You are here

Glinka: Kamarinskaya

Tác giả: 
Ngọc Tú (tổng hợp)

Thông tin chung

Tác giả: Mikhail Glinka.
Tác phẩm: Kamarinskaya
Thời gian sáng tác: Tháng 8-10/1848.
Công diễn lần đầu: 15/3/1850 tại Saint Petersburg.
Độ dài: Khoảng 6-7 phút.
Thành phần dàn nhạc: 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, trombone, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Sau khi hoàn thành vở opera Ruslan và Lyudmila, Glinka đã lên kế hoạch sáng tác một số tác phẩm khí nhạc theo hướng đơn giản và dễ tiếp cận. Năm 1845, ông viết: “Tôi quyết định làm phong phú thêm danh mục của mình với một số (và nếu sức khoẻ cho phép, nhiều) tác phẩm hoà tấu dưới cái tên Fantasy. Từ trước đến nay khí nhạc được chia thành 2 mảng đối lập: tứ tấu và giao hưởng, được nhiều người đánh giá cao nhưng khiến nhiều người nghe khác sợ hãi với những suy xét phức tạp và sâu sắc của chúng và những cái gọi là hoà tấu, biến tấu… làm tai mệt mỏi về sự không mạch lạc và nỗi khó khăn. Đối với tôi dường như có thể kết hợp các yêu cầu của nghệ thuật với yêu cầu của thế kỷ… và viết các tác phẩm như một sự báo cáo cho những người am hiểu và công chúng”. Với tinh thần đó, nhiều khúc nhạc tuyệt vời đã được Glinka sáng tác như Overture Tây Ban Nha số 1 “Capriccio Brilliante on the Jota Aragonesa”, Overture Tây Ban Nha số 2 “Hồi tưởng lại một đêm mùa hè ở Madrid”, Waltz-Fantasia và đặc biệt không thể không nhắc tới Kamarinskaya.

Kamarinskaya đơn giản là tên một điệu dân ca Nga thường được dùng trong khiêu vũ. Glinka rất yêu thích bản nhạc này, đã có lần ông cùng với nhà phê bình âm nhạc Vladimir Stasov chơi nó trên piano 4 tay. Stasov cho biết rằng “Glinka có thể tạo ra một triệu biến tấu mới. Tôi thường yêu cầu anh ấy biểu diễn lại các biến tấu cũ đã chơi trước đó nhưng Glinka toàn quên và thay vào đó lại tạo ra các biến tấu mới, bất tận. Chúng tôi vô cùng khâm phục”. Glinka đã mang kỹ thuật lặp lại các giai điệu theo dạng biến tấu với các hoà âm và phần đệm đa dạng của dàn nhạc vào điệu dân ca này, tạo nên một Kamarinskaya của riêng mình. Kỹ thuật để giai điệu lặp lại liên tục và chỉ thay đổi phần đệm được gọi là “thay đổi nền”, một thủ pháp sáng tác sau này được rất nhiều nhà soạn Nga sau này sử dụng, đặc biệt là Tchaikovsky. Phương pháp này hoàn toàn khác biệt với quá trình phân mảnh và phát triển chất liệu âm nhạc theo chủ đề của trường phái Đức vốn là đặc điểm trong những tác phẩm của những nhà soạn nhạc như Beethoven hay Brahms, tạo nên một trường phái Nga độc đáo, và rồi sau này đã vượt qua khỏi biên giới quốc gia.

Ý tưởng sáng tạo của Glinka gắn liền với việc tái hiện một bức tranh toàn cảnh về lễ hội dân gian vui vẻ. Trong bức tranh này có hai hình ảnh nổi bật: điệu nhảy Kamarinskaya và giai điệu từ bài dân ca Nga “Từ phía sau ngọn núi” – một bài hát thường được dùng trong các đám cưới. Glinka đã giải thích cho quyết định của mình: “Tình cờ tôi phát hiện ra mối liên hệ giữa hai tác phẩm. Đột nhiên trí tưởng tượng tôi bay cao, thay vì một bản nhạc cho piano, tôi đã sáng tác cho dàn nhạc và đặt tên là “Đám cưới và khiêu vũ””. Về mặt âm nhạc, đây là những biến tấu về hai chủ đề dân gian đích thực, được gọi là “biến tấu kép”. Và sự quan tâm của Glinka về hình thức biến tấu, chứ không phải dạng sonata điển hình trong âm nhạc châu Âu thời kỳ đó, không phải là một sự ngẫu nhiên. Glinka có một sự nghiên cứu về âm nhạc dân gian Nga sâu sắc, cẩn thận lắng nghe chúng trong một cộng đồng lớn các giai điệu của những bài hát khác nhau với sự đa dạng khác biệt. Glinka sáng tác Kamarinskaya vào tháng 8/1848 khi ông đang ở Warsaw và được hoàn thành vào tháng 10 cùng năm.

Phân tích

Tác phẩm bắt đầu với phần giới thiệu ngắn gọn dựa trên giai điệu của bài dân ca “Từ phía sau ngọn núi” được toàn bộ dàn nhạc chơi đồng âm. Âm nhạc ở giọng Pha trưởng, giai điệu du dương, trầm ngâm. Giai điệu bắt đầu được lặp lại, kỹ thuật “thay đổi nền” được triển khai với sự phức tạp ngày càng tăng trong việc phối khí cho dàn nhạc. Từ dàn dây, chuyển sang kèn gỗ, âm nhạc được dệt lên với những tông màu khác nhau, phong phú, đa dạng. Bè violin chợt chuyển sang giai điệu của Kamarinskaya ở giọng Rê trưởng, vui tươi, nghịch ngợm. Bè viola tấu lên một giai điệu tương phản. Âm nhạc biến đổi thành một fugue 2 bè. Hai giai điệu chính giờ đây được chơi xen kẽ nhau, nhấn mạnh các yếu tố tương đồng mà Glinka đã nhận ra giữa 2 tác phẩm. Đôi lúc violin chơi pizzicato mang tới sự liên tưởng với balalaika. Âm lượng tăng dần lên, đạt đến một cao trào dữ dội. Đột nhiên âm thanh trở nên tĩnh lặng, chỉ còn lại tiếng vĩ cầm cô đơn hát lên giai điệu của Kamarinskaya với tiếng dội lại của horn trên quãng 5. Âm nhạc chậm lại và đột nhiên như dồn hết sức lực cuối cùng, chủ đề Kamarinskaya mạnh mẽ và quyết đoán, kết thúc trong hợp âm vang dội của toàn bộ dàn nhạc. Xuyên suốt tác phẩm, giai điệu Kamarinskaya được lặp lại khoảng 30 lần.

Bạn của Glinka, nhà phê bình âm nhạc, hoàng thân Vladimir Odoyevsky chính là người đã khuyên ông đổi tên tác phẩm thành Kamarinskaya. Ngoài ra tác phẩm còn có thể được gọi dưới cái tên Scherzo Nga hay Fantaisie trên 2 chủ đề Nga.

Là “cha đẻ của âm nhạc cổ điển Nga”, di sản các sáng tác của Glinka hầu hết đều dựa trên dân ca Nga và trở thành hình mẫu cho các nhà soạn nhạc thế hệ sau noi theo. Kamarinskaya không phải là một tác phẩm đồ sộ về mặt quy mô nhưng lại chứa đựng những giá trị to lớn về mặt thẩm mỹ cũng như thủ pháp sáng tác. Tác phẩm ngắn ngọn, khúc chiết này đã mở ra một chân trời mới, mở ra một trường phái “giao hưởng Nga” hùng mạnh như Tchaikovsky đã nhận xét: “Tất cả trường phái âm nhạc giao hưởng Nga đều được chứa đựng trong Kamarinskaya như toàn bộ cây sồi nằm trong một quả sồi”.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.