You are here

Tọa đàm “Âm nhạc Dân gian Tây Nguyên trong đời sống Âm nhạc hiện nay”

Tác giả: 
​ Thanh Nhã

Chiều ngày 19 tháng 5 năm 2022, tại Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật Đăk Lăk tổ chức cuộc Tọa đàm “Âm nhạc Dân gian Tây Nguyên trong đời sống Âm nhạc hiện nay”.

Tham dự Tọa đàm có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam; đồng chí Đặng Gia Duẩn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lắk; nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đăk Lăk; bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắc Lắk; nhạc sĩ Linh Nga Niê kdam – Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đắc Lắk; Chủ tịch các Liên hiệp Hội, Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành, Chi hội trưởng các Chi hội có đoàn tham gia Liên hoan; các đồng chí lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Đắc Lắk; các giảng viên và đông đảo các em sinh viên Trường Văn hóa nghệ thuật Đăk Lăk; các phóng viên báo đài Trung ương và địa phương...

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội; và gần 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ tiêu biểu thuộc các Hội Âm nhạc, Chi hội nhạc sĩ, Đoàn nhạc sĩ 20 tỉnh, thành: Đắk Lắk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên - Huế.

Chủ tọa cuộc tọa đàm: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; nhà Lý luận phê bình Âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu và nhà văn Niê Thanh Mai.

Phát biểu khai mạc, nhạc sĩ Đức Trịnh đã khẳng định: Đây là một Tọa đàm rất ý nghĩa, bổ ích đối với sự nghiệp sáng tác các nhạc sĩ của chúng ta, là hoạt động giao lưu trao đổi về chuyên môn, thường gắn liền với các Liên hoan âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Mỗi lần Liên hoan âm nhạc được tổ chức ở khu vực nào thì có các chủ đề về âm nhạc của khu vực đó. Tại Liên hoan âm nhạc lần này, chúng ta được nghe rất nhiều cung bậc âm nhạc của Tây Nguyên, để ngày càng nhận thấy vốn quý của âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận xét: Tọa đàm đề cập đến vấn đề lớn mang nhiều yếu tố khoa học và tính thực tiễn: Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay: Chủ đề rộng mở cho chúng ta cái nhìn tổng quan về âm nhạc dân gian Tây Nguyên, để vận dụng, tri ân một thế giới âm nhạc trầm tích ngàn năm của đồng bào Tây Nguyên vào đời sống âm nhạc hiện nay.

Đây là đề tài rất lớn không chỉ cho một cuộc tọa đàm trong khuôn khổ của một cuộc Liên hoan âm nhạc, mà còn là đề tài nghiên cứu khoa học ở cấp độ của nhiều đề án, luận án Tiến sĩ, nhiều hội thảo quốc tế và khu vực. Càng đi sâu nghiên cứu càng thấy âm nhạc Tây Nguyên càng sâu thẳm, đâu chỉ là tiết tấu sôi động mà còn lắng sâu, thâm trầm thể hiện nội tâm của con người Tây Nguyên.

Với 12 bản tham luận của các nhạc sĩ gửi đến tham gia Tọa đàm, đóng góp nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu âm nhạc, các nhạc sĩ, các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên âm nhạc... cho thấy Âm nhạc dân gian Tây Nguyên là một tổng thể trong đời sống âm nhạc của các dân tộc Việt Nam, để hiểu sâu về âm nhạc Tây Nguyên rất phong phú đa dạng và phức tạp, còn rất nhiều đề tài, chất liệu để các nhạc sĩ có thể khai thác về thể loại ca khúc, nhạc cụ, diễn tấu, khí nhạc...

Tiêu chí của các cuộc Liên hoan của Hội là đi từ dân tộc đến hiện đại, đi từ dân gian đến đương đại. Ngày hôm nay, chúng ta nhận thấy rằng âm nhạc dân gian Tây Nguyên không chỉ là âm nhạc của các dân tộc đặc trưng của Tây Nguyên mà Tây Nguyên còn có 49 dân tộc sinh sống quây quần bên nhau, tạo nên màu sắc da dạng, để các nhạc sĩ vận dụng, xử lý vào các sáng tác của minh.

Nhà Lý luận âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu trình bày đề dẫn cho cuộc Tọa đàm: sau 2019 vì đại dịch không tổ chức liên hoan được, nên cuộc liên hoan này càng mang ý nghĩa đặc biệt hơn, là cuộc Liên hoan đầu tiên của nhiệm kỳ X với sự có mặt đông chưa từng thấy số ủy viên Ban Chấp hành, với sự tham gia của 20 tỉnh thành (trong đó 5 đoàn Tây Nguyên và 15 đoàn từ Bắc - Trung - Nam). Ban tổ chức không muốn cuộc tọa đàm này chỉ đơn thuần là buổi thuyết trình các bản tham luận nặng về học thuật và lý thuyết của các nhà lý luận nghiên cứu, mà đối tượng muốn hướng đến là các nhà thực hành - những người trực tiếp tham gia lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Đây là cuộc trao đổi góp ý cho nhau về những tác phẩm vừa ra lò còn nóng hổi, đưa ra những thắc mắc, băn khoăn mang tính nghề nghiệp. Với một buổi chiều để bàn luận tới những gì liên quan tới nhạc mới của Tây Nguyên quả là quá tải. Thôi thì chúng ta cứ cày xới dần qua mỗi cuộc liên hoan. Nghe nhau, cùng nhau tranh luận để học lẫn nhau, học từ cái hay và cái dở của nhau để trưởng thành hơn trong sáng tạo nghệ thuật. Đó là điều mà những người tổ chức cuộc gặp mặt này mong mỏi hơn hết thảy.

Tọa đàm đã được nghe các tác giả trình bày các bản tham luận và các ý kiến trực tiếp, trao đổi về với các nội dung: Vận dụng chất liệu âm nhạc dân tộc Tây Nguyên trong sáng tạo tác phẩm âm nhạc mới, bảo tồn bản sắc độc đáo của âm nhạc dân gian, cổ truyền các dân tộc Tây Nguyên…

Nhà văn Niê Thanh Mai với tham luận “Văn học nghệ thuật Đăk Lăk – mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên” đã giới thiệu khái quát về văn học nghệ thuật Đăk Lăk.

Nhạc sĩ Linh Nga Niê kdam (Đắk Lắk) với tham luận “Âm nhạc trong trường ca sử thi Tây Nguyên”

Nhạc sĩ Mạnh Trí (Đắk Lắk) với tham luận “Một số kinh nghiệm về sáng tác ca khúc sử dụng chất liệu, âm hưởng dân tộc M’nông”

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan (Gia Lai) với tham luận “Âm nhạc Tây Nguyên trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam”

Nhạc sĩ Thu Huyền (Lâm Đồng) với tham luận “Âm nhạc Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay”

Nhạc sĩ, NSƯT A Duh (Kon Tum) với tham luận “Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống hiện nay”

Và các tham luận khác như: “Cồng chiêng Bình Định hòa cùng giòng chảy âm nhạc Tây Nguyên” của nhạc sĩ Thế Tuyên (Bình Định); “Khai thác, sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Ê Đê để xây dựng ngôn ngữ âm nhạc cho tác phẩm của một số nhạc sĩ Việt Nam” của nhạc sĩ Trầm Tích (Đắk Lắk); “Phân khu âm nhạc vùng Tây Nguyên” của nhạc sĩ Y Phôn Ksor (Đắk Lắk); “Yếu tố lượng tính của dàn Mã La Raglai ở Khánh Hòa” nhạc sĩ Hình Phước Liên (Khánh Hòa); “Âm nhạc truyền thống của dân tộc Chăm” của nhạc sĩ Phan Quốc Anh (Ninh Thuận); “Bắc Ninh sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên” của nhạc sĩ Nguyễn Trung (Bắc Ninh)...

Tại Tọa đàm, một Chương trình nghệ thuật do Đoàn Ca múa dân gian Đăk Lăk thực hiện gồm các tiết mục đậm chất dân gian Tây Nguyên, mang đến nhiều cảm xúc sáng tác cho các nhạc sĩ và các nhà lý luận phê bình âm nhạc.

Xem chùm ảnh tại đây: http://hoinhacsi.vn/lien-hoan-am-nhac-tai-daklak-chum-anh-3-0

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.