You are here

Xây dựng và bảo vệ tổ quốc - đề tài xuyên suốt 60 năm qua của giới nhạc sỹ, trong đó có nhạc sỹ quân đội

Tác giả: 
NS. Doãn Nho

Nhạc sĩ Doãn Nho

Mạch ngầm sáng tạo của giới nhạc sỹ nói chung cũng như nhạc sỹ quân đội nói riêng không bó tròn trong 60 năm, mà gắn liền một cách hữu cơ với những sáng tạo đầu tiên mà một trong số đó được sinh ra trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), đó là ca khúc Cùng nhau đi hồng binh của liệt sỹ Đinh Nhu. Bản ca khúc một đoạn nhạc này đã đánh dấu một mốc son, tạo nên một thể loại mới vốn không có trong nền âm nhạc cổ truyền của nước ta: Thể loại hành khúc.

Như một lực tác động dây chuyền nằm trong cao trào cách mạng, tiếp sau đó ở ngoài Bắc có Du kích ca của Đỗ Nhuận, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, Cảm tử quân của Hoàng Quý, Mười chín tháng Tám của Xuân Oanh; ở trong Nam có Bạch Đằng giang (lời Mai Văn Bộ - Nguyễn Thành Nguyên), Xếp bút nghiên, Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng của Lưu Hữu Phước và Đoàn giải phóng quân của Phan Huỳnh Điểu… Bao trùm lên tất cả với âm hưởng hào hùng, không chỉ là lời kêu gọi thiêng liêng mà còn là một tuyên ngôn lịch sử, đó là Tiến quân ca của Văn Cao. Cách đây không lâu, một tờ báo của Pháp đã khẳng định Tiến quân ca lọt vào danh sách một số rất ít những bài quốc ca hay nhất mà tờ báo này đã tổng kết qua những bình chọn của các nước gửi tới.

Chúng ta cũng được biết nhạc sỹ Văn Cao đã cầm súng đứng trong hàng ngũ Đội danh dự trừ gian những ngày cận kề Tổng khời nghĩa tại Hà Nội. Ngoài Tiến quân ca ông còn là tác giả của một loạt hành khúc: Thăng Long hành khúc ca, Đống Đa, Chiến sỹ Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam Công nhân Việt Nam.

Chúng ta đã nhiều lần đề cập, nhưng rất cần tiếp tục đi sâu phân tích những chuyển hóa trong ngôn ngữ âm nhạc từ thời Tân nhạc đến nay, dù chỉ bó hẹp vào thanh nhạc, mà trong đó, theo tôi, tác phẩm của Văn Cao là một điển hình tiêu biểu.

Giặc Pháp gây hấn tại Nam Bộ ngày 23/9/1945, chỉ 2 ngày sau đó đã vang lên bản hành khúc Nam Bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn và Tiếng súng Nam Bộ của Đỗ Nhuận; giặc Pháp tiếp tục gây hấn tại Hà Nội dẫn đến bùng nổ cuộc Kháng chiến toàn quốc, và từ thời điểm này nhiều bản hành khúc gắn liền với những chiến công, những trận đánh, những chiến dịch, khắc họa rõ nét dáng vóc và tâm hồn người chiến sỹ Quân đội nhân dân anh hùng của chúng ta, như: Lời thề quyết tử (Lương Ngọc Trác, Lĩnh Nam), Bài ca trên đường xa (còn có tên Trường Chinh ca) của  Lương Ngọc Trác và Lê Minh, Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành), Vì nhân dân quên mình (Doãn Quang Khải), Tầm Vu (Đắc Nhẫn, Quốc Hương), Chiến thắng Phủ Thông (Đinh Ngọc Liên, Ngô Gia Khánh), Sẽ về Thủ Đô (Huy Du), Đoàn quân đi (Việt Lang), Đoàn quân trung dũng (Vũ Trọng Hối), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Bính) v.v… Bao trùm lên tất cả, với âm hưởng bắt nguồn rất sâu từ dân ca cùng với cá tính sáng tạo đặc biệt, bộ ba ca khúc Hành quân xa, Trên đồi Him LamChiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận đã đánh dấu bước phát triển lớn của hành khúc Việt Nam. Ở Hành quân xa, Trên đồi Him Lam toát lên hơi thở của những điệu hò lao động khỏe khoắn, mộc mạc, chất phác; còn Chiến thắng Điện Biên gợi lên vẻ tưng bừng, hào sảng và có duyên từ hơi thở của làn điệu chèo, tất cả đã khắc họa nên chân dung thực của anh Bộ đội Cụ Hồ trong thời điểm này, chính là người nông dân mặc áo lính.

Có một điều thú vị là chúng ta cũng nhận ra hình ảnh này trong những ký họa của Tô Ngọc Vân; vậy là hội họa và âm nhạc đã cộng hưởng nhờ sự đồng cảm, đồng điệu ngẫu nhiên mà tuyệt vời của hai nhà sáng tạo bậc thầy: nhạc sỹ Đỗ Nhuận và họa sỹ Tô Ngọc Vân.

Về góc độ lý luận âm nhạc, chúng ta ghi nhận đã có thêm một cách tiếp cận mới, hướng tới sự sáng tạo: đó là khi nhạc sỹ Văn Cao biết biến những thang âm 7 cung với đường nét giai điệu phụ thuộc vào sự phát triển và bố cục trong ngôn ngữ âm nhạc phương Tây trở thành phương tiện giúp cho sự sáng tạo của mình nhằm thể hiện tâm hồn con người Việt Nam đương đại, thì ngược lại, nhạc sỹ Đỗ Nhuận sử dụng ngay những chất liệu quen thuộc trong các làn điệu dân ca với thang âm ngũ cung truyền thống nhưng được phát triển tới mức chuyển hóa về chất, nhằm tạo nên một ngôn ngữ âm nhạc mới phù hợp với con người Việt Nam đương đại; hay nói cách khác: Văn Cao sáng tạo trên yếu tố ngoại nhập, còn Đỗ Nhuận sáng tạo từ yếu tố nội sinh.

Sau chiến thắng Điện Biên, miền Bắc được xây dựng trong hòa bình, đồng thời là hậu phương lớn trong cuộc đấu tranh giành thống nhất toàn vẹn non sông đất nước, chuyển sang một thời kỳ phát triển rực rỡ được đánh dấu bằng một sự kiện lịch sử: thành lập Hội nhạc sỹ Việt Nam.

Từ thời điểm này, hai loại hình lớn thanh nhạc và khí nhạc luôn song hành gắn bó khăng khít hỗ trợ cho nhau tạo nên không ít những tác phẩm đỉnh cao và quy mô lớn. Tuy nhiên để dễ nắm bắt, dễ hình dung, chúng tôi vẫn lấy hành khúc để minh họa như những bằng chứng lịch sử.

Vậy là danh mục những hành khúc của chúng ta được tiếp tục nối dài: Lời ca thống nhất (Trần Quý), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho), Giải phóng miền Nam (Huỳnh Minh Siêng), Ta - chiến sỹ giải phóng quân (Văn Lưu, Triều Dâng), Anh vẫn hành quân (Huy Du, thơ Trần Hữu Thung), Miền Nam ơi! Chúng tôi đã sẵn sàng (Lưu Cầu), Hành quân đêm (Xuân Hồng, Chí Thanh), Mỗi bước ta đi (Thuận Yến), Bão nổi lên rồi (Trọng Bằng), Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối, Tào Mạt), Sài Gòn quật khởi (Hồ Bắc), Theo lời Bác gọi (Nguyễn Xuân Khoát), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Mang hình Bác chúng ta lên đường (Cao Việt Bách), Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh (Văn Ký), Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (Thanh Phúc, Hải Hồ), Cùng hành quân giữa mùa xuân (Cẩm La), Ta ra trận hôm nay (Văn An), Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu, Bùi Công Minh), Tiến về Sài Gòn (Lưu Hữu Phước)…

Quả thật nhiều khi chỉ đọc qua danh mục bài hát trong một tuyển tập nào đó mà ta đã xúc động, bởi vì, theo năm tháng, những bài ca đã làm nên cuốn biên niên sử vô cùng sống động và đọng lại mãi trong tâm hồn, trong trái tim của chúng ta!

Trải qua mấy nghìn năm, địa lý - chính trị của đất nước ta không hề thay đổi. Cũng như những cơn bão tràn vào đất nước ta từ mọi phía, những âm mưu ác độc, xảo quyệt nhằm thôn tính nước ta cũng rình rập từ mọi phía và luôn chờ cơ hội để gây hấn. Thực tế chứng tỏ, sau 30 năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giới nhạc sỹ chúng ta vẫn tiếp tục viết nên những hành khúc nóng hổi tính thời sự, như: Chiều dài biên giới (Trần Chung), Lời tạm biệt lúc lên đường (Vũ Trọng Hối), Chiến đấu vì độc lập tự do (Phạm Tuyên), Thề quyết bảo vệ tổ quốc (Huy Du), Hát mãi khúc quân hành (Diệp Minh Tuyền).

Hành khúc vốn là một thể loại ngoại nhập, qua sự sáng tạo bền bỉ, giờ đây chúng ta đã có thể khẳng định: có một thể loại mang tên hành khúc Việt Nam trong nền ca khúc Việt Nam; đó là niềm tự hào của giới nhạc sỹ nói chung, trong đó có các nhạc sỹ mặc áo lính, cả đời gắn bó với quân đội và luôn có mặt tại các chiến trường, các chiến dịch lịch sử trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta!

Bên cạnh hành khúc là ca khúc trữ tình, một thể loại bắt nguồn rất sâu vào tâm hồn các thế hệ ông cha của chúng ta từ xa xưa qua những câu hát giao duyên, hát ru cùng các làn điệu dân ca trong đời sống thường ngày kể từ lúc lọt lòng sinh ra cho tới khi nhắm mắt qua đời. Chất trữ tình không chỉ làm nên những khúc ca mà còn tạo nên những loại hình lớn hơn rất nhiều, đó chính là Chèo, là Cải lương và kể cả Tuồng, bởi cái bi, cái hùng trong Tuồng được sinh ra từ cái thương.

Ca khúc trữ tình trong quá trình phát triển từ Tân nhạc tới nay cũng qua hai chiều đối lập: hoặc trên hướng ngoại nhập, hoặc từ hướng nội sinh.

Một lần nữa chúng tôi lại nhắc tới một nhạc sỹ tiêu biểu: từ Thu cô liêu tới Ngày mùa, Làng tôi rồi Mùa xuân đầu tiên “rất Văn Cao” mà cũng rất hiện đại; lớp trẻ bây giờ hát vẫn say sưa và rất truyền cảm.

Tô Vũ với Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa, Cấy chiêm, Nhớ ơn Hồ Chí Minh, Như hoa hướng dương. Văn Chung với Bóng ai qua thềm, Pì noọng ơi, Quê tôi giải phóng. Nguyễn Đình Phúc với Lời du tử, Cô lái đò (trích thơ Nguyễn Bính), Tiếng đàn bầu, Nhớ anh giải phóng quân. Lê Yên với Bẽ bàng, Bộ đội về làng. Nguyễn Văn Thương với Đêm đông, Bài ca trên núi (trong phim Vợ chồng A Phủ).

Ca khúc trữ tình là nguồn sinh lực tuyệt vời góp phần giúp cho quân dân ta vượt mọi gian khổ hy sinh nơi tiền tuyến cũng như ở hậu phương, đồng thời hình thành một đội ngũ sáng tạo hùng hậu mà chúng tôi tiếp tục điểm qua để minh chứng: Liệt sỹ Hoàng Việt với Lá xanh, Lên ngàn, Mùa lúa chín, Tình ca. Nguyễn Văn Tý với Mẹ yêu con, Bài ca năm tấn, Dáng đứng Bến Tre. Phan Huỳnh Điểu với Cuộc đời vẫn đẹp sao, Bóng cây Kơ-nia (thơ Ngọc Ánh), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh). Hoàng Hiệp với Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (thơ Phạm Tiến Duật), Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Viếng Lăng Bác (thơ Viễn Phương), Nhớ về Hà Nội. Hoàng Vân với Quảng Bình quê ta, Bài ca giao thông vận tải, Chào anh giải phòng quân - chào mùa xuân đại thắng, Người chiến sỹ ấy. Văn Ký với Bài ca hy vọng, Nha Trang mùa thu lại về, Trời Hà Nội xanh. Hoàng Hà với Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Đất nước trọn niềm vui. Vũ Thanh với Bài ca Hà Nội, Lời ca vọng mãi ngàn năm. Phạm Tuyên với Đêm Cha Lo, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Từ một ngã tư đường phố. Văn Dung với Những bông hoa trong vườn Bác, Đường Trường Sơn xe anh qua. Văn An với Thái Văn A đứng đó, Nhịp cầu nối những bờ vui. Trần Kiết Tường với Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Hoa Mimôza. Chu Minh với Người là niềm tin tất thắng, Ta tự hào đi lên, Ôi Việt Nam!  (thơ Hoàng Trung Thông). Xuân Hồng với Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Mùa xuân trên cửa sổ. Lư Nhất Vũ với Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bài ca đất phương Nam. Trần Hoàn với Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Một mùa xuân nho nhỏ (phỏng thơ Thanh Hải), Lời Bác dặn trước lúc đi xa. Thuận Yến với Bác Hồ - một tình yêu bao la, Hương tràm, Chia tay hoàng hôn (thơ Hoài Vũ). Huy Thục với Tiếng đàn Ta lư, Dòng suối La La, Tiếng hát trên đường quê hương, Đợi (thơ Vũ Quần Phương). Trần Chung với Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Mùa xuân đến rồi đó, Tiếng gọi sông Đà. Phạm Minh Tuấn với Qua sông, Bài ca không quên, Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên). Trọng Loan với Người Châu Yên em bắn máy bay, Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng, Lời ca dâng Bác, Nếu em đến thăm đảo tôi. An Thuyên với Em chọn lối này, Khi xe tăng qua miền quan họ. Hồng Đăng với Hoa sữa, Biển hát chiều nay. Nguyễn Tài Tuệ với Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Xa khơi. Vĩnh An với Dấu chân trên rừng, Nắng ấm quê hương. Nguyên Nhung với Bài ca cánh võng, Chim Yến bay. Thế Song với Nơi đảo xa. Lương Vĩnh với Thành phố hoa phượng đỏ. Trần Tất Toại với Buổi sáng trên đồng nội. Vĩnh Cát với Sa Pa - thành phố trong sương. Xuân Giao với Cô gái mở đường, Chào Sông Mã anh hùng. Thái Cơ với Rặng Trâm bầu, Khi thành phố lên đèn. Đôn Truyền với Cây lúa Hàm Rồng. Lê Lan với Chị Mai đi chợ, Giữa mênh mông trời xanh. Thanh Phúc với Hà Giang quê tôi, Người Mèo ơn Đảng. Đào Ngọc Dung với Địu con đi nhà trẻ. Thế Dương với Lướt sóng ra khơi. Trần Chương với Con trâu sắt. Ngọc Khuê với Làng lúa làng hoa. Thế Hiển với Hát về anh, Nhánh lan rừng. Nguyễn Ngọc Thiện với Ơi cuộc sống mến thương. Tường Vi với Phi đội ta xuất kích, Đời cho em những nốt nhạc vui. Thanh Tùng với Lời tỏ tình của mùa xuân, Hoa tím ngoài sân. Trọng Đài với Hà Nội đêm trở gió (lời Chu Lai), Chị tôi (thơ Đoàn Thị Tảo). Ngô Quốc Tính với Hương hồi xứ Lạng, Trên công trường rộn tiếng ca. Vũ Thiết với Nghe câu quan họ trên cao nguyên, Mộ gió (thơ Trịnh Công Lộc). Nguyễn Trọng Tạo với Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê. Liệt sỹ Trịnh Quý với Trước ngày hội bắn

Một số ca khúc trữ tình của các tác giả mà chúng tôi vừa nói tới đã có yếu tố nhạc nhẹ, hoặc đã thuộc dòng ca khúc nhạc nhẹ; tuy nhiên chúng tôi muốn nhắc đến một hiện tượng đặc biệt, đó là sự chuyển hóa tuyệt vời từ chất trữ tình thời kháng chiến sang chất trữ tình hoàn toàn mới mẻ thời hòa bình trong một con người tài năng: Nhạc sỹ lão thành Nguyễn Đức Toàn. Thật không thể tưởng tượng, từ Quê em miền Trung du, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, tiếp đến là  Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng, Hà Nội - một trái tim hồng. Điều kỳ diệu này không chỉ nói lên khả năng sáng tạo của nhạc sỹ, mà còn chỉ ra sức mạnh, sức hấp dẫn to lớn của nhạc nhẹ.

Nhạc nhẹ từ miền Nam ra miền Bắc sau ngày thống nhất, và đặc biệt từ những năm 80 thế kỷ trước đã dần dần ồ ạt vào nước ta từ khắp các châu lục trên thế giới. Qua những bỡ ngỡ, lệch lạc ban đầu, chúng ta đã dần làm chủ và có những sáng tạo thành công, như Trị An âm vang mùa xuân (Tôn Thất Lập), Tình đất đỏ miền Đông, Một đời người một rừng cây (Trần Long Ẩn), Lắng nghe mùa xuân về, Vẫn hát lời tình yêu, Cho em một ngày (Dương Thụ). Dòng sông quê anh dòng sông quê em, Hát về Người (Đoàn Bổng), Em ơi Hà Nội phố, Điều giản dị, Đâu phải bởi mùa thu (Phú Quang), Hương thầm, Phượng hồng (Vũ Hoàng), Đất nước bên bờ sóng (Thái Văn Hóa), Huế - tình yêu của tôi (Trương Tuyết Mai, thơ Đỗ Thị Thanh Bình), Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải). Lời của gió (Duy Thái). Tổ quốc nhìn từ biển (Quỳnh Hợp, thơ Nguyễn Việt Chiến), Giấc mơ trưa (Giáng Son), Miền xa thẳm (Đức Trịnh), Ôi quê tôi (Lê Minh Sơn), Những người hát bè trầm (Dương Bích Hà), Mong ước kỷ niệm xưa (Nguyễn Xuân Phương)…

Đặc biệt bộ ba Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường đã làm nên dấu ấn sáng tạo rất riêng của mình qua nhiều tác phẩm, như: Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, Ngọn lửa cao nguyên, Tiếng trống Paranưng, Lý qua cầu, Ngẫu hứng sông Hồng, Chiếc vòng cầu hôn, Sao em nỡ vội lấy chồng (của Trần Tiến); Hồ trên núi, Huyền thoại Hồ Núi Cốc, Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi (của Phó Đức Phương); Hò biển, Rừng biên cương âm vang điệu then mới, Hơzen lên rẫy, Một nét ca trù ngày xuân, Ơi M’Đrak (của Nguyễn Cường).

Nếu các tác phẩm kể trên mang mầu sắc dân ca rõ nét, thì ngược lại, có một tác giả trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình đã trung thành với ngôn ngữ âm nhạc mới, ngoại nhập, vốn được sinh ra từ thời Tân nhạc, đó là Trịnh Công Sơn với những tác phẩm: Hoa xuân ca, Biển nhớ, Hạ trắng, Diễm xưa, Nắng thủy tinh, Nhớ mùa thu Hà Nội, Huyền thoại mẹ.

Dòng nhạc nhẹ hôm nay thật phong phú, đa dạng và có một nét đặc biệt là phái đẹp không chỉ nổi bật trên sân khấu biểu diễn mà còn góp phần làm đẹp thêm, sôi động thêm “Thị trường tác phẩm”, như Mỹ Tâm với Đừng hỏi em, Đâu chỉ riêng em, Hãy về với nhau, Em thì không; Vũ Cát Tường với Cô gái ngày hôm qua, Vài phút trước, Buổi sáng bình thường, Yêu xa, và Lê Cát Trọng Lý với Chênh vênh, Thương, Ghen, Trời ơi, Chưa ai, Tám chữ cô… Gần đây, nam ca sỹ Sơn Tùng với ca khúc Lạc trôi đã làm nên một kỷ lục: đạt 160 triệu lượt xem trên Youtube và 131 triệu lượt nghe trên trang nghe nhạc trực tuyến của Zing. Đó thật sự là một tin vui.

Thế hệ già chúng tôi chỉ mong sao thế hệ trẻ vượt xa mình, tuy nhiên chỉ xin các bạn lưu ý: trong thời bình chúng ta có thể sáng tạo nhằm ưu tiên thỏa mãn cái Tôi  nhưng tuyệt đối không đối lập với cái Ta, hay nói cách khác, không đối lập với tính công dân. Đặc điểm địa lý - chính trị của ta là vậy: luôn luôn có những âm mưu rình rập thôn tính, bắt chúng ta làm nô lệ, cho nên công cuộc Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn luôn là nhiệm vụ, đồng thời là đề tài xuyên suốt của giới nhạc sỹ chúng ta, trong đó có nhạc sỹ quân đội.

                                                              

                                                                                       DN

                                                                                Hà Nội, 12/11/2017

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.