You are here

Liszt: Concerto piano số 2

Tác giả: 
Ngọc Tú (tổng hợp)

Tác giả: Franz Liszt.

Tác phẩm: Concerto piano số 2 giọng La trưởng, S. 125

Thời gian sáng tác: Bắt đầu vào khoảng những năm 1839-1840 và được hoàn thành 10 năm sau đó. Tuy nhiên, Liszt còn quay lại xem xét và sửa chữa tổng phổ nhiều lần. Phiên bản cuối cùng được thực hiện vào năm 1861.

Công diễn lần đầu: Ngày 7/1/1857 tại Weimar với Hans von Bronsart chơi piano và tác giả chỉ huy dàn nhạc.

Độ dài: Khoảng 20 phút.

Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng cho học trò của Liszt, nghệ sĩ piano Hans von Bronsart (1830-1913).

Tác phẩm có 1 chương duy nhất nhưng được chia làm 6 phần:

Adagio sostenuto assai – Allegro agitato assai – Allegro moderato – Allegro deciso – Marziale un poco meno allegro – Allegro animato

Thành phần dàn nhạc: Piano độc tấu, 3 flute (flute 3 kiêm piccolo), 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, cymbals và dàn dây.

Liszt chưa bao giờ gặp Schubert, nhà soạn nhạc có ảnh hưởng lớn nhất đến hình thức trong các tác phẩm dành cho dàn nhạc của ông, mặc dù đã có khoảng thời gian hơn một năm họ sống gần nhau tại Vienna. Liszt ngưỡng mộ âm nhạc của Schubert trong suốt cuộc đời mình, ông đã chuyển soạn rất nhiều các ca khúc của Schubert cho piano độc tấu để mình có thể chơi trong các buổi hoà nhạc. Tuy nhiên tác phẩm của Schubert mà Liszt yêu thích nhất là Fantasy “Người lang thang”, một tác phẩm lớn, đầy thách thức và là bản nhạc dành cho piano độc tấu duy nhất của Schubert mà Liszt từng biểu diễn. Bên cạnh đó, Liszt cũng từng chuyển soạn tác phẩm này cho piano và dàn nhạc cũng như 2 piano. Bản nhạc dành được sự yêu mến của Liszt không phải vì kỹ thuật điêu luyện của tác phẩm mà còn vì hình thức đặc biệt của nó: 4 chương nhạc được liên kết trong một cấu trúc liên tục và hơn nữa, được thống nhất bằng một chủ đề duy nhất.

Liszt đã đi trước nhiều thập kỷ bằng cách tôn vinh Fantasy “Người lang thang” Ông đã kế thừa phong cách này bằng cách sáng tác ra tác phẩm dành cho piano độc tấu tuyệt vời nhất của mình: Bản Sonata piano giọng Si thứ. Ngoài ra, cả 2 concerto piano của Liszt đều kế thừa ý tưởng của Schubert về các chương nhạc riêng lẻ gắn bó với nhau như một, mặc dù bản số 1 bám sát hơn cấu trúc tác phẩm của Schubert. Cả 2 concerto đều hưởng lợi từ khái niệm đang được hoàn thiện của Liszt về việc một tác phẩm hoàn chỉnh có cấu trúc của một chương nhạc đơn lẻ ở dạng sonata với các chủ đề được trình bày, phát triển và tái hiện. Và cả 2 còn thể hiện kỹ năng phi thường của Liszt trong việc nguỵ trang và biến đổi – khả năng tạo ra các chủ đề có tính cách đa dạng từ cùng một giai điệu.

Ban đầu Liszt gọi bản Concerto piano số 2 của mình là Bản giao hưởng concerto, theo cách đặt tên tác phẩm của Henry Litolff, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano thường hưởng ứng theo các quan điểm nghệ thuật của Liszt và được ông dành tặng cho bản Concerto piano số 1. Bản số 2 tiếp tục khám phá những ý tưởng về việc kết hợp các phần và biến tấu theo chủ đề đã được đặt ra trong bản số 1 nhưng tinh tế và kín đáo hơn trong việc xử lý liên kết giữa các chương như thể Liszt đã nhập tâm vào quan điểm của Litolff về việc nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc là 2 thực thể được tích hợp chặt chẽ. So với bản số 1, bản số 2 có sự khác biệt khi chỉ còn 1 chương duy nhất thay vì 4 để ngoại suy các ranh giới về nguyên tắc của sonata giống như cách mà nhiều bản thơ giao hưởng của Liszt đã từng làm. Ngoài ra, bản số 2 này có ít chủ đề nhưng nổi bật hơn bản số 1.

Chủ đề chính mở đầu bản nhạc là một giai điệu u sầu kéo dài, lần đầu được chơi trên clarinet và được đệm với 2 hợp âm: một là giọng chủ La trưởng với nốt cao nhất là Đô thăng, hai là Pha thăng trưởng. Nơi Liszt giới thiệu nghệ sĩ piano bằng những quáng tám chói lọi trong bản số 1 nhường chỗ cho những hợp âm piano rải nhẹ nhàng bên dưới tiếng nhạc êm đềm của bộ hơi, một điều đáng chú ý khi piano xuất hiện để làm bè đệm cho dàn nhạc. Âm nhạc được mở rộng để chuyển tiếp với một khúc chen nhẹ nhàng với horn độc tấu, oboe và cello. Trong sự đảo ngược các yếu tố cấu thành thông thường của phần giới thiệu trong hình thức sonata, chủ đề 2 mạnh mẽ ở giọng Rê thứ. Trong phần thứ hai, một chủ đề mới xuất hiện ở giọng Si giáng thứ và sau đó là phần tutti sôi động của cả dàn nhạc, khép lại phần giới thiệu. Phần phát triển bắt đầu khi piano độc tấu tham gia lại vào tác phẩm, khi mối liên hệ giữa phần tutti và đoạn kết của chủ đề đầu tiên được bộc lộ. Một đoạn piano độc tấu ngắn làm dịu lại không khí gần như trở về trạng thái ban đầu của tác phẩm. Chủ đề tutti được biến tấu thành một phần giới thiệu nhẹ nhàng bắt đầu phần tiếp theo, được mở rộng thành một đoạn cadenza ngắn. Chủ đề đầu tiên được biến đổi từ nhịp ¾ thành 4/4, lần này ở giọng Rê giáng trưởng, được chơi trên cello độc tấu. Âm nhạc tiếp tục tiến về phía trước với tiếng piano trữ tình, sau đó flute và oboe gia nhập trong một biến tấu khác của chủ đề tutti. Bè violin phác thảo lên một giai điệu mà Liszt đã từng sử dụng trong bài hát “Freudvoll und leidvoll” (Niềm vui và nỗi buồn).

Chất liệu âm nhạc trong phần đầu tiên thông báo một cadenza dẫn đến phần tái hiện của chủ đề thứ hai, trên giọng Rê giáng trưởng mạnh mẽ, bè trầm của nhạc cụ dây chơi chủ đề tutti đối âm. Phần tái hiện tiếp tục với sự chuyển đổi phức tạp hơn của phần đầu tiên, phần phát triển của tutti kết hợp với chủ đề hai và một biến tấu của chính chủ đề tutti. Chủ đề của phần thứ 2 diễn ra sau đó, lần này ở giọng La thứ, nhịp độ được đẩy nhanh hơn trong đoạn cuối của phần tái hiện, trở về giọng chính của chủ đề đầu tiên, giờ biến đổi thành một hành khúc với sự ngắt quãng của những mảnh ghép từ chủ đề đầu tiên. Phần cuối cùng đóng vai trò như một coda được phát triển từ những chủ đề trước đó như giai điệu cello độc tấu hay từ bài hát “Freudvoll und leidvoll”, khép lại tác phẩm trong sự rộn rã và mạnh mẽ như ta thường thấy trong các tác phẩm của Liszt.

Liszt đã từng nói: “Rượu vang mới cần những cái bình mới”. Với bản Concerto piano số 2 này, Liszt đã quay mặt đi với những đoạn trưng trổ điêu luyện, mặc dù những đỏi hỏi về mặt kỹ thuật vẫn đầy rẫy trong bản nhạc. Nhưng rõ ràng, đi sâu vào nghiên cứu tác phẩm, chúng ta cảm nhận được mong muốn sâu xa của nhà soạn nhạc trong việc tích hợp nhạc cụ độc tấu vào trong một kết cấu giao hưởng hơn là làm nổi bật nó như một hình thức trưng bày hào nhoáng.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.