You are here

Song tấu Piano - Violon khám phá những tác phẩm kinh điển

Tác giả: 
Hồng Nguyên

Với lối chơi kĩ thuật bậc thầy và đầy xúc cảm của những người nghệ sĩ đến từ 2 nền văn hóa Pháp - Việt, Vincent Adragna (piano) và Chương Vũ (violon), công chúng yêu nhạc sẽ có nhiều bất ngờ qua hành trình khám phá những tác phẩm kinh điển trong Đêm song tấu piano - violon.

Xuyên suốt chương trình, khán giả sẽ được thưởng thức những tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc lừng danh như Claude Debussy, Maurice Ravel, Johannes Brahms, Gabriel Fauré và Lili Boulanger.

Mở đầu chương trình sẽ là Hai arabesque (Deux arabesques), L. 66 viết cho piano độc tấu do Claude Debussy sáng tác khi ông 26 tuổi, một trong những tác phẩm tiên phong của trường phái âm nhạc Ấn tượng tại Pháp. Được trao tặng huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh, huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp, vào năm 1903, có thể nói Claude Debussy là một trong những nhà soạn nhạc có ảnh hưởng nhất vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Jeux d'eau (tạm dịch: Trò chơi của nước) là tác phẩm viết cho piano độc tấu của nhà soạn nhạc người Pháp, Maurice Ravel, ra đời vào năm 1901. Đây là tác phẩm Ravel viết tặng Gabriel Fauré, người thầy đã có ảnh hưởng lớn đến con đường âm nhạc của Ravel. “Bản nhạc lấy cảm hứng từ âm thanh của nước, những thanh âm đầy nhạc tính phát ra từ các tia nước, thác nước và các con suối, dựa trên hai mô-típ giống như phần đầu của một bản sonate, nhưng lại không tuân theo các quy luật âm sắc cổ điển.” - Maurice Ravel

Có thể nói Maurice Ravel và Claude Debussy là hai đại diện nổi bật nhất của trường phái âm nhạc Ấn tượng. Cả Hai arabesque, L. 66 và Jeux d'eau đều được viết khi Ravel và Debussy còn rất trẻ, thể hiện sự thoát ly tuyệt đối với âm nhạc truyền thống của Đức (Brahms, Beethoven…)

Nghệ sĩ Piano Vincent Adragna.

Tác phẩm cuối cùng trong phần đầu tiên của đêm nhạc, Bốn khúc nhạc viết cho piano độc tấu, Op. 119 của Johannes Brahms là minh chứng cho sự tương phản mạnh mẽ giữa chủ nghĩa Lãng mạn trong âm nhạc truyền thống Đức và chủ nghĩa Ấn tượng do các nghệ sĩ Pháp khởi xướng. Được sáng tác vào mùa hè năm 1893 tại Bad Ischl (Áo), Bốn khúc nhạc viết cho piano độc tấu hay “khúc hát ru cho những nỗi đau” của Brahms, cũng là những bí mật cuối cùng nhà soạn nhạc bậc thầy người Đức muốn thổ lộ riêng với cây đàn piano.

Phần hai của đêm nhạc sẽ là Hai khúc nhạc viết cho violon và piano: Dạ khúc (1911) và Đám rước (1914) của nhà soạn nhạc nữ người Pháp Lili Boulanger (1893-1918) và Bản sonate viết cho violon và piano số 1 cung la trưởng, Op.13 (1875-76) của Gabriel Fauré (1845-1924).

Lili Boulanger là thần đồng âm nhạc. Chính Gabriel Fauré, một người bạn của gia đình, đã phát hiện ra “đôi tai tuyệt đối” (khả năng cảm âm tuyệt đối) của Lili Boulanger khi bà mới được hai tuổi. Ở tuổi 19, bà là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới giành được Giải thưởng La Mã (Prix de Rome). Qua đời ở tuổi 24 vì bệnh lao, Lili Boulanger để lại một kho tàng âm nhạc có giá trị, chủ yếu là các tác phẩm viết cho dàn nhạc và hợp xướng, trong đó phải kể đến tác phẩm Les Psaumes (Tụng thánh vịnh) 24, 129 & 130, Vieille prière bouddhique (Tạm dịch: Lời khấn Phật cổ xưa), một ca khúc tôn giáo tuyệt đẹp cùng một vở opera vẫn còn dang dở. Nếu Dạ khúc (1911) mang vẻ quý phái, trầm ngâm thì Đám rước (1914) lại nhẹ nhàng, trong trẻo.

Bản sonate viết cho violon và piano số 1 cung la trưởng, Op.13 của Gabriel Fauré (1845-1924) được viết năm 1875. Một năm sau, tác phẩm đã gặt hái được thành công rực rỡ ngay từ lần công diễn đầu tiên. Chính nhà soạn nhạc thiên tài Saint-Saëns đã viết: “Chúng tôi tìm thấy trong bản Sonate này tất cả những yếu tố làm nên sức quyến rũ của một tác phẩm âm nhạc: hình thức mới mẻ, điệu tính được nghiên cứu kỹ lưỡng, những thanh âm khơi gợi trí tò mò hay cách sử dụng những nhịp điệu gây bất ngờ nhất… Ngài Fauré đã đạt đến đến trình độ của các bậc thầy.” Trên thực tế, bản sonate này của Fauré ngày nay đã trở thành tác phẩm chủ đạo trong danh mục các tác phẩm viết cho song tấu piano-violon.

Tham gia chương trình có Nghệ sĩ dương cầm người Pháp Vincent Adragna và nghệ sĩ violon người Mỹ gốc Việt, Chương Vũ.

Nghệ sĩ violon Chương Vũ.

Nghệ sĩ Vincent Adragna bắt đầu học piano từ năm 3 tuổi và sớm trở thành quán quân của nhiều cuộc thi piano quốc tế. Sau khi tốt nghiệp khoa piano Nhạc viện quốc gia Paris (Conservatoire National Supérieur de Musique de Paris), một trong những trường âm nhạc danh giá nhất trên thế giới, Vincent Adragna bắt đầu tham gia biểu diễn khắp năm châu lục trong đó có thể kể đến festival Schubertiade ở Fribourg, Paris Archives Nationales, Cité de la Musique, Théâtre de la Ville, la Roque d'Anthéron... Không lâu sau, anh được trao học bổng toàn phần của Quỹ Fulbright Pháp danh giá để theo học tại trường âm nhạc hàng đầu của Mỹ, Jacobs School of Music, trực thuộc Đại học Indiana (Mỹ). Thông qua cơ hội này, anh đã tiếp xúc, làm việc và hợp tác với những nghệ sĩ và nhà sư phạm nổi tiếng thế giới.

Bên cạnh các hoạt động biểu diễn với tư cách là nghệ sĩ độc tấu và thành viên dàn nhạc, tấm bằng thạc sĩ sư phạm tại Nhạc viện Hoàng gia Bruxelles đã dẫn dắt anh đến New Caledonia, nơi anh sống và giảng dạy từ năm 2016. Vincent Adragna phụ trách một chương trình âm nhạc trên đài phát thanh, chỉ huy Dàn nhạc Đại dương và vào năm 2018, anh chính thức trở thành trưởng khoa bộ môn piano tại Nhạc viện Quốc gia New Caledonia.

Là một nghệ sĩ violon người Mỹ gốc Việt, Chương Vũ tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ biểu diễn violon tại Đại học Houston, Mỹ. Anh nhận bằng Tiến sĩ âm nhạc chuyên ngành biểu diễn violon tại Đại học Bắc Texas, Mỹ với học bổng tiến sĩ toàn phần và được mời giảng dạy với tư cách là trợ giảng. Được nhạc sĩ Yehudi Wyner, người từng đoạt giải thưởng sáng tác Pulitzer, ca ngợi là nghệ sĩ violon có phong cách chơi đàn “tinh tế và giàu chất thơ”, Chương Vũ thường xuyên biểu diễn với tư cách là nghệ sĩ độc tấu, hòa tấu thính phòng, concertmaster/thành viên dàn nhạc khắp Bắc và Nam Mỹ, châu Âu, châu Á với các tiết mục âm nhạc từ tiền cổ điển đến đương đại. Anh là Giám khảo vòng sơ tuyển của Cuộc thi âm nhạc danh tiếng George Enescu (Romania) năm 2020.

Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ tour lưu diễn quốc gia tại nhiều tỉnh và thành phố gồm Huế: 20h00 ngày 12/5/2022; Đà Nẵng: 20h00 ngày 14/5/2022; Hà Nội: 20h00 ngày 21/05/2022 với Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam tại Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin (44 Phố Gia Thượng, Ngọc Thụy, Long Biên); Đà Lạt: 19h00 ngày 26/5/2022; TP Hồ Chí Minh: 20h00 ngày 28/05/2022 với Dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM.

(Nguồn: https://baophapluat.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.