You are here

Henri Vieuxtemps (1820-1881)

Tác giả: 
Ngọc Tú (tổng hợp)

Thế kỷ 19 chứng kiến sự xuất hiện của một kiểu xã hội dân chủ mới, và đời sống âm nhạc bắt đầu tập trung vào phòng hoà nhạc công cộng. Trong khi trước đây các nhạc sĩ hoạt động dưới một hệ thống bảo trợ quý tộc, thì giờ đây họ có được một lượng khán giả bình dân nhưng đông đảo hơn. Các nghệ sĩ biểu diễn bắt đầu thống trị các phòng hoà nhạc và họ trở thành những siêu sao được công chúng thần tượng. Bên cạnh Niccolò Paganini, nghệ sĩ violin nổi tiếng nhất trong giai đoạn đó, cái tên Henri Vieuxtemps cũng nổi lên với tư cách một thần đồng và thiên tài violinHector Berlioz đã viết: “Vieuxtemps là một nghệ sĩ vĩ cầm phi thường theo nghĩa nghiêm khắc nhất của từ này. Cậu ấy làm những điều mà tôi chưa bao giờ nghe thấy từ bất kỳ ai khác trước đây. Cậu ấy luôn đặt người nghe vào những vùng nguy hiểm đáng sợ, nhưng cậu ấy vẫn bình tĩnh và không bị lay chuyển, tự tin rằng mình sẽ thành công ”. Và Victor Hugo, một người rất ngưỡng mộ Vieuxtemps, đã chào đón cậu bằng những lời có cánh: “Tôi rất vui khi hôm nay được hoan nghênh những gì mọi người sẽ ngưỡng mộ vào ngày mai”. Giống như Paganini, Vieuxtemps cũng sáng tác và để lại nhiều tác phẩm có giá trị, chủ yếu dành cho cây đàn violin mà ông vô cùng gắn bó.

Tiểu sử Henri Vieuxtemps

Henri Vieuxtemps sinh ngày 17/2/1820 tại Verviers, Bỉ (lúc này là một phần của Vương quốc liên hiệp Hà Lan) trong một gia đình có người cha là một thợ làm đàn violin và một nghệ sĩ violin nghiệp dư còn mẹ là thợ dệt. Chính cha cậu và một thầy giáo tại địa phương là người phát hiện ra năng khiếu âm nhạc và dạy Henri những bài học violin đầu tiên. Khi Henri lên 6 tuổi, cậu bé đã có buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng với bản Concerto violin số 5 của Pierre Rode. Sau đó gia đình còn tổ chức cho cậu trình diễn tại những thành phố khác như Liège và Brussels, nơi Henri gặp nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violin nổi tiếng Charles Auguste de Bériot. Bériot đã nhận cậu bé làm học trò mình.

Tháng 5/1829, Bériot đưa cậu bé đến Paris, một trong những trung tâm âm nhạc lớn tại châu Âu. Tại đây, Henri đã trình tấu bản Concerto violin số 7 của Rode và nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Tuy nhiên, ý định cư trú lâu dài tại Paris của Henri đã bị huỷ bỏ vì cuộc Cách mạng tháng Bảy cũng như đám cưới của thầy giáo Bériot với danh ca Maria Malibran. Cậu bé trở về Bỉ và hầu như phải tự nâng cao trình độ biểu diễn violin của mình. Năm 1933, Henri có chuyến lưu diễn đến Đức. Tại đây, cậu được tiếp xúc với Louis Spohr và Robert Schumann, người đã so sánh cậu với Paganini và có những nhận xét hết sức thiện chí: “Với Henri, mọi người có thể nhắm mắt an toàn. Sự vui chơi của cậu ấy giống như một bông hoa, vừa toả hương thơm vừa bừng sáng cùng lúc”. Tháng 9/1833, Henri biểu diễn tại Sttugart. Người đệm piano cho cậu trong chương trình đó là thần đồng piano người Áo Josephine Eder, từng theo học với Carl Czerny, lớn hơn Henri 5 tuổi. Sau này họ đã trở thành vợ chồng.

Ngày 2/6/1834, Henri ra mắt khán giả London khi biểu diễn tại Philharmonic Society. Cũng ở đây, Henri đã gặp gỡ Berlioz và Paganini, người tiên đoán một tương lai xán lạn đang chờ đón cậu. Henri cũng nuôi tham vọng trở thành người như Paganini, vừa là nghệ sĩ violin danh tiếng, vừa là nhà soạn nhạc. Cậu theo học sáng tác với Simon Sechter ở Vienna và Anton Reicha ở Paris. Chính Eder là người đã giới thiệu Sechter, người thầy giáo cũ của mình tới Henri. Tại Vienna, vào ngày 16/3/1834, Henri trở thành người đầu tiên trình diễn bản Concerto violin của Beethoven sau khi nhà soạn nhạc qua đời. Giám đốc nhạc viện Vienna đã thốt lên: “Cậu sẽ sớm trở thành nghệ sĩ violin hàng đầu châu Âu bởi vì cậu đã kết hợp được những cú kéo vĩ mạnh với sự thể hiện tuyệt vời, lòng nhiệt tình, sự thấu hiểu tuyệt vời và một sự nhạy cảm tinh tế. Cậu sẽ trở thành người sáng lập một trường phái violin cổ điển mà sẽ là hình mẫu cho các nhạc công”.

Nhà soạn nhạc Henri Vieuxtemps

Bản Concerto violin đầu tiên, nhưng trở thành số 2, Op. 19 được xuất bản là tác phẩm ra đời trong thời kỳ học tập này. Mục tiêu của Henri là “kết hợp hình thức vĩ đại giữa các bản concerto của Viotti với những yêu cầu kỹ thuật của thời hiện đại”. Sau khi kết thúc những bài học sáng tác, Henri tiếp tục đi lưu diễn khắp châu Âu và thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên của mình tới Saint Petersburg vào mùa xuân năm 1837. Cậu tiếp tục trở lại nước Nga vào năm 1840, giới thiệu các sáng tác mới nhất của mình là Fantaisie-caprice, Op. 11 và Concerto violin số 1, Op. 10. Thành công của buổi hoà nhạc được lặp lại ở Brussels, nơi người thầy Bériot đã ôm hôn cậu trên sân khấu và tại Paris vào ngày 12/1/1841. Sau buổi hoà nhạc, Berlioz đã nhận xét: “Giá trị của Vieuxtemps ngoài việc là một nghệ sĩ bậc thầy, giờ đây còn thêm danh tiếng với tư cách một nhà soạn nhạc”. Mặc dù Vieuxtemps là người phản đối gay gắt việc sử dụng các kỹ thuật với mục đích duy nhất để tạo hiệu ứng kích thích đối với khán giả nhưng anh không phản đối vai trò của kỹ thuật. Với anh, kỹ thuật là ngọn lửa, là sức sống trong âm nhạc. Chính vì sở hữu một nền tảng kỹ thuật điêu luyện, năng khiếu nổi bật về sự ngẫu hứng, với phong cách biểu diễn đầy kịch tính và say mê, Vieuxtemps đã trở thành một nghệ sĩ nổi bật của thời kỳ Lãng mạn.

Cuối năm 1843, Vieuxtemps lần đầu tiên lên đường đến Mỹ biểu diễn. Anh cũng hấp thu những giai điệu âm nhạc Mỹ từ “The Star-Spangled Banner” và “Yankee Doodle” để đưa vào tác phẩm “Salut à l’Amérique” (Lời chào đến nước Mỹ), Op. 56 của mình. Đi cùng anh là Eder, lúc này đã cưới ông chủ nhà băng Isidor Löwenstern và dừng hẳn công việc biểu diễn. Tuy nhiên, sau khi trở về châu Âu, Eder đã li dị chồng và hai người đã kết hôn. Trở thành vợ của Vieuxtemps, Eder cũng quay trở lại sự nghiệp piano của mình, đồng thời trở thành người quản lý công việc biểu diễn và tài chính của chồng mình. Giai đoạn này, Vieuxtemps tỏ ra rất hứng thú với các tác phẩm tứ tấu đàn dây. Anh thường xuyên biểu diễn các tác phẩm của Haydn, Mozart, Beethoven và là người tích cực truyền bá âm nhạc thính phòng. Vieuxtemps đặc biệt được yêu quý tại Nga. Từ năm 1846-1851, anh trở thành nhạc công trong dàn nhạc cung đình của Sa hoàng Nicholas I và nghệ sĩ độc tấu trong Nhà hát Hoàng gia. Ngoài ra, anh cũng tham gia giảng dạy, tạo ra ảnh hưởng to lớn đến việc học violin tại Saint Petersburg. Trong thời gian này, Vieuxtemps đã sáng tác bản Concerto violin số 4, Op. 31, có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của mình. Bên cạnh đó, cùng với nghệ sĩ violin Johann Gross, hai vợ chồng Vieuxtemps đã thành lập nhóm tam tấu, thường xuyên biểu diễn tại dinh thự của những người giàu có và nổi tiếng.

Nghệ sĩ violin Henri Vieuxtemps

Sau khi rời nước Nga, Vieuxtemps tiếp tục sự nghiệp biểu diễn violin của mình trên khắp châu Âu và định cư ở Frankfurt vào năm 1855. Hai vợ chồng có với nhau 4 người con, nhưng chỉ có hai người sống đến tuổi trưởng thành. Trong năm 1857-1858, cùng với nghệ sĩ piano Sigismund Thalberg, Vieuxtemps có chuyến lưu diễn dài ngày tại Mỹ lần thứ hai. Hành trình này đã đem lại lợi ích lớn về mặt kinh tế nhưng lại là “một tội ác chống tại âm nhạc” khi Vieuxtemps phải biểu diễn 75 buổi chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng. Bản Concerto violin số 5, một trong những sáng tác tuyệt vời của ông, với cảm hứng từ vở opera Lucile của André Grétry, được sáng tác vào năm 1861. Với tình hình chính trị bất ổn giữa Pháp và Phổ, họ chuyển đến sinh sống tại Paris từ năm 1866. Hai vợ chồng thường xuyên biểu diễn cùng với người con gái của họ, cô ca sĩ trẻ Julie Vieuxtemps. Eder bất ngờ qua đời tại Paris vì bệnh tả vào ngày 20/6/1868, để lại một sự trống trải rất lớn trong Vieuxtemps. Ông lao vào biểu diễn để có thể quên đi nỗi buồn này, trong đó có chuyến lưu diễn tại Mỹ lần cuối cùng vào năm 1870-1871. Khi trở về, Vieuxtemps nhận ra rằng, vị trí ưu việt của kỹ thuật điêu luyện đã phải nhường chỗ cho chiều sâu của cảm xúc. Kỹ thuật giờ đây chỉ là một tiêu chí cho sự diễn giải. Mang theo tư tưởng đó, năm 1871, Vieuxtemps trở thành giáo sư tại nhạc viện Brussels, chịu trách nhiệm truyền lại kinh nghiệm và kiến thức của mình cho một thế hệ nghệ sĩ violin mới. Ông đã cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho một nhiệm vụ mà ông coi là “một sứ mệnh đáng sợ” và rất tự hào về sự thành công ngày càng gia tăng của trường phái violin Bỉ. Người học trò xuất sắc nhất của ông tại đây chính là Eugène Ysaÿe. Ysaÿe luôn nhớ lời thầy giáo của mình nói về việc sử dụng kỹ thuật: “Không phải chạy vì mục đích của việc chạy, hát, hãy hát lên”.

Tuy nhiên, thật đáng buồn, ông không thể đảm nhiệm được công việc của mình tại nhạc viện được lâu. Hai năm sau, một cơn đột quỵ khiến cánh tay của ông không thể cử động được. Vieuxtemps chuyển đến sống tại Paris và nhường lại vị trí của mình cho Henryk Wieniawski. Những năm sau đó, dường như cánh tay đã được hồi phục, Vieuxtemps bắt đầu tham gia biểu diễn trong các chương trình hoà tấu thính phòng. Ông vẫn tiếp tục sáng tác, tuy nhiên chủ yếu dành cho các nhạc cụ khác như 2 concerto cello, một bản sonata viola cũng như một vài tứ tấu đàn dây. Năm 1879, Vieuxtemps bị một cơn đột quỵ khác khiến ông hoàn toàn chấm dứt sự nghiệp biểu diễn violin của mình. Ông chuyển đến sinh sống trong một viện điều dưỡng ở Mustapha Supérieur, Algeria, nơi con gái và con rể ông sinh sống. Vieuxtemps vẫn tiếp tục sáng tác cho đến lúc cuối đời, dù rằng luôn thất vọng vì phải xa rời các trung tâm âm nhạc tại châu Âu. Ông qua đời ngày 6/6/1881 tại Mustapha Supérieurs sau một cơn tai biến ở tuổi 61. Vieuxtemps được hoả táng và tro cốt ông được chuyển về quê nhà Verviers. Một lễ tang long trọng được tổ chức vào ngày 28/8/1881 với hàng nghìn người tham dự. Ysaÿe đã mang theo cây đàn violin danh tiếng Guarneri del Gesù của Vieuxtemps trong tang lễ. Ngày nay, tại Verviers, một cuộc thi violin quốc tế mang tên ông được tổ chức đều đặn nhẳm tôn vinh nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violin, nhà sư phạm danh tiếng.

Vieuxtemps đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử âm nhạc cổ điển. Là một nghệ sĩ biểu diễn, Vieuxtemps đã kế thừa xuất sắc vai trò của Paganini, tạo nên một làn sóng hâm mộ trên khắp châu Âu và Mỹ thời bấy giờ, làm say mê công chúng và những nhà phê bình. Dù sở hữu một nền tảng kỹ thuật siêu việt, nhưng Vieuxtemps không hề lạm dụng mà ông luôn chú trọng đến cảm xúc và sự tinh tế trong xử lý tác phẩm. Là một nhà soạn nhạc, ông sáng tác 7 bản concerto violin, 2 concerto cello, 1 sonata viola, 3 tứ tấu đàn dây và rất nhiều tiểu phẩm dành cho violin. Mặc dù đa phần chúng đã chìm vào quên lãng nhưng các bản concerto violin số 4 và số 5 ngày nay vẫn thường xuyên được biểu diễn. Các tác phẩm của ông mang tính giao hưởng và ngẫu hứng cao. Không bị cái bóng quá lớn của Paganini bao phủ, âm nhạc của Vieuxtemps không chỉ chú trọng đến kỹ thuật mà ẩn chứa rất nhiều các ý tưởng âm nhạc và sức mạnh cảm xúc. Trong các bản concerto nổi bật của ông, violin không hề tự cho mình là trung tâm và cần phải chia sẻ nhiều hơn đối với dàn nhạc. Ysaÿe đã gọi các tác phẩm của thầy mình là “nguồn giảng dạy quý giá vô tận. Tác phẩm của ông có sức mạnh đạt đến những niềm vui nghệ thuật cao quý nhất bằng cách hướng bàn tay của nghệ sĩ violin tới một sự hoàn hảo trước đây chưa từng được biết đến”. Một vai trò nổi bật không thể không nhắc đến đối với Vieuxtemps là sự nghiệp giáo dục của ông. Cùng với người thầy của mình Bériot, Vieuxtemps đã sáng lập nên trường phái violin Pháp-Bỉ. Ngày nay, phương pháp dạy học của ông vẫn được phổ biến ở các nhạc viện tại Liège, Brussels và Paris. Bên cạnh đó, quá trình giảng dạy của ông ở Saint Petersburg trong giai đoạn 1846-1851 đã tạo tiền đề vững chắc cho việc dạy và học violin tại Nga. Vieuxtemps chính là người mở đường cho trường phái violin vĩ đại của Nga. Để rồi, kể từ khi nhạc viện Saint Petersburg được thành lập vào năm 1862, dưới sự dẫn dắt của Wieniawski và Leopold Auer, hàng loạt những tên tuổi nghệ sĩ violin xuất chúng nhất đã được đào tạo và trưởng thành.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.