You are here

NSND Thanh Tâm: Người 'chở đò' vượt định kiến

Tác giả: 
Bảo Châu

'Đàn bầu ai gẩy nấy nghe. Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu'.

NSND Thanh Tâm.

Ông cha ta ngày xưa khuyên con gái chớ nên nghe đàn bầu vì sợ tiếng đàn réo rắt, buồn bã dễ vận vào đời người phụ nữ… Vượt qua định kiến ấy, NSND Thanh Tâm, nguyên Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đã theo đuổi việc học đàn bầu và trở thành NSND đầu tiên của bộ môn này.

Trong dòng ký ức miên man về nghề giáo, nghệ sĩ Thanh Tâm bồi hồi chia sẻ: “Có lẽ không loại nhạc cụ nào có được lực lượng kế cận tài năng, hùng hậu và tâm huyết như đàn bầu. Đương nhiên, là người “chở đò”, tôi vô cùng hạnh phúc, tự hào vì điều đó”.

Cách dạy tràn đầy tình yêu thương

Những lễ Tết hay dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), căn nhà nhỏ trên phố Hào Nam của NSND Thanh Tâm luôn đầy ắp tiếng cười đùa. Hết nhóm khách này lại đến nhóm khách khác, họ là những cô cậu học trò năm nào nhờ bàn tay dìu dắt, chỉ bảo tận tình của cô giáo Thanh Tâm nay đã trưởng thành, tràn đầy khát khao cống hiến cho nghệ thuật.

Có thể kể đến những cái tên như: NSND Hoàng Anh Tú, NSƯT Quang Hưng, NSƯT Lệ Giang, NSƯT Bùi Lệ Chi, NSƯT Kim Anh, NSƯT Kim Thành... Quan sát tinh tế, nghệ sĩ Thanh Tâm phát hiện ra những học trò có giọng hát thiên bẩm và kịp thời động viên họ theo con đường ca hát để tôi luyện nên những giọng ca nổi tiếng cho đất nước như NSND Thái Bảo, NSƯT Đăng Dương...

Là người theo học NSND Thanh Tâm suốt 15 năm, với NSƯT Lệ Giang (hiện là giảng viên đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), cô giáo Tâm như người mẹ sinh ra mình lần thứ hai vậy.

NSƯT Lệ Giang chia sẻ: “Hơn 30 năm trước, tôi là học trò của cô Thanh Tâm. Cô Thanh Tâm rất đẹp, đẹp từ ánh mắt, nụ cười cho đến giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, dường như cô chưa bao giờ cáu gắt với học trò.

Cô luôn nắm bắt tâm lý của từng học trò, vừa dạy vừa dỗ bởi học sinh mới vào trường hầu như còn rất nhỏ, chỉ 7 - 8 tuổi. Cũng bởi quá thần tượng cô nên trong biểu diễn lẫn giảng dạy tôi đều cố gắng tiếp thu, học tập từ phong cách đến khả năng sư phạm của cô. May mắn giờ đây là đồng nghiệp của cô, tôi lại càng có điều kiện được gặp gỡ, học hỏi cô nhiều hơn”.

NSƯT Bùi Lệ Chi (hiện là giảng viên đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) xúc động: “Tôi có ngày hôm nay phần lớn là được cô giáo Thanh Tâm dạy dỗ. Tôi ngưỡng mộ cô nên đâu đó trong cách diễn của tôi, tiếng đàn, hình dáng có bóng hình của cô. Cô mãi là cây cao bóng cả là hình mẫu trong nghề để tôi noi theo”.

Hay NSƯT Quang Hưng dù không công tác giảng dạy trong nhà trường nhưng anh đã tạo nên dấu ấn với phong cách chơi đàn bầu rất sáng tạo, đồng thời là nhạc sĩ trong những bộ phim đình đám như “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Thương nhớ ở ai”.

Anh bộc bạch: “Cô là người luôn quan tâm tới học trò. Với tôi, cô luôn tôn trọng tính sáng tạo, khuyến khích, động viên khi tôi tự cải biến kỹ năng để có được nét riêng trong cách chơi đàn”.

Hạnh phúc, tự hào về các học trò, NSND Thanh Tâm xúc động chia sẻ: “Theo đàn bầu, các em phải học từ khi còn rất nhỏ nên cô trò được gắn bó nhiều năm, tình cảm sâu đậm. Đàn bầu là môn học khó, bởi vậy tôi luôn dạy các em phải nỗ lực từng ngày.

Trong cách dạy của tôi đều tràn đầy tình yêu thương, sự tâm huyết, trách nhiệm và đôi khi cũng rất nghiêm khắc. Đàn bầu nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung là tinh hoa của đất nước, bởi vậy tôi luôn dặn học trò cố gắng giữ gìn, tiếp nối cho muôn đời sau”.

Nghệ sĩ đầu tiên mang tiếng đàn bầu ra thế giới

NSND Thanh Tâm nhận hoa của học trò, đồng nghiệp trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

NSND Thanh Tâm (nghệ danh Tử Kì, Hoài Anh) sinh năm 1953, tại Hà Nội. Năm 1971 tốt nghiệp Trung cấp Đàn bầu tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) bà ở lại trường giảng dạy đàn bầu. Năm 1981, bà tốt nghiệp đại học ngành Đàn bầu chính quy khóa 1 của Khoa Nhạc cụ truyền thống.

Năm 1999, bà là một trong bốn nghệ sĩ đàn dân tộc đầu tiên có bằng thạc sĩ chuyên ngành “Phương pháp sư phạm biểu diễn” với luận văn có đề tài “Một số vấn đề về giảng dạy đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội”.

Bà được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (năm 2007), giành được nhiều giải thưởng, huy chương cá nhân như: Huy chương Vàng độc tấu đàn bầu trong cuộc thi Âm nhạc và múa dân gian phong cách hóa tại Dijon (Pháp) năm 1993; 3 Cúp vàng, 3 Cúp bạc tại Liên hoan Nghệ thuật quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng - CHDCND Triều Tiên năm 1995, 2003, 2005; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa thông tin...

Tuy nhiên, ít ai biết rằng thuở ban đầu khi đến với đàn bầu bà lại gặp ít nhiều trắc trở. NSND Thanh Tâm thời trẻ là cô gái cá tính và có phần bướng bỉnh.

Vượt qua tiếng xì xào của các bạn nam: “Xinh quá mà lại đi học đàn bầu kìa”, “Con gái mà lại học đàn bầu”... bà vẫn quyết định gắn cuộc đời mình với tiếng đàn réo rắt, lấp lánh hồn dân tộc.

Vượt qua tất cả, Thanh Tâm trở thành nữ sinh đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và cũng là nữ nghệ sĩ đầu tiên mang tiếng đàn bầu đến với bạn bè quốc tế.

Trong ký ức của NSND Thanh Tâm thì lần biểu diễn trong một chương trình giao lưu nghệ thuật tại quảng trường ở Liên Xô (cũ) vào năm 1974 để lại ấn tượng sâu đậm nhất.

NSND Thanh Tâm kể: “Ngay khi những nốt nhạc đầu tiên của bản nhạc Nga “Volga xinh đẹp” vang lên trên cây đàn bầu Việt Nam thì trời bỗng đổ cơn mưa lớn, nhưng vì đang biểu diễn nên tôi không thể rời vị trí mà tiếp tục biểu diễn cho đến hết bài và tất nhiên khán giả cũng không ai bỏ chạy.

Vì quá nhập tâm nên tôi không để ý ai đó đã che ô cho mình, chỉ khi bản nhạc kết thúc, tôi ngẩng lên thì thấy có các cựu chiến binh Hồng quân Liên Xô ngực đeo đầy huy chương đứng sát lại che cho tôi và cây đàn khỏi ướt”.

Hay trong lần biểu diễn ở Liên hoan Sinh viên thế giới năm 1979 tại thành phố La Habana (Cuba), bà đã không thể xuống được sân khấu bởi khán giả yêu cầu chơi hết bài này đến bài khác.

Cánh chim vỗ cánh bay đi khắp miền…

Gắn bó với cây đàn bầu hơn nửa thế kỷ, nghệ sĩ Thanh Tâm luôn cảm thấy may mắn khi được học hỏi, dìu dắt bởi những người thầy, những nghệ nhân xuất sắc như: NSND Vũ Tuấn Đức, nghệ sĩ Bạch Huệ, thầy Bá Sách... Nhờ những kiến thức của các thầy, cô mà bà có được ngày hôm nay, bởi vậy bà luôn ý thức rõ trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ sau.

Khi dạy học, bà đặt mình vào vị trí người học với biết bao vất vả, lo toan trong tiếp thu kiến thức cũng như trong đời sống. Vì vậy, bà luôn cố gắng truyền dạy kiến thức một cách dễ hiểu nhất, đồng thời gần gũi, sẻ chia, động viên các em để tiến bộ hơn.

Một trong những việc làm tâm huyết của bà trong nhiều năm qua là biên soạn giáo trình, giáo án cho đàn bầu ở các cấp học cũng như sưu tầm, tập hợp các tác phẩm như: Đàn bầu cho tuổi học đường (tập 1, tập 2); Tuyển tập bài tập kỹ thuật cho đàn bầu (tập 1, tập 2); Tuyển tập dân ca, ca khúc và tác phẩm nước ngoài chuyển soạn cho đàn bầu độc tấu; Sách học đàn bầu, Tiếng đàn bầu...

Đặc biệt, gần đây bà đã dành nhiều công sức cho cuốn sách Giáo trình đào tạo tài năng hệ trung cấp chuyên ngành đàn bầu, được Bộ VH,TT&DL đánh giá cao.

Ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học, viết nhiều tham luận, bài báo về lĩnh vực đào tạo và biểu diễn nhạc cụ dân tộc…, bà còn biểu diễn nhiều chương trình với nhiều dàn nhạc trong nước và quốc tế; thu nhiều chương trình đàn bầu với các đài phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước.

Tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Thanh Tâm được đánh giá không chỉ mềm mại, bay bổng mà còn đầy khát vọng, cá tính, đã làm rung động trái tim của biết bao khán giả trong và ngoài nước.

Đặc biệt, tiếng đàn ấy còn là nguồn cảm hứng cho những vần thơ, trong đó có bài “Cô Tâm” của tác giả Nguyễn Văn Tích. Bài thơ cũng đã phần nào khắc họa được chân dung của bà, một nhà giáo cả đời đắm say, miệt mài chở những “chuyến đò sang sông”: “Biết bao nhiêu những chuyến đò/ Dòng sông sóng lớn gió to quản gì/ Biết bao nhiêu những mùa thi/ Cánh chim vỗ cánh bay đi khắp miền…”.

Thẳng thắn nhìn nhận số nghệ sĩ chơi đàn bầu hiện nay là chưa nhiều, đời sống của họ cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có nhiều “đất” diễn, thế nhưng, họ luôn được tiếp sức, động viên, dạy dỗ, bảo ban từ người cô hết sức tâm huyết và trách nhiệm.

Họ như những cánh chim vỗ cánh bay đi khắp miền mà trong lòng đầy niềm khát khao, kiêu hãnh, niềm tự hào riêng khi được sở hữu tiếng đàn mê hoặc người nghe, hướng người nghe đến giá trị văn hóa dân tộc, để cuộc sống trở nên nhân văn, nghĩa tình hơn.

Trải qua cuộc đời nhiều biến cố, thăng trầm trong đời sống gia đình nhưng NSND Thanh Tâm từ chối bình luận về những gì mình đã nỗ lực vượt qua mà luôn lạc quan, yêu đời, vững tin vào những điều tốt đẹp phía trước.

Những lúc buồn, những lúc tủi cho thân phận mình, bà lại gieo lòng mình trong tiếng đàn bầu thánh thót. Đàn bầu đã như người bạn tâm giao của nữ nghệ sĩ tài năng. Sau cơn mưa trời lại sáng.

Hiện nay, sóng gió đã đi qua, bà đã tìm được hạnh phúc bình dị của mình bên người chồng luôn hết mực yêu thương và thấu hiểu cho công việc “chở đò” đầy vinh quang, tự hào của bà.

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.