You are here

Việt Nam cam kết hoàn thiện thực thi việc bảo hộ quyền tác giả âm nhạc

Tác giả: 
Minh Anh

Việt Nam đã từng bước thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của tổ chức, cá nhân Việt Nam, người nước ngoài.

Sáng 1.3, tại Hà Nội, 12 nước thành viên CISAC đã tham dự Hội thảo chuyên đề “Cấp phép quyền biểu diễn cho các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

Đại diện CISAC châu Á - Thái Bình Dương cùng lãnh đạo Cục bản quyền, Hội Nhạc sĩ, VCPMC tại hội thảo

3.550 thành viên tham gia VCPMC

Đối với thành viên tác giả nhạc quốc tế, thông qua việc ký kết các hợp đồng hợp tác song phương với nhiều tổ chức quản lý tập thể ở các quốc gia cũng như cam kết bảo hộ quyền tác giả giữa các tổ chức thành viên của CISAC (Liên minh quốc tế hiệp hội các nhà soạn Nhạc và Lời thế giới), thì số lượng thành viên nhạc quốc tế là trên 3,5 triệu tác giả thuộc 230 hiệp hội ở 157 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết: "Mỗi năm CISAC tổ chức hội thảo tại một quốc gia thành viên nhằm tập huấn kiến thức và nâng cao kinh nghiệp, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia. Việc CISAC lựa chọn Việt Nam tổ chức hội nghị này là một vinh dự cho VCPMC. Mặc dù thời gian diễn ra hội thảo ngay sau Tết âm lịch cũng là một khó khăn nhưng chúng tôi, nhất là bộ phận đối ngoại đã chuẩn bị chu đáo cho hội thảo quốc tế này từ tài liệu, dịch thuật, các công đoạn về quản lý nhà nước đối với các đoàn đại biểu quốc tế vào Việt Nam...đảm bảo cho hội thảo quốc tế CISAC được thành công. Các bạn rất hài lòng với công tác tổ chức của chúng ta".

Các đại biểu quốc tế thảo luận sôi nổi trước giờ khai mạc Hội thảo

Hiện nay, VCPMC sử dụng hệ thống phần mềm lưu trữ quốc tế Cisnet và phần mềm lưu trữ châu Á Mis@asia, đồng thời đăng ký thông tin thành viên IPI (Interested Parties Information) lên SUISA - Trung tâm IPI đặt tại Thụy Sỹ. Đây là các hệ thống phần mềm tương tác giúp Trung tâm cập nhật, lưu trữ, tra cứu dữ liệu tác phẩm/tác giả Việt Nam và quốc tế, đồng thời là cơ sở giúp cho các tổ chức bản quyền trên thế giới tra cứu, tìm kiếm thông tin về tác giả, tác phẩm âm nhạc Việt Nam trong quá trình cấp phép sử dụng và phân phối tiền cho tác giả.

Ông Benjamin Ng- Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: "Tôi đánh giá cao VCPMC đã hoạt động và có chuyển biến tích cực trong việc thực thi quyền tác giả âm nhạc. Hoạt động bản quyền không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác cũng gặp những khó khăn, thách thức riêng, nhất là trong lĩnh vực số hóa và internet. Đây cũng là vấn đề mà CISAC đang tập trung giải quyết và tôi hy vọng đại diện của 12 tổ chức tác quyền đến từ 12 nước sẽ cùng chia sẻ với VCPMC để nâng cao kinh nghiệm và kiến thức trong việc thực thi tác quyền, nhất là việc thu tác quyền âm nhạc trong các khách sạn cũng như các lĩnh vực khác. Chúng tôi đang cố gắng hợp tác với Cục Bản quyền để đưa ra những giải pháp bảo vệ quyền tác giả ở Việt Nam. Điều quan trọng là giúp công chúng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc việc thu tác quyền âm nhạc, bởi đó là cách tốt nhất để các tác giả tái tạo sức sáng tạo của mình để có nhiều tác phẩm hơn phục vụ đời sống".

Ông Benjamin Ng, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Hoạt động thực thi quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các hình thức và mức độ vi phạm khác nhau, đặc biệt là trên môi trường số, internet.

VCPMC với việc thu tác quyền âm nhạc tại nhà hàng, khách sạn

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những thuận lợi và khó khăn trong việc thu tác quyền âm nhạc tại nhà hàng, khách sạn và các vấn đề liên quan.

Với tư cách là thành viên của Liên minh các Tổ chức Quyền tác giả âm nhạc và lời trên thế giới CISAC, VCPMC - tổ chức duy nhất ở Việt Nam có trách nhiệm và quyền hạn kiểm soát và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hàng chục triệu tác phẩm của các nhạc sĩ trên thế giới tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đủ để thực thi ở trong nước và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu quốc tế trao đổi kinh nghiệm bên lề hội thảo

Nhìn lại vấn đề cấp phép, thu tiền tác quyền tại các nhà hàng, khách sạn của VCPMC thời gian vừa qua tại thành phố Đà Nẵng, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó Giám đốc VCPMC, giám đốc khu vực phía Nam cho biết: Việc thu tiền tác quyền ở khu vực phía Nam đã được thực hiện 15 năm qua, tuy nhiên khi triển khai ở khu vực miền Trung mà cụ thể là tại thành phố Đà Nẵng thì gặp sự cố mà theo tôi do người dân chưa tiếp cận được Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có việc sử dụng tác phẩm âm nhạc trong khách sạn - Điều đó thuộc về trách nhiệm của VCPMC. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức hội nghị hội thảo để mọi người dân nắm rõ luật pháp. Điều đó rất quan trọng để chuyển động một ý thức hệ. 

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Phó Giám đốc VCPMC, kiêm Giám đốc Chi nhánh phía Nam

Nếu chúng ta đem so sánh thì tại thành phố Hồ Chí Minh, tất cả các khách sạn lớn đều có bộ phận pháp chế, các luật sư chuyên ngành và họ thực thi một cách nghiêm túc từ nhiều năm. Đối với các nước trong châu Á, giai đoạn đầu khi thu tác quyền cũng gặp những khó khăn chứ không riêng Việt Nam. Hy vọng sau hội thảo này, các nước chia sẻ kinh nghiệm và nhờ công tác truyền thông để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hiểu rằng quy trình thu tác quyền của VCPMC là đúng".

Việc tổ chức Hội thảo chuyên đề Cấp phép quyền biểu diễn cho các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả khu vực Châu Á- Thái Bình Dương với các đối tác là cơ hội để Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về bản quyền âm nhạc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chúng ta gặp phải để làm tốt hơn vai trò, trách nhiệm của VCPMC đối với các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

(Nguồn: http://m.danviet.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.