You are here

Nghề phê bình âm nhạc: Thu lượm từ kinh nghiệm làm báo [1] (Phần 3)

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

(Tiếp theo)

Ngôn từ và văn vẻ

Nghề báo luôn yêu cầu viết ngắn gọn, đơn giản, rành mạch, chuẩn xác. Đơn giản được coi là con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim độc giả. Viết đơn giản tưởng dễ mà không dễ, nó đòi hỏi bạn tránh xa xu hướng đại ngôn, ngoa ngôn, lộng ngôn với những từ đao to búa lớn và cách diễn đạt cầu kỳ tối nghĩa.

Bên cạnh tính xác thực, cô đọng của thể loại tin tức, báo chí còn đòi hỏi một yếu tố không kém quan trọng, đó là thu hút sự chú ý, nhất là ở các thể loại mang tính nghệ thuật, nơi tác giả không ẩn mình mà ngược lại cần bộc lộ rõ cái riêng trong cách nhìn nhận và đánh giá sự việc, cũng như trong văn phong và cách diễn giải. Lại thêm những lời khuyên mà tôi lượm nhặt từ “làng báo”: bài viết khô khan không phải lỗi của thể loại mà là lỗi của người viết; thông tin của bài viết chỉ có thể cất cánh khi khoác lên đó những ngôn ngữ đẹp.

Về tính hấp dẫn trong văn phong, “dân” lý luận âm nhạc thua xa cánh phê bình văn học, và còn thua kém cả cánh báo chí. Nếu quan tâm đến điều này, thì bạn chẳng những không bỏ qua cơ hội học hỏi những cái hay từ báo chí, mà ngay cả những cái chưa hay cũng chính là bài học đáng giá.

Bài báo được đọc nhiều trước hết do bản thân nó chứa thông tin gây chú ý, bản thân nó đã có yếu tố câu khách. Biến tin không câu khách thành câu khách được không? Để làm điều này, báo chí thời nay đã vận dụng triệt để các mẹo gây chú ý.

Một mẹo quá phổ biến: cứ “giật tít” gây “sốc” cái đã, bất kể người đọc có thể bổ chửng trong cảm giác bị lừa khi thấy tin với “tít” chẳng liên quan. Nhan đề thông báo một chuyện bất ngờ khó tin, đọc nội dung hóa ra điều đó không hề xảy ra, chẳng qua chỉ cường điệu thế cho “kinh” thôi.

Minh Hằng “trần truồng”, người hâm mộ phát sốt
(https://www.nguoiduatin.vn/minh-hang-tran-truong-nguoi-ham-mo-phat-sot-a10166.html 28/12/2012)

Phút nói thật của ca sĩ đào hoa bậc nhất vbiz: 5 người đàn bà và mối quan hệ cùng lúc 3 người (https://www.nguoiduatin.vn/ca-si-dao-hoa-cua-vbiz-5-nguoi-dan-ba-moi-quan-he-cung-luc-3-nguoi-a498906.html 7/12/2020))  

“Gái 3 con” Hồ Ngọc Hà cởi phăng áo khoe ngực đầy bên chân dài 1m12 (https://www.nguoiduatin.vn/gai-3-con-ho-ngoc-ha-coi-phang-ao-khoe-nguc-day-ben-chan-dai-1m12-a506057.html 15/2/2021)

Vô tư vỗ vào chỗ hiểm ngay trên sân khấu… https://2sao.vn/vo-tu-vo-vao-cho-hiem-ngay-tren-san-khau-idol-kpop-bi-nem-da-tham-te-n-288339.html 10/12/2021)

Quang Lê tự đào scandal trên thả rông dưới mặc quần… (https://2sao.vn/quang-le-tu-dao-scandal-tren-tha-rong-duoi-mac-quan-voi-thanh-bi-n-292152.html 10/1/2022)

Những “tít” như thế nhiều lắm. Sở dĩ tôi phải dẫn cả link làm bằng chứng vì thật khó tin lại có những nhan đề thô thiển đến thế. Bạn có đọc những bài viết có nhan đề gây tò mò đó không? Chắc chắn nhiều người, trong đó có tôi, luôn nói “không!”.

Kiểu “giật tít” câu khách rất hiệu nghiệm trong việc tiêu thụ báo, nên người ta mới bất chấp việc nó gây dị ứng cho một phần nhỏ độc giả, nhưng thiếu đối tượng này thì báo dễ được xếp vào loại “lá cải”. Ngược lại, đặt nhan đề khô khan kiểu xã luận (như ngầm báo trước nội dung không hấp dẫn) còn gây dị ứng cho nhiều người hơn, nhất là giới trẻ. Lựa chọn đối tượng nào tùy thuộc vào tiêu chí của tờ báo, ta có bàn thêm chuyện nên hay không nên cũng chẳng thay đổi được gì. Điều muốn nói ở đây là việc đặt tên bài - một trong những chiêu học “mót” từ nghề báo quả thật rất hữu ích. Rõ ràng tên bài có thể tham dự vào quyết định của độc giả về việc đọc tiếp hay bỏ qua. Không chấp nhận “tít” bài phản cảm, nhưng cũng phải thừa nhận nhan đề khô khan sự vụ hoặc nặng nề lý thuyết chắc chắn không gây chú ý bằng tên gọi văn vẻ gợi cảm hoặc bình dị gần gũi với người đọc.

Gây chú ý bằng nhan đề hoặc cấu trúc chỉ là mẹo vặt. Cách thu hút người đọc cao tay hơn vẫn là văn phong, là “cái tôi” của tác giả. Tôi học được từ báo chí tính thực dụng, tiết kiệm từ ngữ sao cho câu chữ chất chứa nhiều thông tin nhất. Mặt khác, báo chí cũng là nơi tôi nhận được bài học về tính hấp dẫn. Sự hấp dẫn không chỉ ở những cú “phủ đầu” với nhan đề và mở bài, mà phải được duy trì bằng câu chữ suốt cả bài, thậm chí còn để lại dư âm khi đọc xong. Đó là điều quá khó. Và vì “văn là người” nên mỗi người phải tự tìm ra cách cho riêng mình, miễn sao đừng để ngay đến mình đọc lại những gì mình viết còn thấy chán thì nói gì đến chuyện bỏ bùa người khác.

Sáng tạo cá nhân là thứ khó nắm bắt. Nhiều người coi đó là cái duyên trời cho, không ai dạy ai được. Thực ra người này vẫn có thể nhận được gì đó từ kinh nghiệm thực hành của người nọ, người nọ vẫn có thể truyền cảm hứng sáng tạo cho người kia. Thực hành trong đời là trường học vô biên, khiến ta phải học không ngừng nếu không muốn tụt hậu với thời cuộc. Lắm khi cứ tưởng ta mới ta sáng tạo mà thực ra thiên hạ trước đó đã làm đã viết như thế rồi, vô tình ta đã phạm điều cấm kị: đạo ý tưởng. Đạo ý tưởng một cách vô tình chưa đáng sợ đáng xấu hổ bằng đạo văn một cách có ý thức. Xem nhẹ vấn nạn này chẳng khác gì thừa nhận một môi trường độc hại đang bóp chết khả năng sáng tạo cá nhân của lớp trẻ.

Học sinh phổ thông bắt buộc phải thuộc lòng văn mẫu để làm văn theo dàn ý có sẵn. Không ít sinh viên viết luận văn bằng cách “sao y” mà không chú thích nguồn trích dẫn. Khái niệm đạo văn, đạo ý tưởng gần như không được trang bị ngay từ trên ghế nhà trường. Dần dần tới lúc nào đó đạo văn trở thành phổ biến chưa từng thấy. Lỗi này không nhẽ chỉ thuộc về giới trẻ, trong đó có không ít người làm báo trẻ?

Ngay tôi đây không phải nhà báo chuyên nghiệp, càng không phải nhà văn, vậy mà cũng đã nhiều lần là nạn nhân của hành vi đạo văn trong âm nhạc. Có lần nhận được hồi âm của tòa soạn: bài viết của tôi không được sử dụng vì không phù hợp, sau đó tình cờ lại thấy bài đó vẫn được đăng nhưng với tên người khác, nội dung chỉ thay đổi đôi câu đảo đôi chỗ. Bắt gặp nội dung bài viết của mình ở văn bản của người khác mà không hề chú thích tài liệu tham khảo thì nhiều đến mức chẳng buồn tính bao nhiêu lần nữa.

Báo chữ là vậy, báo hình thì sao? Đã vài lần lời lẽ trong bài của tôi được sử dụng vô tư trong lời bình của video chân dung âm nhạc. Lại vài lần trả lời phỏng vấn cả buổi, nhưng xuất hiện chỉ loáng thoáng đôi câu, còn những ý quan trọng được “cấu ra” cho vào lời dẫn của tác giả phóng sự. Thế có tính là đạo văn không nhỉ? Có thể lấy cớ đó không phải văn bản chữ viết để biện minh cho hành vi “đạo” được không?

Vậy thế nào là đạo văn và làm sao tránh được một khi đạo văn trong âm nhạc vẫn diễn ra thường xuyên như chuyện đương nhiên?

“Câu” bài viết, đoạn văn của ai đó trên mạng về trang cá nhân mà lờ tịt tên người viết, làm như đó là bài của mình - đạo! Thuê người khác viết rồi mình đứng tên - đạo! Cắt dán nguyên câu nguyên đoạn của người khác vào bài mình không để trong ngoặc kép và không chú thích nguồn - đạo! Xào xáo câu chữ, dựa hoàn toàn vào nội dung và cấu trúc bài người khác mà không dẫn tài liệu tham khảo - đạo! Sử dụng lại nguyên câu chữ của chính mình trong bài từng in ấn trước đó mà không chú thích trích dẫn từ bài nào - cũng là ăn gian, là đạo, đạo của chính mình.

Không có luật quy định rõ ràng về đạo văn trong âm nhạc và hình phạt vi phạm. Không có lời thề nào trước khi hành nghề cho người làm báo và người bình luận âm nhạc trên báo chí như kiểu lời thề Hippocrates về y đức thầy  thuốc. Không có mục bảo vệ người bị đạo văn tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Không ai không tổ chức nào kiểm soát giám sát cho xuể hành vi “đạo” giữa mênh mông nguồn khai thác tri thức văn hóa nghệ thuật… Đúng vậy, không gì ngoài lương tâm người cầm bút.

Viết sự thật chưa đủ, mà phải viết với cái tâm. Viết theo hiểu biết, nhận thức và sáng tạo của riêng mình vẫn chưa đủ, mà phải viết đúng với lòng mình. Dù viết đúng cái tâm và góc nhìn của mình thì bạn vẫn có thể bị gán tội viết không đúng sự thật. Cãi vã đúng sai chẳng đi đến đâu bởi có hơn một sự thật, giống như cùng con số mà nhìn thành số 6 hay 9 còn tùy vào góc nhìn. Cho nên, đã tin mình viết đúng lòng mình rồi thì cứ cố học thêm tính can đảm của nghề báo để bước tiếp thôi - đã vài lần tôi tự nhủ tự trấn an mình như thế. Song cũng nhờ những phê phán bất ngờ như thế mà tôi buộc phải học cách cẩn trọng hơn trong câu chữ và cách diễn đạt, sao cho bài báo không còn chỗ còn cớ để bị soi xét, bị bắt bẻ, bị bới lỗi.

(Còn nữa)


[1] Lược trích bản thảo sách chưa xuất bản Phê bình âm nhạc - đạo và đời (2011-2022).

Xem tại đây:

Phần 1: https://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-thu-luom-tu-kinh-nghiem-lam-b...

Phần 2: https://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-thu-luom-tu-kinh-nghiem-lam-b...

phần 4http://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-thu-luom-tu-kinh-nghiem-lam-ba...  

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.