You are here

Mưa xuân và tình yêu người lính

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Hạt mưa, rừng hoa, ánh mắt, làn môi, má em, tóc em, lòng tôi, con tim, tình yêu, nụ hôn… Những danh từ này được nâng niu chăm chút bằng cả chuỗi tính từ và động từ: long lanh, mơn man, phơi phới, dịu dàng, ngọt ngào, xao xuyến, ngây ngất, yêu thương, đắm say, rung lên, trào dâng, khát khao…

Đích thị mùa xuân đó chứ đâu! Rõ là mùa yêu rồi còn gì!

Xuân là có thật. Mưa là có thật. Mỗi Em là không thật. Không một em nào làm nguyên mẫu ngoài đời cho Mưa xuân của cựu chiến binh Đức Trịnh. Em và tình yêu dành cho em chỉ có trong tưởng tượng của chàng trai đang tuổi “còn xoan” mà đã nhiều lần đối mặt với cái chết ngoài mặt trận biên giới Tây Nam bộ, vừa chân ướt chân ráo trở về Hà Nội sau hơn chục năm xa cách, với hành trang chồng chất bao trải nghiệm đau thương nơi chiến trường khốc liệt, lại càng thêm trĩu nặng sau những được mất của một lần đổ vỡ hôn nhân.

Không một lời nhắc tới “lính”. Song đây chính là khúc tâm tình của anh lính lần đầu tiên lại được đón xuân Thủ đô kể từ khi nhập ngũ tuổi 16. Nghe nói hồi ấy anh đã “khai man” cho đủ tuổi tuyển quân, tiếp đến những năm tháng đằng đẵng hành quân xuyên Việt sang Lào rồi Campuchia..., cho tới ngày yên tiếng súng anh cũng không giải ngũ mà trở thành lính văn nghệ để suốt đời không rời khỏi nghiệp nhà binh.

Không một chút ồn ào gân guốc thô cứng kiểu lính tráng. Những hạt mưa bụi “đặc sản” đất Bắc lất phất bay bay, nhẹ đậu lên tóc lên má lên môi… Cảnh tượng ấy đã khiến tình xuân nảy mầm trong anh lính cô đơn, khiến người đàn ông từng trải dè dặt cũng phải mở lòng. Sau nỗi đau chiến tranh cũng như giông gió cuộc đời chỉ còn lại đây tình cảm dịu dàng, mơ mộng với con tim bao dung và khao khát yêu thương.

Dù ở bước khởi đầu con đường âm nhạc, Mưa xuân (1987) đã bộc lộ nét riêng của một Đức Trịnh trữ tình, lãng mạn, đằm thắm, một Đức Trịnh luôn hướng đến “tư duy khí nhạc” trong ngôn ngữ thanh nhạc. Cũng không lạ bởi anh còn là một nhạc sĩ phối khí uy tín, một nhạc công “cứng cựa”, thành viên sáng lập ban nhạc Hoa sữa nổi tiếng cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90.

Trôi theo dòng cảm xúc, Mưa xuân liên tục phát triển theo hình thức hai đoạn không tái hiện. Mỗi đoạn sở hữu giai điệu riêng, đoạn sau biến đổi chất liệu đoạn trước, nâng dần từ âm vực thấp lên cao, sáng dần từ màu sắc thứ sang trưởng. Tính phát triển lộ rõ ngay từ phần trình bày, trong đó câu sau đóng vai trung gian, vừa lưu giữ vài chi tiết đã trần thuật ở câu đầu, vừa tung ra những yếu tố mới chuẩn bị cho phần điệp khúc. Tiến trình biến đổi xa dần ấy không phá vỡ tính thống nhất của toàn bài, vì vẫn còn đó những điểm chung về kết cấu và cách tiến hành giai điệu trong mỗi câu mỗi đoạn.

Tất cả đều dựa trên nguyên tắc nhắc lại: hoặc nhắc lại nguyên dạng một nét nhạc, câu nhạc, đoạn nhạc; hoặc nhắc lại có thay đổi cao độ, nói theo thuật ngữ nhà nghề là thủ pháp mô tiến tự do. Giai điệu gói gọn trong khoảng âm hẹp, duy trì nhiều âm lặp lại rất thích hợp với tính tự sự. Mở đầu liên tiếp chín nốt nhạc đay lại chỉ hai âm “hạt mưa mùa xuân…”, rồi vẫn motif “hạt mưa” được dịch chuyển xuống thấp hơn một bậc. Tới câu sau nhân tố chính rút lại chỉ còn một âm duy nhất: có tới năm từ trên cùng cao độ “mưa bay bay long lanh” và “cho con tim rung lên”. Lần nữa các âm trùng lại được mô tiến đi xuống với “mưa mơn man” và “ngân vang trong”. Sang điệp khúc, dù được khoác thêm màu sắc tươi mới của giọng trưởng cùng tên, thì motif này vẫn kiên trì lặp lại bước đi xuống liền bậc với các chùm “đi bên em”/ “khi xuân sang”/ “cơn mưa xuân”…

Sự nhắc lại được nhấn thêm bằng tiết tấu với âm hình nghịch đảo. Nếu cách lặp từ và lặp âm nối nhau đi xuống tựa như họa lại hình ảnh mưa rơi đều đều, thì những hụt hẫng do phách yếu lấn sang phách mạnh đã làm mất trọng lượng những hạt mưa để chúng nhẹ bỗng la đà bay, để lòng người càng thêm say, thêm lay động xao xuyến.

Sự xao động còn được hỗ trợ bằng hòa thanh. Cả bài không có câu nào kết trọn trên âm chủ, mà luôn dừng ở các bậc thuộc hợp âm nghịch. Tạo nên sức hút sang câu sau, nốt kết chông chênh còn đóng vai trò âm nối giữa các câu các đoạn. Trước khi chuyển sang điệp khúc, dù lời ca đã trọn nghĩa vẫn được chèn thêm từ đệm “hư” để câu hai lại tái diễn âm kết “nửa vời” và cấu trúc không vuông vắn của câu đầu. Cuối bài cũng không đặt dấu chấm hết bằng chủ âm. Vì kết lửng lơ nên giai điệu có xu hướng “lái” ngược về đầu điệp khúc, có thể quay lại bao lần tùy thích, cho yêu thương vẫn cứ trào dâng và niềm khát khao dường như không dứt...

Lối tư duy hòa âm và cả cách thả dấu lặng đột ngột ngắt vụn câu ca tuyến nhạc (chẳng hạn như “trong mênh mông rừng hoa [dấu lặng] trắng”) là những biểu hiện mong muốn đưa “tính khí nhạc” vào ca khúc, một đặc điểm sáng tác ngày càng rõ nét ở Đức Trịnh.

Với ca sĩ, Mưa xuân đã có mặt trong danh mục biểu diễn của nhiều giọng ca: Mỹ Linh, Lan Hương, Thanh Lam, Thùy Dung, Anh Quân, Tùng Dương… Song cần ghi nhận thành công đầu tiên thuộc về Ngọc Châu, khi đó cũng là một thành viên của ban nhạc Hoa sữa. Với người nghe, Mưa xuân rất hợp trạng thái lâng lâng bâng khuâng đầu năm mới. Còn với riêng tác giả, Mưa xuân là khúc mở màn cho đoạn đời mới, và cũng là dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của một tướng quân làm nhạc.

22-02-2022

Nghe Mưa xuân - Đức Trịnh https://youtu.be/cs3ILrJlN18

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.