You are here

Mơ đời chiến sĩ - Lương Ngọc Trác - Mạc Tần

Tác giả: 
Nguyễn Thiên Việt

Ai đã xem truyện Luỹ hoa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hẳn còn nhớ hình ảnh một nhân vật nhạc sĩ trẻ tuổi với cây đàn và cây súng tham gia chiến dịch 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô. Chàng nhạc sĩ trẻ tuổi Thu Phong trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng chính là tác giả của ca khúc nổi tiếng Mơ đời chiến sĩ – nhạc sĩ Lương Ngọc Trác (Nguyễn Quý Trác) ngoài đời.    

Mây núi rừng thiêng chính khí ca Tinh binh rộn rã trên đường xa Đây hồn chiến sĩ oai hùng ngự Một thưở đao binh giục lánh nhà. Mùa Xuân đi in dấu hằn đau thương Em lòng ơi giữ lấy giấc mơ hồng

Ai mải miết.. cuộc đời quen êm ấm Ta ra đi cùng tiếng hát trên đường. Rồi đến sớm mai nơi chiến khu... Cùng nhau phất cờ giết quân thù Kề vai cùng bước lên đường mới Thề quyết hy sinh phá ngục tù...

Bây giờ chàng nhạc sĩ trẻ nọ đã là một ông già 79 tuổi, mái tóc bạc, nét mặt đôn hậu và điềm đạm. Ông thong thả kể về những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng: Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Nhà Thờ (Hà Nội). Từ năm 11 tuổi đã được gia đình cho học âm nhạc.

Trước khi gia nhập Trung đoàn Thủ đô, tôi là tự vệ phố, ngày đi làm nhiệm vụ, đêm về đi biểu diễn ở các rạp hát, quần áo và vũ khí tự túc, không có quân phục riêng, phù hiệu chỉ là ngôi sao gắn trên mũ ca-nô. Khi kháng chiến bùng nổ, tôi thuộc Tiểu đoàn Đông thành, chiến đấu ở khu vực Cửa Đông bây giờ.

Trong trận đánh ở phố Hàng Hòm, để tấn công vào một căn nhà bên kia phố đang có bọn Pháp trấn giữ, tôi băng qua đường với quả đạn moocchie, đặt trước cửa căn nhà. Dự định khi quả moocchie nổ, cánh cửa bay ra, anh em bên kia đường sẽ xung phong. Nhưng khi tôi giật nụ xòe, cánh cửa chỉ bục một lỗ nhỏ, thì ra sau cánh cửa địch đã chèn rất nhiều bao cát. Địch ném lựu đạn ra, không may một mảnh đạn đã làm tôi bị thương ở chân.

Tôi được anh em đưa vào “bệnh viện dã chiến” của trung đoàn đặt trong nhà kho của một thương gia phố Hàng Buồm. Anh Bùi Nguyễn Cát – Trưởng ban quản trị nói: “Không sao, nhạc sĩ cứ yên tâm điều trị ở đây, khi nào chúng tôi có mit-tinh, anh đánh đàn giúp chúng tôi”. Vài ngày sau, anh Cát tới, đưa tôi một đôi nạng gỗ và bảo: “Anh tập đi đi, có lẽ chúng ta sắp rút”. Chập tối hôm đó, trung đoàn được lệnh “rút ra ngoài vòng vây”...

Trong những ngày nằm ở “bệnh viện dã chiến” phố Hàng Buồm, tôi đã sáng tác bài Mơ đời chiến sĩ để kỷ niệm những tháng ngày gian khổ nhưng không thể nào quên. Sau đó, khi nhận bức thư của Bác gửi anh em Vệ quốc đoàn có câu: “Các em thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tôi đã viết nhạc phẩm thứ hai trong thời kỳ này là Thủ đô huyết thệ, tiếp theo là Trường Chinh ca, Lô giang…Bài Mơ đời chiến sĩ được sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt, trước khi quân ta rút lui khoảng 3-4 ngày (tức là vào mùng 9 Tết Đinh Hợi năm 1947). Tôi lúc đó đang nằm điều trị vết thương ở chân, tình cờ đọc được một bài thơ đăng trên tờ Sao Vàng của Vệ quốc đoàn có những câu rất phù hợp với tâm tư mình lúc ấy như:

Mùa xuân đi không tiếc nữa đời hương

Em lòng ơi, giữ lấy giấc mơ hường

Ai mải miết một trời son với phấn

Ta hùng anh lừng hát tiến lên đường.

Tên người sáng tác bài thơ đề ở dưới là Mạc Tần. Tôi lúc đó không biết Mạc Tần là ai, có thể đó là một thanh niên đã từng vứt bỏ tất cả những hoa lệ của quá khứ để đứng trong hàng ngũ Vệ quốc đoàn, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ấy là tôi đoán như vậy. Một ngày sau, bài hát đó ra đời và được các chiến sĩ của Trung đoàn thủ đô yêu thích, bài hát tự nó lan truyền. Có thể nó được công chúng đón nhận vì - như nhận xét của nhạc sĩ Doãn Nho: “Là hành khúc lạ mang tâm sự của thanh niên yêu nước Hà Nội lúc bấy giờ”. Tôi còn nhớ có những đêm trên chiến khu, hàng nghìn chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô đốt lửa trại cùng đồng ca bài này theo nhịp đuốc.

Vào khoảng năm 1957, có một lần tôi và cố nhạc sĩ Vũ Trọng Hối đi công tác, xe lăn bánh dọc bờ đê sông Hồng, tới một khúc sông bỗng Vũ Trọng Hối dậm chân thình thình xuống sàn xe hét tướng: “Dừng lại! Dừng lại!”. Tôi ra khỏi xe mà ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Vũ Trọng Hối kéo tay tôi lên bờ đê, chỉ xuống dòng nước bạc mênh mông phía trước rồi nói: - Trác ơi, cậu phổ thơ Mạc Tần mà cậu chưa biết. Đây chính là nơi Mạc Tần đã hy sinh!

Qua lời anh Hối kể, tôi mới biết Mạc Tần nguyên là chính trị viên Đại đội Vệ quốc đoàn. Trong thời gian 60 ngày đêm khói lửa, Mạc Tần được lệnh đưa đơn vị mình vượt sông sang yểm trợ cho Hà Nội. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và nhà thơ trẻ tuổi đã hy sinh ở đây. Chúng tôi không ai bảo ai, đứng trên bờ đê, cùng im lặng mấy phút mặc niệm hương hồn nhà thơ, liệt sĩ, người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Thinh không yên tĩnh, bên bờ kia ngút ngàn xanh mướt. Nhà thơ đã mất nhưng tên tuổi của ông vẫn sống mãi với những áng thơ về cuộc chiến oai hùng của chúng ta.

Quả là một điều đặc biệt mà ít người biết: ca khúc Mơ đời chiến sĩ vang bóng một thời lại là bài thơ của một liệt sĩ được phổ nhạc bởi một thương binh. Họ cùng là những thanh niên thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh trong mùa xuân năm ấy.

(Nguồn: https://bcdcnt.net/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.