You are here

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: "Tôi sống được đến giờ này là nhờ biết vượt qua nghịch cảnh"

Tác giả: 
Hà Tùng Long (Ảnh: Phạm Hưng)

 

Thưa nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông sinh ngày 12/1/1930, tức là hôm nay ông sẽ tròn 94 tuổi. Được biết, ngày sinh nhật tính theo lịch dương của ông cũng trùng với ngày sinh nhật tính theo lịch âm của cha mình – học giả Phạm Quỳnh. Ông nghĩ sao về sự trùng hợp đặc biệt này?

- Tôi không nhớ rõ việc hai cha con trùng hợp ngày sinh tính theo lịch dương và lịch âm, tôi chỉ nhớ cha mình sinh năm 1893, tính đến nay là cụ 130 tuổi. Ngày xưa chúng tôi không có khái niệm sinh nhật như bây giờ. Chỉ biết là phải luôn nhớ ngày sinh tháng đẻ của mình để khi làm hồ sơ, khai lý lịch ghi cho chuẩn xác.

Đối với tôi, thầy tôi là một con người rất uyên bác, sống giản dị, trọng nếp nhà và có tư tưởng tiến bộ. Ông là người rất yêu nước và luôn canh cánh với việc nước. Điều tôi nhớ nhất về thầy mình là không bao giờ ngăn cản con cái theo đuổi ý thích và đam mê. Từ bé, khoảng 7 - 8 tuổi gì đó tôi đã được học nhạc và đó có lẽ cũng là những gạch nối đầu tiên đưa tôi đến với âm nhạc sau này.

Mẹ tôi là một người phụ nữ thuần Việt, rất hiền lành, tháo vát, nhân hậu, yêu thương chồng con và hết mực với gia đình. Bà không biết chữ nhưng lại rất yêu thơ văn, ca dao, tục ngữ. Bà thuộc làu làu 3.254 câu trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Chính vì thế mà sau này thầy tôi có câu nói nổi tiếng: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn". Mẹ tôi cũng là người đã gieo vào tôi niềm đam mê âm nhạc từ những ngày còn thơ bé.

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng thế hệ với ông như nhạc sĩ Trọng Bằng, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân… đều đã ra đi. Ông có bí quyết nào để sống trường thọ và khỏe mạnh?

- Lắm lúc nghĩ đến chuyện bạn bè cùng thế hệ với mình như: Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Trọng Bằng… đều đã đi xa hết rồi, tôi cũng buồn lắm. Vì thế hệ chúng tôi có sự gắn kết rất đặc biệt, khi còn khỏe mạnh, rất hay hỏi han, quan tâm và chia sẻ với nhau. Tôi may mắn tồn tại đến giờ này cũng là niềm vui của con cháu, đồng nghiệp… nhưng kỳ thực là tôi mang trong mình nhiều bệnh tật lắm, sức khỏe sa sút nhiều. Tôi giờ sống với chỉ một lá phổi, kèm theo đó là bệnh lao phổi từ ngày xưa và nhiều bệnh tuổi già khác.

Nhiều người cứ hỏi vì sao tôi có thể sống thọ mà vui vẻ, chan hòa với mọi người được là vì tôi luôn cố gắng vượt lên nghịch cảnh của bản thân. Những định kiến, những nghiệt ngã của cuộc đời chưa bao giờ rời xa mình nhưng mình phải tự rèn luyện một tư tưởng vững vàng và tinh thần lạc quan. Một trong những niềm động viên lớn nhất, giúp tôi xoa dịu được mọi thứ đó chính là sáng tác âm nhạc. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là những tác phẩm âm nhạc do mình viết ra có sức sống bền bỉ, lan tỏa rộng rãi, người dân yêu thích và gìn giữ. Bây giờ ra đường hay đến bệnh viện mà người ta vẫn nhận ra tôi, tay bắt mặt mừng là tôi vui sướng lắm.

Có thể hình dung một ngày của ông thường bắt đầu từ lúc mấy giờ và những công việc ông thường làm trong ngày là gì?

- Tôi bắt đầu ra khỏi giường từ 5 giờ sáng. Ngày xưa, lúc còn khỏe, tôi thường tập thể dục 30 phút đến 45 phút rồi vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đọc báo. Giờ đây, tuổi cao, sức yếu, không đi lại được như trước nên việc tập thể dục cũng khó khăn. Tôi giờ buổi tối gần như rất ít ngủ hoặc không ngủ được. Không ngủ được nên nằm suy nghĩ vẩn vơ, nhớ lại chuyện ngày xưa, nghĩ về chuyện ngày nay.

Hàng ngày tôi luôn đọc sách báo và xem thời sự để cập nhật thông tin. Tôi thích sách nên ai tặng sách tôi thích lắm. Tôi vẫn duy trì thói quen ghi nhật ký hàng ngày. Gọi là ghi nhật ký nhưng kỳ thực là ghi những việc mình định làm, muốn làm… để nếu hôm nay ghi xong, mai có lỡ quên thì khi giở sổ ra vẫn nhớ được.

Tôi có 2 người con, đứa đầu mất cách đây mấy năm, giờ còn mỗi cô con gái út, 3 đứa cháu ngoại và 3 đứa chắt ngoại. May mà có cô con gái út chăm sóc tận tình và các cháu chắt thường lui tới động viên nên tôi luôn cố gắng sống được ngày nào hay ngày nấy.

Nhiều năm trở lại đây, vào mỗi dịp sinh nhật của ông, chị Phạm Hồng Tuyến – con gái út thường làm điều gì đó bất ngờ để tạo niềm vui cho bố dịp bước qua tuổi mới. Ông cảm thấy như thế nào trước những điều này?

- Tôi vui lắm, hạnh phúc lắm. Đối với tôi, việc được con, cháu, chắt quan tâm chăm sóc là niềm may mắn trong những năm tháng cuối đời. Rất nhiều gia đình, con cháu một đằng, bố mẹ và ông bà một nẻo nhưng gia đình tôi dù neo người nhưng vẫn luôn giữ được nếp nhà, luôn có sự gắn bó khăng khít. Tuyến theo dõi tôi từ lúc học mẫu giáo cho đến khi trưởng thành. Những kỷ vật hoặc những bản thảo âm nhạc của tôi đều được Tuyến gìn giữ rất cẩn thận.

Năm nay, Tuyến làm tôi bất ngờ đó là phục chế lại tập nhạc gần 700 ca khúc tôi sáng tác từ năm 1949 cho đến mãi sau này. Tập nhạc này ngày xưa vì điều kiện bảo quản không được tốt, tôi cũng bận bịu với công việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam nên sau này giấy bị mủn nát, bìa rách rời, chỉ bục tung ra… Tôi cứ nghĩ là không thể phục chế được vì nó tả tơi lắm rồi nhưng con gái đã làm được điều này. Lúc Tuyến mang tập nhạc của tôi đi phục chế mà không nói gì với tôi, tôi đi tìm không thấy nên hoảng hốt lắm.

Với tôi, trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, gia tài lớn nhất chính là tập nhạc gần 700 bài hát này. Vì thế nó quý giá hơn mọi thứ trên đời. Thực ra, ngày xưa chúng tôi sáng tác trên nhiều chất liệu, lúc trên một tờ giấy, lúc trên bìa cát tông, lúc lại trên mặt sau của tờ lịch… thứ gì có thể viết được chữ đều tận dụng. Sau này, tôi nhận thấy ký ức của mình đã mờ phai đi nhiều thứ, cảm thấy rất lo lắng nên cố gắng viết lại các bài hát mình đã sáng tác để lưu giữ thành quyển. Nếu không lưu giữ sẽ không thể nhớ hết được các sáng tác của mình. Có những bài hát tôi phải giở ra xem mới nhớ được là mình viết từ năm nào. Nói gần 700 bài là vẫn chưa đủ số lượng bài hát tôi sáng tác, vẫn còn một số bài thất lạc vì nhiều nhẽ.

Tôi có 6 bài hát được in trên báo Nhân Dân. Trong giới sáng tác nhạc, ít người có bài hát được đăng trên báo Nhân Dân lắm. Việc được in trên báo Nhân Dân là một vinh dự vì việc xét chọn rất khó và bài hát phải đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền của thời kỳ ấy hoặc sự kiện đặc biệt ấy.

Thời ấy, ông Nguyễn Hữu Thọ đang công tác ở báo Nhân Dân bảo rằng, nhiều bài hát của tôi có sức mạnh nhưng sau khi đăng báo phải phát trên phát thanh nữa để mọi người được nghe và thuộc lòng thì sức mạnh ấy mới được lan tỏa. Cho nên tôi cứ động viên anh em trong Đài Tiếng nói Việt Nam hồi đó phải cố gắng để thu thanh phát cho thính giả nghe đài nghe. Chẳng hạn như bài "Hà Nội Điện Biên Phủ" là đăng báo Nhân Dân trước rồi mới thu thanh để phát. Lúc đó, Đài đang đi sơ tán ở Quốc Oai vì Mỹ ném bom miền Bắc nhưng tôi vẫn động viên anh em cố gắng thu thanh để phát trên đài cho bà con nghe.

Tôi nhớ mãi kỷ niệm về bài hát "Hà Nội Điện Biên Phủ" là sáng tác trong hầm trú ẩn. Lúc đó, nhà tôi ở khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam ở Đại La (Hà Nội) bị trúng bom nên cả gia đình phải sơ tán nhiều nơi. Vợ tôi dắt con gái út lên nơi sơ tán của trường Sư phạm I ở Hưng Yên; con gái lớn theo trường về sơ tán ở Quốc Oai, riêng tôi ở lại Quán Sứ - trụ sở của Đài để tiếp tục làm nhiệm vụ. Và trong thời khắc đó, khi đang trú ẩn dưới hầm tôi đã sáng tác bài "Hà Nội Điện Biên Phủ".

Có thời điểm, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đến gặp tôi ngỏ ý muốn xin một số bản nhạc để mang về làm tư liệu lưu trữ nhưng không tôi dám giao cho họ vì sợ bị mất và cũng không muốn rời xa đứa con tinh thần của mình. Lần này Tuyến phục chế được tập nhạc này khiến tôi bất ngờ lắm vì rất công phu. Nếu mai này tôi có về với các cụ cũng yên tâm rồi, không lo lắng về chuyện các bản thảo bài hát bị mất mát nữa.

Trong quãng đời 94 năm, ông phải trải qua rất nhiều biến cố trong cuộc đời nhưng vẫn hăng say sáng tác, miệt mài lao động nghệ thuật và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Điều gì đã giúp ông vượt qua được những thử thách của cuộc đời để làm được những điều lớn lao như thế?

- Đúng là cuộc đời thử thách tôi rất nhiều, có những thử thách nghiệt ngã vô cùng. Thử thách lớn và sớm nhất có lẽ là khi thầy tôi bị sát hại ở Huế lúc tôi mới 15 tuổi. Thời điểm đó, xã hội xuất hiện hai làn ý kiến, một bên quy cho thầy tôi là phản động, một bên lại cho là người ta xét nhầm tội thầy tôi. Hai bà chị lớn của tôi có tìm đến gặp cụ Hồ Chủ tịch, cụ Hồ Chủ tịch có bảo "Cụ Phạm không phải là người xấu" tức là công nhận thầy tôi bị xử oan. Hai bà chị quay về bảo tôi "Em cứ yên tâm, rồi việc của thầy sẽ được lịch sử xem xét lại". Chính câu nói của cụ Hồ Chủ tịch và lời dặn dò của hai bà chị đã trở thành nguồn động viên lớn lao nhất giúp tôi vượt qua được mọi thứ để đi theo cách mạng và phấn đấu không ngừng cho sự nghiệp âm nhạc.

Thời kỳ tôi làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Trần Lâm - Tổng Biên tập lúc bấy giờ tin tưởng tôi tuyệt đối nên giao cho tôi tổ chức hết cái này đến cái kia… Sau này, Đài truyền hình ra đời, ông ấy lại muốn giao cho tôi về làm Trưởng ban Truyền hình nhưng có một số người phản đối, đề nghị "thôi ngay việc sử dụng nhân vật này" vì họ cho lý lịch của tôi không trong sáng. Bản thân tôi phải luôn đấu tranh với chính mình và với những định kiến của dư luận để tiếp tục sống tốt, cống hiến hết mình cho cách mạng. Tôi bảo với mọi người: "Tôi không cần chức vụ, chỉ cần được làm việc và cống hiến cho cách mạng".

Tôi nhận ra rằng, trong xã hội, có những người rất tốt và biết cảm thông với hoàn cảnh của mình nhưng cũng sẽ có những người rất định kiến với mình. Tuy nhiên, không vì thế mà mình được phép "đầu hàng" và buông xuôi tất cả.

Từ chỗ là một cậu ấm, con trai của một học giả nổi tiếng – chủ của tạp chí Nam Phong, một tờ báo bằng chữ Quốc ngữ rất có tiếng vang thời bấy giờ… bỗng chốc bị mất đi tất cả khi mới bước vào tuổi 15. Ông đã phải xoay sở như thế nào đối với cú sốc đó?

- Việc thầy tôi bị sát hại năm 1945 khiến gia đình tôi tan tác, loạn lạc. Các bà chị của tôi lúc đó đang ở Hà Nội, tôi sau đó cũng ra Hà Nội. Tôi ra được một thời gian thì xuống Ninh Bình thi đỗ Tú tài (tương đương với tốt nghiệp Trung học phổ thông bây giờ) trong khi mới học xong bậc thành chung (tương đương với Trung học cơ sở bây giờ) ở trường Quốc học Huế. Trong kỳ thi ấy, tôi và hai người nữa đỗ cao nhất, tốt nghiệp xuất sắc về Truyện Kiều và Tiếng Anh. Đỗ Tú tài, tôi quyết định thi vào trường Đại học Pháp lý vì nung nấu ý nghĩ phải có được kiến thức về pháp luật để đấu tranh pháp lý đòi lại sự trong sạch cho thầy mình. Nhưng học Đại học Pháp lý ở Việt Bắc được một thời gian thì trường bị giải tán, tôi lại vào học trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn, khóa 5, khóa chuẩn bị tổng phản công. Những bài hát đầu tiên tôi sáng tác như "Vào lục quân", "Đường về trại" năm 1949 là đều về người lính trẻ lục quân, sáng tác lúc đang ở trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn.

Năm 1950, tôi được cử về làm Đại đội trưởng tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam – nơi học tập của "các em thiếu nhi mặc áo lính". Các học trò của tôi thời đó có ông Ma Văn Kháng, Vũ Mão, Vũ Khoan. Thực ra, nhớ về thời ở trường Thiếu sinh quân, tôi rất mang ơn đồng chí Lê Chiêu – Hiệu trưởng của trường lúc đó. Thời điểm làm Đại đội trưởng ở đây, tôi phải đối diện với rất nhiều áp lực do "chủ nghĩa lý lịch" và đồng chí Lê Chiêu (sau này là Trung tướng) đã rất bảo vệ tôi. Chính nhờ ông Lê Chiêu giới thiệu mà tôi được kết nạp Đảng lúc mới 20 tuổi. Thời gian này tôi viết được một số ca khúc như "Em vào Thiếu sinh quân", "Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa", "Em tăng gia", "Của công là của nhân dân", "Bài ca thân ái", "Năm yêu", "Đố cờ"…

Đến năm 1954, tôi được cử làm cán bộ phụ trách Văn -Thể - Mỹ tại Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc). Đây cũng chính là nơi tôi gặp gỡ bà nhà tôi – PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non đầu tiên của Đại học Sư phạm I Hà Nội. Từ năm 1958, tôi mới về nước và công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam.

Gắn bó với căn phòng trên gác 3 khu tập thể N2 Vạn Bảo, Ba Đình, Hà Nội đã 30 năm. Vì sao ông không muốn chuyển đến một nơi rộng rãi hơn để có không gian sáng tác?

- Căn phòng 305 nhà N2, diện tích gần 70m2 này chúng tôi có được là nhờ nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Thời đó, bà Nguyễn Thị Bình biết gia đình tôi ở trong một căn phòng hơi chật hẹp nên đã tạo điều kiện cho chúng tôi chuyển đến nơi này. Bà Nguyễn Thị Bình bảo: "Ông Tuyên cần phải có một nơi ở tốt để còn có không gian sáng tạo nghệ thuật". Bà Nguyễn Thị Bình cũng chính là người đã giới thiệu bà nhà tôi làm Chủ nhiệm Khoa Mẫu giáo (sau này là khoa Giáo dục Mầm non) của Đại học Sư phạm I Hà Nội.

Năm 1993, nơi này là khu nhà ở của cán bộ làm việc ở Văn phòng Chính phủ. Cùng phía cầu thang với tôi, ở tầng 2 là nhà của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, phía cầu thang bên kia là nhà của nhà văn Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Tế Hanh, nhạc sĩ Trọng Bằng. Ngôi nhà này, vợ chồng và con cái chúng tôi đã sống rất đầm ấm, vui vẻ và ngập tràn yêu thương. Bà nhà tôi cũng trút hơi thở cuối cùng ở ngôi nhà này vào năm 2009.

PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết đã đi xa nhưng dường như ông vẫn chưa thể nguôi ngoai được niềm đau. Ông ở lại căn phòng này phải chăng cũng vì muốn được sống với kỷ niệm?

- Với tôi, bà nhà tôi là người tri kỷ, người bạn đời tận tụy. Bà ấy chăm sóc và hy sinh nhiều thứ để cho tôi được phát triển sự nghiệp. Vì thế, khi bà ấy mất đi, tôi rất hụt hẫng và đau buồn. Sức khỏe của tôi cũng yếu đi nhiều sau khi bà ấy qua đời. Tôi cũng không muốn chuyển đi nơi nào khác vì tuổi cũng đã cao, nơi này sống đã thân quen, lại có hơi ấm của bà nhà tôi nữa.

Vợ chồng chúng tôi gặp nhau ở khu học xá Trung ương Nam Ninh, Trung Quốc năm 1954, khi cả hai được cử sang đây học tập và công tác. Để đến được với nhau, thành vợ thành chồng, chúng tôi phải vượt qua không biết bao nhiêu rào cản, khó khăn. Người ta cho rằng, con của một gia đình cách mạng không thể lấy con của một quan lại phong kiến. Người thân tìm đủ cách thuyết phục, bắt bà nhà tôi phải cắt đứt quan hệ với tôi. Chúng tôi hoang mang và đau khổ vô cùng. May thay, thời điểm đó, ông Võ Thuần Nho (em trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) lãnh đạo Khu học xá đã xuất hiện như một "ông Bụt"để giúp chúng tôi. Nhân một lần về Hà Nội họp, ông đã chủ động đi gặp mạ của nhà tôi để nói rõ về con người tôi và đứng ra bảo lãnh để chúng tôi được đến với nhau.

Khi chúng tôi tưởng chừng như đã vượt qua được tất cả, đã thuộc về nhau thì cậu (bố dượng) của bà nhà tôi lại biết tôi bị lao phổi liền ngăn cản. Thực ra lúc đầu, ông cậu này đã tìm hiểu rất kỹ về tôi và sau khi biết tôi là người như thế nào thì cậu và mạ (mẹ) của vợ tôi đã đồng ý cho chúng tôi đến với nhau. Nhưng khi biết tôi bị lao phổi thì cậu lại ra sức ngăn cản vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.

Trong lúc đang tiến thoái lưỡng nan thì có "ông Bụt" là bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết xuất hiện để giúp chúng tôi. Ông Thuyết là người nhân hậu, từng chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ. Nhờ ông Thuyết đứng ra nói rõ bệnh lao phổi của tôi đã được chữa khỏi, không phải lo ngại gì nữa thì cậu của bà nhà tôi mới thật sự đồng ý cho chúng tôi đến với nhau.

Chúng tôi tổ chức lễ cưới vào ngày 27/1/1957 tại Khu học xá Nam Ninh trong sự chúc phúc của bạn bè, đồng nghiệp vả những người bạn Trung Quốc nữa. Tôi còn nhớ, ngày hôm đó, trong không khí rộn ràng và hân hoan của ngày vu quy, tôi và bà nhà tôi đã hát bài "Mùa Xuân trên đất Trung Hoa" do tôi sáng tác. Bài hát ca ngợi tình yêu thắm thiết, thủy chung, đã vượt qua bao gian nan, trắc trở, với tiết tấu nhịp nhàng, tươi vui.

Việc người bạn đời bỏ lại mình, ra đi sớm vì bạo bệnh có phải là cú sốc lớn thứ hai trong đời ông?

- Sốc chứ, rất sốc. Nhưng mỗi cú sốc ở mỗi thời điểm lại khác nhau. Điều tiếc nhất đó là cuộc đời của mình rất cần bà ấy, cần một người thấu hiểu và luôn chia sẻ cũng như chăm sóc mình thì bà ấy lại bỏ mình ra đi sớm hơn. Bây giờ, mỗi khi nhớ về bà nhà tôi, tôi lại cầm cuốn hồi ký "Chúng tôi đã sống như thế" lên đọc và nhớ về những năm tháng sống bên nhau. Tôi thấy trên cuộc đời này, tôi sẽ không tìm được người bạn nào như bà nhà tôi cả.

Bà ấy hợp với tôi trên mọi phương diện. Quan trọng nhất là bà ấy luôn tôn trọng mọi ý thích của tôi và theo dõi sát sự nghiệp âm nhạc của tôi từ ngày hai người quen biết nhau. Bà ấy giỏi giang, đức độ nhưng luôn sẵn sàng hy sinh để tôi được phát triển.

Ngày xưa học giả Phạm Quỳnh có tới 16 người con nhưng ông bà lại chỉ sinh hai con rồi dừng lại. Lý do gì khiến ông bà "kế hoạch" như thế khi thời đó vẫn chưa ra đời kế hoạch hóa gia đình?

- Sau khi tổ chức đám cưới ở Khu học xá Nam Ninh – Trung Quốc vào đầu năm 1957, hè năm đó chúng tôi về ra mắt gia đình hai bên. Đến tháng 5/1958, chúng tôi có con gái đầu lòng đặt tên là Thanh Tuyền (nghĩa là "dòng suối âm thanh"). Lúc bà nhà tôi sinh con gái đầu lòng tôi đang phải về Hà Nội để chuẩn bị thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Cách 10 năm sau, tức tháng 5/1968 chúng tôi mới sinh thêm Hồng Tuyến là con gái út. Vì thời điểm đó chiến tranh loạn lạc, mọi thứ rất thiếu thốn nên việc nuôi con và chăm con rất nhiều khó khăn. Thời điểm đầu, rất ít khi gia đình được đoàn tụ do phải sơ tán khắp nơi, con út theo mẹ sơ tán ở Hưng Yên, con gái lớn theo trường sơ tán ở Quốc Oai, tôi vẫn phải ở lại Hà Nội làm nhiệm vụ tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Việc sinh ít con cũng có lý do tế nhị. Nhưng con cái là trời cho, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì có được những đứa con hiếu thảo, ngoan hiền, tài năng và luôn giữ được nếp nhà. Cô gái lớn lúc còn sống là Phó Viện trưởng Viện Dầu khí, gái út cũng làm Trưởng phòng ở Ban Thanh thiếu niên của Đài Truyền hình Việt Nam trước khi về nghỉ hưu. Mặc dù Tuyền vắn số, đi sớm nhưng Tuyến đã thay chị chăm sóc tôi từng li từng tí một.

Năm mới đang đến gần, ông mong ước điều gì cho bản thân và gia đình?

- Ở tầm tuổi này, tôi không mong ước gì hơn ngoài sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình. Tôi khỏe mạnh thì con cháu đỡ lo lắng, yên tâm để công tác và cống hiến. Tôi cũng chúc cho nhà nhà, người người đón mùa Xuân mới thật tươi vui, đầm ấm.

Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Tuyên đã chia sẻ. Chúc nhạc sĩ bước qua tuổi mới với thật nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc.

(Nguồn: https://danviet.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.