You are here

Tết Việt trên xứ Đài

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Di dân, Bộ Nội chính Đài Loan đến cuối tháng 9 năm 2018, tổng số cư dân trên hòn đảo này là 23.780.000 triệu người, trong đó, số dân nhập cư mới có 539.090 người, gần bằng tổng số nhân khẩu 16 tộc người thiểu số, di dân từ Đại Lục, Hong Kong, Macao chiếm 66%, kế đến người Việt Nam 19%, lần lượt tới người Indonesia, Philippine, Thai Lan, mỗi nước chiếm 2%… Như vậy, người Việt Nam có nhân khẩu cao nhất trong số di dân mới ngoài Trung Quốc Đại Lục, Hong Kong và Macao. Có người hình dung, trung bình cứ khoảng bảy đứa trẻ sinh ra thì có một trường hợp mang dòng máu Việt Nam. Người Việt Nam không chỉ là một cộng đồng chiếm nhân khẩu cao trong số di dân mới mà còn có tầm ảnh hưởng ở Đài Loan. Tại thành phố Đài Trung có nhiều khu phố tập trung người Việt, cửa tiệm, nhà hàng, quán phở… ghi bằng chữ Việt. Cùng với chính sách “Hướng về nam” của chính quyền tổng thống Thái Anh Văn, cộng đồng người Việt ở Đài Loan càng ngày càng có cơ hội tham gia vào tiến trình phát triển chung.

Đứng trước nhu cầu đó, đặc biệt là cơ hội gắn kết, giao lưu văn hóa Việt Nam – Đài Loan, năm 2019, lần đầu tiên Cục Di sản thành phố Đài Trung kết hợp với Trường Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc tổ chức tết Việt ở Khu vườn Sáng tạo thuộc Cục Di sản, thành phố Đài Trung. Chương trình triển lãm, trình diễn văn hóa Việt Nam với chủ đề “Ngỡ ngàng Việt Nam”. Năm đó tôi được mời làm cố vấn chương trình. Để tổ chức một sự kiện văn hóa có ý nghĩa đối với cả cộng đồng người Việt xa xứ và người Đài Loan bản xứ, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị công việc từ hơn một năm trước. Nhớ những ngày cận kề tết nguyên đán năm mậu tuất (2018), nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc – đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế tổng thể chương trình – cùng nhau rong ruổi, xuôi ngược suốt ba miền đất nước. Nhằm tìm hiểu, nghiên cứu, phân loại di sản để đưa vào chương trình, nhóm chuyên gia phải nhờ đến sự hỗ trợ của Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Múa rối nước Thăng Long Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội, cùng nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà cung cấp sản phẩm trưng bày… Tất cả cùng tham gia, thúc đẩy vì một mục tiêu chung, đó là đưa những gì thuộc tinh hoa, tinh túy trong văn hóa Việt Nam vào chương trình. Qua chuyến khảo sát, nghiên cứu thực địa, các chuyên gia Đài Loan không khỏi ngỡ ngàng về sự phong phú, đa dạng trong di sản văn hóa Việt Nam, rất khó đưa ra quyết định lựa chọn hay loại bỏ di sản nào. Tất nhiên, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện văn hóa, không gian tổ chức, chúng tôi buộc phải giới hạn số lượng di sản, kể cả văn hóa vật thể lẫn phi vật thể. Ngoài ra, điểm đáng lưu ý trong không gian tổ chức sự kiện tại Khu vườn Sáng tạo Văn hóa thuộc Cục Di sản văn hóa, thành phố Đài Trung. Cục Di sản – đơn vị chủ trì, tổ chức - đã giao cho chúng tôi một không gian rộng khoảng 1000 m­­2. Đây vốn là phân xưởng sản xuất rượu xây dựng vào năm 1916. Thời kỳ đầu Trung Hoa Dân Quốc, nó thuộc cơ sở sản xuất rượu tư nhân, sau năm 1945 được chính quyền thành phố Đài Trung tiếp quản. Tháng 7 năm 2002, công trình này chính thức được công nhận di sản Kiến trúc lịch sử nằm trong quần thể Khu vường Sáng tạo Văn hóa rộng 56.000m­­2 thuộc Cục Di sản, Bộ Văn hóa Đài Loan. Mục đích của chúng tôi là biến tòa nhà này thành một bảo tàng Việt Nam với bố cục chia ba, tương ứng với không gian văn hóa ba miền đất nước.

Việc mua sắm hiện vật trưng bày gặp rất nhiều khó khăn, có những sản phẩm phải sưu tầm từ nhiều nguồn, như nông cụ, nhạc cụ, khung cửi dệt vải, trang phục, nón lá, cây nêu, nhà dài… Ý tưởng liên kết, hợp tác giữa các đơn vị, bảo tàng nhà nước và tư nhân đã được nghĩ tới, nhưng không mang tính khả thi. Để ký một thỏa thuận hợp tác (MOU) với Đài Loan từ phía Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Còn thuê sản phẩm trưng bày ở bảo tàng tư nhân không đủ điều kiện pháp lý để vận chuyển đi trưng bày. Cuối cùng, chúng tôi tập trung nguồn lực mua sắm hầu hết các hiện vật trưng bày, duy có “sân khấu rối nước” phải thuê của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Đằng nào họ cũng phải dựng sân khấu để biểu diễn khai mạc, đồng thời tập trung diễn xuất vào mấy ngày đầu năm mới. Sau đó, sân khấu được bảo lưu trong khoảng thời gian ba tháng nhằm mục đích trưng bày.

Tất cả mọi công việc cuối cùng hoàn tất trước ngày ông Táo về trời (23 tháng chạp năm 2018). Hiện vật trưng bày được triển lãm kéo dài suốt ba tháng, đi kèm với nó là chuỗi sự kiện mừng năm mới, từ biểu diễn múa rối nước, hòa tấu cồng chiêng Tây Nguyên, múa Chăm cho đến Đờn ca Tài tử Nam Bộ… Bên cạnh đó, chúng tôi còn phục hiện không gian văn hóa tết cổ truyền của người Kinh, trưng bày mâm ngũ quả, bàn thờ ông Địa… với nghi thức thờ cúng tổ tiên, trình diễn, truyền dạy cách gói bánh chưng, nói chuyện chuyên đề về ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật… Điểm nhấn của toàn bộ chuỗi sự kiện tập trung vào các ngày đầu năm mới, từ mùng 2 tới mùng 6 tết, bao gồm: biểu diễn múa rối nước, hòa tấu cồng chiêng Tây Nguyên, múa Chăm, Đờn ca Tài tử Nam Bộ…

Giáo sư Giang Minh Thân, Viện trưởng Viện kiến trúc, trường Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc là người thiết kế tổng thể chương trình. Cô vốn là chuyên gia hàng đầu về ngành bảo tàng, nên đã tái thiết không gian tổ chức sự kiện thành một bảo tàng với ba phân khu, tương tứng với vùng văn hóa Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ. Đi kèm với các vùng văn hóa này là sản phẩm trưng bày, chủ yếu tập trung vào loại hình văn hóa ăn, mặc, ở, đi lại. Bên cạnh hiện vật trưng bày dưới dạng tĩnh, còn có các hoạt động tương tác, trải nghiệm, biểu diễn nghệ thuật sống động … Thời gian diễn ra sự kiện kéo dài ba tháng, từ cuối tháng chạp tới hết tháng 3 (âm lịch), tâm điểm tập trung vào dịp tết nguyên đán. Vì vậy, trong khu vực trưng bày hiện vật được thiết kế riêng một căn nhà nhỏ giới thiệu văn hóa tết của người Việt, bên ngoài dán câu đối, bên trong kê chiếc bàn tròn đặt mâm ngũ quả đối diện với bàn thờ tổ tiên… Sau lễ khai mạc khu trưng bày, rất nhiều Việt kiều đã tới tham quan. Theo quan sát của Ban tổ chức, điểm níu chân họ nhất chính là gian nhà nhỏ trưng bày văn hóa tết. Nhiều người trong bộ trang phục truyền thống tới ngồi vào bàn, chúc tết lẫn nhau. Có lẽ trong chúng ta, hình ảnh đó đã trở thành điều hết sức bình thường mỗi dịp tết đến xuân về, song, đối với người Việt xa xứ, đây là lần đầu tiên được trải nghiệm một cái tết với hương vị quê nhà trên xứ người. Văn hóa vừa trìu tượng, vừa cụ thể, vừa dễ bị thờ ơ, nhưng thật sự vô giá. Nếu đặt mình vào tình huống người xa xứ, lưu lạc nơi xứ người, một hình ảnh thân quen đập vào mắt mang ý nghĩa to lớn đến nhường nào. Nhìn đoàn người xếp hàng “rồng rắn” trước giờ biểu diễn thực sự gây ấn tượng cho những người tổ chức. Ngoài các tiết mục biểu diễn chính, chúng tôi còn chọn điều khiển rối nước, hòa tấu cồng chiêng, giới thiệu tính năng đàn bầu làm nội dung học tập trải nghiệm (work shop) cho khán thính giả. Nhờ hoạt động này mới thấy phần nào sức hấp dẫn của nghệ thuật truyền thống, đồng thời kiểm chứng được giá trị của sự khác biệt văn hóa. Buổi học tập trải nghiệm điều khiển con rối thu hút khán thính giả từ nhỏ tuổi đến các vị cao niên. Ai cũng muốn mặc bộ đồ nhái, lội bì bõm, ngâm mình dưới làn nước lạnh để điều khiển con rối. Múa rối nước vốn là một di sản độc đáo, có một không hai trên thế giới. Rối cạn, hiểu là người điều khiển con rối trên sân khấu hoặc mặt đất (trên cạn nói chung) như rối tay của Trung Quốc, rối bóng của Campuchia… có ở nhiều nơi trên thế giới, chứ rối nước duy nhất có ở Việt Nam. Nó chính là sản phẩm sinh ra từ nền văn minh lúa nước, vùng đồng chiêm trũng thường xuyên có nước lũ viếng thăm. Người Việt đã sáng tạo nên loại hình nghệ thuật này từ hơn 1000 năm trước, trong dân gian vẫn tiếp tục truyền dạy, bảo lưu, nhất là vùng văn hóa Bắc Bộ. Cùng với múa rối nước, cây đàn bầu cũng là một điểm nhấn văn hóa gây chú ý cao độ cho người ngoại quốc. Trong quá trình giao lưu văn hóa, thiết kế chương trình, chúng tôi thường ưu tiên giành riêng một tiết mục cho đàn bầu. Buổi học trải nghiệm, làm quen với đàn bầu 1 dây đã phát huy hiệu quả bất ngờ. Khán thính giả thực tập trải nghiệm đàn bầu không chỉ xuất phát từ sự hiếu kỳ, mà còn có cả giới làm nghệ thuật, âm nhạc chuyên nghiệp. Họ thực sự ấn tượng, khâm phục trước khả năng biểu cảm của cây đàn bầu với cấu trúc đơn giản, chỉ có 1 dây, song lại có tính năng phong phú, đa dạng. Riêng nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên đặt trong không gian văn hóa ngày tết cổ truyền Việt Nam trên xứ Đài có một vị trí hết sức đặc biệt. Trước hết, cần phải nói rằng, không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia trường Nghệ thuật Đài Bắc chọn cồng chiêng Tây Nguyên của người Ê Đê tham gia chuỗi sự kiện văn hóa tết Việt đầu tiên tại Đài Trung. Tại đảo Đài Loan, bên cạnh người Hán chiếm đa số thì cả 16 thành phần dân tộc bản địa đều thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo. Người Ê Đê ở Tây Nguyên nước ta cũng thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo. Tính chất “đồng văn” này là một trong những nguyên do dẫn tới sáng kiến thiết kế sự kiện văn hóa có sự tham gia của người Ê Đê, ngoài “thương hiệu” di sản “Không gian văn hóa nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên” được Unesco vinh danh vào năm 2005.

 Để đưa nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên cấy ghép vào không gian văn hóa ngày tết Việt ở Đài Loan, chúng tôi đã chuẩn bị, thiết kế nửa ngôi nhà dài của người Ê Đê làm bối cảnh, đi kèm với nó là cây nêu, ché rượu cần, đặc biệt phải phục dựng nghi lễ Cầu an để tạo “không gian văn hóa” cho màn trình diễn nghệ thuật hòa tấu cồng chiêng. Như chúng ta biết, di sản cồng chiêng được Unesco công nhận: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, nên đi kèm với hòa tấu cồng chiêng là một không gian văn hóa hữu tình, cụ thể. Sau Lời cúng của già làng, nghi thức trao vòng cho gia chủ, tượng trưng sự bình an, sức khỏe, mọi người quây quần bên ché rượu cần, rồi tiếng cồng chiêng khai hội vang lên, đoàn người vừa nhảy múa, vừa hòa tấu cồng chiêng. Tất cả diễn ra quanh cây nêu, trục thiêng đóng vai trò trung tâm nghi lễ.

Chương trình trải nghiệm diễn tấu cồng chiêng cũng được tổ chức cho khán thính giả, đa số là các bạn trẻ. Thay vì sử dụng cồng chiêng bằng đồng, ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn ống lồ ô còn gọi là chinh Kok và ching K’ram để thay thế. Chúng giống như chiếc chiêng làm bằng chất liệu tre, nứa phỏng theo âm sắc cồng chiêng (vốn làm bằng chất liệu đồng thau, hợp kim). Loại chiêng tre này vừa có khả năng thay thế chiêng đồng, vừa sử dụng rất hiệu quả vào việc truyền dạy, học tập trải nghiệm. Kết thúc buổi học trải nghiệm, khán thính giả cũng có một chương trình biểu diễn cồng chiêng (tre) nghiệm thu cùng với chiêng đồng của nhóm nghệ nhân đến từ Việt Nam.

Tết là thời điểm thiêng liêng – nơi hội tụ những giá trị tinh hoa trong văn hóa. Trong ngôi nhà Việt dựng lên trên xứ Đài, chúng tôi đã gặp, tiếp xúc rất nhiều người Việt. Họ tuy không được trở về quê hương đón tết, nhưng đã cùng nhau hướng về không gian văn hóa cộng động nơi xứ người. Việt Nam và Đài Loan tuy cách nhau khoảng 2000km, xét về thời gian, cả hai bên cũng chỉ lệch nhau một múi giờ và có chung một thời gian tổ chức tết. Thông qua sự tương đồng và khác biệt văn hóa, chúng ta có cơ sở cùng nhau tổ chức sự kiện tết cho cả người Việt và người bản xứ Đài Loan. Chương trình với mong muốn gắn kết tết Việt vào không gian văn hóa xứ Đài nhằm tạo nên cuộc đối thoại giữa hai nền văn hóa.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.