên và Hải Dương cùng lãnh đạo Hội

 

 

 

 

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.