You are here

Cây đàn balalaika – biểu tượng bất hủ của tâm hồn Nga

Nước Nga hùng vĩ với một nền lịch sử hào hùng, một thế giới của nghệ thuật và giàu bản sắc văn hóa. Nhắc đến nền nghệ thuật và văn hóa nước Nga luôn khiến người ta nghĩ đến tiếng đàn balalaika du dương với những giai điệu ngọt ngào.

Giai điệu rộn ràng của cây balalaika luôn mê hoặc lòng người, tiếng đàn làm ta gợi nhớ những cảnh hùng vĩ, choáng ngợp kiêu sa, song bình dị, thân thương của làng quê Nga đầy yêu mến. Giai điệu rất Nga của balalaika khiến người nghe phải xốn xang bồi hồi, bừng khởi khúc hưng phấn, nhảy múa cùng lá cành giữa rừng bạch dương trong ánh nắng chan hòa.

Đàn Balalaika độc đáo ngay từ hình dạng của nó, thùng hình tam giác, gồm ba phần chính. Phần thứ nhất là thân đàn gồm có mặt đàn (phần trước) và phần sau, được tạo nên bằng cách dán 6 – 7 mảnh gỗ lại với nhau. Phần thứ hai là cần đàn có các phím đàn và cuối cùng là đầu đàn – phần trên cùng của balalaika. Trên phần đầu đàn là các khóa để lên dây. Ở phần mặt đàn thường có một cái lỗ nhỏ, trên lỗ nhỏ đó thường có một màng bảo vệ. Nó có tác dụng bảo vệ mặt đàn khỏi những cú đập trong khi chơi. Ở nhiều đàn balalaika không có cái lỗ nhỏ này, chúng được thay thế bằng một bức tranh nhỏ vẽ hình hoa hay quả dại.

Đàn Balalaika chỉ có đúng 3 dây đàn. Có một số giả thuyết cho rằng điều đó tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi. Về hình dạng của cây đàn có người thì cho rằng, đàn Balalaika được một người nông dân làm ra và lấy từ hình dạng của quả bí ngô. Nếu như bạn chia quả bí ngô ra làm tư. Bạn sẽ thấy nó sẽ có hình dáng giống như chiếc đàn Balaika ngày nay. Nhưng cũng có một giả thuyết khác là : trước triều đại của Sa Hoàng Pie I, các nhạc cụ không được cho phép sử dụng tại Nga. Và vua Pie đã cho ban bố sắc lệnh phổ biến các loại nhạc cụ, tuy nhiên, tại thời điểm đó chỉ có các công nhân ở các xưởng đóng tàu là biết làm nghề mộc. Chính vì thế, hình dáng tam giác của thùng đàn Balalaika cũng giống như mặt trước của một chiếc thuyền vậy nếu như chúng ta đặt đàn theo chiều ngang.

Khoảng cuối thế kỉ 19 đàn balalaika được đưa vào dàn nhạc nhờ công của ông Vassily Vassilievich Anreye. Chính ông cũng đã soạn nhiều bài tác phẩm dân gian Nga và các giai điệu trong dàn nhạc để phù hợp với đàn Balalaika.

Tiếng đàn balalaika Nga thông thường chỉ nghe thấy trong một tổ hợp hoặc là nhạc đệm cho điệu nhảy dân gian. Ngày này, dưới bàn tay điêu luyện của một số nhạc công, cây đàn biến thành nhạc cụ độc tấu tuyệt vời, với âm thanh lúc trong ngần như tiếng đàn hạc, khi ròn rã như tiếng banjo, rồi lại phảng phất nét sang trọng của giai điệu dương cầm truyền thống.

Balalaika không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần, mà còn mang trong mình cả tâm hồn Nga và đã trở thành một trong những biểu tượng của văn hóa Nga.

Lịch sử cây đàn Balalaika của Nga

Đàn balalaika xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Có khá nhiều tài liệu và những chứng cứ về sự xuất hiện của cây đàn. Nhiều người cho rằng, đàn balalaika được nghĩ ra ở nước Nga cổ, những người khác lại cho rằng nó xuất phát từ một nhạc cụ của người kirgiz – kaisak – dombra.

Còn có một giả thuyết nữa: có khả năng đàn balalaika được nghĩ ra trong thời gian quân Tatar chiếm đóng, hoặc ở một mức độ nhất định, đó là sự giao thoa với nền văn hóa của người Tatar. Do vậy khó có thể xác định chính xác năm cây đàn xuất hiện. Những nhà sử học và những nghiên cứu âm nhạc vẫn đang tranh luận về vấn đề này. Phần lớn nghiêng về năm 1715, nhưng còn có một con số sớm hơn được nhắc tới – 1688. Có lẽ, đàn balalaika được những người nông dân nghĩ ra để làm phong phú cho cuộc sống bị áp bức của mình. Dần dần đàn balalaika được phổ biến trong những người nông dân và những anh hề.

Những anh hề biểu diễn tại các hội chợ, mua vui cho người dân, kiếm tiền nuôi sống mình và không hề biết họ đang chơi loại nhạc cụ thần kỳ như thế nào. Việc mua vui không kéo dài được lâu, vua Aleksei Mikhail của toàn Nga đã ra lệnh tịch thu tất cả các loại nhạc cụ (đàn domra, đàn balalaika, tù và, đàn gusli và các nhạc cụ khác) và đem đốt. Còn những người không chịu nộp chiếc đàn thì bị bắt và đi đày ở Tiểu Nga.

Nhưng thời gian trôi qua, nhà vua chết và lệnh cấm dần bị dỡ bỏ. Đàn balalaika một lần nữa lại xuất hiện trên khắp đất nước nhưng không tồn tại được lâu. Thời gian làm thay đổi những trò tiêu khiển.

Đến giữa thế kỷ 19, một số nông dân vẫn chơi loại nhạc cụ ba dây này. Trong một lần đi dạo ở điền trang, nhà quý tộc trẻ Vasily Vasilevich Andreev đã nghe thấy tiếng đàn balalaika. Tiếng đàn đặc biệt đã gây ấn tượng mạnh với ông vì ông tự cho mình là người biết nhiều loại nhạc cụ của Nga. Vasily Vasilevich quyết định hoàn thiện chiếc đàn balalaika.

Để bắt đầu, ông đã dần dần học cách chơi đàn. Sau đó, ông nhận thấy cây đàn mang trong mình những khả năng rất lớn, ông đã nghĩ đến chuyện hoàn thiện tiếng đàn. Andreev đến Peterburg gặp người thợ làm đàn Ivanov, nhưng Ivanov đã từ chối làm việc này. Andreev suy nghĩ, với tay lấy cây đàn cũ ông đã mua ở hội chợ với giá 30 kopek và chơi một bài dân ca của Nga. Ivanov đã không thể từ chối trước sự tấn công mãnh liệt đó và đồng ý thực hiện. Công việc kéo dài và vất vả, nhưng cuối cùng cây đàn balalaika mới đã được hoàn thành.

Nhưng Vasily Andreev còn nghĩ tới một điều gì đó lớn hơn là hoàn thiện cây đàn balalaika. Ông muốn trả lại cây đàn cho nhân dân và phổ biến nó. Andreev còn nghĩ ra việc thành lập một hệ thống đàn balalaika với các kích cỡ khác nhau theo hình thức tứ tấu đàn dây. Để làm được điều này ông đã tập hợp các nghệ sĩ Paserbsky và Palimov để cùng thực hiện. Dàn nhạc gồm pikkolo (đàn nhỏ nhất), prima (loại đàn thông thường), alto và bass (loại đàn lớn hơn). Chúng chính là thành phần cơ bản của dàn nhạc Velikorussky. Dàn nhạc đã đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới để tôn vinh đàn balalaika cũng như văn hóa Nga. Ngày nay, ở một số nước khác như Anh, Mỹ, Đức đã thành lập dàn nhạc nhạc cụ dân tộc Nga theo hình mẫu của Velikorussky.

Andreev ban đầu tự chơi trong dàn nhạc, sau đó ông đứng ra chỉ huy. Đồng thời ông đã có những buổi biểu diễn độc tấu – những buổi tối của balalaika. Tất cả những điều này đã thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi đàn balalaika tại Nga và thậm chí là ở nước ngoài.

Vasily Vasilevich đã đào tạo được một đội ngũ những người cố gắng phổ biến cây đàn balalaika như Troyanovsky và những người khác. Trong thời kỳ đó, các nhạc sĩ cũng đã chú ý tới cây đàn balalaika. Lần đầu tiên cây đàn xuất hiện trong dàn nhạc giao hưởng.

Ngày nay đàn balalaika mặc dù gặp nhiều thăng trầm nhưng nó vẫn luôn là biểu tượng cho nền văn hóa truyền thống của Nga trong mắt bạn bè thế giới.

(Nguồn: http://redsvn.net/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.