You are here

Về đời sống âm nhạc các dân tộc ở nước ta ngày nay

Tác giả: 
Nông Quốc Bình

Văn nghệ dân tộc thiểu số, nói chung - âm nhạc dân tộc thiểu số nói riêng - một định danh đã trở nên quen thuộc gần gũi và hấp dẫn. Nó là hoa văn, họa tiết của một bức thổ cẩm văn nghệ nước nhà, được quy định và khẳng định bởi những tác giả - tác phẩm đã và đang đóng góp; bởi một đội ngũ say mê, chuyên tâm và trách nhiệm lấy đề tài miền núi, dân tộc làm mục đích - cứu cánh cho niềm đam mê sáng tạo của mình; bởi những gì đã được ghi nhận và yêu mến.

Trước Cách mạng Tháng tám 1945 chưa có một nền âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng trong đời sống tinh thần, mỗi dân tộc đã sáng tạo được những giá trị âm nhạc dân gian phong phú. Truyền thống âm nhạc dân gian của mỗi dân tộc là tâm hồn, là tình cảm được chung đúc qua nhiều thế hệ, đáp ứng nhu cầu cảm thụ thẩm mỹ của từng dân tộc và phản ánh hiện thực theo quan hệ thẩm mỹ của dân tộc ấy với thực tại. Âm nhạc trong quá khứ của mỗi dân tộc là người bạn thân thiết với từng thành viên trong cộng đồng. Một tiếng hát ru từ thời lọt lòng, rồi lớn lên, tuổi thiếu niên là những bài đồng dao, tuổi thanh niên là những điệu hát giao duyên, đám cưới, cho đến khi từ biệt sự sống, tiễn đưa linh hồn sang bên kia thế giới là những điệu hát đưa ma. Âm nhạc dân gian gắn chặt với lao động sản xuất, với sinh hoạt xã hội của từng dân tộc, mang sắc vẻ sinh động, tươi tắn. Đến nay, những làn điệu sli, lượn, then của dân tộc Tày, Nùng; những gâu plềnh của dân tộc Mông; những làn điệu khắp của dân tộc Thái; những khan, a-vơng của các dân tộc Tây Nguyên, và những âm thanh độc đáo của các nhạc cụ tính tẩu, khèn, t’rưng, klông pút, a-la,ka-vơ, chiêng; vẫn làm rung động tâm hồn nhiều người.

Âm nhạc với cuộc sống các dân tộc có thể ví như cơm ăn, nước uống, như nguồn dinh dưỡng bồi đắp tâm hồn, tình cảm con người qua các thế hệ, và mỗi thế hệ lại làm giàu, làm phong phú thêm vốn quý đó. Âm nhạc dân gian mỗi dân tộc có quan hệ mật thiết với tiếng nói - rộng hơn là ngôn ngữ - của dân tộc ấy, biểu hiện của trình độ phát triển của xã hội. Những yếu tố lạc hậu dần dần bị loại bỏ trong quá trình xây dựng một nền âm nhạc chuyên nghiệp ở vùng các dân tộc thiểu số. Trình độ phát triển của các dân tộc ngày một được nâng cao, trong xã hội mới đã dần hình thành những thế hệ con người mới. Đó là những điều kiện cho phép từng bước xây dựng một đời sống âm nhạc chuyên nghiệp, tức là xây dựng đội ngũ những người sáng tác, biểu diễn, lý luận, phê bình và xây dựng một công chúng âm nhạc. Biểu hiện tập trung nhất là sự hoạt động của các đơn vị nghệ thuật ở các vùng, địa phương dân tộc và miền núi: Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc (tiền thân là Đội văn công liên khu Việt Bắc), Đoàn Ca múa Sơn La nay là Nhà hát Ca múa nhạc Sơn La (tiền thân là Đoàn ca múa khu tự trị Tây Bắc), Đoàn Ca múa Đam San (tiền thân là Đoàn văn công Tây Nguyên), Đoàn nghệ thuật không chuyên Huyện Bắc Bình, Ninh Thuận, Đoàn nghệ thuật Khmer Cần Thơ…

Từ ngày thành lập đến nay, gần nửa thế kỷ (1953-2002), Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc đã trải qua những thời kỳ hoạt động khác nhau, hòa theo từng bước phát triển kinh tế- văn hóa xã hội mỗi thời kỳ của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc. Những năm qua đoàn đã hoàn thành được nhiều chương trình mang rõ nét màu sắc dân tộc, được đồng bào các dân tộc yêu thích. Đội múa của đoàn đã từng là thành phần đáng kể trong các đoàn nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài, như Liên Xô, Campuchia, Ba Lan, Italya…

Ở miền Tây Bắc của Tổ quốc, một thiết chế văn hóa như thế cũng đã được hình thành, đó là Đoàn nghệ thuật Sơn La, một đơn vị kế thừa và phát triển những thành tựu của Đoàn nghệ thuật Tây Bắc cũ. Ra đời và trưởng thành trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến nay Đoàn ca múa Sơn La đã trải qua mấy chục năm hoạt động. Từ thực tế hoạt động nghệ thuật những năm qua, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đã trưởng thành, có những đóng góp tích cực cho đoàn, trở thành đội ngũ nòng cốt. Đó là hai biên đạo múa Nghệ sĩ Ưu tú Lường Tiến (dân tộc Thái), Nghệ sĩ quá cố Đinh Văn Phan (dân tộc Mường), cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ Cầm Bích, Lò Minh Khùm, Cầm Minh Thuận, Mùi Hái, Sa Thanh Yên, Vương Thanh Hải, Hoàng Chiên, Phan Dương, Điêu Thúy Hoàn…

Đại diện cho một vùng đất Tây Bắc Tổ quốc, nơi có các dân tộc Thái, Mông, Dao, Mường, Khơ Mú… cùng chung sống, Đoàn Ca múa Sơn La đã tập hợp và phát huy được khả năng của một tập thể các tác giả địa phương như Cầm Bích, Mùi Hái, Cầm Minh Thuận, Sa Thanh Yên…, những người am hiểu vốn văn hóa truyền thống và một trình độ chuyên môn tương đối vững vàng, nhiều người đã có trình độ đại học âm nhạc. Trên vốn nghệ thuật cổ truyền phong phú đó mà đoàn đã cho ra mắt được những tiết mục đặc sắc, mang đậm phong vị dân tộc: những điệu múa Trên đường xuống chợ (biên đạo Lò Minh Khùm), Dưới ánh trăng (biên đạo Vũ Hoài), Cống tốp (biên đạo Lường Tiến), Đêm trăng, Tình ca Tây Bắc, Đám cưới (biên đạo Lò Minh Khùm), Chuông (biên đạo Vũ Hoài), Ngôi sao Khun Lú - Nàng Ủa (Cầm Bích), Sơn La quê tôi, Bản em (Mùi Hái), Tình rừng (Sa Thanh Yên)… lôi cuốn người xem. Nhìn chung, ca múa nhạc là một thế mạnh của đoàn và chiếm một vị trí đặc biệt trong các chương trình biểu diễn. Phải chăng, đây là một thế mạnh phổ biến của các đoàn ca múa miền núi?

Cũng như hai địa bàn - hai vùng văn hóa Tây Bắc, Việt Bắc ở Tây Nguyên, mảnh đất phong phú các giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống của các dân tộc cũng đã và đang là nơi khai sinh và phát triển một đơn vị nghệ thuật có bề dày gần nửa thế kỷ. Đó là Đoàn văn công Tây Nguyên trước đây, nay là Đoàn nghệ thuật Đam San.

Thành lập ngày 10-10-1955, chỉ một năm sau ngày chiến thắng Điện Biên, giải phóng Thủ đô, hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đoàn Ca múa Tây Nguyên (tiền thân của Đoàn nghệ thuật Đam San ngày nay) là đơn vị tiêu biểu và đại diện cho nghệ thuật các dân tộc ở Tây Nguyên. Sáu người của thuở ban đầu làm nòng cốt đó là: các chị H’Ben (dân tộc Bana), H’Wil, các anh Nay Pơ, Y Yơn, Nay Pha và Nay Quách (dân tộc Gia-rai). Đã có sáu thế hệ các nghệ sĩ đem tuổi thanh xuân, lời ca, điệu múa, ngón đàn tài hoa của mình làm nên bề dày thành tích cống hiến cho vườn hoa nghệ thuật Việt Nam  nói chung, nghệ thuật các dân tộc Tây Nguyên nói riêng…

Trải qua hơn 45 năm hoạt động nghệ thuật, với phương châm lấy dân tộc làm nền tảng vững chắc, đoàn ca múa Đam San luôn luôn giữ được phong độ của một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đàn anh ở Tây Nguyên. Đã có nhiều nghệ sĩ của Đoàn cả ba thế hệ được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: hai nghệ sĩ nhân dân Y Brơm, Đinh Xuân La; các nghệ sĩ ưu tú: Thảo Giang, Kim Nhớ, Đinh Long Ta, Nay Pha, Êban Quý, Măng Thị Hội, Quang Tâm… Dẫu ngày hôm nay có người đã không còn, người làm công tác giảng dạy hay còn ở lên sàn diễn, anh chị em cũng vẫn là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.

Bên cạnh ba đoàn nghệ thuật của ba vùng đại diện cho nhiều dân tộc như kể ở trên, ta còn phải kể đến Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) và đoàn nghệ thuật Chăm không chuyên Bắc Bình (Ninh Thuận) cùng các đoàn nghệ thuật của các tỉnh dân tộc và miền núi khác…

Trong mấy chục năm qua, tuy mới là bước đầu, đội ngũ người dân tộc làm âm nhạc chưa đông, tác phẩm chưa nhiều, nhưng những hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp ở vùng các dân tộc đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đó là nền móng cho tương lai phát triển âm nhạc ở vùng các dân tộc thiểu số nước ta. Mục đích của âm nhạc vùng các dân tộc là xây dựng một đội ngũ làm công tác âm nhạc trên các lĩnh vực sáng tác, lý luận, phê bình, nghiên cứu, biểu diễn, tạo ra được những tác phẩm âm nhạc có nội dung tư tưởng tốt, chất lượng nghệ thuật cao, góp phần thúc đẩy, nâng cao đời sống âm nhạc nói chung.

Chính sách dân tộc của Đảng đã chỉ ra rằng, các dân tộc phải đoàn kết, bình đẳng giúp nhau cùng tiến bộ. Một sự bình đẳng tốt đẹp nhất là bản thân mỗi nhạc sĩ người dân tộc phải luôn luôn tự phấn đấu, nâng mình lên ngang tầm với trình độ chung, từ đó xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc.

Thế kỷ XX đã khép lại. Từ điểm khởi đầu hai thập kỷ của thế kỷ mới nhìn lại quá khứ - thời gian hơn một trăm năm đầy biến động của lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc - ta thấy cùng với những kỳ tích của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc còn có những giá trị âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cách mạng nửa sau thế kỷ XX là rất đáng trân trọng. Những giá trị âm nhạc chân chính, qua thử thách của thời gian, dường như càng lấp lánh tỏa sáng. Ở đây, mảng sáng tác về đề tài dân tộc và miền núi mà nổi bật là ca khúc giữ một vai trò quan trọng. Nó là sự khẳng định về sự trưởng thành của đội ngũ tác giả nhạc sĩ, trong đó có các nhạc sĩ người dân tộc, thông qua số lượng và chất lượng tác phẩm đã ra đời và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân mấy chục năm qua.

Sức nặng đích đáng của âm thanh ca từ, trong những sáng tác âm nhạc; sung lực được đánh thức và hàm chứa trong giai điệu của các tác phẩm âm nhạc được người nghệ sĩ thể hiện bằng tài năng của mình khi viết về những vùng đất và con người các dân tộc đã trở thành những giá trị không trộn lẫn trong đời sống văn nghệ nước nhà.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.