You are here

Nghề phê bình âm nhạc: Thu lượm từ kinh nghiệm làm báo [1] (Phần 2)

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

(Tiếp theo)

Xin nhắc thêm một vụ nữa để giải thích thêm vì sao tôi dị ứng các cuộc phỏng vấn của các nhà báo nhà đài, nhất là qua điện thoại.

Một cú điện thoại bất ngờ: chị cho biết ý kiến về việc Tùng Dương vừa hát bolero. Như mọi khi tôi lập tức từ chối trả lời. Có ham trả lời cũng chẳng được, vì tôi có nghe Tùng Dương hát bolero đâu mà phán này phán nọ. Tôi không định kiến ca sĩ chỉ được hát nhạc này, không được hát nhạc nọ. Ca sĩ hát loại nhạc nào không quan trọng, quan trọng là hát thế nào. Hát có cảm xúc, hát bằng cả tấm lòng để đủ sức thuyết phục người nghe mới là đáng nói. Tùng Dương rất cá tính, tài năng và luôn có ý thức sáng tạo. Bạn ấy có thể hát bất cứ loại nhạc gì bạn ấy muốn, kể cả cái bị cho là sở đoản, miễn là hát hay, khiến người nghe rung động, thế là thành công rồi.

Từ chối xong, chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà tôi lại có thêm khúc “chuyện ngoài lề” với thiện chí để em nhà báo nên cẩn trọng khi dùng cụm từ “dòng nhạc bolero”, vì em không hiểu sao giới chuyên môn lại coi tên gọi đó là không chuẩn. Ví nôm na cho dễ hiểu thế này: dùng tên gọi một tiết tấu phần đệm không tiêu biểu (vì bao gồm cả những bài không thuộc tiết tấu đó) làm tên gọi “dòng nhạc”, thì sẽ cọc cạch và bất hợp lý, cũng khôi hài như lấy tên đồ lót làm tên đại diện cho cả bộ trang phục vậy.

Ngay hôm sau, tôi sững sờ vì vài câu tán vui bên lề câu chuyện đã được chế thành bài báo với tinh thần khác, với câu từ sai lệch thậm tệ, trong đó có đoạn rất kỳ quặc như sau:

Phó Chủ tịch hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: “Thật ra, Bolero là một giai điệu xuất phát từ châu Mỹ - La tinh, nhạc Bolero có những bài rất sôi nổi, quyến rũ chứ không phải chỉ là những bài sướt mướt, tình cảm kiểu nhạc vàng. Gọi dòng nhạc vàng là Bolero giống như kiểu bạn đang mặc một chiếc áo lót (nhạc vàng), nhưng lại gọi tên cả trang phục bạn khoác trên người (Bolero)” - Hết trích, bài Nhạc sĩ Minh Châu: “Một ngày nào đó Tùng Dương sẽ làm khán giả rơi lệ thì sao?”   https://www.nguoiduatin.vn/pho-chu-tich-hoi-nhac-si-vn-noi-ve-viec-tung-duong-hat-bolero-a353357.html, cùng ngày (19/12/2017) còn thêm báo Người đưa tin cũng đăng bài có nội dung tương tự.

Cũng đành thôi kệ cho qua như mấy vụ khác thôi. Dù người hiểu biết âm nhạc sẽ nghĩ tôi ngu mới nói “bolero là một giai điệu…” và tôi chập cheng đi ví áo lót với nhạc vàng, nhưng làm mất mặt bạn trẻ bằng bài phản bác, để thời gian và tâm trí lấn sâu vào chuyện này thì tôi không muốn. Chỉ buồn sau nhiều năm vẫn thấy bài báo sai lệch đó nằm chềnh ềnh trên mạng, mặc cho tôi ngay lúc đó đã yêu cầu tác giả và ban biên tập báo gỡ bài. Buồn vì tôi thấy mình kém cỏi, đã giải thích tận tình thế mà em nhà báo vẫn “không thủng”, và tệ nữa là cảm giác có lỗi: người đọc thiếu kiến thức âm nhạc có thể càng hiểu méo mó thêm vì lời lẽ dở hơi của cái bà phó chủ tịch kia.

Tình huống trớ trêu trên không xảy ra nếu như người phỏng vấn cẩn thận đưa người được phỏng vấn đọc trước bài viết về một lĩnh vực mình không tỏ tưởng. Tôi càng chắc hơn bài học đã rút ra cho mình từ lâu: với một số đối tượng được phỏng vấn, việc đưa họ đọc bài trước khi in là rất cần thiết trong việc xây dựng niềm tin vào uy tín người làm báo. Họ sẽ yên lòng nếu bạn không ngại ngần đưa họ “kiểm duyệt” và xin phép gọi điện nếu phát sinh thắc mắc hoặc cần kiểm tra số liệu.

Nói thêm về số liệu, nếu được dùng như một thủ thuật câu khách, bạn hãy chuẩn bị tinh thần chấp nhận tác dụng ngược. Vì tính hấp dẫn của con số cụ thể nào đó, chẳng hạn con số 900 ca khúc của một nhạc sĩ tuy không đủ sức thuyết phục giới nhạc, nhưng vẫn được nhà báo giật tít ầm ầm vì nó gây ấn tượng với người ngoại đạo.

Trí nhớ của số đông nhạc sĩ về con số, về năm tháng phải nói rất chi là… nghệ sĩ! Quá tin lời đối tượng, bạn có thể mắc phải những nhầm lẫn nực cười. Có một lỗi về thời gian trong cuốn sách Giao hưởng một đời người mà tôi khó mà tha thứ cho mình dù chưa ai phát hiện ra. Trung thành với lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, rằng mẹ ông mất vào cuối năm 1990, tôi không hề nghĩ đến việc kiểm tra lại ngày tháng kể cả lúc đến thăm mộ bà cụ tại làng Vĩnh Kim (Tiền Giang). Lần đầu mở cuốn sách vừa xuất bản tôi mới tá hỏa tam tinh và khấn thầm xin cụ bà tha thứ: tấm bia mờ mờ trong bức hình tôi chụp nhạc sĩ bên mộ mẹ có khắc ngày mất của bà cụ là giữa năm 1991!

Thể loại và cấu trúc

Rất nhiều bài báo về âm nhạc bình luận theo kiểu cảm tính - nội dung, hình thức, cấu trúc đều ngẫu hứng và rất khó xác định thể loại thể tài. Vì thế tôi luôn lúng túng phân vân với mục “thể tài” khi làm Phiếu nhận xét từng bài được sưu tập cho công trình Đánh giá tài liệu lý luận - nghiên cứu - phê bình âm nhạc thế kỷ XX[2]. Song, cũng nhờ bắt buộc lập phiếu mà tôi bắt đầu tìm hiểu và biết đến hệ thống thể loại báo chí, biết phân biệt tính chất giữa các thể loại: tính báo chí được ưu tiên nhất ở thể loại thông tấn, tính lý luận nghiên cứu chiếm lĩnh thể loại chính luận, còn tính văn học nghệ thuật đậm hơn ở loại bài tài liệu - nghệ thuật.

Thể loại thông tấn: phổ cập như món ăn thường ngày không thể thiếu, đáp ứng tính cập nhật và tính xác thực. Đây là thể loại xung kích, nền tảng của báo chí, được xem nhiều hơn cả vì nó dễ đọc, lại cung cấp cho công chúng thông tin về những sự kiện mới nhất. Các tác phẩm đoạt giải báo chí quốc tế đa phần được viết ở thể loại thông tấn. Dựa trên mức độ đưa tin, thể loại này còn chia thành các dạng khác nhau: tin thời sự và phóng sự.

Tin thời sự - tin nóng, vừa xảy ra, thậm chí đang xảy ra, tức là tường thuật trực tiếp từng diễn biến sự kiện. Đưa tin được coi là thể loại báo chí mang tính đại chúng nhất với tiêu chí ngắn gọn, cô đúc, nhanh chóng và kịp thời. Tùy theo độ ngắn dài và cách thức đưa tin mà phân thành các dạng cơ bản như tin vắn, tin ngắn, để phân biệt với tin sâu (tin tường thuật, tin tổng hợp)…, và không thể bỏ qua tin ảnh, tin video phát huy mạnh yếu tố “nhìn” của thời công nghệ thông tin. 

Phóng sự - tin nhẹ, theo nghĩa không đặt việc đưa tin làm mục đích duy nhất, mà có thêm yếu tố giải trí, hé mở đôi chút nguyên do sự việc để thỏa mãn phần nào tính tò mò của người đọc. Mặt khác, phóng sự thuộc về tin sâu nếu xét đến quá trình phỏng vấn, tìm hiểu, khai thác chi tiết và giải thích rõ thêm sự việc. Cùng nhóm này còn có các bài ghi nhanh, tường thuật, điều tra…

Thập niên đầu thế kỷ XXI tôi thường làm một việc có thể bị các đồng nghiệp dè bỉu, đó là theo dõi một số blogger tường thuật trực tiếp các sự kiện âm nhạc giải trí, như các mùa Americal Idol. Dù là “tay ngang” về báo chí và không hành nghề âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng các bạn trẻ viết bài khá hấp dẫn, sống động, luôn kèm video clip, đôi khi thêm lời nhận xét riêng và những chi tiết thú vị, mở rộng khuôn khổ tin thời sự thành phóng sự.

Phóng sự điều tra xem chừng hợp với lĩnh vực kinh tế xã hội hơn là nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Song đời sống âm nhạc ngày nay phức tạp hơn nên cũng ngày càng có thêm bài báo thuộc dạng điều tra. Hẳn bạn còn nhớ những phóng sự về vụ khiếu nại xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Mình và Giải thưởng Nhà nước năm 2011, về các vụ việc kiện cáo liên quan đến đạo nhạc, đến bản quyền tác giả âm nhạc trong mấy thập niên đầu thế kỷ này…

Thể loại chính luận: không dành cho đối tượng đông đảo như các thể loại đưa tin. Với mục đích tìm hiểu sâu hơn, mang tính lý luận cao và tầm nhìn khái quát về ý nghĩa một sự việc hoặc nhiều vụ việc, thể loại này đòi hỏi sự sáng tạo cá nhân, tư duy sắc sảo, lý lẽ vững vàng, nghĩa là cần một “cái tôi” bản lĩnh để phân tích, đánh giá và kết luận vấn đề. Có thế xếp vào đây những bài bình luận, xã luận, chuyên luận, tiểu luận, và đôi khi cả phiếm luận, nhàn đàm... Với mục tiêu định hướng dư luận, đưa ra những luận cứ giúp công chúng nhận thức vấn đề phù hợp với quan điểm nào đó, những bài chính luận chuyên sâu thường được coi là “bài đinh” trong cả số báo và không phải ai cũng viết được.

Tài liệu - nghệ thuật: bao gồm những bài viết giàu chất văn học cùng các biến thể mang tính nghệ thuật chuyên ngành, như ký sự, bút ký, nhật ký, chân dung nghệ thuật... Với tôi, đây là thể loại hấp dẫn nhất, sâu sắc nhất, nhưng cũng khó viết nhất, bởi nó đòi hỏi tác giả không những vừa hiểu rõ nghề báo vừa vững kiến thức âm nhạc, mà còn phải có cái duyên riêng với vốn từ sinh động, văn phong lôi cuốn và cách diễn đạt độc đáo. Khác với thể loại thông tấn truyền đạt thông tin sự kiện và thể loại chính luận cung cấp thông tin lý lẽ, đây là thể loại quảng bá thông tin thẩm mỹ,

Các thể loại báo chí kể trên đều có mặt trong lĩnh vực âm nhạc một cách độc lập hoặc giao thoa xóa nhòa ranh giới. Thực tế không thể loại nào cần hơn hoặc có thể thay thế thể loại khác, mà chỉ có thể loại thích hợp hơn với tùy tạng người. Có người suốt đời chỉ quen đưa tin và cố gồng cũng không kham nổi chuyên luận, có người chỉ hợp viết chuyên luận và không đủ năng động nhạy bén để viết tin.

Đưa tin là bài viết trước sự kiện, còn phê bình phải sau sự kiện mới viết được. Rõ ràng viết trước (thông tin sự kiện) dễ hơn, vì viết sau (thông tin lý lẽ, thông tin thẩm mỹ) là nơi đòi hỏi cái tôi sáng tạo. Nhưng thời nay gần như chỉ có viết trước, không cần những bài phê bình sau sự kiện. Báo chí luôn từ chối đăng những bài cảm nhận đánh giá sau buổi biểu diễn với lý do “sự kiện qua rồi, tin đã thiu rồi”. Bảo sao các nhà lý luận dù có tâm mấy cũng mau nản và chẳng thiết đầu tư thời gian công sức vào những bài dễ bị ế. Bảo sao các nhà phê bình bị luôn bị chê “tắt tiếng” và nền phê bình âm nhạc ở ta cứ mãi èo ọt.

Cùng là viết sau cuộc hội thảo, nhưng tùy vào sở trường của mình mà bạn có thể chọn viết tổng thuật (thể loại thông tấn) một cách sống động nhanh nhạy, hoặc viết tổng luận (thể loại chính luận) một cách sâu sắc uyên bác. Dựa trên các tham luận hội thảo, bài tổng luận dẫn dắt vấn đề theo mạch có liên kết có chủ định để từ đó phát triển gợi mở sâu hơn rộng hơn. Viết giỏi viết khéo thì từ cả đống tham luận nhàm chán vẫn làm nên được một tổng luận thú vị. Nghệ thuật là ở đó, cái tôi sáng tạo là ở đó!

Nhờ làm báo mà dần dần tôi biết đến những hình mẫu cấu trúc bài bản, rành mạch, cô đọng cùng nhiều kỹ năng khác khó có được ở những bài bình luận của giới nhạc chuyên nghiệp. Cũng nhờ làm báo, tôi buộc phải rèn giũa cách viết ngắn đến mức không thể ngắn hơn, sao cho đủ nội dung muốn nói mà vẫn không vượt số chữ quy định. Thú thật tôi đã rối mù với các mô hình tháp ngược, xoáy ốc, bậc thang…, với kết cấu nhân quả, kết cấu kể chuyện…; rồi cũng tự ép mình thử sức với các hình thức và cấu trúc bài viết khác nhau. Từ quá trình mày mò không ngừng nghỉ đó, tôi đã học cách tùy theo thể loại mà sử dụng cấu trúc thuận hay đảo trình tự thời gian, hoặc ưu tiên mức độ quan trọng của vấn đề.

Câu trả lời là “không biết!” khi tôi hỏi các sinh viên lý luận âm nhạc về cấu trúc phổ cập nhất trong đưa tin với hình ảnh tam giác ngược (“kim tự tháp ngược” hay còn gọi là “viên kim cương”) và công thức 5w + 1h. Các bạn ấy cũng như tôi không được học ở trường mấy thứ đó. Thế là buổi nói chuyện về phê bình phải dành chút thời gian giới thiệu cho các nhà báo âm nhạc tương lai kết cấu sơ đẳng của một bài đưa tin. Nếu bạn đọc thân mến của tôi cũng có câu trả lời giống thế, thì mạn phép các nhà báo chuyên nghiệp cho tôi có vài dòng múa rìu qua mắt thợ. Xin lược dẫn ra đây đôi điều liên quan đến cấu trúc cơ bản và đơn giản nhất trong thể loại thông tấn mà tôi lượm nhặt từ nghề báo.

Được tung ra trước tiên phải là điểm quan trọng nhất: “cái kết” (kết quả) của sự kiện, không cần rào đón bằng “lời mở đầu”. Tóm lại, tin tức của bạn được mở đầu bằng... đoạn kết! Đập vào mắt là một tin “khó tin”, kiểu như “Michel Jackson qua đời” khiến người đọc sững sờ và vội vàng đọc tiếp để biết thêm thông tin về nguyên nhân, diễn biến cái chết bất ngờ.

Với lời khuyên không “tư duy thay công chúng”, bạn chỉ đơn thuần là người truyền tin một cách khách quan, vô tư. Bạn an phận đóng vai một “tác giả vô hình”, không xưng “tôi” và không bình luận dông dài. Nếu cần có lời bình thì chỉ nên để một câu rất ngắn vào cuối tin.

Dàn bài tiêu biểu của tin gồm mở đầu (cốt lõi thông tin) và thân bài (bổ sung thêm những chi tiết cụ thể), không cần kết luận, cũng không có sự kết nối chuyển tiếp giữa các đoạn nên có thể đảo chỗ mà không ảnh hưởng nội dung bài.

Bạn cứ xông thẳng vào những điểm thiết yếu “ai, cái gì, khi nào, ở đâu”, tiếp đến “tại sao, thế nào” (công thức 5w + 1h: who, what, when, where, why, how), đôi khi còn có thêm “với ai” (with) và “bao nhiêu” (how much/ how many).

Chớ có dại làm thằng hầu kể lể con tằm cái kén cho có đầu có đuôi để khi đi tới câu kết thông báo tàn thuốc rơi thì cũng cháy béng vạt áo ông chủ. Đưa tin thời cạnh tranh thông tin mà dẫn dắt lôi thôi thế thì thua to.

Như vậy, thường gặp nhất trong thể loại đơn giản nhất (tin thời sự) là cấu trúc tháp ngược, trong đó các chi tiết được sắp xếp theo thứ tự giảm dần về mức quan trọng để người đọc mau chóng nắm bắt ý chính và có thể chuyển qua tin khác bất cứ khi nào muốn, người biên tập cũng dễ cắt đuôi khi không đủ chỗ đăng.

Việc sử dụng cấu trúc có thể linh hoạt, kết hợp nhiều hình tháp trong một tin, có tháp theo thế cổ điển vững chắc, có tháp đảo ngược trong từng phần, từng đoạn khác nhau, nghĩa là bạn được phép xây tháp nhiều tầng, nhiều tháp ngược nhỏ hợp thành một tháp ngược lớn.

Tháp ngược không hợp với thể loại chính luận. Với thể loại này khỏi lo “trồng cây chuối” nữa, bạn cứ quay về với dàn bài cổ điển đã thuộc nằm lòng từ thuở còn đánh vật với các bài tập làm văn: mở (đặt vấn đề, báo trước những gì tiếp theo), thân (phát triển vấn đề theo thứ tự logic), kết (tổng hợp vấn đề, rút ra ý nghĩa, phương hướng). Có vài kết cấu cho bạn lựa chọn:

Kết cấu thời gian: xuôi hoặc ngược - bắt đầu bằng tương lai, hiện tại rồi trở ngược quá khứ;

Kết cấu tổng hợp: tình trạng - nguyên nhân - kết quả (qui nạp: phương pháp suy luận từ cụ thể đến khái quát, từ phân tích hiện tượng riêng lẻ dẫn đến kết luận chung);

Kết cấu chứng minh: đưa kết quả khái quát trước rồi chứng minh bằng hiện tượng cụ thể (diễn dịch: phương pháp suy luận từ nguyên lý chung dẫn đến hiện tượng riêng).

- Qui nạp và diễn dịch là gì? - tôi đã hỏi vài sinh viên lý luận và cả các thành viên trong lớp tập huấn của Hội Nhạc sĩ, chẳng biết vì ngại hay quên mà không ai trả lời.

Con tôi từ lúc học lớp 6 đã phải học ra rả như con vẹt mấy định nghĩa này, chỉ vài bữa sau vặn lại “thế nào là qui nạp, là diễn dịch?” nó vẫn tắc tị. Tôi đã cùng con đối phó với kiểu giáo dục nhồi trẻ con cả mớ lý thuyết xa rời thực hành như thế bằng cách “dịch” lại theo ngôn ngữ con trẻ: đó là cách con đi từ trong ra ngoài hoặc từ ngoài vào trong.

Giờ tôi cũng nhắc lại như thế ở đây: tùy trường hợp mà đi từ trong ra ngoài hoặc ngược lại, miễn sao hấp dẫn từ đầu đến cuối khiến người đọc không dứt ra được, thậm chí thú vị đến mức họ phải ngóng đọc tiếp bài sau của bạn.

(Còn nữa)


[1] Lược trích bản thảo sách chưa xuất bản Phê bình âm nhạc - đạo và đời (2011-2022).

[2] Công trình được in thành bộ sách 5 tập 7 cuốn: Hợp tuyển tài liệu lý luận - nghiên cứu - phê bình âm nhạc thế kỷ XX. Viện Âm nhạc, 2003.

Xem tại đây:

phần 1 https://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-thu-luom-tu-kinh-nghiem-lam-b...

phần 3 http://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-thu-luom-tu-kinh-nghiem-lam-ba...

phần 4 http://hoinhacsi.vn/nghe-phe-binh-am-nhac-thu-luom-tu-kinh-nghiem-lam-bao-phan-4  

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.