You are here

Schubert: Fantasy ”Người lang thang”

Tác giả: 
Ngọc Tú

Tác giả: Franz Schubert.
Tác phẩm: Fantasy “Wanderer” giọng Đô trưởng, D. 760 (Op. 15)
Thời gian sáng tác: Năm 1822.
Độ dài: Khoảng 21 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng cho Carl Emanuel Liebenberg von Zsittin, một học trò piano của Johann Nepomuk Hummel.

Tác phẩm có 4 chương Allegro con fuoco ma non troppo, Adagio, Presto và Allegro nhưng được gắn kết thành một phần duy nhất.

Fantasy “Wanderer” (Người lang thang) là một trong những tác phẩm nổi tiếng và được biểu diễn nhiều nhất của Schubert. Đồng thời, là một trong những bản nhạc hay và thách thức nhất trong danh mục các tác phẩm dành cho piano độc tấu. Tại thời điểm ra đời, nó mang một hình thức “kỳ ảo” như đến từ một nơi khác, phát triển một ý tưởng (dựa trên ca khúc “Der Wanderer”, D. 489 được Schubert sáng tác từ năm 1816, cũng vì lý do này mà Fantasy mang tên gọi như vậy) để tạo ra một tác phẩm mới gồm 4 chương chơi không ngừng nghỉ, được liên kết bằng một chủ đề “tuyên ngôn” thống nhất xuyên suốt. Bên cạnh đó, mỗi chương nhạc này lại đóng vai trò là một phần trong hình thức sonata cổ điển, biến tác phẩm thành một chương nhạc duy nhất: Chương I – trình bày; chương II – phát triển, chương III – tái hiện, chương IV – coda. Trong suốt tác phẩm, chủ đề và nhịp điệu hình thành một sự “tham chiếu chéo” tạo ra sự thống nhất và nhịp nhàng giữa các phần (một kỹ thuật sáng tác được Schubert sử dụng lại trong các sonata piano cuối cùng của mình). “Wanderer” rõ ràng là một tác phẩm phá vỡ các quy tắc cổ điển. Bên cạnh việc chơi liên tục, sự lặp lại và biến đổi dần dần chủ đề tuyên ngôn, các hoà âm táo bạo, sử dụng các giọng “xa” với giọng chính, sức mạnh và sự căng thẳng kịch tính của bản nhạc cho thấy một Schubert đầy lãng mạn và mang trong mình một tư tưởng tiến bộ mang tầm thời đại. Liszt (với sonata piano và 2 concerto piano) và Richard Strauss (với các bản thơ giao hưởng) là những nhà soạn nhạc chịu ảnh hưởng tích cực nhất từ sự khai sáng này của Schubert.

Bản Fantasy “Wanderer” được Schubert sáng tác vào cuối năm 1822, sau khi ông hoàn thành Giao hưởng số 8 “Bỏ dở”. Chủ đề chính của tác phẩm được Schubert lấy từ 8 ô nhịp chậm rãi, chơi pianssimo ở phần giữa ca khúc “Der Wanderer”, D. 489, miêu tả tâm trạng của một người lạc vào vực sâu của u sầu, chản nản và thất vọng. Anh ấy hát về cảm giác cô đơn, lạnh lẽo và sự vô nghĩa của cuộc sống: Mặt trời trở nên lạnh lẽo, những bông hoa héo tàn và con người trở nên già đi, tất cả những lời nói trở nên trống rỗng và tôi trở nên lạc lõng ở bất kỳ đâu. Mặc dù vậy, tâm trạng của bản Fantasy mang đến sự tương phản, cho thấy lấp lánh những niềm vui và sự lạc quan thống trị tác phẩm.

Bản nhạc mở đầu với chủ đề “tuyên ngôn” ở giọng Đô trưởng, cũng là chủ đề chính đầu tiên của chương I, một mô hình nhịp điệu du dương sau đó sẽ được lan toả toàn tác phẩm. Motif có nhịp điệu dactyl (một thể thơ Hy Lạp cổ có tiết tấu dài – ngắn – ngắn). Sự lặp lại liên tục của chủ đề này khiến nó dễ dàng được nhận ra trong các chương sau. Chủ đề thứ hai xuất hiện, trữ tình hơn nhưng vẫn gợi lên chủ đề “tuyên ngôn”, nằm ở giọng Mi giáng trưởng. Từ chủ đề thứ hai này, Schubert đã tìm ra chất liệu cho chủ đề thứ ba sau đó, một giai điệu dài, sau này sẽ còn xuất hiện trong chương III. Chương nhạc kết thúc với chủ đề “tuyên ngôn” dần dần chậm lại, nhịp nhàng chuyền sang phần Adagio.

Chương II bám sát giai điệu của bài hát “Der Wanderer” nhất, kể cả kế thừa giọng Đô thăng thứ. Hai chương nhạc cạnh nhau được sắp xếp ở hai giọng chênh nhau nửa cung là một điều hết sức bất thường. Một điều không tưởng tượng nổi đối với Mozart còn đối với Haydn và Beethoven thì có lẽ không nhiều hơn một trường hợp duy nhất. Với Beethoven là tứ tấu đàn dây số 14, Op. 131 giọng Đô thăng thứ với chương chậm ở giọng Rê trưởng, còn Haydn là sonata piano cuối cùng Hob. XVI/52 giọng Mi giáng trưởng với chương II ở giọng Mi trưởng. Chương nhạc này của Schubert ở dạng biến tấu, chủ đề chính là một giai điệu ngắn nhưng đẹp một cách đầy ám ảnh. Chính những biến tấu giàu màu sắc đã khiến chương nhạc trở nên đáng chú ý. Cao trào mạnh mẽ của phần này cung cấp những giới thiệu ban đầu cho những phun trào dữ dội xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc trong các sonata piano sau này của Schubert. Trong đoạn cuối, âm nhạc chuyển sang giọng Mi trưởng.

Chương III ở giọng La giáng trưởng đóng vai trò là một scherzo. Trong phần này, chủ đề “tuyên ngôn” được chuyển sang nhịp 3/4. Âm nhạc có 3 phần chính, phần đầu và phần cuối chính là các biến tấu tương ứng của chủ đề thứ nhất và chủ đề thứ 3 của chương I, phần trio ở giữa tương phản, một giai điệu cantabile cũng bắt nguồn từ chủ đề thứ hai của chương đầu tiên. Chương nhạc khép lại với một khoảnh khắc nhẹ nhõm, chuẩn bị tiến tới những gì điên cuồng nhất sẽ diễn ra trong chương cuối của tác phẩm.

Chương IV là một núi lửa phun trào với một fugue bất thường trong phong cách sáng tác của Schubert ở giọng chính Đô trưởng. Fugue này cũng bắt nguồn từ chủ đề “tuyên ngôn” của tác phẩm. Âm nhạc tạo ra một sự phấn khích không thể nghi ngờ. Chương nhạc đòi hỏi ngày càng cao đối với trình độ kỹ thuật của người chơi, một thách thức thật sự. Các biến tấu không ngừng nghỉ của chủ đề “tuyên ngôn” đã tạo cho tác phẩm thành một vòng tuần hoàn khép kín và đưa bản nhạc tới một cái kết mỹ mãn. Bản thân Schubert cũng không thể đương đầu với thử thách này, chuyện kể lại rằng ông đành bỏ dở khi đang chơi phần cuối của fugue, nhảy ra khỏi ghế piano và thốt lên rằng: “Hãy để quỷ chơi thứ này, tôi thì không thể!”

Fantasy “Wanderer” là một tác phẩm tuyệt vời về mặt nội dung và đi trước thời đại về mặt hình thức. Đây là bản nhạc dành cho piano độc tấu duy nhất của Schubert mà Liszt từng biểu diễn. Bên cạnh đó, Liszt cũng từng chuyển soạn tác phẩm này cho piano và dàn nhạc cũng như 2 piano. Robert Schumann cũng nhận xét về Fantasy “Wanderer”: “Trong tác phẩm này, Schubert muốn cô đọng toàn bộ dàn nhạc trong hai bàn tay. Sự khởi đầu nhiệt tình là một bài thánh ca dành cho thiên thần; bạn có thể thấy các thiên thần đang cầu nguyện; Adagio là một sự thiền định nhẹ nhàng về cuộc sống và gỡ bức màn che khỏi nó và rồi sấm sét của đoạn fugue vang lên bài ca về một thứ âm nhạc bất tận của loài người”. Tháng 2/1823, tác phẩm được Cappi & Diabelli xuất bản. Tên gọi “Wanderer” của Fantasy không xuất phát từ Schubert mà chỉ được thêm vào sau đó. Các cấu trúc một chuyển động thống nhất tương tự như cấu trúc trong Fantasy ‘Wanderer’ tiếp tục được Liszt kế thừa trong Sonata piano giọng Si thứ và còn ghi dấu ấn của chúng cho đến tận thế kỷ XX – đặc biệt là trong các tác phẩm thời kỳ đầu của Schoenberg.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.