You are here

Những người muôn năm "chưa" cũ

Tác giả: 
Trần Thị Trường

Sách gồm 60 gương mặt của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Qua sách, chúng ta biết được rõ hơn về một người nghệ sĩ (sống, làm việc, yêu thương, thành công hay thất bại), đồng thời sẽ hình dung được môi trường sống của các văn nghệ sĩ trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Nhạc sĩ Hoàng Vân và chiếc cầu thang gỗ cũ trong ngôi nhà cổ

"Cái cầu thang gỗ cũ hồi nào giờ đã được thay bằng các bậc đá granito. Tôi nghĩ, thay đổi này chắc không ai muốn...".

Cố nhạc sĩ Hoàng Vân. Nguồn: suckhoedoisong.

Cách đây không lâu tôi có lên 14 Hàng Thùng, ở đó có căn phòng gia đình Hoàng Vân sinh sống để thăm vợ ông, Tiến sĩ y khoa Ngọc Anh và mang theo bức tranh chân dung tôi vẽ Nhạc trưởng Lê Phi Phi lên, theo đề nghị của anh, để bà đỡ nhớ con trai.

Cái cầu thang gỗ cũ hồi nào giờ đã được thay bằng các bậc đá granito. Tôi nghĩ, thay đổi này chắc không ai muốn vì nó làm thay đổi vẻ đẹp luôn sống động trong ký ức của những người yêu nhà cổ, nhất là với nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông là người duy mỹ, rất có “gu”…

Tôi quen với nhạc sĩ Hoàng Vân từ những năm cuối thập niên 80, và thường qua lại căn phòng gia đình ông sinh sống. Ông bảo, ông thích trò chuyện với tôi. (Câu nói khiến tôi cảm động, vì tôi lúc đó còn rất lơ ngơ, nhưng có lẽ vì tôi có chút gì đó Tây học, lại mê nhạc của ông, say sưa nói về tất cả những đồ vật đầy tính nghệ thuật trong căn nhà của ông).

Câu chuyện cho tôi biết về cuộc đời ông: ngay từ nhỏ ông đã sống trong môi trường nghệ thuật. Cha ông là Lê Vũ Bỉnh (1870-1944), một nhà giáo dạy tiếng Hán ở Trường Sư phạm Đông Dương, nơi chuyên đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông của 3 nước Đông Dương.

Ông Bỉnh là người “cầm, kỳ, thi, họa” sống trong gia đình giàu có, nhà ở không chỉ có một mà cả dãy, từ số 14 đến số 18 Hàng Thùng, thêm vài cái nữa ở góc phố, sang Nguyễn Hữu Huân, rồi bên Hàng Tre. Ngôi nhà nhạc sĩ Hoàng Vân sinh ra và lớn lên có tới 16 phòng, nhưng gia đình đã hiến tặng nhà nước gần hết, chỉ giữ lại một phòng ở tầng 2... […]

21 tuổi, ông đã có những sáng tác đầu tiên: Chiến thắng hòa bìnhTin chiến thắngChiến thắng Tây Bắc. Hồi nhỏ ông đã sử dụng được nhiều nhạc cụ như piano, cello, violon, clarinette… Đến 24 tuổi, ông đã có một tuyệt phẩm Hò kéo pháo. Các nhà phê bình âm nhạc, các đồng nghiệp gọi Hoàng Vân là ông hoàng của ca từ, Phù thủy của giai điệu, Nhà ảo thuật của phối khí, Người viết sử bằng âm nhạc…

Hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Vân để lại khoảng hơn 700 tác phẩm trong gần như tất cả các thể loại và các hình thức âm nhạc. Sau ngày ông rời xa cõi tạm, hai người con của ông đã dày công thống kê, lưu trữ và bảo tồn di cảo của cha.

Hàng trăm video về nhạc sĩ và tác phẩm, 170 bản thu, hơn 500 bản viết tay, hơn 200 bản nhạc đã được in, 10 phim truyện, các bài báo đã và đang được đưa lên trang hoangvan.org, bảo tàng số của nhạc sĩ để phổ biến và lưu trữ… […]

Như đã nói, tôi có may mắn được ông dành cho ít nhiều thiện cảm. Nếu không phải là ông bảo lên nhà chơi xem thư pháp hay trò chuyện thì tôi cũng đôi khi gặp ông ở sân 51 Trần Hưng Đạo, nơi ông làm việc.

Mỗi lần gặp ông, tôi lại nhớ những lần đứng trong dàn đồng ca thiếu nhi của trường phổ thông hát Tổ khúc Ca ngợi Tổ quốc (trích trong Hồi tưởng), “Trời cao trong xanh sương sớm long lanh mặt nước xanh xanh cành lá rung rinh. Bầy chim non hát ca vang đàn bướm lượn tròn tung tăng lượn theo bước chân em tới trường. Trời cao, trong sáng, nhìn đất nước đổi mới muôn màu. Mùa xuân, đang đến, mang cho chúng em bao hy vọng…”.

Gặp, nhưng tôi không mấy khi lại gần, chủ ý để ông dành thời gian cho người khác. Ông giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội hồi đó.

Ông có chất giọng ấm áp, truyền cảm, câu chuyện không chỉ là âm nhạc, ông bảo ông không thích xuất hiện trên các bài báo, ông nói về cuộc đời, mỗi câu chữ ông dùng rất dung dị nhưng tôi vẫn thấy ông có tầm vóc của nhà hiền triết. Ông am hiểu hội họa, thơ phú, cổ vật và thư pháp. Ở ông có cái phong thái của một ông Tây học nhưng lại có lễ nghĩa như một nhà Nho. Với sự thiện cảm đó, tôi luôn dõi theo cuộc đời ông.

Kính trọng ông ở nhiều phương diện. Chỉ riêng việc không can thiệp vào ước muốn sự nghiệp và đời sống của con cái, không ngăn giữ con cái ở bên mình đề phòng khi về già, ông thuận theo và động viên các con trên từng bước đi đã là một người bố vĩ đại đáng học hỏi rồi.

Mỗi khi nhạc trưởng Lê Phi Phi đứng trên bục chỉ huy, ông bà đều có mặt dưới hàng ghế khán giả. Không chỉ đến để thưởng thức âm nhạc, chắc chắn ông biết rằng, con ông trên sân khấu kia sẽ thăng hoa như thế nào bởi sự có mặt của ông ở đó.

Trở lại câu chuyện về cầu thang bằng đá hôm nay, nó khiến tôi nhớ đến gương mặt hiền hòa và thông tuệ của ông.

Nhớ những câu chuyện ông nói, và nhớ về căn phòng trong ngôi nhà này. Cũng như nhiều ngôi nhà hiến tặng khác, nhiều người được đến ở, nó trở nên chật chội và ngày một quá tải so với công năng xây dựng ban đầu. Cũ hỏng đầu tiên là cái cầu thang gỗ bởi những bước chân của con người, của gánh nặng thời gian và cầu thang bằng đá thay vào là điều dễ hiểu… Cất điều tiếc nuối về một vẻ đẹp cũ vào tâm khảm, tôi gõ cửa căn phòng quen thuộc. Tiến sĩ Lê Y Linh bước ra.

Từ lâu tôi đã biết chị là một nhà nghiên cứu âm nhạc, tiến sĩ Sorbonne, nhưng đây là lần đầu tôi gặp. Chị khá giống mẹ, đẹp và có thần thái. Chị là con cả, Nhạc trưởng Lê Phi Phi là con thứ. Vợ chồng nhạc sĩ có hai người con. Cả hai đều thành đạt, và đều là những người tài danh. Lê Y Linh là nhà nghiên cứu và đồng thời cũng là một tác giả. Chỉ riêng cuốn Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau của chị đã định danh chị như vậy, chưa kể chị còn có nhiều thành tựu nghiên cứu khác.

Chị đang sống ở Pháp cùng gia đình. Với Nhạc trưởng Lê Phi Phi, chúng ta đã biết đến anh rất nhiều qua những lần cầm đũa chỉ huy các chương trình hòa nhạc ở Việt Nam, và là Nhạc trưởng được nhắc đến trên thế giới. Anh đang sống và làm việc tại Macedonia.

Bà Ngọc Anh, phu nhân của nhạc sĩ Hoàng Vân, trong tay cầm cuốn sách đang đọc dở. Tôi quen như thời xưa khi nói chuyện thường xưng em với ông bà, hôm nay bà nhắc: “Tôi năm nay gần 90 rồi đấy”. Tôi cười ngượng nghịu, xin lỗi, và bỗng nhớ về cái thời xưa đó, nhớ gương mặt rất đẹp của bà, một giọng nói nhẹ nhàng đằm thắm, khi ngồi bên chồng. Bà đẹp lắm. Nhưng đẹp hơn nữa là tấm lòng nhân hậu của bà.

Không chỉ những người dân phố Hàng Thùng, Nguyễn Hữu Huân, sang cả Hàng Dầu (cô chú tôi ở) và khắp cả mấy phố gần đó, hễ ai đau ốm gì cứ đến bà xin thuốc, ai bà cũng cho, còn dặn dò chu đáo uống như thế nào... Bà nhìn bức tranh sơn dầu 80x60 cm, chân dung con trai, bà nở nụ cười hài lòng khiến tôi rất tự hào…

Buổi hòa nhạc trên Nhà hát lớn Hà Nội vừa rồi tôi có tham dự, tên tuổi Hoàng Vân lại vụt sáng lên trong trí nhớ của tôi.

Tôi rất tiếc, buổi trở lại ngôi nhà quen thuộc hôm nay đã không còn được gặp ông, và ông không nhìn thấy bức chân dung nhạc trưởng Lê Phi Phi tôi vẽ. Nhưng tôi có cảm giác ông vẫn đang có mặt trong căn phòng chứa các cổ vật quý hiếm này, bên bàn trà kia và bên những bức thư pháp do ông viết… Ông ra đi vào ngày 04/02/2018 sau một trận ốm kéo dài do căn bệnh phổi và bệnh của tuổi già.

Ông mất đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng khán giả âm nhạc Việt Nam, nhưng gia tài đồ sộ của ông thì còn mãi với thời gian, là niềm tự hào của gia đình ông, của giới âm nhạc và là nguồn an ủi những người yêu âm nhạc của ông.

(Nguồn: https://zingnews.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.