You are here

Phạm Thiên Thư - Cõi hoa vàng trên ngọn Hồng Lĩnh

Tác giả: 
Hoàng Phương Anh

Cuộc gặp gỡ giữa thơ tình Phạm Thiên Thư và khúc hát ru Phạm Duy là duyên ở kiếp này, đã để lại cho thế hệ sau những viên ngọc quý…

    Nhớ lại thời cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, chúng tôi đang học trung học tại trường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM, trường nguyên là trung học Nguyễn Bá Tòng do các vị linh mục xây dựng và lập trường tư thục từ năm 1956. Ngày ấy mọi thứ đều thiếu thốn, cơm phải độn thêm khoai cho đủ no, buổi khác thì hì hục nhào bột mì nấu bánh canh hoặc hầm bo bo cố ăn qua bữa. Nhưng nam sinh chúng tôi mỗi sáng luôn đến sớm để kịp ngắm những tà áo trắng nhẹ bay giữa sân trường, những tà áo mà các bạn nữ sinh đã cẩn thận luôn giữ sạch, trắng giữa thời khốn khó ấy.

    Tuổi mới lớn mơ mộng cho nên những câu thơ Em tan trường về đường mưa nho nhỏ… của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc, mỗi khi ngồi lại, bạn bè cất tiếng hát. Để rồi, hơn bốn mươi năm sau, những buổi họp lớp, những mái đầu xanh nay đã đổ bạc, đã lên chức ông ngoại bà nội vẫn cứ tranh luận - Ai là hoa khôi áo dài ngày nọ?

    Tình thơ ý nhạc duyên là mến nhau

    Trong Hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy đã ghi lại giao tình giữa ông với tác giả Đoạn trường vô thanh: “Sự gặp gỡ của tôi với Phạm Thiên Thư - mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi và một đám mây là nhờ Nguyễn Đức Quỳnh. Vào năm 1971, anh Quỳnh bị ung thư dạ dày và vào nằm trong bệnh viện đang được hai bác sĩ, Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh cứu chữa. Ngày tôi tới thăm anh tại bệnh viện thì gặp Phạm Thiên Thư ở đó. Và chúng tôi yêu mến nhau ngay. Sau đó chúng tôi gặp nhau gần như hằng ngày”. Và kết tinh của sự quý mến ấy là các ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, Em lễ chùa này, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu,… ra đời với thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy.

    Bài Ngày xưa Hoàng Thị, Phạm Thiên Thư viết ở thể thơ 4 chữ, Phạm Duy chọn ngay tiết điệu Valse đong đưa như từng bước nhảy vụng dại của chú chim non và giữ nguyên thi từ 4 chữ như chân tình thơ ngây tuổi học trò.

    Sang đến Em lễ chùa này, phổ từ bài Thoáng hương qua, Phạm Thiên Thư viết ở thể thơ 6 chữ:

    Ðầu xuân em lễ chùa này

    Có búp lan vàng khép nép

    Vườn trong thoáng làn hương bay

    Bãi sông lạc con bướm đẹp…

    Phạm Duy đã chuyển sang thể 7 chữ, với tiết điệu Boston nhung nhớ, mang theo những nét hân hoan, nỗi buồn diệu vợi của chàng trai trẻ qua từng thời khắc của đất trời, xuân, hạ, thu, đông.

    Đầu mùa xuân cùng em đi lễ

    Lễ chùa này vườn nắng tung bay

    Và ngàn lau vàng màu khép nép

    Bãi sông bay một con bướm đẹp…

    Từ sự yêu thơ Phạm Thiên Thư đã thôi thúc Phạm Duy nghiền ngẫm bốn trăm câu lục bát, trường thi Động hoa vàng và soạn thành ca khúc Đưa em tìm động hoa vàng. Khúc hát là bản hòa ca giữa mong ước của chàng thi sĩ trẻ trong thời tao loạn và tâm tư của người nhạc sĩ đã thấm mệt giữa dòng đời, cả hai cùng ôm giấc mộng, một ngày nào đó thanh bình, để rồi “từ quan, lên non tìm động hoa vàng ngủ say”.

     

    Và đặc biệt nhất, Phạm Duy đọc hơn ba ngàn hai trăm câu lục bát, trường thi Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư và chọn một vài đoạn để soạn thành ca khúc Gọi em là đóa hoa sầu.

    Chỉ với bốn câu lục bát của Phạm Thiên Thư:

    Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn

    Dáng ai cắp rổ lên cồn hái dâu

    Tiếng nàng hát vọng đôi câu

    Dừng tay viết mướn lòng sầu vẩn vơ…

    Phạm Duy dõi theo chàng Vương Quan đi thơ thẩn bên đê, ngoài ven sông, mải miết tìm nàng Ẩn Lan - cô thôn nữ tựa cội đào ngày nọ và soạn thành một đoạn nhạc dài.

    Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn, áo nhuộm hoàng hôn, áo nhuộm hoàng hôn
    Dáng ai cắp rổ cắp rổ lên cồn, lên cồn hái dâu hái dâu

    Tiếng nàng hát vọng đôi câu, hát vọng đôi câu, hát vọng đôi câu
    Dừng tay viết mướn ối a lòng sầu, lòng sầu vẩn vơ vẩn vơ sầu…

    Những áo nhuộm hoàng hôn, hát vọng đôi câu,… được Phạm Duy lập đi lập lại nhiều lần, hát lên ở các cung bậc khác nhau, chuyển từ âm giai ngũ cung này sang âm giai ngũ cung khác, là thủ pháp sáng tác riêng của người nhạc sĩ sau nhiều năm nghiên cứu từ dân nhạc Việt Nam. Bài hát như khúc hát ru đưa người vào cõi mộng và mơ giấc mơ đời dưới những sắc màu hư ảo trong buổi hoàng hôn.

    Thi sĩ Phạm Thiên Thư trong một dịp hội ngộ nhạc sĩ Phạm Duy tại TP.HCM, tháng 6.2011. Ảnh: CTV

    Phạm Duy, người nhạc sĩ luôn đi tìm khuynh hướng mới trong sáng tác của mình, gặp được Phạm Thiên Thư, ông như cá gặp nước. Chỉ một thời gian ngắn sau, năm 1972, Mười bài Đạo ca với lời thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy ra đời. Trong Lời tựa – Đạo ca giữa thành quách sương mù, Phạm Thiên Thư viết: “… Mười bài đạo ca ở đây như mười khung cửa mở rộng tâm linh để cá nhân bước vào đại thể, từ quan điểm đến ý lực hành động rồi thắng vượt ảo hóa để bước vào đại thể, tự tại trước sinh tử, hiền hòa giữa nhiên giới, xa lìa ngữ ngôn, chào mừng trí tuệ, cung kính cỏ cây để rồi mở ra một mùa xuân tâm thức bao la vời vợi…”.

    Không chỉ quý mến nhau, Phạm Duy thầm cảm ơn những câu thơ của Phạm Thiên Thư đã giúp ông vượt qua những khoảnh khắc âm u trong đời, ông viết: “Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của Tâm ca, Tâm phẫn ca, Vỉa hè ca”.

    Chiều ngược lại, Phạm Thiên Thư luôn cảm thấy hạnh phúc khi có người đọc hết và hiểu thơ của ông như Phạm Duy. Cuộc gặp gỡ giữa thơ tình Phạm Thiên Thư và khúc hát ru Phạm Duy là duyên ở kiếp này, đã để lại cho thế hệ sau những viên ngọc quý và nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc kịp lưu lại trong tuyển tập Con đường tình chúng ta đi, Phạm Duy.

    Cõi hoa vàng trên ngọn Hồng Lĩnh

    Sau khi hoàn tục, Phạm Thiên Thư về sống trong ngôi nhà nhỏ dựng trên mảnh đất rộng nằm sâu trong con hẻm trên đường Trần Kế Xương, Phú Nhuận (khu vực này giờ là đường Phan Xích Long mở rộng). Trên căn gác gỗ, ông đã đón tiếp rất nhiều bạn bè văn nghệ sĩ thời đó và xem đây là Động hoa vàng. Thời gian trôi đi, đất trời đổi thay, ông mưu sinh thêm với nhiều công việc khác và phải thay đổi nhà đến mấy lần.

    Vào giữa thập niên 1990, ông chọn chuyển về sống trong khu cư xá Bắc Hải, quận 10, nơi có những con đường ngang, dọc đặt theo theo tên những con sông, ngọn núi nước Việt, những Cửu Long, Đồng Nai, Hương Giang, Ba Vì, Trường Sơn,... Ông đã tìm đến con đường mang tên Hồng Lĩnh, an cư và mở quán Café Hoa vàng làm nơi gặp gỡ bạn bè, người yêu thơ.

    Ngọn Hồng Lĩnh thuộc địa phận Hà Tĩnh, quê hương của đại thi hào Nguyễn Du, là nơi Phạm Thiên Thư đã mơ đến từ rất lâu, khi viết Đoạn trường vô thanh. Trong Lời tựa của bản in năm 1972, với hơn một trăm hai mươi từ, không phẩy không chấm, ông viết: “Vô thanh như... chiếc cầu hư ảo khói sương đưa giả tướng ngôn ngữ rã rời trong một vài trống canh mua vui dưới ngọn Hồng Lĩnh trên ba ngàn dòng thơ cô đọng cỏ hoa sau ba mươi năm tơ tưởng Thuý Kiều và thưa: Những hạt lệ đã nổi cánh thiên hương”.

    Và Hoa vàng, theo như lời ông kể: “Năm 1942, gia đình tôi về sống ở Chí Linh, Hải Dương, bố tôi đã mua hẳn ngọn đồi Phượng Hoàng. Trên đỉnh đồi ấy, hoa cúc dại mọc vàng mênh mông, bát ngát chạy dài che khuất đường chân trời”. Cho nên, khi đến sống tại nơi chốn mới này, ông tiếp tục tơ tưởng Thúy Kiều và viết Lòng đau không tiếng. Lòng đau không tiếng xuất bản năm 2017 như là phiên bản khác của Đoạn trường vô thanh, có cấu trúc giống hệt, phân thành 27 chương, nhưng viết ở hình thức văn xuôi đan xen với những vần thơ lục bát.

    Đoạn trường vô thanh và Lòng đau không tiếng là nỗi đau đứt ruột không thốt nên lời, như những nỗi thống khổ trong cuộc đời Thúy Kiều khó có thể bộc lộ hết. Tác giả đã viết tiếp chuyện đời sau buổi Thúy Kiều và Kim Trọng đoàn tụ, nghĩ về cõi phù du ta bà mộng ảo của cuộc đời và nỗi đau mang tên - thân phận con người. Tác giả viết với tâm thức thuần Việt, chỉ dùng các điển tích dân gian Việt Nam như Thánh Gióng, Từ Thức,… và mang đậm tư tưởng Phật giáo.

    *

    Trước đây, tôi đã đến quán Hoa vàng nhiều lần nhưng chưa có duyên trò chuyện riêng với tác giả Động hoa vàng. Hồi trung tuần tháng 6.2022 mới đây, tôi lại có dịp đến café Hoa Vàng. Quán vắng, nhìn thấy thi sĩ Phạm Thiên Thư đang thả hồn theo mây, khói. Một lúc sau, đánh bạo tôi xin phép chụp ông tấm ảnh. Ông vui vẻ nhận lời, còn gọi nhân viên chụp giúp bức ảnh chung làm kỷ niệm. Vậy là tôi đã nên duyên trò chuyện với ông.

    Ở tuổi tám hai, ông đi lại chầm chậm, nói chuyện nhớ nhớ "ngày xưa" quên quên "Hoàng Thị". Hàng ngày, hai buổi sáng, chiều, khoác y phục bình dị, ông lặng lẽ ngồi ở bàn riêng kê ngay vách sát cửa chính, như thiền sư trầm mặc nghĩ về cõi nhân gian. Buổi chiều vãn khách, ông lững thững cầm chổi nhỏ quét những chiếc lá vàng rụng như thể rũ sạch bụi đời tục lụy.

     

    Mây chiều lả xuống sườn non

    Dáng như lác đác, hồn con hạc về (*)

    Trầm ngâm một lúc, ông chỉ tay về phía trước hỏi tôi: “Cậu thấy gì?”. Tôi nhìn theo rồi đáp: “Dạ, một hàng cây, lá xanh thẫm, tiếc là khoảng trời xanh phía sau đã bị vách tường cao che khuất”. Ông cười hiền nói: “Nó đang thở đấy”. Câu trả lời như mở ra một thế giới khác của ông làm tôi nhớ đến một đoạn trong Lòng đau không tiếng: “Ta nghe rằng: một người trên đất Hồng Lĩnh cả đời luôn hết chiêm bao; cho một ngày, ngâm thơ rỗng bụng – Chàng vào chùa Hương, ăn nhờ đôi bữa rau tương… Thế rồi một đêm – Tiếng chuông trên núi rụng xuống, trăng vương gió ngàn. Tự nhiên lòng chàng siêu thoát mênh mang, sáng lên tìm động hoa vàng chen mây”. 

    Tôi thầm nghĩ: tiếc khi gặp ông khá trễ. Nhưng thật ra những điều muốn hỏi, ông đã nói hết qua tác phẩm rồi. Khoảnh khắc gặp ông bụt Phạm Thiên Thư của ngày hôm nay, tác giả những vần thơ làm rung động trái tim thời trẻ dại, một “trang tình đã điểm dấu son đầu đời”, để lại dấu ấn sâu đậm trong tim tôi.

    Nhớ từng kỷ niệm thân quen

    Trái tim ấm chút lửa đèn ban sơ (*)

    Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, ông sinh ngày 1 tháng Giêng năm 1940 tại Lạc Viên, Hải Phòng. Năm 1942, gia đình ông về sống ở Chí Linh, Hải Dương. Bố mất khi ông mới lên mười. Năm 1954, ông theo mẹ di cư vào Nam sống ở Sài Gòn, tiếp tục học và đậu Tú tài toàn phần năm 1963.

    Trong khoảng từ năm 1964 đến năm 1973, ông xuất gia làm tu sĩ Phật giáo với Pháp danh Tuệ Không, thời gian này ông viết rất nhiều thơ. Ông đoạt giải Nhất Văn chương toàn quốc (Sài Gòn) năm 1973 với thi phẩm Hậu Truyện Kiều – Đoạn trường vô thanh nhưng không nhận giải.

    Sau năm 1973, ông hoàn tục, lập gia đình, tiếp tục sáng tác thơ và mưu sinh thêm với nhiều công việc khác nhau. Hiện nay, ông sống trong khu cư xá Bắc Hải, mở quán café Hoa vàng làm nơi gặp gỡ bạn bè.

    Tác phẩm: Thơ Phạm Thiên Thư (1968), Ngày xưa người tình (thơ 1971), Động hoa vàng (trường thi 1971), Đạo ca, Đoạn trường vô thanh (trường thi 1972), Kinh thơ (thi hóa Kinh Pháp Cú), Kinh Ngọc (thi hóa Kinh Kim Cương), Quyên từ độ bỏ thôn Đoài (thơ); Kinh Hiếu, Kinh Huyền Ngu, Hát ru Việt sử thi (2009), Từ điển cười (với hơn 70.000 câu thơ), Huyền ngôn xanh, Vua núi - Vua nước (truyện thơ Sơn Tinh – Thủy Tinh), Lòng đau không tiếng.

    _________________

    (*) Trích Lòng đau không tiếng.

    ĐĂNG BÌNH LUẬN

    CAPTCHA
    This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.