You are here

Việc sử dụng “vô tội vạ” tiếng Anh, tiếng Hàn trong ca khúc tiếng Việt

Tác giả: 
Du Nguyên

Nếu trước đây, chỉ pha một ngoại ngữ thì giờ đây, một số “ông hoàng tạo hít” còn đưa cả 2 hoặc 3 thứ tiếng vào cùng một ca khúc. Hôm qua tiếng Anh, nay tiếng Hàn, ngày mai sẽ pha gì vào ca khúc tiếng Việt?

Nhiều ca khúc được pha tiếng vô tội vạ

Trên đà bản audio thành công ngoài sức mong đợi, ê-kip Erik và Mr.Siro “làm tới”, tung tiếp MV “Chạm đáy nỗi đau” vào cuối tháng 4, chỉ trong một thời gian ngắn mang về hơn 13 triệu lượt người xem. Hiện nay, MV của hai cái tên này vẫn nằm trong TOP thịnh hành trên kênh youtube. 

Nhạc sỹ Hồ Hoài Anh cho rằng sử dụng ngoại ngữ vào ca khúc tiếng Việt để hội nhập.

Song, bỏ qua câu chuyện ca khúc ngôn tình sến súa, ca từ không có sáng tạo – vốn dĩ nằm trong phạm vi tranh luận giữa nhạc giải trí và nhạc chuyên môn không có hồi kết, sự lan tỏa của “Chạm đáy nỗi đau” lại buộc không ít người phải giật mình vì độ “chơi bạo” của tác giả và cả người thể hiện ca khúc khi pha một lúc 2 ngoại ngữ khác vào ca khúc tiếng Việt. 

Cụ thể ở đây là tiếng Anh và tiếng Hàn: “Babe! Kajima! Stay here with me! Kajima”, “Nỗi sợ I'm losing you”. Nếu Siro không lên tiếng, có lẽ, cũng sẽ không có ai, kể cả những fan ruột của KPOP có thể hiểu được “Kajima” mà cha ruột ca khúc sử dụng là tiếng Hàn (đã được phiên âm). Và muốn hiểu ca khúc nói gì, có lẽ phải vừa nghe vừa kè kè cuốn từ điển bên cạnh thì may ra…! 

Ngoại trừ fan của 2 anh chàng này, đa số còn lại đều cho rằng, bản ballad đầy tính ngôn tình này sẽ hoàn thiện hơn nếu không pha tiếng một cách khó hiểu và vô nghĩa như vậy. Khán giả có quyền được thưởng thức trọn vẹn bài hát, chứ không phải sau khi thưởng thức lại quay ra thắc mắc "kajima" nghĩa là gì?

"Ta còn yêu nhau" là MV đầu tiên được Đức Phúc tung ra sau khi làm náo loạn showbiz bởi cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nhằm "đổi đời". Sau hơn 1 ngày, "Ta còn yêu nhau" đã cán mốc hơn 1 triệu lượt người xem. Đây cũng là kỷ lục của Đức Phúc từ trước tới giờ. 

Thế nhưng, có một điều buồn cười ở đây, một MV ca nhạc được thực hiện tại Việt Nam, người sáng tác và ca sỹ đều là Việt Nam, bối cảnh câu chuyện cũng ở Việt Nam nhưng phần thoại khá dài ở đoạn đầu lại được lồng tiếng Hàn Quốc. 

“Chạm đáy nỗi đau” – ca khúc pha một lúc tiếng Hàn và tiếng Anh của Mr.Siro do Erik thể hiện.

Phải chăng, Đức Phúc cùng ê-kíp của mình đang cố bắt kịp “trend” (thuật ngữ được giới trẻ hay dùng, ý chỉ về “xu hướng”) Hàn của làng giải trí Việt hiện nay cho hợp mốt? Nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng Đức Phúc quá “sính ngoại” và muốn làm màu cho sản phẩm mới của mình?

Trước đó, nhóm nhạc nữ toàn những cô nàng xinh đẹp tên LIME tung ra ca khúc “Take it slow” (Đừng vội) cũng pha một cách vô nghĩa 3 thứ tiếng, bao gồm Việt, Anh, Hàn trong ca khúc của mình. “I like baby/ Du ri beon go ri neun concept/ Neon maeume an deu neun cheokhae/ Deop da myeon seo beot neun jacket/ Neom bam sae da/ I lay down”…

Một trường hợp khác là hot girl Chi Pu trong lần ra mắt với vai trò ca sĩ gây ầm ĩ trong năm 2017 bằng album "Love Story" gồm 3 ca khúc là 3 phiên bản đặc biệt của ca khúc "Từ hôm nay", "Cho ta gần hơn” - sau khi công bố cũng nhận được không ít gạch đá của dư luận người Việt lẫn người Hàn khi giọng hát chưa tới, khả năng phát âm tiếng Hàn lại đúng kiểu ò ó o, chẳng ai hiểu người đẹp này hát gì. Nhiều người yêu cầu cô dừng sự nghiệp ca hát (mới được mấy ngày) lại. Đừng đầu độc người khác bằng những sản phẩm lỗi.

Giới hạn nào?

Việc sử dụng ngoại ngữ trong bài hát tiếng Việt không phải là mới ở xứ ta. Thậm chí, xưa rồi như… Diễm. Từ lâu, điều đó được xem như là chuyện hết sức bình thường. Kể cả những thành phần say đắm tiếng mẹ đẻ cực đoan nhất, dù không thích, cũng bị buộc phải làm quen với thói quen này của số đông khán giả đại chúng.

 “Nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà – chủ nhân của nhiều hit pha tiếng Việt và tiếng Anh, từng cho rằng: "Những ca khúc có ca từ tiếng Anh giúp dễ hát hơn và dễ được mọi người tìm kiếm trên mạng xã hội hơn". Theo cô, “thế giới đang chuyển mình và đất nước chúng ta cũng đang chuyển mình. 

Nhóm nhạc nữ LIME cũng theo “trend”, pha một lúc tiếng Anh và tiếng Hàn vào ca khúc.

Chuyển mình hay không còn quan trọng vào tầm nhìn của tất cả mọi người. Vì thế mà chúng ta cứ gò bó, bắt ép một bộ phận nào đấy cứ suốt ngày quanh quẩn trong một ao làng thì mãi mãi ở trong ao làng và không phát triển được”.

Hồ Hoài Anh – một trong 4 vị giám khảo quyền lực của sân chơi Sing my song 2018, trước phản ứng khá gay gắt của huấn luận viên Lê Minh Sơn về phần thi của thí sinh Nguyễn Minh Cường có sử dụng ngoại ngữ trong ca khúc của mình, còn cho rằng đưa ngoại ngữ vào là một trong những yếu tố để hội nhập với âm nhạc thế giới.

Thế nhưng, nếu trước đây, người ta chỉ pha một thứ tiếng vào, thì giờ đây, gió đã đổi chiều. Một ngoại ngữ là lỗi mốt, lỡ “xu hướng”. Tiếng Việt đã đành, thêm tiếng Anh vẫn chưa diễn tả nổi hàm ý cao siêu của những ông hoàng, bà hoàng giải trí, cuối cùng, phải pha hai hoặc ba thứ tiếng vào mới bao hàm hết được.

Trong khi đó, gạt bộ phận fan hâm mộ vĩ cuồng qua một bên, với số công chúng còn lại, việc dỏng tai để nghe ca sỹ hát gì, bài hát nói về gì thực sự chẳng khác gì đánh đố nhau. Khi ca sỹ hát, công chúng lại phải yêu cầu bản dịch. Chuyện nói ra có vẻ khôi hài nhưng đang là thực trạng pha tiếng nước ngoài một cách vô tội vạ trong ca khúc tiếng Việt hiện nay ở nước ta. 

Thậm chí có những trường hợp, tiếng Việt gần như bị “nuốt chửng” bởi một ngoại ngữ khác trong ca khúc. Hẳn những người theo dõi âm nhạc còn nhớ MV “Be Your Own Color” của Thủy Top gây phản cảm khi tiếng nước ngoài át cả tiếng mẹ đẻ, trong khi đó, phần tiếng Việt lại được/bị hát không rõ lời.

Miễn cưỡng mà đồng ý việc sử dụng tiếng nước ngoài vào ca khúc tiếng Việt là một điều bình thường nhưng giới hạn của việc pha tiếng đến đâu, vẫn là một câu hỏi đáng bàn. Hôm qua pha tiếng Anh, tiếng Pháp,…, nay pha tiếng Hàn, mai sẽ pha tiếng gì vào ca khúc tiếng Việt? Nếu cứ đà này, biết đâu mai mốt, một ca khúc thuần Việt 100% sẽ chỉ còn trong “bảo tàng” âm nhạc Việt Nam mà thôi.

MV của ca sỹ Đức Phúc cũng gây phản cảm khi có đoạn thoại khá dài bằng tiếng Hàn.

Từ lúc nào, tiếng Việt mất khả năng diễn đạt của nó? Tiếng Việt giàu và đẹp ở đâu rồi? Người Việt hát tiếng Việt cho người Việt nghe, một ca khúc thuần Việt là điều chẳng có gì là lạ nhưng tại sao, hiện nay, lại trở thành một điều xa xỉ đến vậy? 

Chúng ta đang đi một con đường ngược về tư duy bản sắc. Hòa nhập như thế nào, để không bị hòa tan trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mạnh mẽ ngoài kia – câu hỏi thực tình khó trả lời, trong bối cảnh và không gian thưởng thức giải trí như hiện nay ở nước ta.

Nhạc sỹ Phạm Duy từng viết “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” trong “Tiếng nước tôi”. Tác giả Lưu Quang Vũ từng gọi đó là thứ tiếng “suốt đời tôi mắc nợ” trong “Tiếng Việt”. Ông bà ta hay dạy “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Chính để nhắc về thứ ngôn ngữ như máu thịt, như tâm hồn dân tộc này. Thứ ngôn ngữ để “thờ”, chứ không phải để nay pha mai xập xình cho vui.

Khi “một dân tộc đánh mất linh hồn nằm sâu trong tiếng mẹ đẻ”…

“Khá nhiều người nói rằng, ngữ pháp “đề - thuyết” rất đúng với tiếng Việt cổ - tiếng Việt của ca dao, tục ngữ của “Ức Trai thi tập”, của “Kiều”, của “Chinh phụ ngâm”, nhưng không còn đúng với tiếng Việt hiện đại, vì ngày nay, do tiếp xúc với ngoại ngữ, tiếng Việt đã “sao phỏng” ngữ pháp châu Âu mà trở thành y hệt như tiếng họ rồi – một sự chuyển biến đáng mừng, vì có thế, ta mới thực sự hội nhập” với thế giới hiện đại được.

Những người nghĩ như thế quên mất rằng tư duy của loài người là một, nhưng các phương tiện biểu đạt tư duy trong các thứ tiếng lại vô cùng phong phú và đa dạng. Và chính tính đa dạng của ngôn ngữ, cũng như các lĩnh vực khác trong nền văn hóa dân tộc, làm cho sự hội nhập có thể được thực hiện mà không dẫn tới sự đơn điệu, tẻ nhạt. Một dân tộc đã đánh mất cái linh hồn nằm sâu trong tiếng mẹ đẻ của nó, liệu còn có thể giữ được cái bản sắc độc đáo trong nền văn hóa dân tộc được không, và từ đó, còn có thể đóng góp được gì vào bức tranh muôn màu của văn hóa nhân loại?

(GS. Cao Xuân Hạo – “Tiếng Việt, văn Việt, người Việt”, NXB Trẻ, 2017)

(Nguồn: http://cstc.cand.com.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.